Hải An

Sau gần 30 năm xuất bản tiểu thuyết đầu tay “Mẹ con”, nhà quay phim Đỗ Phương Thảo trở lại với độc giả bằng tự truyện thời thơ trẻ của bà. Như những thước phim quay ngược về quá khứ, câu chuyện thấm đượm tinh thần văn hóa trong các bữa ăn truyền thống của người Việt ở Đồng bằng Bắc Bộ, đặt trong bối cảnh chính của phố Hiến – Hưng Yên và Kinh kỳ – Hà Nội.

Trong gian bếp của mỗi gia đình, các món ăn “sống” đời sống của mình từ lúc bắt đầu, hoàn thành rồi kết thúc. Người tạo ra món ăn hoặc người thưởng thức chúng, cũng sống một đời sống song hành, trong tiếp nối đón nhận những tình thân thương mến; nhưng không phải để kết thúc, mà để lưu giữ và nuôi dưỡng chúng.

Cuốn sách nhanh chóng dẫn người đọc vào không gian bếp quây quần sau ít dòng mở đầu nói về gia cảnh tác giả. “Tôi sinh ra ở thị xã Hưng Yên, vùng phù sa văn hóa ven sông Hồng, nơi có phố Hiến, một trong hai địa danh sầm uất sau Kinh kỳ. Nhà tôi ở giữa Phố chợ cũ, thị xã Hưng Yên, mẹ tôi bán hàng tạp hóa ở phố chợ, bố tôi dạy học ở Xích Đằng… Năm 1941, bố tôi ốm rồi mất, sau đó chưa đầy hai tháng mẹ tôi cũng đi theo”. Khi ấy, nhân vật chính của cuốn tự truyện, bà Đỗ Phương Thảo, mà ở nhà thường gọi là Bé, mới một tuổi. Hành trình lớn lên của một đứa trẻ mồ côi cha mẹ lúc đó thật không dễ dàng, nhưng đã được an ủi bởi sự nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo ân cần của những người thân, đặc biệt là gia đình người bác ruột.

Ký ức bắt đầu dày lên khi Bé đến tuổi đi học vỡ lòng, vào lớp tư (lớp một). Các món ăn nuôi lớn con người, theo thời gian, cũng lần lượt hiện ra. Từ những món mặn thường ngày tới mâm “cỗ tỉnh” ngày giỗ. Xen lẫn vào đó là các món tráng miệng hay quà vặt… Thế giới ẩm thực được nhắc đến mang gương mặt phù sa, châu thổ với cả nét tinh tế lẫn bình dân, cả cầu kỳ lẫn giản dị song tuyệt đối không đại khái, qua loa mà cẩn thận, kỹ lưỡng ngay từ lúc bắt đầu chế biến cho tới khâu bày biện cuối cùng.

“Bếp ấm của mẹ” có thể chia thành ba phần chính theo diễn biến cuộc đời nhân vật: Thuở ấu thơ ở Hưng Yên, những năm tản cư vào Thanh Hóa, và đời sống sau ngày hòa bình trở về. Ở đó, nỗi nhớ được cụ thể bằng ký ức, các món ăn ấu thơ hiện lên ăm ắp như những lời chào mời nồng nhiệt, hấp dẫn và tiếp nối sau đó, một không khí trầm lặng hơn tràn về. Thay vì bún thang, ốc hấp, lươn om, gà tần…, là cháo cho người đói năm Ất Dậu, là canh bầu sao nấu trùng trục ăn lúc dừng chân nghỉ lại trên đường tản cư, là món muối giềng quen thuộc khi xa nhà đi học tại vùng tự do Thiệu Hóa (Thanh Hóa)… Những món ăn mang số phận của chính nó, phản chiếu cả gương mặt đời sống vật chất và tinh thần của cá nhân và xã hội nó song hành.

Từ nơi sơ tán trở về, căn nhà xưa đã bị tiêu thổ kháng chiến, nhiều người thân đã mất, chốn đình chùa cũng hương lạnh khói tàn, không còn hương hoa, oản quả, không còn cảnh cũ người xưa. Hoàn cảnh ấy để lại trong tác giả nhiều băn khoăn day dứt.

Bằng tất cả nỗi băn khoăn đó, “Bếp ấm của mẹ” đã ra đời. Các món ăn vật chất đã mang cả vai trò ý nghĩa văn hóa tinh thần. Món ăn nuôi lớn con người thành ra là món ăn của ký ức, của nỗi nhớ, là sự chăm sóc, sự biểu đạt tình cảm mà nhiều khi người ta không tiện nói ra bằng lời. Theo nghĩa đó, nó còn chứa cả “chức năng hàn gắn”, an ủi nữa.

Năm tháng ấu thơ sống dưới mái nhà ở thị xã Hưng Yên có lẽ là tháng ngày đẹp đẽ nhất nhân vật Bé đã có. Những món ngon nhất từng ăn (bởi từ chính món ăn và bởi không khí bao trùm) giống như liệu pháp tinh thần xoa dịu tâm hồn Bé, bồi đắp tố chất người mẹ ở Bé sự chăm lo vun vén và nghị lực vươn lên. Từ một cô bé một tuổi mồ côi tới một thiếu niên tản cư trở về, rồi thành thiếu nữ, làm mẹ, làm bà; tố chất ấy không mất đi mà luôn thường trực ở tác giả. Những đoạn ký ức đứt rời với cha mẹ, đã được nối liền qua những người bác, phần lớn nhờ các món ăn. Những xa cách với con cái, cũng được nối liền nhờ những bữa “cơm lành”, tươm tất mỗi ngày.

Còn có mẹ, còn gian bếp ấm. Và còn gian bếp ấm, lòng mẹ cũng bớt cô đơn. “Bếp ấm của mẹ” được viết để ghi lại ký ức lớn lên, để nhớ về, để hàn gắn lại và người đọc, như những đứa con, cũng được sống, được nhận được đủ đầy các cung bậc cảm xúc ấy.

Exit mobile version