Chuyện thằng Giỏi cưới vợ đã được cả xã Hoà Thanh biết. Người ta xầm xì bàn tán. Người ta tụm năm tụm ba ở góc chợ trước sân đình. Người ta châu đầu lại trong quán cháo lòng bà Sáu Hột. Thằng Giỏi là một thằng con trai mười chín, khoẻ mạnh, chưa vợ thì cái chuyện nó cưới vợ đâu phải là dịch cúm gia cầm đã lây sang nó, hay bị siđa đâu mà thiên hạ bàn tán xôn xao dữ vậy kìa. Có lẽ cái chuyện nó cưới ai mới là quan trọng. Tay Tám Cự là cái loa phóng thanh của xã (vì lúc nào y cũng là người biết “hết trọi chuyện dưới đất và phân nửa chuyện trên trời”), đã chẳng ngần ngại khi thông báo từ đầu trên tới xóm dưới: “Thằng Giỏi cưới chị dâu nó”. Rõ ràng, cái tin này không động trời như sấm tháng ba thì còn cái gì động trời hơn. Người biết chuyện thì trề môi chê trách, cái thằng ăn cơm nhà lo chuyện người ta, cưới ai chớ bộ cưới vợ nó sao mà nó khóc dữ vậy. Con Quỳnh đã là chị dâu thằng Giỏi hồi nào đâu mà đồn bậy bạ. Báo hại nhà Hai Quang không dám đi đường lớn tới chợ mà cứ phải vòng vèo qua mấy khúc quanh. Con Quỳnh cũng đâu sung sướng gì. Bơi xuồng đi bán cá tép cũng kéo sụp cái nón xuống, mắt lấm lét sợ mấy người già mồm lẻo mép nói xa nói gần. Khổ quá đi thôi! Còn có mười mấy ngày nữa tới đám rồi, vậy mà nó chưa dám ra chợ huyện coi mướn áo ở cái tiệm cho thuê đồ cưới của cô giáo Hồng. Kiểu này chắc nhờ chị ba nó đi mướn đại một cái cho rồi. Nhà gái đã vậy, nhà trai cũng đâu sung sướng gì. Sáu Rảnh chết vợ từ hồi thằng Giỏi mười tuổi, cái nhà côi cút ở mé sông bấy giờ chỉ ba cha con đùm túm nhau. Thằng Mạnh lúc đó mới mười hai đã giỏi giang như một người trưởng thành. Lúc vợ Sáu Rảnh mang bầu thằng Mạnh thì cái bụng vợ Hai Quang cũng lum lúp áo. Hai nhà vốn thân thiết với nhau từ hồi xưa rồi nên trong lần giỗ ông nội thằng Mạnh, Sáu Rảnh và Hai Quang đã hứa hẹn làm sui nếu bên sanh trai, bên sanh gái. Chuyện đời rõ ràng không ai lường trước được. Thằng Mạnh đang ăn đang làm sân sẩn bỗng lăn đùng ra bịnh. Nằm mê man mấy ngày, ai cũng tưởng chết. Bịnh viện huyện chuyển về tỉnh nằm thêm hai mươi mấy ngày nữa thì bác sĩ nói hết chết rồi, nhưng thằng Mạnh đã không còn nói được. Cái miệng thì méo xệch, một con mắt cũng không còn nhìn thấy. Tướng đi lại khập khiễng như người chân cao chân thấp. Năm đó, thằng Mạnh vừa tròn mười sáu tuổi.

Con kinh xáng thẳng góc với dòng sông lớn băng qua cánh đồng cò bay thẳng cánh của Hoà Thanh đã khiến việc trồng lúa của người dân ở đây đỡ nhọc nhằn hơn trước. Thằng Mạnh từ sau khi hết bịnh, phải mất cả năm nó mới trở lại chuyện đồng áng, nhưng sức làm chỉ còn phân nửa. Sáu Rảnh thương con mà chỉ biết bó tay trước số phận nghiệt ngã dành cho nó. Một lần nhà có giỗ, nhìn ánh mắt ái ngại của Hai Quang khi thằng Mạnh khập khiễng tới lui làm công chuyện, Sáu Rảnh đã đi tới một quyết định để không gây khó dễ cho bạn mình: “Tôi muốn thay đổi một chút trong lời hứa làm sui giữa tôi với anh nghe anh Hai!”. Hai Quang giật mình, ly rượu trong tay sóng sánh tràn ra ngoài, ánh mắt thoáng chút ngạc nhiên. Sáu Rảnh đặt nhẹ đôi đũa xuống bàn, tay xoay xoay cái chén rồi như nói một mình: “Thằng Mạnh bây giờ đã như vậy, nếu theo lời hứa cũ thì tội nghiệp con Quỳnh quá! Tôi tính thay thằng Giỏi vô chỗ anh nó, anh có ý kiến gì không?”. Hai Quang thở phào một cái. Anh cứ tưởng người bạn từ thuở còn ở truồng đi tắm sông hái ổi, rút lại lời hứa năm nào. Thằng Giỏi cũng được chớ trở ngại gì đâu. Quan trọng là hai nhà vẫn được làm sui. Tối đó, Hai Quang đem chuyện nói lại cho vợ biết. Con Quỳnh núp sau cửa buồng cũng biết chuyện. Nó thở phào nhẹ nhõm. Từ khi lên mười, nó đã mấy lần nghe vài ba người lối xóm nhắc chuyện làm sui giữa hai nhà. Nó thấy thằng Mạnh giỏi giang nên cứ yên chí chuyện hai đứa sẽ là vợ chồng, cho dầu trong cái đầu mười tuổi, nó vẫn chưa biết vợ chồng là thế nào, chắc cũng giống như ba má nó. Đùng một cái, thằng Mạnh bị thập tử nhứt sanh. Bịnh rồi, lại tật nguyền như vậy. Trong lòng con Quỳnh bây giờ chỉ còn lòng thương hại và nó thấy sờ sợ thế nào khi nghĩ đến lời hứa ngày xưa. Những lời trao đổi giữa ba má đã làm cho nó yên tâm. Trong lòng nó, thằng Giỏi tuy chưa có được mối cảm tình sâu đậm nhưng công bằng mà nói, mặt mũi sáng sủa hơn và tướng tá cũng khá hơn anh nó nhiều.

Bữa nay, tụi bạn học cũ kéo nhau về phụ đám cưới. Tranh thủ lúc đủng đỉnh, tụi nó gầy sòng nhậu ở góc vườn. Cái đám cưới này đối với Giỏi cũng chẳng vui sướng gì đâu. Nhưng trong ngày này, ngay từ lúc má nó còn sống, thì tiếng nói của ba nó là lịnh. Cái ngày ba kêu nó nói chuyện cưới con Quỳnh, nó cũng muốn có ý kiến nhưng lời lẽ ba quá thuyết phục nên nó đành chấp nhận, một phần cũng vì nó là đứa dễ nghe, một phần thì con Quỳnh lại là đứa con gái đẹp nhứt Hoà Thành này.

Trong lúc thằng Giỏi cùng tụi bạn đang chén chú chén anh thì thằng Mạnh ngồi chẻ củi ở sân sau. Tuy bây giờ không nói được nhưng nó vẫn còn nghe rõ lắm. Từ khi hết bịnh và thấy bộ dạng mình như vậy, nó như rơi vào một thế giới khác. Nó tuy không được học tới cấp hai như thằng Giỏi (vì lúc má mất, nó đã phải nghỉ học) nhưng nó vẫn biết nghĩ biết buồn. Từ lúc lên bảy lên tám, nó đã chơi chung với con Quỳnh rồi. Bữa nào đi học, nó cũng ráng vòng qua đám lá để được đi chung với con Quỳnh một khúc đường. Con Quỳnh thích bông lục bình nên mấy con mương quanh nhà hễ vừa tim tím màu hoa thì đã không còn. Có khi, nó còn lặn lội xa hơn để bẻ cho được nhiều. Từ ngày thân hình nó như vậy, nó ít gặp con Quỳnh, một phần vì nó cố tránh và cũng bởi con Quỳnh dạo sau này ít tới lui. Chuyện ba nó quyết định cưới con Quỳnh cho thằng Giỏi nó đã biết. Cái bữa ba kêu nó ra đám lá sau nhà rồi nắm tay nó mà nước mắt rưng rưng: “Con à! Ba nói chuyện này con nên hiểu mà thông cảm cho ba. Thân con bịnh tật như vầy, nếu cứ bắt con Quỳnh ưng thì tội cho nó quá! Bác Hai tuy không dám nói ra, nhưng làm cha mà ai không muốn con mình được hạnh phúc. Ba thế thằng Giỏi để giữ lời hứa với bác Hai. Còn con, nếu có đứa con gái nào thấy thương con và tự nguyện, ba hứa sẽ tạo dựng cho con. Con tin ba đi!”. Thằng Mạnh đau điếng trong lòng. Nó thương ba lắm vì từ sau khi má chết, nó thấy ba vẫn lầm lũi nuôi dạy tụi nó lớn khôn. Ba không có thêm ai khác chỉ để lo cho tụi nó. Nó bịnh tật như vầy, ba cũng đau khổ biết bao. Nó cũng nghĩ tới con Quỳnh nữa. Bây giờ, cả cái xã Hoà Thành này, chẳng phải con Quỳnh là đứa con gái đẹp nhứt đó sao. Còn nó thì người ngợm chẳng ra gì. Thằng Giỏi cưới con Quỳnh vẫn còn hơn người khác cưới. Trong lòng một kẻ làm anh như nó, dẫu có buồn nhưng đành ráng chịu mà thôi! Mạnh nắm lấy bàn tay gân guốc chai sạn của ba, nước mắt mằn mặn trên môi, khẽ gật đầu.

*

*   *

Nhà Hai Quang vẫn để đèn sáng trưng dầu gà đã gáy bận nhứt. Hai Quang ngồi uống trà mà lòng dạ không yên. Con Quỳnh đang chuyển dạ. Má nó lăng xăng, hết chạy xuống nhà dưới nấu nước lại chạy vô buồng. Bà đỡ sắp tới rồi.

Có ánh đuốc lấp loá ở cuối vườn. Hai Quang nghe miệng mình đắng nghét. Đắng không phải vì trà. Đắng vì chuyện con Quỳnh. Anh không biết mình làm gì nên tội mà trời bắt phải gánh chịu hoàn cảnh này. Đám cưới con Quỳnh xong, anh như trút được gánh nặng. Đầu trên xóm dưới rốt cuộc rồi cũng thôi bàn tán. Họ còn phải lo cơm gạo, ai đâu ngồi cười người mãi. Được một mùa lúa suôn sẻ, bỗng trời lại bắt tội cái xã vốn yên bình này. Hai mùa liên tiếp, lúa không trổ nổi vì cái bịnh rầy nâu cháy lá cháy đọt. Dân Hoà Thanh vốn chỉ quen làm ruộng, quen ỷ vào cây lúa. Năm nào như năm nấy, xong mùa lúa thì mọi người rảnh tay đình đám. Tụi con trai học đòi thì túm tụm rủ rê nhau ra phố huyện ngồi quán café coi phim. Đám con gái mới lớn cũng mua sắm quần này áo nọ. Cánh đàn ông thì chén trà chung rượu bàn chuyện mùa màng. Bây giờ, lúa chẳng có ăn. Mấy nhà kém cỏi chút thì đã không còn gạo nấu. Mọi người túa nhau đi làm mướn. Nhà Hai Quang thuộc vào hàng khấm khá, nhưng Sáu Rảnh thì không ít khó khăn. Anh như con đại bàng đã xệ một cánh rồi. Hồi thằng Mạnh bịnh, anh đã thất điên bát đảo. Bây giờ, nó lại không làm được như xưa. Thằng Giỏi thì không bằng anh nó. Nợ đám cưới vẫn chưa trả xong. Lúa trong bồ chỉ còn ngót chục giạ không đủ ăn tới giáp hạt. Còn đủ thứ tiền chỉ trông vào mấy hột lúa…

Có tiếng trẻ “oa…oa…” trong buồng. Hai Quang giựt mình như người vừa tỉnh ngủ. Tiếng bà Năm mụ mừng rỡ: “Con trai bây ơi! Bự quá! Không chừng hơn ba ký đó chứ!”. Vợ Hai Quang chạy ra ngoài giục: “Ông thắp nhang ngoài bàn ông Thiên với bàn thờ tạ ơn ông bà đã phù hộ cho con nhỏ, mẹ tròn con vuông rồi!”. Trong buồng, con Quỳnh dầu đã gần kiệt sức, vẫn đưa tay chạm vào đầu đứa bé, nước mắt nó bỗng trào ra, không kềm giữ được. Nó lặng lẽ khóc.

*

*   *

Sáu Rảnh tay xách hai con gà mái đẻ, tay xách buồng chuối xiêm trái nào cũng mập căng da, lầm lũi qua nhà sui gia. Nỗi đau trong lòng anh cũng đâu thua gì cái đắng trong lòng vợ chồng Hai Quang. Trời ạ! Không biết kiếp trước hai người có làm tội làm tình gì mà kiếp này cứ gánh chung gánh khổ. Thằng Giỏi đi Mã Lai được hai năm rồi. Cưới nhau bữa trước, bữa sau thằng Giỏi bỗng về nhà với cái tin nóng hổi. Nó xin đi hợp tác lao động nước ngoài. Ban đầu, Sáu Rảnh không bằng lòng “Con mới cưới vợ, rồi bỏ đi ba năm mà được sao? Ở nhà, đói no cũng vợ cũng chồng, ba không nghĩ mình nghèo mãi!”. Nhưng thằng Giỏi lại tuôn ra một tràng rằng: “Ba không thấy thằng Dũng con ông Tám Tiễn đi làm gởi tiền về cất nhà tường đó sao? Còn con Lan cháu bà Hai Nguyệt thì gởi tiền về chuộc đất rồi còn mua đất mới. Nhà mình cứ bám mấy miếng ruộng, trời cho thì nhờ, không cho thì chịu, một đời không cất đầu lên nổi với người ta. Con đi ba năm cũng như đi học ở tỉnh, có lâu gì. Không chừng, nếu được, con sẽ xin cho Quỳnh đi luôn, nhà mình khấm khá mấy hồi”. Sáu Rảnh nén tiếng thở dài. Đúng là hoàn cảnh đã khác xưa rồi. Thằng Giỏi không phải không có lý. Tụi nó còn trẻ, cách nó giải quyết công chuyện cũng mau mắn và dứt khoát hơn. Anh già rồi, với lại hoàn cảnh này cũng chịu bó tay. Thôi thì, cứ thử một phen. Người ta đã thành công, mình cũng nên theo chứ.

Xa chồng hai năm, không một lần gặp mặt, giờ con Quỳnh bỗng nhiên lại… sanh nở! Có chui xuống đất cũng không hết nhục. Cái xã Hoà Thành này lại một phen xầm xì bàn tán. Lần này, họ bàn công khai, họ cười trước mặt. Cái ngày biết chuyện con Quỳnh có bầu, vợ chồng Hai Quang đi như chạy qua nhà sui gia quên cả mang dép. Con Quỳnh ngồi ngoài bờ chuối, tóc tai rã rượi. Chưa biết sự thể ra sao nhưng thấy con như vậy, vợ Hai Quang đã rấm rức khóc. Hai Quang thì mặt không còn chút máu, chỉ muốn quỳ xuống lạy sui gia. Nhưng Sáu Rảnh cũng lấm lét như vừa bị bắt trộm, ngó thấy lạ lùng. Hai Quang chưa mở lời thì Sáu Rảnh đã lên tiếng: “Lỗi tại tôi, dạy con không kỹ, để cơ sự như vầy, anh chị đừng trách tôi nghe!”. Hai Quang trợn mắt, tưởng mình nghe lầm. Nhưng anh lại thấy thằng Mạnh ngồi dựa vào vách, mặt buồn hiu. Anh ngờ ngợ điều gì đó trong đầu. Không lẽ… không lẽ nào…? Tiếng Sáu Rảnh đã rõ mồn một: “Nó có bầu với thằng Mạnh, nó chịu thiệt rồi! Tôi không biết phải làm sao!”.

Ngoài vườn, con Quỳnh cứ rưng rưng khóc. Má nó hỏi một buổi rồi mà nó vẫn chưa trả lời một tiếng. Hai mẹ con cứ ngồi đến khi Sáu Rảnh bước ra: “Thôi! Vô nhà đi chị Hai, ngồi đó cũng đâu giải quyết được gì!”. Thằng Mạnh lặng lẽ xuống nhà dưới nấu cơm. Nó biết ba buồn lắm. Nhưng chuyện đã như vậy rồi, không biết trách ai. Bữa cơm chỉ vợ chồng Hai Quang với Sáu Rảnh. Con Quỳnh rút vô buồng nằm khóc. Thằng Mạnh lủi thủi gom củi ở sân sau. Hai Quang nói với bạn mà như nói với mình: “Thôi đi, đằng nào cũng con cũng cháu. Ông trời đã định vậy rồi, đành cắn răng mà chịu, ai có cười có nói thì vợ chồng tôi gánh vác hết cho”. Sáu Rảnh buông đũa: “Tôi cũng không trách nó. Mới về nhà chồng mà thằng Giỏi đi biệt như vậy, nó trẻ người non dạ, lỗi là tại tôi không dòm trước ngó sau”.

Cuối cùng, vợ chồng Hai Quang xin rước con về chờ ngày sanh nở. Con Quỳnh ở suốt trong nhà không ra tới chợ. Ngày sanh gần kề, Hai Quang biểu đi rước bà Năm mụ, anh không dám cho con Quỳnh ra trạm xá sợ phải nghe những lời dị nghị.


Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

*

*    *

Từ ngày con Quỳnh có bầu rồi ba má nó rước về bên nhà, cái nhà chỉ còn hai cha con càng lạnh lẽo hơn. Sáu Rảnh không trách cứ gì thằng Mạnh, anh thấy đời nó cũng khốn khổ quá rồi. Nhưng thái độ nó thì lạ lùng quá! Con anh nuôi, anh biết tánh. Nó vốn là người có trách nhiệm. Hồi nhỏ, có lần cột xuồng không kỹ để trôi mất. Vợ chồng anh cứ nghĩ bị mất trộm, nhưng nó đã nói là tại mình cột dây lỏng lẻo quá! Trong nhà, lỡ làm rơi rớt đồ đạc, nó chưa bao giờ đổ lỗi cho em. Lúc nào nó cũng là người nhận trách nhiệm về mình. Còn trong chuyện này, chuyện tày trời mà… sao anh thấy nó chỉ buồn và lặng lẽ. Nó làm công chuyện nhà như thường, chỉ có ý tránh mặt anh. Nhà chỉ còn hai cha con mà nó lại không nói được. Anh buồn rầu nghĩ tới ngày thằng Giỏi về nước, không biết anh phải ăn nói làm sao.

Ở nhà sui gia về, lòng anh lại ngổn ngang trăm mối. Thằng Giỏi vừa gởi thơ về hỏi thăm, còn nói sẽ về trước hợp đồng hai tháng. Nhìn qua ngó lại, anh cũng không biết tính sao. Phải chi con Quỳnh nó nói năng hay bày tỏ chút gì, anh còn có đường tháo gỡ, đằng này, có cứ nín thinh. Chỉ một lần duy nhứt khi anh hỏi nó về lời đồn ngoài chợ xã, nó vừa khóc vừa chịu nói thiệt là đã có bầu. Anh chưa kịp hỏi thêm thì thằng Mạnh đã chắp tay xá anh rồi vỗ vào ngực nó. Người ta nói, đàn bà sanh còn non ngày tháng mà cứ rầu buồn u uất như vậy, không khéo lại bị tâm thần. Anh không biết nên thương hay nên giận đứa con dâu này nữa. Về tới nhà, đụng mặt thằng Mạnh, anh ngoắc nó lại: “Coi sắp đặt rồi đi thăm con Quỳnh. Lỡ thì cũng lỡ rồi. Nó sanh đẻ mà không có con qua, nó buồn tội nghiệp. Với lại, cũng phải dòm qua thằng nhỏ một cái, nó dễ thương lắm!”. Thằng Mạnh nhìn anh buồn bã nhưng cũng gật đầu.

Sáng ra, trời chưa tỏ mặt, thằng Mạnh bắc sẵn nồi cơm cho ba rồi lủi thủi qua nhà con Quỳnh. Nó đi sớm để không ai thấy mà buông lời chọc ghẹo, nhưng vẫn không thoát. Vừa tới đập nước, một đám người đi chợ sớm đã trông thấy nó:

– Mèn ơi! Đi đâu sớm vậy Mạnh? Qua thăm con hả?

– Vợ mày có ngon cơm không?

– Thằng Giỏi về thì mày nói sao với nó? Ủa, mà mày đâu có nói được!

Rồi họ cười. Tiếng cười của họ làm tan nát lòng Mạnh. Trong đời, có phải họ không gặp chuyện trái ngang đau buồn đâu! Mà sao trước nỗi đau của người khác, họ lại nhẫn tâm vậy! Thằng Mạnh không thèm nhìn lên, cứ cắm đầu đi miết.

Thấy thằng Mạnh thập thò ngoài cửa, vợ Hai Quang lên tiếng cho nó đỡ sợ: “Con vô nhà đi! Tới rồi còn đứng đó làm gì!”. Thằng Mạnh rón rén bước vô. Nó nhìn vào buồng mà cái mặt buồn hiu. Con Quỳnh nghe tiếng má, biết thằng Mạnh qua thăm, nó bước ra ngoài ngồi xuống bộ ván. Thấy trên tay thằng Mạnh cầm bọc đồ, nó rớt nước mắt: “Anh mua gì đó?”. Mạnh mở bọc đồ ra, có mấy bộ đồ con nít. Con Quỳnh lẩm bẩm: “Tội em có chết cũng chưa đền hết được. Làm khổ anh như vầy, em xin anh tha thứ cho em nghe!”. Thằng Mạnh buồn bã nhìn gương mặt đầy nước mắt của con Quỳnh. Nó ra dấu biểu đừng nói, sợ vợ chồng Hai Quang nghe. Rồi nó đưa tay ra dấu biểu con Quỳnh ráng ăn cơm để có sữa cho con bú. Trong ký ức nó bây giờ là hình ảnh của những ngày hai đứa còn đi học, chơi chung, là những bông lục bình tim tím, là con Quỳnh với hai cái bím tóc nhỏ như đuôi chuột. Bây giờ, nó biết con Quỳnh đang khổ. Cái gánh con Quỳnh đang mang nặng lắm, chắc gì gánh nổi. Nó chỉ muốn sẻ chia, chỉ muốn làm được chút gì đó cho đứa con gái mà nó đã yêu mến từ nhỏ thôi.

*

*   *

Không đợi về tới nhà, thằng Giỏi đã biết chuyện khi vừa xuống máy bay. Ở nhà không ai đi đón, nó đi chung với đám bạn cùng xã và có mấy người mau miệng đã thông báo chuyện tày trời kia. Từ nhỏ, nó vốn rất thương anh. Thằng Mạnh có thứ gì mà không nhường nhịn nó. Trong chuyện cưới con Quỳnh, nó cũng hơi ngài ngại. Nhưng vốn là đứa hời hợt, nó chấp nhận mọi thứ dễ dàng. Bây giờ, chuyện động trời lại xảy ra, lòng nó thấy mắc cỡ với mọi người hơn là đau buồn. Mấy món quà nó mua cho ba, cho anh và cho vợ bây giờ lại nặng trĩu trên tay.

Vừa về tới nhà, người mà nó nhìn thấy đầu tiên là thằng Mạnh. Nó khựng lại rồi cười. “Em mới về, ba đâu anh?”. Thằng Mạnh nghe như có một luồng điện vừa chạy qua người. Rồi Mạnh chỉ tay ra sau vườn. Nó thấy anh mình tiều tụy quá! Nét buồn đọng lại trên gương mặt vốn đã biến dạng kia khiến nó thấy thương anh hơn là oán trách. Sáu Rảnh vừa xách quày chuối vô nhà thì khựng lại nhìn thằng con út. Mắt anh bỗng cay xè.

Bữa cơm đoàn tụ mà như cơm chia tay. Thằng Mạnh lặng im trong thế giới của nó. Sáu Rảnh hỏi qua loa chuyện làm ăn ở xứ người. Chưa ai đả động gì đến con Quỳnh hết. Cơm vừa xong, trời vừa sụp tối. Thằng Mạnh thắp ngọn đèn để trên cái bàn giữa nhà rồi lủi thủi dọn chén đi rửa. Sáu Rảnh đóng cửa kêu thằng Giỏi ngồi xuống ghế. Anh không biết phải mở lời làm sao với con. Hai cha con im lặng. Cuối cùng, Sáu Rảnh cất giọng khàn khàn:

– Chuyện nhà chắc con đã biết rồi! Ba nhận lỗi đã để cơ sự xảy ra như vậy!

– Ba không có lỗi! Ai cũng lớn hết rồi, mình làm gì mình biết chứ! Phải chi lúc đó con đừng nghe lời ba. Từ nhỏ hai người đó đã thân nhau rồi mà!

Sáu Rảnh đặt ly trà lên bàn, giọng run run:

– Con nói vậy là con trách ba đã ép uổng con chớ gì? Thật ra, ba cũng nghĩ cho con và con Quỳnh thôi. Còn Bác Hai nữa. Từ xưa giờ, con thấy ổng thân với ba còn hơn ruột thịt mà. Cũng tại hoàn cảnh thôi. Phải con đừng đi xa thì đâu có chuyện.

– Quỳnh có nói gì hay giải thích gì với ba hôn?

– Nó không nói một lời, chỉ khóc thôi! Còn thằng Mạnh cũng buồn buồn. Ba còn biết làm gì hơn. Hai bác sui bên nhà thì nhận lỗi. Bây giờ biết trách ai đây. Ba để con quyết định chuyện này. Hay dở gì cũng ở con.

Từ nhỏ đến lớn, hai anh em vẫn ngủ trên bộ ván ở nhà trên. Đêm nay cũng vậy. Thằng Giỏi không ngủ trong buồng của vợ chồng nó. Nó lấy gối bỏ vô mùng rồi kéo tay anh nó ra sân.

Hai đứa ngồi xuống cái chõng tre đặt ngoài hàng ba. Sân nhà nhợt nhạt màu trăng. Cảnh vật vẫn không có gì thay đổi. Vẫn hàng rào dâm bụt được cắt tỉa kỹ càng. Mấy cây mai vàng ba nó trồng làm cảnh. Gió ngoài sân thông thốc thổi. Trong lòng hai đứa bây giờ là một đống ngổn  ngang. Thằng Giỏi lại nhớ hồi còn nhỏ, những đêm trăng, hai anh em trốn ba đi chơi đánh nhau ở sân trường. Về tới nhà lúc nào nó cũng núp sau lưng anh. Những lần ba nó cầm roi chờ sẵn thì thằng Mạnh đỡ đòn cho nó. Bây giờ, nhìn lại anh mình quay quắt như vậy, nó bỗng biết mình phải làm gì. Nó nắm lấy bàn tay thằng Mạnh, siết chặt. Nó biết, đời nó nếu không có con Quỳnh, sẽ có những đứa con gái khác cho nó chọn lựa. Còn người anh tật nguyền này thì không. Nghĩ đến đây, lòng nó nhẹ nhõm. Nó sẽ tìm công việc ở nơi khác. Căn nhà này và người con gái đó phải thuộc về người anh tội nghiệp của nó. Rồi như không có chuyện gì xảy ra, nó huyên thiên kể về những ngày sống ở Mã Lai. Nó mải mê nói như chưa bao giờ được nói. Thằng Mạnh ngồi nghe mà không nghĩ được trong lòng đứa em đáng thương này đang nghĩ gì.

Nhà Sáu Rảnh đông khách quá. Người ta “tốt bụng” tới thăm thằng Giỏi từ Mã Lai trở về. Sáu Rảnh dằn lòng mà tiếp khách. Anh biết họ tới để coi vở kịch đau lòng của cha con anh. Hai Quang rất hiểu lòng bạn, anh có mặt sớm nhứt, dầu sao, gánh trách nhiệm cũng có phần anh. Con Quỳnh không về. Nó vẫn buồn bã ôm con ru rú bên nhà ngoại. Chuyện đã tới nước này rồi, nó sẵn sàng chấp nhận mọi thứ, luôn cả chuyện thằng Giỏi sẽ bỏ nó.

Đám người tới thăm và chờ đợi một cuộc chiến nổ ra trong căn nhà vốn đầm ấm này đã có bề thất vọng. Thằng Giỏi vẫn cười vẫn nói, vẫn đem bánh kẹo ra mời. Hai Quang vô cùng ngạc nhiên không biết nó suy nghĩ gì. Sáu Rảnh thì lạnh lùng như xưa giờ vẫn vậy. Mọi người không thấy thái độ đối chọi của những người trong cuộc. Chỉ tội nghiệp thằng Mạnh, lén lén lút lút ở nhà dưới, chốc chốc lại đến bên hè nghe coi mọi người nói gì. Đám người dư hơi cuối cùng không nghe ngóng được gì đành cười chào chủ nhà rồi rút lui trong nỗi ấm ức như mình vừa mất của.

*

*    *

Thêm một mùa gió chướng nữa trôi qua. Hàng so đũa ven sông vẫn cần mẫn trổ nụ, đơm bông. Căn nhà ở mé sông của cha con Sáu Rảnh vẫn mỗi ngày nghe tiếng bìm bịp báo nước buồn hiu. Sau những bão giông dồn dập tưởng chừng không còn sức chịu đựng, giờ đây Sáu Rảnh và thằng Mạnh đã có bề vượt qua nỗi bất hạnh nhà mình. Thằng Giỏi, sau cái ngày sum họp, lật đật lên Sài Gòn xin việc. Vì tay nghề đã vững, nó tìm được chỗ làm với đồng lương khá. Số tiền dành dụm được từ ba năm lao động, nó để lại hết cho ba và anh cất lại nhà, làm vốn lập vườn chăn nuôi. Lòng nó đã quyết. Nó cứ nghĩ con Quỳnh và anh nó sẽ hạnh phúc khi mọi chuyện được giải quyết êm xuôi. Thời gian sẽ làm nguôi ngoai tất cả. Mấy năm sống ở xứ người đã khiến nó biết nghĩ hơn. Sáu Rảnh không ngờ thằng con trẻ người non dạ ngày nào, bây giờ lại biết tính cho người khác như vậy. Thằng Mạnh cứ ngỡ trong lòng em mình còn nỗi đau tức tưởi nên mới bỏ đi. Vợ chồng Hai Quang cũng thầm tạ ơn Trời Phật và vô cùng cảm kích trước lối giải quyết của thằng Giỏi. Không một lời trách cứ, nó cứ nhơn nhơn như không. Có điều, nó không gặp con Quỳnh lần nào. Nó chỉ thưa chuyện với vợ chồng Hai Quang: “Con với Quỳnh vốn không duyên nợ, bây giờ con lên Sài Gòn làm. Sau này, chắc con cũng có được một gia đình. Mọi chuyện đã an bài rồi. Anh con rất thương Quỳnh và là người có trách nhiệm, con tin hai người sẽ hạnh phúc!”

Thằng Giỏi đi liền khuya hôm sau. Nó dặn dò thằng Mạnh kỹ lắm, nhưng tuyệt nhiên không đả động gì đến chuyện con Quỳnh. “Anh ở nhà nhớ chăm sóc ba cẩn thận. Ba đã có tuổi rồi. Lâu lâu, em về thăm (câu này, nó biết mình nói dối, nhưng vẫn phải nói). Cho dầu ở đâu, em cũng thương ba và anh lắm! Nhớ lời em dặn”.

Thằng Giỏi đi rồi, cả vợ chồng Hai Quang và Sáu Rảnh cũng thấy yên tâm. Tuy chưa dám bàn bạc chuyện con Quỳnh và thằng Mạnh, nhưng cả ba người lớn lên đều yên chí khi câu chuyện đã nguội đi rồi, thì đâu cũng vô đó thôi. Nhưng họ không ngờ, sau cái ngày cúng thôi nôi cho thằng bé, con Quỳnh đã biến mất. Nó để lại cho vợ chồng Hai Quang và Sáu Rảnh hai lá thơ tạ tội. Thằng Mạnh cũng một lá thơ đẫm đầy nước mắt.

“Người anh kính mến của em!

Bây giờ, em đi đây. Con em đã lớn, em đã chờ đợi ngày này để lòng mình được nhẹ nhàng hơn. Em không biết làm sao mới xứng đáng với anh, với Giỏi và với ba. Em đã nợ gia đình anh nhiều quá! Em đã không nhìn thấu được, đằng sau tấm thân tật nguyền kia là một tâm hồn cao cả đến như vậy. Lần đầu, anh đã đau đớn nhường em cho Giỏi, anh muốn em được hạnh phúc. Anh đã thấy ánh mắt nghi ngại của em khi anh không còn lành lặn. Em vui mừng vì ba đã thay đổi lời hứa để Giỏi thế chỗ anh. Em chỉ nhìn vẻ bên ngoài và yên tâm chấp nhận mối duyên này. Trong lòng Giỏi chắc cũng như em, đều không có một tình yêu thật sự. Giỏi đi lao động một cách bình thản. Em thì chẳng ra gì anh đã biết. Cái người lái xe cho công trường xây dựng ở huyện đã khiến em yêu thương và lầm lẫn. Thời gian em tới lui với người ấy anh không biết, nhưng tới lúc người ấy cao bay xa chạy, em đã nói với anh mà! Buổi chiều đó, em định chết cho xong, nhưng anh đã ngăn em, anh nói đứa bé không có tội. Mấy dòng chữ ngoằn ngoèo của anh, em vẫn còn giữ. Rồi em phải đổ lỗi cho anh, chỉ như vậy, mới yên ổn sống mà sanh con được. Em biết người đời đã dè bỉu, chê trách anh, nhưng anh vẫn chịu đựng. Em biết anh vẫn muốn em trở về với Giỏi, nhưng thật lòng mà nói, em đâu còn xứng đáng, cho dầu Giỏi có tha thứ hay không. Phải chi ngày đó, em đừng chê anh tật nguyền, cứ sống với bao kỷ niệm thời con nít của mình, chấp nhận làm vợ anh, chắc bây giờ em đã yên phận rồi. Giỏi ra đi vì tưởng thằng bé là con anh. Nếu biết chuyện, chắc Giỏi sẽ coi thường em lắm! Em ra đi tìm kiếm cuộc sống của riêng mình. Ngày nào em thấy tha thứ cho mình được thì em trở về.

Hãy chăm sóc bản thân mình và chăm sóc ba nghe anh! Ba là một người cha xứng đáng đã chịu đựng biết bao điều vì đứa con dâu hư hỏng này.

Đứa em gái ngày nào của anh

Quỳnh”.

*

*    *

Thằng Mạnh đang dọn cơm cúng ông bà thì thằng Giỏi về đến. Đây là cái Tết đầu tiên nó chịu về ăn Tết ở nhà. Nó thắp nhang và khấn: “Má có linh thiêng, xui khiến cho Quỳnh về với anh Hai đi má!”. Thằng Mạnh len lén nhìn em. Nó vẫn mong chờ cái ngày con Quỳnh trở lại


Trầm Nguyên Ý Anh

Nguồn: Vannghequandoi

Exit mobile version