Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Sáng mồng một tết, người đầu tiên đến nhà ông Quynh là một vị khách từ phương xa tới. Ông ta tầm tuổi ngoại lục tuần như ông Quynh, có gương mặt rất đàn ông, ria con kiến, đeo kính màu cánh gián gọng to. Chiếc áo sơ mi màu bã trầu, nổi bật trên nền chiếc quần âu trắng.Mùi nước hoa ngoại thoang thoảng khiến ông Quynh có linh cảm vị khách này mới từ nước ngoài về.Ngập ngừng một thoáng, vị khách bước qua cửa, đi thẳng đến chỗ có bộ salông đệm mút cổ lỗ ông Quynh đang ngồi, chìa một bàn tay bắt tay ông Quynh: “Tui, Tư Bôn đây! Tư Bôn chiến xa trưởng quân đội Việt Nam cộng hòa.Chúng ta quen nhau vào cái ngày Hiệp định Pa-ri có hiệu lực, tức ngày 28 tháng 1 năm 1973.Eng Hai Quynh còn nhớ chứ?”. “Nếu anh không xưng tên, hẳn rằng tôi hãy còn ngờ ngợ – Quynh nói – bởi bây giờ trông anh khác quá.Mập lên. Da mặt có vẻ nhầu nhĩ nhưng đỏ đắn. Phong độ lắm.Nghe tin anh và gia đình định cư bên Mĩ?”. “Đúng zậy đấy, eng hai à. Được eng hai khen sức khỏe, tui mừng quá ta. Thực ra, sang bên ấy, chẳng có nghề ngỗng gì, tui chỉ sống bằng lương thất nghiệp thôi. Gặp lại mấy anh chị em trong ban nhạc cũ thời cùng hoạt động trong nước, máu nghệ sĩ nổi lên, tui có đi hát với họ mấy năm. Bây giờ già rồi, xin đứng sau hậu trường phục vụ cờ đèn kèn trống kiếm thêm, cũng được họ chấp nhận”.

Ngồi xuống sa-lông. Nhận chén trà nóng từ tay Quynh, nhấm nháp mấy ngụm, Tư Bôn nói tiếp: “Được cái, mấy anh mấy chị trong ban nhạc cũ cũng thương, cho nên tết này được nhà nước mời ban nhạc về nước biểu diễn, anh chị em cho tui đi cùng”. “Vậy chứ, chị Sáu Hương, vợ anh và các cháu có về cùng không?”. “Mọi người về quê trong Nam, qua tết mới ra cùng ban nhạc. Việc của tui không nặng lắm trong các xô diễn, nên tui xin ra Bắc trước, với mục đích đón một cái tết Hà Nội. Đêm qua tui đón giao thừa ở khách sạn, không phải khách sạn sang nhất Hà Nội, nhưng rất tuyệt vời. Và Sáng nay thì tui đến eng. Tui có phải là người xông đất không zậy?”. “Vâng đúng, anh là người xông đất.Tôi rất vui về cuộc viếng thăm này, bởi tôi không nghĩ sẽ có ngày còn gặp lại anh, Tư Bôn ạ”.

Hai đứa con, một trai một gái đã thành gia thất có nhà riêng cả. Căn nhà cổ trong khu phố cổ này chỉ còn hai vợ chồng ông Quynh ở. Lúc này ông Quynh mới để ý từ lúc Tư Bôn vào, bà Nga, vợ ông sau khi chào khách, đã lui vào phòng bên trong. Quynh gọi vợ: “Này mình ơi, ra đây đi.Anh Tư Bôn đây là vị khách đặc biệt của tôi.Mình sắp cho chúng tôi mấy mónnhắm rượu đặc trưng Hà Nội nhé”.

Thực ra thức ăn ngày tết đã được làm sẵn.Bà Nga săm sắn vào gian trong một nhoáng đã bưng ra mâm cỗ với những giò lụa, chả cốm, nem rán, bóng lợn nấu măng…Ông Quynh lấy ra chai rượu nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng do đứa em họ dưới quê gửi lên tết, rót ra hai cái chén. Ông nâng chén chúc Tư Bôn, rồi họ vừa ăn vừa ôn lại chuyện cũ.Bà Nga không biết uống rượu, nhưng bà ngồi hầu rượu và nghe chuyện của hai người đàn ông rất nhiệt tình.

Cái ngày 28 tháng 1 năm 1973 đáng nhớ ấy, ngày hiệp định Pari có hiệu lực. Trước cái giờ khắc lịch sử đó là một đêm khủng khiếp và dài nhất trong đời những người lính cả hai phía.Đại đội bộ binh cơ giới của ta phải đối đầu với một tiểu đoàn thủy quân lục chiến bên “quốc gia”.Tiểu đội hỏa lực do trung sĩ Quynh làm tiểu đội trưởng chốt ở một vị trí hiểm yếu, gần sát với hàng rào kẽm gai ngăn cách giữa nơi đồn trú của phía bên kia với đất trồng trọt của dân. Đánh nhau đến gần sáng, đạn dược vơi cạn, Quynh ra lệnh cho các chiến sĩ phụ trách 12 ly 7 phải tiết kiệm đạn, nhằm thật chắc mục tiêu mới điểm xạtừng loạt ngắn.Chỗ chúng co cụm thì đành phải dùng đến súng chống tăng B40, B41, tuy hơi tốn kém, nhưng không còn cách nào khác. Hỏa lực bên quân “quốc gia” mạnh hơn gấp bội. Trên trời thì A37, OV1O lượn vè vè bắn rốc két, thả pháo sáng. Từ hướng biển Cửa Việt, tuần dương hạm của chúng câu đại pháo vào. Từ hướng nam chúng nã đến đủ thứ pháo bầy, pháo khoan, cối cá nhân M79, cối 106,7. Đất bị cày đi xới lại tơi ra như nhào bột.Đại đội bên ta hy sinh lên tới vài chục mạng.Tiểu đội hỏa lực của Quynh hy sinh ba người cùng với khẩu 12 ly 7 bị vặn vỏ đỗ.Tổ tải thương đã đưa liệt sĩ về tuyến sau chôn cất.Hai chiến sĩ khác bị thương nặng phải đưa về trạm phẫu cấp trung đoàn.Còn sống là tiểu đội trưởng Quynh và ba người lính nữa, đó là Mùi -tay súng B40,Vinh – tay súng B41; Nhã giữ khẩu AR15 chiến lợi phẩm. Khẩu AK báng gấp của Quynh thì vẫn trung thành với anh từ ngày đầu chiến dịch đến giờ.

Đúng 8 giờ sáng, hiệp định Pa-ri có hiệu lực, các loại súng đì đùng đì đọp thêm mấy phát rồi im hẳn.Quynh và ba chiến sĩ ôm những lá cờ giải phóng được phát sẵn xông lên cắm dưới chân hàng rào kẽm gai. Phía bênkia hàng rào, những người lính “quốc gia” cũng chạy đến cắm những lá cờ ba sọc. Bỗng nhiên có một chiếc xe M113 từ phía “quốc gia” xông lên đâm thủng hàng rào, tiến sang lãnh địa của ta. Hạ sĩ Vinh đang tựa lưng vào thành hầm tranh thủ ngủ sau một đêm thức trắng, nghe tiếng xe gầmgiật mình tỉnh dậy vội nâng khẩu B41 đã nạp đạn sẵn bắn một phát chỉ thiên cảnh cáo. Quynh vội dơ tay ngăn lại: “Đừng bắn nữa! Chúng ta có thể hy sinh chứ quyết không vi phạm hiệp định!”.

Chiếc M113 dừng lại. Lần lượt nhảy ra khỏi xe là năm người lính mặc đồ rằn ri, mặt mũi trông rất “hầm hố”. Người đi đầu đeo hàm thượng sĩ.Bốn người đi sau, kẻ đeo trung sĩ, kẻ đeo hạ sĩ.Họ bước thành hàng, tiến thẳng về phía công sự của tiểu đội hỏa lực bên ta. Quynh nói to: “Các ông đã vi phạm hiệp định, lấn sang đất của chúng tôi! Các ông muốn gì?”.

Viên thượng sĩ, là người chỉ huy, cho dù khói lửa chiến trường bầm giập vẫn không làm y mất hẳn vẻ bảnh trai, dơ tay vẫy vẫy, nói: “Chúng tui sang thăm mấy eng, muốn biết con người các eng được cấu tạo kiểu gì, ăn nhậu những món chi mà đánh chác dữ dằn quá zậy! Chúng tui phải đi bằng xecơ giới cho tiện!Nếu mấy eng cho rằng chiếc xe đã xâm phạm lãnh địa thì hãy giữ lấy nó làm kỷ niệm – y nhìn lướt gương mặt ám khói của bốn người lính quân giải phóng, nói tiếp – Mà trông mấy eng ai cũng hiền khô à!”.

Anh ta rút bao thuốc Ruby quân tiếp vụ mời mỗi người lính bên ta một điếu.Sau ít phút dè dặt, đề phòng của cả hai bên, viên thượng sĩ bảo mấy tên lính đi cùng lấy mấy tấm vải dù trải xuống đất, bày ra mấy gói bánh kẹo, mấy chai nước mang nhãn hiệu USA.Y sẵng giọng:“Đ. Má!   Đánh nhau mãi ớn thấy mồ rồi! Bây giờ thì bên cộng sản hay bên “quốc gia” lên nắm quyền hành cũng mặc! Chúng ta chỉ là những con tốt trên bàn cờ! Ngồi cả xuống mừng cho cuộc đoàn viên đi mấy eng!”.

Quynh cùng ba người lính ngồi xuống.Quynh nhón một chiếc kẹo cho vào miệng.Mở một chai nước uống mấy ngụm.Hẳn vì đói lâu ngày, vị kẹo và vị nướccó sâm ngọt mát nhanh chóng tan chaỷ trong từng mạch máu khiến anh tỉnh táo hẳn.

Một người lính “quốc gia” nói:“Đêm qua, tụi tui hành quân từ cứ về, trườn đến chân đồi, trời tối quá, xe chúi đầu xuống một cái hố. Tui ngồi trên tháp pháo, nhìn sang xung quanh nhận thấy có nhiều cái hố như thế nằm cạnh nhau. Có phải mấy eng đào huyệt trước cho mình không?”. “Đúng thế” – Quynh đáp –“Những trận trước lính tráng chết nhiều quá, quân lực trung đoàn chôn không kịp, thành rachôn ẩu. Chôn đêm,sáng ra xem thấy có ngôi mộ chân người chết còn thò lên khỏi mặt đất. Chiều qua, trước lúc xuất quân, tụi này nói với đám quân lực rằng, xin các bố hãy cứ đào sẵn cho chúng tôi mỗi đứa một cái huyệt.Trận này là trận huyết chiến cuối cùng trước khi hiệp định Pa-ri có hiệu lực. Nếu chúng tôi hy sinh thì cũng phải được nằm xuống ngôi huyệt mộ đàng hoàng! Đám quân lực nói: “Làm thế thì rất nhàn cho chúng tôi. Nhưng khổ nỗi, bọn lính mới mà nhìn thấy, chúng bị mất tinh thần chiến đấu, không được đâu!”. Tôi nảy ra sáng kiến: “Thì đào ở nhiều nơi, mỗi nơi khoảng hai chục huyệt thôi”. Đám quân lực tóm ngay lấy sáng kiến đó. Họ đào sẵn hàng chục khu huyệt mộ phía sau nơi trú quân của trung đoàn! Trận đêm qua quần nhau với phía bên ấy, bên tôi hy sinh khá nhiều, số huyệt mộ đào sẵnhẳn đã kín người nằm… “Chỉ một việc dám đào huyệt sẵn cho mình cũng đủ thấy cái bản lĩnh sắt đá của các eng- viên thượng sĩ “quốc gia” nói –  Nhưng thôi, nghe những chuyện chết chóc, mồ mả lúc này không hợp, ta nói chuyện khác đi!”.

Binh nhất Nhã dựng cây AR15 ngả vào vai, chỉtay về phía Quynh, nói: “Tiểu đội trưởng của chúng tôi đây đang học khoa văn đại học tổng hợp thì đi bộ đội, anh ấy có nhiều chuyện hay lắm đấy”.

Một người lính “quốc gia” nói: “Học đại học sao phải làm tiểu đội trưởng? Bên quốc gia mà học cao như thế sẽ được đi tu nghiệp trường võ bị Đà Lạt để trở thành sĩ quan liền à! Như eng Bôn, chiến xa trưởng của tụi tui đây, vốn gia nhập đoàn văn nghệ Thiên Nga ra chiến trường phục vụ liên quântheo mùa vụ, chiến dịch. Bỗng thượng cấp phát hiện eng ấy đã tốt nghiệp đại học văn khoa Sài Gòn, liền tóm lấy cho lên Đà Lạt tu nghiệp sĩ quan.Eng Bôn mới cưới vợ, không chịu được cảnh chia ly, liền bỏ trốn về Sài Gòn. Rồi bị bắt lại, bị phạt, chỉ cho làm chiến xa trưởng, ra chiến trường!”.

Vinh B41 nói: “Thế thì hai bên có duyên trời định rồi. Bên tôi, tiểu đội trưởng học khoa văn đại học tổng hợp Hà Nội.Bên các anh, chiến xa trưởng học đại học văn khoa Sài Gòn.Hãy nói chuyện văn chương hai chiến tuyến với nhau đi, thú vị đấy!”. “Rất hợp lý” – thượng sĩ Bôn nói – “tui xin hỏi eng Hai Quynh: theo eng, những tác phẩm văn chương nào của thế giới là có giá trị nhất, eng đọc thấy hay nhất?”

Quynh ngẫm nghĩ một lát rồi trả lời: “Đó là Rô-mê-ô Giu-i-lét của Sếch-xpia, Đôn-ki-hô-tê của Xéc-văng-téc, Lũ xuân của Tuôc-ghê-nhiép, Chiến tranh và hòa bình và Phục sinh của Liep Tonxtoi, tập Truyện Pê-téc-pua của Gô-gôn, Khóm phúc bồn tử tập truyện ngắn của Tche-khốp, Nhà thờ đức bà Pari của Vichto Huygo, Tấn trò đời của Banzac, Viên mỡ bò tập truyện ngắn Mô-pát-xăng…Văn học hiện đại thì Ông gìà và biển cả của Hê-minh-uê, Sông Đông êm đềm của Sô-lô-khốp, Một thời đã yêu và một thời đã sống của Rơ-mác…”. “Khoan” – thượng sĩ Bôn ra hiệu cho Quynh dừng lại, rồi nói –“Sao tui chưa nghe nói Rơ-mác lại có tác phẩm ấy chớ?”.“Đấy là cuốn tiểu thuyết hay nhất của Rơ-mác, mô tả tình yêu của một anh lính và một cô…”. “Thế thì rõ rồi” – Bôn nói –“Trong Sài Gòn dịch cuốn ấy với cái tên Một thời để yêu và một thời để chết. Phải dịch như thế mới sát nghĩa, eng hai à. Hình như ngoài đó mấy eng tránh cái từ “chết” nên mới đổi tên như thế phải không?”

Thấy Quynh né tránh trả lời, Bôn tiếp: “Nhưng đó là chuyện nhỏ. Điều quan trọng là những tác phẩm eng hai vừa kể thì mấy eng bên cộng sản cũng như bên “quốc gia” tụi tui đều thấy hay cả. Những tác phẩm văn chương lớn nó đứng bên trên chính trị, hay nói cách khác, nó là thứ chính trị siêu đẳng, bởi nó làm giầu có cho tâm hồn con người, khơi dậy tính người trong con người. Tôi được biết, trong thế chiến thứ hai, người chính ủy vĩ đại nhất của Hồng quân Liên xô chính là cuốn tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy!”.

Hẳn vì cảm thấy câu chuyện có vẻ mang xu hướng “lên mặt triết gia” quá đà, Bôn khéo léo chuyển sang lĩnh vực khác: “Thế còn âm nhạc, mấy eng thích những bài nào, hát cho tụi này nghe với?”. “Ca khúc hay thì bên tôi có nhiều” – Quynh nói –“Nhưng chúng tôi sẽ hát tặng các anh bài mà hàng ngày chúng tôi vẫn hát. Hát để nâng cao tinh thần chiến đấu. Nào,  Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn, hai ba!

Cả ba người lính trong tiểu đội cùng hát với Quynh. Nhưng đến đoạn Ta đi nhằm phương xa gió ngàn đưa chân ta về quê hương…thì thượng sĩ Bôn và bốn người lính “quốc gia” cũng vỗ tay lấy nhịp hát theo. Bài hát kết thúc, Quynh nói với họ: “Tôi rất ngạc nhiên vì các anh hát bài này thành thục y như những người lính bên chúng tôi!”.“Thì chúng tui vẫn mở ra-đi-ô nghe các eng hát mà!”- thượng sĩ Bôn nói.“Bây giờ đến lượt các anh hát tặng chúng tôi đi!” -tiểu đội trưởng Quynh đề nghị. “Chúng tui đã sẵn sang” – thượng sĩ Bôn nói –“Nào các chiến hữu, ta hát bài Qua cơn mênhé”.

Cả năm người lính “quốc gia” cùng cất lên một thứ giai điệu còn khá lạ tai với những người lính trong tiểu đội hỏa lực bên ta, nhưng họ hát say đắm như mê dụ lòng người: Một mai qua cơn mê/ Xa cuộc đời bềnh bồng/ Tôi lại về bên em/ Ngày gió mưa không còn/ Nên đường dài thật dài/ Ta mặc tình rong chơi/ Cùng nhau ta sẽ đi/ Sẽ thăm bao nơi xưa/Vui một thuở lênh đênh/ Ta sẽ thăm từng người/ Sẽ đi thăm từng đường/ Sẽ vô thăm từng nhà/…Tình người sau cơn mê vẫn xanh/ Dù bao tháng năm đau thương dập vùi/ Trường quen vắng bóng mai ta lại về/ Cùng theo lũ em học hành như xưa …

Bài Qua cơn mê kết thúc, không cần chờ những người lính giải phóng yêu cầu, năm người lính “quốc gia” lại hát tiếp một bài rất đặc trưng của chiến tranh, bi kịch và đau thương:Mặt trời đen, quá đen, đen như đời ta/ Đời hằng mong thoát đi thấy khung trời xa/ Cuộc đời như thú hoang lang thang về đêm/ Cuộc tình không mấy khi nghe câu dịu êm/ Đời buồn mong quên hết, ta mong quên hết/ Vứt đi bao âu sầu luôn tìm nơi nương náu…

Không ngờ những người lính từ hai bên chiến tuyến vừa mới cầm súng nã đạn vào nhau một mất một còn hồi đêm, bây giờ lại có cuộc hội ngộ hòa giải tự nguyện cảm động đến thế. Không hiểu cảm xúc củaVinh B41, Nhã AR15, Mùi B40 thế nào; còn Quynh đã bị những giai điệu lạ lùng kia ám ảnh.Cuộc hội ngộ hai bên tử thù trong cái khoảnh khắc hòa bình đầu tiên còn khá mong manh, không được phép kéo dài. Lúc chia tay, dường như thượng sĩ Bôn có một niềm cảm mến với Quynh, anh ta bắt tay Quynh và nói nhỏ như vừa đủ để Quynh nghe thấy: “Xin eng hai cho biết địa chỉ gia đình, mai đây non sông liền một dải, tui sẽ ra thăm?”. “Nhà tôi…không có bút thì ghi vào trí nhớ nhé” – Quynh nói –“Số nhà… phố…cách chợ Đồng Xuân ba trăm mét, cách cầu Long Biên năm trăm mét. Dễ tìm lắm…”.

*          *

*

Năm 1974, Quynh được chuyển sang quân chủng Hải quân, biên chế thuộc Lữ đoàn Hải quân đánh bộ. Chiến dịch 30 tháng 4 năm 1975, trong cương vị trung đội trưởng, Quynh cùng đơn vị theo con tàu “há mồm” tiến ra biển giải phóng Quần đảo Trường Sa. Ngày chiến thắng, Quynh được đưa về Quân y viện ở Sài Gòn điều trị vết thương. Quynh bị mảnh đạn cối găm mấy chỗ, nhưng nặng nhất ở khớp gối chân, vết thương nhiễm trùng lâu ngày, có dấu hiệu hoại thư, điều trị rất phức tạp. Mùa thu 1976 xuất viện về đơn vị, Quynh nhận quyết ra Nha Trang học trường sĩ quan. Tháng 3 năm 1977, chỉ còn ít ngày nữa là đến cái giờ khắc nhận quân hàm sĩ quan thì có một sự kiện xẩy ra khiến cuộc đời Quynh rẽ sang một khúc ngoặt.Vào một chiều chủ nhật, người phụ trách trạm khách của trường vào phòng ở báo tin Quynh có người nhà đến thăm. Anh trạm trưởng trạm khách còn đùa cợt: “Ở chiến trường ác liệt là thế, ông anh có phép thần hay sao mà kiếm được một cô gái miền Nam xinh đẹp thế?”.Quái, mình đâu có thân quen cô gái nào như vậy? Hay là ông trạm trưởng trạm khách nhầm lẫn với một tay Quynh nào khác? Anh phụ trách trạm khách mở cánh cửa một căn phòng cấp bốn của dãy phòng khách gần cổng trường cho Quynh bước vào.Một thiếu phụ đang ngồi trên chiếc ghế đôn, liền đứng dậy ra cửa đón Quynh.Cô ta có một vẻ đẹp tha thướt, mặn mà, đặc trưng của con gái phương nam. “Thưa eng” – cô ta nói –“eng có phải là eng Hai Quynh, quê Hà Nội không ạ?”. “Phải, chính là tôi” – Quynh đáp –“Còn chị?”. “Em là Sáu Hương, ở Gò Vấp, vợ của eng Tư Bôn, eng còn nhớ ảnh không ạ?”.“Tôi nhớ rồi” – Quynh đáp –“Chị xinh đẹp thế hèn nào anh Bôn đã được cho lên Đà Lạt học trường sĩ quan còn bỏ trốn về Sài Gòn với chị, để rồi bị trừng phạt, chỉ được giữ chức chiến xa trưởng, ra chiến trường choảng nhau với tụi tôi…”. “Ôi, eng hai cũng biết cả chuyện đó nữa” – trên môi người thiếu phụ trẻ thoáng một nét cười cảm động. “Chúng tôi chỉ gặp nhau ít phút nhưng cũng đủ cho hai bên không hiểu sai về nhau” – Quynh nói–“Hôm nay chị Sáu Hương ra tận đây tìm tôi hẳn phải có việc gì?”.“ Cũng là việc của eng Tư Bôn nhà em thôi” – Sáu Hương nói –“ Sau giải phóng eng ấy có lệnh gọi tập trung học tập cải tạo. Suốt hai năm qua, ở trại trong ấy, eng Tư được cán bộ trại khen có tinh thần cải tạo tốt, tích cực tham gia những chương trình văn nghệ của trại.Bữa nào em lên thăm cũng được nghe cán bộ khen. Nhưng sau tết vừa qua, đột nhiên eng ấy bị đưa ra Bắc đến một trại khác thuộc vùng rừng núi, thời tiết rất khắc nghiệt, ăn uống khem khổ, phải học tập rất nhiều. Nghe đâu có người phản ánh, eng Tư Bôn là tên chiến xa trưởng khát máu, vào lúc hiệp định Pa-ri có hiệu lực rồi, eng còn cho xe cơ giới húc đổ hàng rào kẽm gai tấn công sang phần đất của quân giải phóng. Giá mà không có tiểu đội của eng Quynh chặn lại thì Tư Bôn đã gây thêm tội ác.Hôm rồi ra thăm, em hỏi eng ấy, có chuyện đó hay không, ảnh bảo hiện tượng thì đúng, nhưng bản chất thì không phải thế.Tư Bôn muốn eng Quynh viết mấy lời làm chứng cho ảnh,để người ta đừng bắt Tư Bôn phải học tập nhiều như hiện nay. Tư Bôn có thể chịu được đói, rét, lên đồi cày đất trồng bắp hay xuống thung lũng hót phân heo, phân bò, ngày này nối tiếp ngày kia, nhưng học tập nhiều là ảnh không chịu nổi. Mỗi ngày lên lớp học về là đầu ảnh bị đau buốt như có nhiều chiếc kim đâm vào óc. Ảnh cứ phải đập đầu bình bịch vào gối cho đỡ đau…”. “Ngày xưa, anh ấy học đại học văn khoa, có hay bị đau như thế không?”.“Ảnh nói rằng chưa bao giờ bị đau như thế.Có lẽ bây giờ bệnh ấy mới phát, eng hai à!”. “Tôi hiểu rồi” – Quynh bình thản nói –“tôi sẽ biên nhận cho Tư Bôn”.

Quynh sang phòng trạm trưởng xin một tờ giấy “phê-đúp”, trở lại ngồi trước Sáu Hương, anh viết chứng thực bằng những nét chữ ngay ngắn,rất đẹp.

“Kính gửi ban lãnh đạo trại Yên Hạ.Tôi là Nguyễn Như Quynh. Thượng sĩ.Học viên hệ Chính trị viên đại đội, Trường Sĩ quan Hải quân. Tôi xác nhận cho anh Phan Thanh Bôn, chiến xa trưởng, Đại đội liên quân X, Tiểu đoàn Y, Lữ đoàn thủy quân lục chiến H. Vào cái khoảnh khắc đầu tiên hiệp định Pa-ri có hiệu lực, chiếc xe M113 của Tư Bôn có xô đổ một đoạn hàng rào, tiến sang đất ta, nhưng là để tổ chức một cuộc gặp mặt hai bên, mừng cho hòa bình được thiết lập chứ không phải gây hấn. Tuy cuộc gặp ngắn ngủi, cũng đủ cho tôi nhận ra Tư Bôn là người có nhân bản, có văn hóa. Tôi đề nghị các đồng chí phụ trách trại hãy tạo những điều kiện tốt nhất để Tư Bôn có sức khỏe, cải tạo tốt, mau chóng trở về đoàn tụ với gia đình. Ký tên”.

Sáu Hương nhận tờ giấy, cảm động trào nước mắt, nói lời cảm ơn rồi bước sấp bước ngửa ra đường cái vẫy xe ngược lên trại Yên Hạ.

*          *

*

Câu chuyện họ ôn lại đến đấy cũng là lúc bữa ăn cũng vừa xong. Bà Nga bưng mâm đi. Quynh hỏi Bôn: “Cái mảnh giấy xác nhận của tôi hồi ấy có giá trị gì không?”.“Có chớ” – Tư Bôn đáp –“Ban lãnh đạo trại đã đối xử với tui khác hẳn.Nhờ cái mảnh giấy của eng hai cùng với tinh thần cải tạo tích cực mà tui được ra trại trước thời hạn. Kể cả sau này tui sang Mĩ định cư theo diện HO cũng rất thuận lợi. Zậy còn eng, công việc sau đấy của eng ra sao?”. “Tôi không được học tiếp sĩ quan nữa”- Quynh đáp –“Người ta bảo: kiểu người như tôi làm chính trị viên không hợp. Họ ra quyết định cho tôi trở về trường đại học, học tiếp. Ra trường tôi được phân công về dậy môn văn một trường cấp ba trong thành phố này.Bây giờ thì tôi đã nghỉ hưu”.“Eng hai hài lòng về cuộc sống của mình chứ?”- Bôn hỏi. “Những người lính đi qua cơn bão chiến tranh như anh và tôi, sống được đến hôm nay là một may mắn lớn rồi, còn đòi hỏi gì thêm nữa?”. “Hẳn eng hai đã đọc kĩ sách Phật nên mới có cách nghĩ ấy” – Tư Bôn nói –“Tui sẽ học eng hai ở cách nghĩ này, như thế sẽ dễ sống hơn…”.

Nhìn thấy một số cuốn lịch sử quận, lịch sử phường trên bàn viết của Quynh, Tư Bôn hỏi: “Eng hai đang biên soạn lịch sử sao?”.“Về hưu chẳng có việc gì làm.Một hôm đi họp cựu chiến binh, người ta tặng tôi mấy cuốn sách này, về đọc thấy họ viết sai nhiều quá.Sai sự kiện.Sai ngữ pháp. Sai hán tự…Hẳn bây giờ họ không coi môn văn là quan trọng nên mới viết sai như thế.Tôi chỉnh chang lại”.“ Họ sẽ trả công cho eng hai chứ?”. “Tôi không nghĩ tới chuyện đó. Làm giúp họ cho vui tuổi già thôi mà!

Lúc chia tay, Tư Bôn nắm chặt tay Quynh nói: “Mấy hôm nữa ban nhạc hải ngoại của chúng tui ra Hà Nội diễn, sẽ có giấy mời eng hai, eng gắng đi nhé!”.“Xin cám ơn trước.Tôi rất thích xem ca nhạc!”- Quynh nói, rồi tiễn Tư Bôn ra cửa.

Hà Nội, mùa đông 2014


Nguồn Vanvn