Cầm Kỳ Official xin giới thiệu chùm truyện của tác giả Đoàn Đức Châu.
Gồm các truyện sau:
– Mẹ của những người lính
– Bến đò xưa
– Cây dừa nước
– Cô bé câm
– Rau muống đầm
Tác giả Đoàn Đức Châu
Sinh ngày 5 tháng 8 năm 1951, thuộc thế hệ lính sinh viên năm 1972. Tuy không phải là người viết văn chuyên nghiệp, nhưng truyện của tác giả Đoàn Đức Châu kể về trải nghiệm của một người lính, hết chiến tranh ra quân đã làm nhiều nghề, trải qua nhiều lĩnh vực của cuộc sống nên sát thực tế. Nội dung truyện nặng tình người, tình đồng đội, bạn bè, đồng nghiệp. Đó là cuộc sống thực tế của anh và của những người thân bạn bè yêu mến… Hiện tại anh giành nhiều thời gian để thực hiện mong ước thời trẻ của mình: viết truyện. Anh đã viết khá nhiều, và cũng chưa công bố khá nhiều.
Tác giả Đoàn Đức Châu tâm sự:
Chúng tôi là lứa lính sinh viên 1972. Sau 51 năm từ ngày nhập ngũ, có biết bao câu chuyện không thể kể hết những bi thương nhưng hào hùng của người thân bạn bè đã trải qua cuộc chiến tranh.
Thời gian có thể lấy đi của chúng tôi tuổi xuân, có thể lấy đi dáng vẻ hiên ngang của anh lính sinh viên trẻ ngày nào nhưng nó không thể lấy đi khỏi tâm hồn chúng tôi những tháng năm đẹp đẽ, đáng nhớ về một thời hoa lửa, không thể lấy đi lòng kiêu hãnh và tình yêu tổ quốc cháy bỏng của những người lính sinh viên năm nào cầm súng bước vào cuộc chiến giành độc lập cho dân tộc.
BẾN ĐÒ XƯA
Đoàn Đức Châu
Gia đình chúng tôi cùng ở một phố rồi lại cùng di chuyển sang khu tái định cư ở một vùng ven đô. Từ nhỏ đã chơi với nhau sau này lại học cùng một lớp nên tôi và Chương rất thân nhau dù nó lớn hơn tôi hai tuổi. Chương quý tôi vì tôi học giỏi lại nhanh nhẹn. Còn tôi quý Chương vì nó rất mạnh mẽ, ra dáng đàn anh, luôn bảo vệ tôi khỏi lũ trẻ ngổ ngáo cùng phố.
Mới học lớp bảy mà trông Chương đã ra dáng một anh thanh niên bởi dáng vóc cao lớn, khuôn mặt rám nắng, khắc khổ. Nó trầm tĩnh, ít nói, trái ngược với vẻ ngây ngô, láu táu của tôi. Nhưng có lẽ vì thế chúng tôi lại là một cặp ăn ý, tương đồng.
Hai đứa gắn bó với nhau suốt thời học cấp một, cấp hai. Khi lên cấp 3 tôi phải đi học xa ở một trường ngoại ô còn Chương thì nghỉ học, đi làm. Sau đó người ta bảo Chương đi lao động ở nước ngoài rồi ở lại đấy làm ăn.
Hơn ba mươi năm biệt tăm bỗng sáng nay tôi nhận được một cuộc gọi lạ. Khi nghe máy tôi thấy tiếng ai đó hét lên mừng rỡ: “Chương đây, Châu ơi. “Chương khỉ”, bạn nối khố của mày đây. Thế là tao tìm được mày rồi!”.
Sau hai mươi phút Chương đã phóng đến nhà tôi.
Hai đứa ôm nhau, nhìn nhau trào nước mắt. Giọng ông bạn nghèn nghẹn: “Tao cứ tưởng là mày chết rồi. Hóa ra là thằng em mày. Khổ thân nó. Cái cuộc chiến tranh chó chết đã cướp đi bao nhiêu bạn bè, anh em của chúng mình!”.
“Nó vẫn thế”. Tôi mỉm cười khi ngắm người đàn ông cao to, rắn chắc, khuôn mặt vuông vức xạm nắng, dáng điệu phong trần trong chiếc áo phông, quần bò, ngồi trước mặt mình. Chương ngẩng lên nhìn tôi giọng hơi tự ái: “Không nhận ra hay sao mà nhìn kỹ thế!”. Tôi vẫn tủm tỉm cười, lắc đầu bảo nó: “Ông già đi nhưng trông vẫn còn ngon lắm!”. Ông bạn cười to, đáp lại: “Thì tôi là vệ sĩ của ông mà!”.
Ngồi với nhau được một lát tôi có việc phải đi nên hẹn Chương gặp lại lúc quay về. Mặt ông bạn thần ra. Hình như nó muốn nói với tôi điều gì đó nhưng vẫn do dự. Đợi mấy phút thấy Chương vẫn im lặng tôi vỗ vai ông bạn hỏi: “Có chuyện gì vậy. Chưa nói được à?”. Bạn tôi lặng lẽ gật đầu, đáp lại cụt lủn: “Chủ nhật nhé!”.
Sáng chủ nhật Chương đưa tôi đến căn biệt thự nhỏ nhưng rất đẹp mà ông vừa mua lại trong khu dân cư mới cạnh sông “xi măng” giành cho những người có thu nhập khá giả. Người dân ở đây gọi nhánh sông Cấm này như vậy vì nó có đoạn chảy ven bờ nhà máy Xi măng cũ.
Lấy chai rượu từ cái tủ sang trọng trong phòng khách, Chương rót ra hai cốc đầy. Uống một hơi cạn cốc rượu, mặt đỏ bừng, ông bạn trầm ngâm thổ lộ chuyện của mình với tôi.
Hơn một năm trước Chương gặp lại Hạ, cô bạn cùng học cấp hai với chúng tôi, trong một cuộc họp mặt đồng hương bên Đức.
Chương sống ở Berlinh còn gia đình Hạ ở Leipzig. Chồng Hạ cũng mới mất nên cô sống một mình. Tuy các con ở gần nhưng do bận làm ăn nên hầu như chẳng mấy khi chúng sang thăm cô. Hạ sang bên Đức theo diện lao động xuất khẩu rồi ở lại. Bây giờ do sức khỏe đã yếu, trình độ học vấn lại thấp cô không tìm được việc làm nên phải sống dựa vào trợ cấp và sự giúp đỡ của con cái.
Gặp được bạn cũ Hạ mừng lắm. Cô không giấu ông bạn cũ nỗi tủi thân, buồn chán, cô đơn của mình.
Hoàn cảnh của Chương thì ngược lại. Hắn mạnh bạo, năng nổ đến liều mạng trong việc buôn bán nên có được số vốn liếng khá lớn. Con cái hắn đã có cuộc sống ổn định. Chương vẫn sống một mình. Chuyện cô vợ đi với người khác lúc hắn sa cơ làm Chương hận đời lắm. Tuy đã sống chung với một vài người phụ nữ nhưng hắn lại chia tay ngay vì thấy họ không phải là “người tri kỷ”.
Nửa năm trước Chương quyết định về làm ăn ở Việt Nam và chỉ qua bên Đức khi có việc cần. Tìm được tôi, thằng bạn nối khố, hắn mừng lắm. Bây giờ ông bạn chỉ còn tìm nốt mảnh ghép cuối cùng của đời mình.
Tâm sự xong Chương bất chợt nhìn tôi bằng ánh mắt yếu đuối. Hắn nói tha thiết như cầu xin: “Ông là bạn thân của cô ấy, cũng là người bạn tôi rất tin tưởng. Ông phải giúp tôi. Ông phải bảo cô ấy về đây sống với tôi. Tôi không thiếu tiền. Từ trẻ tôi đã yêu cô ấy nhưng vì học dốt, vì nghèo tôi đã không dám nói. Bây giờ già rồi, có tiền rồi, tôi đã nói ra lòng mình thì cô ấy lại từ chối. Cuộc đời thật rắc rối. Lúc muốn nói thì không dám vì thấy mình nghèo hèn. Lúc đủ tự tin để nói thì lại bị nghi ngờ, bị xa lánh. Đời tôi đã qua bao cuộc tình rồi mà tôi vẫn không thể quên cô ấy. Không hiểu sao lúc khốn đốn nhất, lúc buồn tủi nhất, lúc cô đơn nhất thì cô ấy lại hiện lên rõ mồn một trong đầu tôi. Và cũng chỉ có hình bóng cô ấy an ủi tôi, động viên tôi, giữ vững tinh thần cho tôi vượt qua những tai họa lớn nhất của cuộc đời. Tôi biết tôi vẫn còn yêu cô ấy, yêu lắm ông ạ!”.
Hình ảnh cô bạn học năm xưa cũng hiện lên trong đầu tôi. Hạ có khuôn mặt bầu bĩnh rất đáng yêu nên bọn lớp tôi gọi nó là em gái “chị Tư Hậu”, một vai diễn nổi tiếng của nữ nghệ sĩ điện ảnh Trà Giang.
Khi tôi còn đang chìm trong những ký ức xa xôi thì Chương đùng đùng kéo tay tôi nói như ra lệnh: “Mày đi với tao!”. Bị động nhưng tôi vẫn đứng dậy vội vã theo ông bạn. Nó kéo tôi ra bờ sông gần nhà rồi hai thằng xuống một bến đò.
Thực sự tôi chẳng hiểu gì cả. Thời buổi này mà đi đò thì quả lạ đời. Mà tôi cũng không nghĩ rằng vẫn còn sự tồn tại của cái bến đò vắng vẻ này giữa một đô thị sôi động, đang ào ạt đổi thay.
Chương nhìn cô bé lái đò một lát như nhớ tới điều gì, giọng lạnh lùng bảo: “Cho các chú qua sông, rồi lại quay về bên này ngay nhé. Hết bao nhiêu tiền chú sẽ trả!”.
Cô gái hơi ngạc nhiên nhưng im lặng làm theo. Có lẽ cô ấy nghĩ chúng tôi là mấy ông cán bộ đi quan trắc thủy triều của dòng sông.
Khi con đò ra đến giữa sông, trong tiếng mái chèo vạt nước đều đều, ông bạn hỏi bâng quơ: “Cậu còn nhớ bến đò này không?”. Tất nhiên là tôi nhớ.
Ngày ấy khu tái định cư bên kia sông của chúng tôi giống như một bán đảo cách biệt với thành phố. Muốn vào trung tâm thành phố phải qua hai cái cầu. Đi như vậy khá xa. Để đi tắt mọi người hay sang phố bằng đò. Từ bến đò này chúng tôi có thể qua khu phố Hạ Lý nằm phía bên kia, sang Chợ Sắt hay vào bến Đền Tam Kỳ trên ngã ba sông, ngay trung tâm thành phố.
Khi con thuyền cập bờ bên kia mà chẳng thấy có vị khách nào, cô lái đò than thở: “Mẹ cháu giữ con đò này để làm cho đỡ buồn chứ thời buổi này có mấy ai đi đò. Người ta xây bao nhiêu là cầu rồi thì đi đò làm gì nữa!”.
Chẳng để ý gì đến lời cô gái, bạn tôi lại hỏi: “Ông còn nhớ ai đã lái đò ở đây không?”. Tôi ngẩn người một lát rồi đáp lại: “Cái Hạ, lúc nó cùng học với bọn mình!”. Như bị điểm đúng huyệt, Chương gật đầu. Mặt ông bạn bỗng thần ra, chìm trong những suy nghĩ mông lung. Tôi hiểu ra mọi chuyện và ngồi im, nhớ về cô bạn nhỏ thời học trò.
Khi mới chuyển sang khu tái định cư, vào những ngày chủ nhật, chị tôi thường qua chợ Sắt mua hàng. Một lần chị cho tôi đi theo. Chở đò lần ấy là một đứa bé gái chạc tuổi tôi. Nó học cùng năm với tôi nhưng khác lớp. Hạ nhận ra tôi ngay vì hai đứa cùng trong nhóm “năng khiếu văn” của trường. Nó hớn hở cười tít mắt chào tôi. Hôm ấy mẹ nó có việc phải vào chợ nên nó chở đò thay.
Có lẽ vì sự có mặt của tôi nên cô bạn cố tình biểu diễn tài nghệ của mình. Khi đò ra đến giữa sông, Hạ chuyển sang chèo bằng chân. Nhìn đôi chân rám nắng của nó uyển chuyển như múa, mặt thì tỉnh bơ nhìn hướng lên trời không hề tỏ vẻ mệt mỏi, tôi thật sự thán phục. Như đang diễn xiếc con đò nhỏ bé của chúng tôi cứ len lỏi, khéo léo luồn lách qua những chiếc thuyền chở hàng to lớn trên ngã ba sông rồi nhẹ nhàng cập vào bến chợ Sắt.
Bọn trẻ con chúng tôi cũng thường bơi lội trên khúc sông này vào những trưa hè nắng gắt nhưng cảm giác bồng bềnh, lướt sóng trên con thuyền thì hoàn toàn khác lạ. Nhận thấy bộ mặt ngây đơ của tôi, cô bạn đắc chí cười khanh khách. Lúc con đò chạm nhẹ vào bến làm tôi loạng choạng, Hạ mới kêu lên: “Đứng vững vào không ngã đấy!”. Tôi sực tỉnh như vừa được xem xong một tiết mục xiếc hấp dẫn. Mặt tôi đỏ bừng khi chị tôi tủm tỉm cười nói khẽ: “Bạn em đấy à. Cô bé xinh và đáng yêu nhỉ!”.
Sau hôm ấy tôi với Hạ trở nên thân với nhau hơn, hay đi với nhau hơn, hay nói chuyện với nhau hơn. Hạ hơn tôi một tuổi nên nó tỏ vẻ “đàn chị”. Tôi không chấp nhưng luôn cố vượt điểm nó trong các môn học, nhất là từ ngày Hạ chuyển sang lớp tôi.
Thế rồi tự nhiên tôi thích đi đò sang phố. Hôm chủ nhật nào không còn tiền đi đò phải ở nhà tôi buồn lắm. Tiếng mái chèo khua nước, tiếng khách trên thuyền nói chuyện lao xao, tiếng í ới gọi nhau trên bến và đặc biệt khuôn mặt xinh xắn, rám nắng, lấm tấm mồ hôi của cô bạn nhỏ cứ gợi trong lòng tôi một cảm giác bâng khuâng, là lạ.
Tôi cũng không ngờ rằng có một người thứ ba lặng lẽ theo dõi chúng tôi với một nỗi giận hờn trẻ con.
Hết lớp bảy tôi phải về quê học vì máy bay Mỹ bắt đầu bắn phá Hải Phòng nhiều hơn. Khu dân cư của chúng tôi nằm gần các trọng điểm ném bom nên các gia đình lần lượt đưa con cái đi sơ tán xa. Lũ trẻ chúng tôi li tán tứ phương.
Mấy năm sau khu dân cư ấy bị bom máy bay B52 san phẳng. Chẳng có tin tức gì về những người bạn thuở nhỏ. Chỉ nghe nói có đứa vào bộ đội, có đứa đi làm xa, có đứa ra nước ngoài lao động rồi định cư bên ấy. Sau ngày hòa bình tôi có vài lần trở lại đây nhưng không gặp được ai quen cả. Tất cả như đã lùi vào dĩ vãng cho đến khi tôi nhận được cuộc gọi của ông bạn thân thuở niên thiếu.
Khi tôi đưa cho cô lái đò một trăm nghìn, cô bé nhanh nhảu kể: “Mấy tháng trước cũng có một cô trạc tuổi các chú đến đây đi đò. Cô cũng đi về một lượt như các chú và cũng chỉ ngồi im nhìn sông. Lúc lên bờ cô cũng cho cháu một trăm nghìn!”. Bạn tôi nhảy bật lên: “Sao cháu không nói sớm. Cô ấy trông như thế nào?”. Tôi vội ngăn bạn mình lại và kéo nó lên bờ.
Hai đứa vào nhà, cùng ngồi trầm ngâm nhớ lại mọi chuyện. Tôi vẫn cảm thấy khó hiểu. Tôi không thể hình dung ra ông bạn giàu có, mạnh mẽ, ngang tàng của tôi lại đa cảm đến như vậy. Với Chương thì lấy một cô vợ trẻ trung, xinh đẹp có khó gì. Cô bạn gái của chúng tôi dù ngày xưa có đáng yêu đến thế nào thì giờ cũng đã năm mươi tuổi rồi. Hình bóng ấy chỉ nên giữ lại như một kỷ niệm đẹp của tuổi thanh xuân mà thôi. Nhưng khi nhận thấy những nét đăm chiêu sâu lắng cùng vẻ ủ rũ thật sự trên khuôn mặt phong trần, góc cạnh của một người đã từng trải bao sóng gió cuộc đời, tôi hiểu ý định của bạn tôi rất nghiêm túc.
Làm một hơi hết cốc rượu nữa, Chương bật loa ngoài và để chế độ “face time” của chiếc I.phone rồi đưa cho tôi sau khi kết nối với số máy của Hạ. Nó lại nói như ra lệnh: “Ông nói chuyện với cô ấy đi!”. Tôi lúng túng, hắng giọng khi nhìn thấy cô bạn đã không gặp từ bốn mươi năm trước. Nhận ra tôi, Hạ mừng lắm. Cô ấy khen tôi trông vẫn trẻ rồi than phiền về tuổi già, về nỗi buồn, về sự cô đơn ở xứ người.
Hạ thở dài: “Buồn lắm Châu ạ. Chương lại cũng về Việt Nam rồi. Còn mỗi mình tôi bên này!”. Như được mở lời tôi nói luôn: “Nó cũng đang buồn đây. Hạ về Việt Nam ở với nó đi!”. Hạ khẽ cười chua chát: “Hồi trẻ chẳng đến được với nhau thì thôi. Lúc về già làm thế người ta sẽ nói tôi ham tiền, ham của Châu ạ!”
Tôi ngây người chưa kịp đáp lại thì Chương giật chiếc điện thoại trong tay tôi, nói to như quát: “Về đi Hạ ơi. Về với tôi đi. Tiền của bây giờ có nghĩa lý gì đâu. Ở một mình bên ấy khổ lắm. Tôi yêu Hạ, tôi thương Hạ từ lâu lắm rồi! Về đi, tôi đợi!”.
Giọng bạn tôi nghẹn lại vì một tiếng nấc. Nó đưa vội tay lên nhưng không kịp ngăn hai giọt nước mắt rớt nhanh trên khuôn mặt đen xạm màu nắng gió. Tôi cũng lặng người vì xúc động. Đầu bên kia tiếng nấc cũng vang lên. Cố kìm cảm xúc tôi nói to xen vào: “Hạ về ngay đi. Chương đang định rủ Hạ đi chèo đò ở bến “Vạn Kiếp” đấy!”. Hạ bật cười. Hai chúng tôi cũng hớn hở cười theo.
Chiều hôm ấy hai đứa uống hết cả chai rượu to và thả cửa giãi bày lòng mình với nhau.
Tôi cảm phục cách suy nghĩ của ông bạn. Gã đàn ông phong trần thành đạt nào mà chẳng từng trải qua vài cuộc tình. Nhưng khi đã có tuổi, đã ngấm đủ vị đắng chát của những “mối tình sét đánh”, đã chán ngán những “cuộc tình đầy toan tính” họ khát khao một bến đỗ yên bình. Lúc ấy họ nhận ra rằng chỉ người phụ nữ đã có chung với mình những kỷ niệm trong sáng, hiểu mình, yêu quý mình thực lòng mới là chỗ dựa đáng tin cậy của cuộc đời, mới có thể cho mình bến đỗ bình yên ấy. Và đó chính là người tình của duyên phận.
Tạm biệt bạn, tôi không trở về nhà ngay mà ra ngồi bên bờ đập Tam Kỳ, im lặng nhìn ra ngã ba sông. Thành phố đã lên đèn. Ánh sáng rực rỡ lung linh trên những cây cầu mới làm cả khúc sông bừng sáng. Chỉ một đoạn vài cây số đã có tới năm, sáu cây cầu, mà cây cầu nào cũng đẹp, cũng óng ả, điệu đà. Chúng không chỉ kéo những khu phố bán đảo buồn tẻ, nghèo nàn lại gần trung tâm thành phố mà còn biến nơi ấy thành những dãy phố hiện đại, sang trọng, kiêu hãnh soi mình xuống dòng sông xưa. Cả những con sông bây giờ cũng mang diện mạo mới, đung đưa, bóng bảy, lấp lánh sắc màu.
Vậy mà thật lạ. Trên khúc sông thơ mộng này vẫn còn một bến đò vắng vẻ, lẻ loi, lạc lõng. Nó như bị quá khứ sâu nặng níu kéo, không rời đi được. Chắc không lâu nữa người ta cũng sẽ xóa bỏ bến đò ấy. Thành phố đang chuẩn bị sửa đoạn bờ sông này thành một con phố đi bộ nữa để tạo một vành đai những con đường ven sông đẹp như bên châu Âu. Hải Phòng của tôi đang thay đổi từng ngày. Con người ở đây cũng thay đổi để theo kịp với nhịp sống mới. Nhưng dù thế nào những nét đặc trưng trong con người vùng biển này vẫn không lẫn đi đâu được.
Gần cả cuộc đời sống ở đây tôi ngỡ mình đã thấu hiểu hết tính cách của những người đồng hương. Vậy mà hôm nay tôi bỗng nhận ra dưới cái vẻ ngang tàng, mạnh mẽ của những anh chàng “ăn sóng, nói gió” ấy còn ẩn kín một nét thật thà, vụng về, ủy mị đến đáng yêu.
Tôi giật mình vì tiếng chuông điện thoại. Nó vang lên giọng nói tràn ngập hứng khởi của ông bạn: “Hạ sẽ về Việt Nam vào tháng sáu đấy. Ông chuẩn bị đi đón với tôi nhé!”.
Tôi định mắng Chương vì còn những bốn tháng nữa mới đến ngày Hạ bay về xong lại tủm tỉm cười, lẩm bẩm một mình: “Chuẩn bị cái con khỉ. Còn những bốn tháng nữa mà cứ cuống lên như ngày mai ấy!”.
Một chiếc canô thoáng qua trước mặt tôi. Bâng khuâng, tôi dõi theo bóng nó chầm chậm trôi về phía bến đò xưa, lặng lẽ khuất dần ngoài cửa sông.
Tôi như thấy cô bạn học ngày nào giữa trưa hè khua mái chèo chở khách trên con đò nhỏ. Con đò ấy nhẹ nhàng lướt sóng đưa tôi trở về với tuổi thơ xa xôi trong muôn vàn nỗi nhớ dịu êm.
Hải Phòng 4.2022