Khi cả cha và con cùng theo nghiệp chữ, khi bén duyên nhau từ Hội nghị những người viết văn trẻ, khi ấp ủ ước mong được là đại biểu chính thức tham dự Hội nghị, khi bị tài xế từ chối bắt tay vì tự giới thiệu nhà văn… là những câu chuyện vui bên lề Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX.

ảnh Hữu Đố

CHA VÀ CON CÙNG THEO NGHIỆP CHỮ

Nhà văn Nguyễn Hiệp tham dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc năm 1998, khi đó anh xuất hiện với tư cách một người làm thơ. Sau Hội nghị, được nhà văn Tô Hoài “định hướng”, Nguyễn Hiệp quyết định chuyển sang văn xuôi và gắn bó với thể loại này cho đến tận hôm nay, dù rằng thỉnh thoảng anh vẫn có những bài thơ đăng trên các báo. Thơ đưa Nguyễn Hiệp đến “tụ điểm” gặp gỡ những người bạn có chung niềm đam mê sáng tác nhưng những truyện ngắn mới thực sự làm nên tên tuổi nhà văn xứ cát Bình Thuận, tác phẩm “Bông cỏ Giêng” đoạt giải trong một cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ đã gây ấn tượng mạnh với bạn đọc, đến mức sau này nhiều người cứ gọi anh là “ông cỏ Giêng”. Niềm đam mê của anh được truyền tiếp sang cậu con trai Nguyễn Vũ Hưng, đúng 13 năm sau (năm 2011), Hưng đến dự Hội nghị Viết văn trẻ với tư cách dịch giả. Vài năm sau, Hưng chính thức trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Trong Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất, Hưng là phiên dịch chính của nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn vì anh thông thạo cả hai ngoại ngữ: tiếng Anh và tiếng Pháp. Nghề chính của Nguyễn Vũ Hưng là giảng dạy tại một trường Đại học của TP Hồ Chí Minh, dịch sách vừa là sở trường vừa là niềm say mê của thầy giáo có vốn kiến thức và phông văn hóa rộng.

Nguyễn Trần Thiên Lộc – đại biểu đến từ Bình Định, đã tham dự Hội nghị lần đầu tiên năm 2011 khi đang ngồi trên ghế nhà trường, năm nay anh “tái xuất” làng văn trẻ với một độ trưởng thành nhất định (đã tốt nghiệp đại học và có thêm sách mới). Thiên Lộc được sinh ra trong “chiếc nôi văn chương” ở vùng đất võ, cha là nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng và mẹ là nhà văn Trần Thị Huyền Trang. Vẻ ngoài ít nói, không quá hào hứng khi kể về những thành tích văn chương của chính mình, Nguyễn Trần Thiên Lộc khiến người mới gặp hơi ngần ngại, nhưng đã thân gần sẽ thấy chất văn chương trong anh luôn dào dạt qua cách nói chuyện hóm hỉnh và sâu sắc. Nội lực mạnh cộng với truyền thống gia đình chắc chắn sẽ là xuất phát điểm thuận lợi để Nguyễn Trần Thiên Lộc đi xa hơn, bước vững vàng hơn trên con đường văn chương của mình.

Không quá ồn ào khi góp mặt vào làng văn nhưng cái tên Meggi Phạm (đại biểu của Thừa Thiên – Huế) đã tạo nên dấu ấn độc đáo ở Hội nghị lần thứ 8 với bản tham luận khá táo bạo, thể hiện được khát vọng và tâm nguyện của người viết trẻ chọn văn chương để dấn thân. Meggi Phạm tên thật là Phạm Phú Uyên Châu, con gái nhà phê bình Phạm Phú Phong. Tuy theo đuổi đam mê khác hẳn nhau nhưng họ vẫn luôn “bình yên” trong một không gian sáng tạo chung bởi nhà phê bình cha không bao giờ can thiệp vào bất kì trang bản thảo nào của nhà văn con, chỉ đến khi những cuốn sách nối tiếp nhau ra đời thì họ mới trao đổi thẳng thắn cùng nhau về những chỗ hay – dở – tốt – xấu… Sau kì Hội nghị lần thứ 8, Meggi Phạm có thêm hai cuốn sách và sắp tới có hai kịch bản phim truyền hình được chuyển thể từ tiểu thuyết của chị. Đến Hội nghị lần thứ 9 này, Meggi Phạm được bạn viết trẻ chờ đợi những tiếng nói mới, vẫn táo bạo nhưng giàu trải nghiệm hơn.

Hội nghị lần thứ IX này cũng tên đại biểu trẻ và… rất trẻ như Nguyễn Bình – con trai nhà phê bình Nguyễn Hòa. Năm 10  tuổi, Bình xuất bản một cuốn sách khoa học giả tưởng, trở thành hiện tượng văn học. Ngô Gia Thiên An là một cái tên trẻ được nhắc đến nhiều ở các hội nghị về văn học trẻ được tổ chức trong vài năm gần đây. Thiên An là con gái nhà thơ Trang Thanh, nhà thơ nữ đã đoạt giải Lá Trầu nhiều năm trước.

CÁC CẶP VỢ CHỒNG NÊN DUYÊN TỪ HỘI NGHỊ

Hai nhà thơ trẻ Đoàn Văn Mật và Lữ Thị Mai được phong tặng danh hiệu “cặp đôi ăn ý nhất” trong Hội nghị Viết văn trẻ lần 8. Khoảng cách tuổi tác lại là một “lợi thế” khi những thất thường kiểu thi sĩ của cô gái trẻ mặn mà nhan sắc luôn được hóa giải ngọt ngào bởi sự điềm đạm, từng trải của nhà thơ Đoàn Văn Mật (đã qua độ tuổi 30 từ rất lâu). Trong thời gian diễn ra Hội nghị, họ luôn sánh vai bên nhau, chăm sóc, chia sẻ những mệt mỏi trên quãng đường di chuyển khá dài qua 3 tỉnh: Phú Thọ –  Tuyên Quang – Thái Nguyên rồi vòng về Hà Nội. Ngày bế mạc Hội nghị lần 8, đôi bạn trẻ đã được Hội Nhà văn Việt Nam tặng phong bì chúc mừng trước, sau đó ít lâu Đoàn Văn Mật và Lữ Thị Mai tổ chức đám cưới ấm áp tại quê nhà Nam Định và Thanh Hóa. Hội nghị này, chỉ còn nhà thơ vợ đi dự vì nhà thơ chồng đã vượt quá quy định độ tuổi của đại biểu trẻ, và quan trọng hơn là Đoàn Văn Mật còn phải ở nhà chăm sóc “tác phẩm lớn” của cả hai người nay đã gần 4 tuổi, đang đi lớp mẫu giáo.

Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII được tổ chức tại thành phố Tuyên Quang, Lý Hữu Lương đang ở tuổi còn… rất trẻ, là thành viên của đoàn Quân đội, Lý A Kiều, nữ nhà văn trẻ đại diện cho tỉnh Tuyên Quang lần đầu tham gia hội nghị. Trong bữa cơm do tỉnh Phú Thọ chiêu đãi, hai người lần đầu gặp nhau, và từ đó, trong suốt quá trình diễn ra hội nghị, họ như hình với bóng, và khi bế mạc, họ được bình chọn là cặp đôi đẹp nhất hội nghị. Hiện nay, họ đã kết hôn và có một cậu con trai kháu khỉnh.

BÍ MẬT CHUẨN BỊ CHO HỘI NGHỊ TỪ… 5 NĂM TRƯỚC

Đại biểu Hoàng Anh Tuấn (Lào Cai) chia sẻ: Cách đây 5 năm, Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII diễn ra tại Tuyên Quang, tôi nhìn danh sách trên 120 người viết là đại biểu chính thức của hội nghị, trong đó Lê Vi Thủy (Gia Lai) và Nguyễn Đức Phú Thọ (An Giang) là những bạn văn mà tôi thân thiết đều có tên, tôi buồn, vì mình không phải là đại biểu được mời tham dự. Khi đó, tỉnh Lào Cai có một đại biểu duy nhất là chị Tống Ngọc Hân. Tôi chưa quen chị, mà mới chỉ đọc truyện của chị in trên tạp chí văn nghệ tỉnh. Tôi rất buồn vì không có tên mình. Tôi cũng đã có thơ văn in rải rác trên báo chí, và từng được mời đi đọc thơ ở Sân Thơ trẻ vào đầu năm, nên cũng hi vọng lắm. Một bạn văn khác bảo tôi nhờ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh can thiệp cho, biết đâu sẽ được đi. Nhưng tôi không làm như vậy, mặc dù tôi có quen một vài cô chú ở đó. Tôi muốn được đi hội nghị với tư cách là đại biểu đàng hoàng, minh bạch, và xứng đáng.

Tôi chưa được mời vì tôi chưa xứng đáng. Tôi nghĩ rằng chỉ có viết thì mới chứng tỏ được bản thân mình. Và tôi lại cặm cụi viết, với mong muốn rằng tôi sẽ là đại biểu dự hội nghị sau 5 năm nữa. Đó là động lực để tôi cặm cụi viết và gửi đăng. Một động lực bí mật mà tôi giấu kín cho riêng mình, không nói ai biết.

Giữa năm nay, đoàn công tác của tạp chí Văn nghệ Quân đội đi tác nghiệp ở Lào Cai. Nhà văn Phùng Văn Khai – Trưởng Ban Thơ gọi điện cho tôi nếu rảnh thì đi cà phê cùng mấy anh em văn nghệ sĩ quân đội. Tôi nhận lời ngay. Vì tôi là cộng tác viên của tạp chí mà chưa có cơ hội được gặp gỡ những nhà văn, nhà thơ mà tôi chỉ “quen” qua trang viết. Một số anh vừa công tác ở tạp chí, lại vừa tham gia lãnh đạo Ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn đã tiết lộ tôi sẽ được mời tham dự Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX. Điều đó khiến tôi rất vui, vì đã thỏa niềm mong ước của 5 năm về trước. Cuộc trò chuyện với các anh nhà văn, nhà thơ của quân đội tối hôm đó rất thú vị. Tôi hiểu rằng nghề viết thật vất vả, gian nan, nhưng không vì thế mà làm tôi nản lòng. Tôi sẽ còn tiếp tục viết để thỏa niềm đam mê với nghệ thuật của ngôn từ và giấy mực đầy mê hoặc.

Hội nghị này khép lại sẽ mở ra cho tôi một động lực khác để tôi tiếp tục bước đi trên con đường văn chương gập ghềnh chữ nghĩa. Tất nhiên tôi sẽ lại giấu kín động lực vừa mới manh nha, và điều bí mật sẽ được tiết lộ sau 05 năm nữa chăng, rất có thể chứ? Điều đó có thành hiện thực hay không tùy thuộc vào sự nỗ lực, “tay nghề” và “cảm xúc” của tôi trên từng trang viết.

NGƯỜI… IM LẶNG VIẾT

Lần đầu tiên tham dự hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc, Trung Long đại diện cho văn trẻ tỉnh Điện Biên. Phóng viên báo Văn nghệ đã gửi thư mời phỏng vấn, hẹn đúng ngày đúng giờ trả lời để chủ động làm báo. Đến ngày hẹn, phóng viên báo Văn nghệ vẫn chưa thấy Trung Long gửi thư trả lời, đành gọi điện giục. Trong điện thoại Trung Long giọng nhỏ nhẹ: “Em nghĩ là em còn trẻ, chưa có thành tích nào đáng kể so với các đại biểu khác, nên em… không dám trả lời.”

Sinh năm 1983, Trung Long đã tốt nghiệp K10 khoa Viết Văn – Báo chí, đại học Văn hóa Hà Nội. Long viết chậm và ý thức chọn cho mình một lối viết riêng, khai thác chiều sâu của tiềm thức con người. Lặng lẽ viết, và cũng lặng lẽ trong… giao tiếp. Hầu hết các đại biểu khu vực phía Bắc, hoặc sinh hoạt ở các hội VHNT dân tộc thiểu số đều từng nghe nói đến Trung Long và những truyện ngắn về miền đất Chua Sa hư ảo, nhưng… không quen, vì Long chẳng nói chuyện với ai, ngại giao tiếp.

TỪ CHỐI BẮT TAY VÌ LÀ… NHÀ VĂN

Đến dự hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9, nhóm đại biểu khu vực miền Trung: Hoàng Công Danh, Lê Vũ Trường Giang bắt taxi từ ga Hàng Cỏ lên Bảo tàng Văn học Việt Nam. Trên taxi, các nhà văn trẻ sôi nổi tranh luận về văn chương và đời sống văn học. Xe đến nơi, bác tài ngỏ ý muốn nhận số tiền phí cao hơn số tiền mà các đại biểu phải trả. Không chấp nhận sự phi lý đó, nhưng sau một hồi thỏa thuận, thì các đại biểu đồng ý trả bác tài một số tiền khiến bác có thể vừa lòng ra về. Trước khi chia tay, đại biểu Hoàng Công Danh chìa tay ngỏ ý bắt tay bác tài. Bác tài phẩy tay, lắc đầu, chốt một câu sửng sốt: “Không, tôi bắt tay các nhà văn các cậu làm gì.”

KHÔNG NGUÔI TRĂN TRỞ VỚI… TRÀO LƯU

Năm năm trước, tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII, Lê Hưng Tiến (Ninh Thuận) gặp các bạn đang theo học khoa Viết văn – Báo chí, anh mừng như bắt được vàng, lập tức hỏi ngay: “Các bạn học chính quy như thế, thì chắc chắn biết về nhiều trường phái, trào lưu đúng không?”.

Năm năm sau, 2016, tại Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX, các bạn năm xưa gặp lại Lê Hưng Tiến, anh vẫn phàn nàn về chủ đề trào lưu và trường phái. Đây là nỗi băn khoăn lớn nhất của anh.

Trong cuộc gặp với nhiều đại biểu từ nhiều vùng miền, Lê Hưng Tiến lại chia sẻ nỗi băn khoăn của mình về vấn đề trào lưu và trường phái. Anh bảo trong những năm qua, tôi đã đi rất nhiều nơi, gặp rất nhiều người viết, và ngay như sáng mùa thu Hà Nội trước thềm Hội nghị này, tôi cũng hỏi rất nhiều đại biểu trẻ, rằng bạn quan tâm đến trào lưu nào, thì nhận được những câu trả lời rằng: Tôi không quan tâm, tôi chỉ quan tâm đến đam mê sáng tác. Tại sao lại thế. Sáng tác thì ai chả đam mê cơ chứ.

Lê Hưng Tiến một hồi phàn nàn. Các đại biểu cùng thảo luận ai cũng gật gù khen đúng. Nói một hồi, anh quay ra hỏi: “Tôi nói như vậy, mọi người có hiểu không?” Mọi người cười lỏn lẻn: “Không.”

PHONG LAN – THANH THÚY

(Vanvn.net)

Exit mobile version