Đời là bể khổ. Đúng quá, khỏi phải bàn. Con người ta buồn nhiều hơn vui. Bi kịch trong nhà bê tông có khi nhiều hơn trong nhà tranh vách lá.
Nhà của Hai Nhiều là nhà rường kiểu cổ, cột chạm trổ hoa văn cầu kì. Đời trước thuộc dạng giầu có, sau chiến tranh thì lụi tàn. Mái ngói đồng tiền có đâu từ thế kỉ trước, mục nát, mỗi mùa mưa là huy động nồi niêu xoong chảo hứng nước. Và đêm đêm vợ chồng Hai Nhiều nằm trong cái mùng vá víu mà thở than. Hết khổ con rồi khổ cháu – ừ – già rồi – chồng sáu tư, vợ sáu ba… Thôi than thở mà chi, đời là bể khổ mà.
Bốn đứa con, hai trai hai gái dựng vợ gả chồng xong là cho đất cất nhà ra riêng. Vậy mà không hết chuyện.
Khách ở quán bánh canh cá lóc bàn đủ thứ vào mỗi buổi sáng. Cái quán nhỏ xíu, nơi hội tụ của nông dân, công nhân, già có, trẻ có… Đó là nơi bàn chuyện thời sự thế giới. Từ chuyện Nga Mỹ, đến chuyện Hai Nhiều bán nhà rường.
Cái nhà có nằm mơ Hai Nhiều cũng không nghĩ có giá đến vậy. Mười cây bốn số. Bốn đứa con mừng ra mặt, cả dâu cả rể tưng bừng hội tụ. Quán bánh canh có chuyện thời sự. Kẻ bảo vô mánh, người bảo dại:
– Nhà giá trị khảo cổ mà bán có mười cây, mấy thằng thành phố mua xong mở tiệc ăn mừng liền.
– Thôi cha, còn đòi gì nữa, tháo ra toàn gỗ mục.
– Mục cái đầu mày, toàn Gõ Đỏ, Căm Xe, với Hương không đó con.
– Còn lâu mới mười cây – Chín Ẩn đế thêm – Hai Nhiều giấu của như mèo giấu cứt, cái nhà đó phải mười lăm cây, tụi mày nghĩ đi, có ai nói thật mấy chuyện đáng giấu không.
– Ừ, nghe Chín Ẩn nói cũng có lí, mà chuyện của người ta mặc kệ đi, bàn làm gì cho rách việc. Hai Nhiều mà nghe được là thấy mẹ nghe con.
Cha con Hai Nhiều nghe hết. Nhiều ta tặc lưỡi – Kệ cha thiên hạ – Còn mấy đứa dâu rể thì bán tín bán nghi… rồi dần dần tin luôn. Thằng chồng nói với con vợ:
– Sức mấy mà ông già nói thiệt, đời mà, dâu con rể khách, tui nói thiệt ổng coi mấy thằng con trai hơn, bà là đồ bỏ…
Còn hai thằng con ruột nói thẳng:
– Ông cho tui chút đỉnh làm ăn.
Con mà kêu cha bằng ông, xưng tui kể cũng lỗi đạo. Nhưng bốn đứa lần lượt bảy tám, bảy chín, tám mươi, tám mốt. Lớn lên từ bắp với khoai, đâu có ăn học gì mà biết lòng mẹ bao la như biển thái bình và tình cha ấm áp như vầng thái dương.
Lời thiên hạ và những bóng gió xa xôi của dâu rể làm Hai Nhiều bực. Lí ra sau khi bỏ ra ba cây làm nhà, Hai Nhiều cho mỗi đứa một cây như đã hứa. Đùng một cái Nhiều ta mua lô thổ cư trị giá bảy cây vàng.
Bầy con nghe qua “ồ” lên kinh ngạc. Đứa nào cùng đang trông vô lời hứa của cha. Nhất là Biển, thằng con lớn, đã cược cọc chiếc xe cải tiến, nay không có một cây, xem như tiêu. Biển vừa húp bánh canh, vừa hằn học với Chín Ẩn:
– Ông Chín nghĩ coi, ông già tui có điên không, khi không bỏ tiền ra mua đất – Nó chửi thề – mua để chôn ổng chắc.
Thằng Hiệp – em ruột Biển – nói:
– Thôi, chuyện trong nhà anh nói với người ngoài làm gì.
Biển, tính thô lỗ như cha gầm lên:
– Mày biết cái gì, thà là đừng hứa, giờ tao mất đứt hai chỉ tiền cọc.
Anh em đang lời qua tiếng lại thì Hai Nhiều đến, nghe Biển nói kiểu du côn, mất dạy, cái độc đoán, gia trưởng trong Hai Nhiều bừng bừng thức dậy, xưa nay chẳng biết nể nang ai bao giờ. Nhiều ta tát nước vào mặt con trai:
– Mày ngu thì ráng chịu, chừng nào có tiền thì mua, ai biểu cọc. Tiền của tao, chừng nào tao ưng cho thì tao cho, ai dám ép tao.
Cha con sực nhau ồn ĩ. Khách bánh canh nghe rồi bấm bụng cười. Xong, cha đường cha, con đường con. Thời sự bắt đầu từ Chín Ẩn:
– Thằng Biển nói đúng, mua đất để làm gì? Mà thằng Nhiều mua bị hớ rồi, hồi trước chủ kêu có năm cây, chả ai thèm ngó…
– Thôi cha nội, cha với Hai Nhiều ngày nào cũng tiến lên, tiến xuống mà nói kiểu châm dầu vô lửa, lọt tai thằng Biển là có chuyện cho coi.
– Tao hỏi mày mua làm gì? Con cái đứa nào cũng có rồi, phải kinh doanh bất động sản thì không nói, đàng nầy… Mẹ, bấy nay trông mấy đứa cháu, cha mẹ nó cho tháng vài đồng, bây giờ ghét, nó không gởi nữa, có mà ăn đất..
– Cũng ông nói, cái nhà rường tới mười lăm cây, làm gì hết mà ăn đất?
Khi khách đi hết rồi, vợ Hai Nhiều tâm sự với bà Hai bánh canh:
– Thôi, nói chi tới ông Hai nhà tui, ổng ưng sao làm vậy, chỉ vì mấy đồng bạc mà cha con lục đục hổm rày
* *
*
Thế rồi cơn sốt đất ào ào qua, và ghé chơi trên lô thổ cư của Hai Nhiều. Cũng nhanh như khi mua. Hai Nhiều chốt giá bốn mươi cây. Đại gia Ok cái rụp. Nhìn những lá vàng nằm trên bàn, vợ Nhiều không tin sự thật, bầy con thì khỏi phải nói. Còn có gì hơn khi Hai Nhiều long trọng tuyên bố:
– Tao cho mỗi đứa bốn cây, vị chi hai mươi bốn, còn mười sáu tao với má bây dưỡng già. Đứa nào lo cho tao chừng nào tao chết thì hưởng.
Đồng bạc có một ma lực đặc biệt, đã đổi trắng thay đen, nó còn biến lòng người thẳng hóa xiên nữa. Chín Ẩn chả hạn, trước cơn sốt đất, trong mắt Ẩn, Hai Nhiều là võ biền, nói:
– Thằng Nhiều mỗi lần đến quán tao, mấy con nhỏ nói thấy cái mặt nó là ăn cơm không vô.
Vậy mà cơn sốt chưa qua Chín Ẩn đã đổi giọng, từ cái mặt heo ngu bỏ mẹ đã hóa thành:
– Tướng thằng Nhiều trong tướng mệnh khảo luận là tướng Trư.
Ôi, đời. Chưa nói tới con cái dâu rể. Nhất là thằng Đỏ, thằng rể nầy rượu chè be bét, khi hụt ăn một cây vụ nhà rường, chỉ cần một tô bánh canh nó uống hết lít rượu, rồi chửi, trước còn bóng gió, sau ngấm rượu nó chửi thẳng luôn… Vậy mà cũng quay ngoắt o bế Hai Nhiều. Thiên hạ bánh canh quán loạn bình:
– Còn mười mấy cây trong ngân hàng, ổng bả sắp đi rồi, đứa nào biết nịnh, đứa đó hưởng.
Giá trị của Hai Nhiều tăng lên khi sau đó giá đất xuống thảm hại. Cái khủng hoảng kinh tế ở phố quơn, phố queo gì đó làm đất cát đóng băng. Hai Nhiều chìm đắm trong lời khen. Cái dớp bán nhà rường, mua đất bị vợ con chửi bới, thiên hạ chê ngu vụt biến mất . Ai cũng khen Hai Nhiều biết nhìn xa trông rộng. Ban đầu Nhiều còn nói “Hay không bằng hên”. Sau thiên hạ nâng bi quá Nhiều tưởng mình thật sự có tài.
Rồi bạn bè, bà con, thôi nôi, cưới hỏi… mỗi lời mời kèm theo một nịnh hót. Từ gã nông dân quần đùi áo cánh. Hai Nhiều đóng bộ xuống cà phê ôm Chín Ẩn chơi tiến lên. Người đẹp dưới trướng của má mì Lệ Diễm, trước chê Nhiều vai u thịt bắp ông ông tui tui, giờ trở giọng anh anh em em. Còn Lệ Diễm tuy đã trở về già nhưng vẫn còn duyên lắm, ngồi trên tay dưới tay Hai Nhiều luôn mặc áo hở ngực cả gang tay để “quan trên trông xuống, người ta trông vào” hòng đưa Nhiều vào trận mê hồn. Nhiều thì sao cũng được, nhưng tiền thì chỉ có chút đỉnh đi chơi. Tất cả đã nằm trong sổ tài khoản, mà sổ tài khoản nằm trong két sắt Hàn Quốc, vợ Hai Nhiều còn không biết mã số. Nói dại, lỡ Nhiều có mệnh hệ gì chỉ còn nước dùng búa tạ đập, hoặc kêu hàn gió đá đến thổi…
Thằng Hiệp phân trần:
– Tui mua cái xe thiếu ba chục triệu, nói ổng cho mượn vài tháng trả, ổng chửi inh trời đất, tui phải đi vay bên ngoài… Ba tui hả? Ai mà ăn được của ổng một đồng, má tui ổng còn phát tiền chợ.
Bè bạn lâu năm như Chín Ẩn còn mượn không ra, người đẹp cà phê ôm có mà chịu sầu. Đã vậy tiền nó nịnh tiền, chơi bài cứ tụ Hai Nhiều mà về. Cũng chẳng có gì lạ, ai nhiều tiền trụ được lâu, kẻ đó chắc thắng… Người đẹp ôm một anh được bảy chục, nhiều lắm một trăm vào tay chị Diễm ba chục, ngồi xòe, đen ba cây là “Chị Diễm đưa em góp một trăm”. Rồi chính Lệ Diễm kêu Chín Ẩn: “Ông đưa tui góp năm trăm”. Cứ thế, đen, Hai Nhiều móc túi ra chơi, đỏ, xếp vào túi. Thằng nhiều tiền phải hơn thằng tiền ít. Chín Ẩn hết tiền cho góp, Diễm xòe tay qua Hai Nhiều: “Một triệu, ngày trả một trăm, mười hai ngày” – Ừ, thì mười hai. Nhiều nghĩ vụ nầy ngon ăn, thầm đắc chí, tiền của tụi bây cho tụi bây mượn lại… khà khà… Cứ thế, cứ thế, bài có lúc đỏ lúc đen. Đỏ đen đen đỏ… Có khi đen một chuỗi… Nhiều móc túi một lần, lần hai, lần ba… vẫn đen. Chín Ẩn nói: “Đưa tao đánh cho vài ván xả xui”. Hai Nhiều đưa bài… Vào đánh tiếp, vẫn đen. Chín Ẩn gợi ý:
– Thì ôm một em cho bớt xui đi.
– Bá láp – Hai Nhiều nói – Toàn con cháu không.
– Con cháu cái con khỉ khô, nó bán có tiền thì mua, ngại thì ôm con Diễm.
Lệ Diễm tủm tỉm cười:
– Bớt hai lúa đi anh Hai.
Ái cha, câu này nghe mới tự ái à. Rồi, ôm thì ôm. Lệ Diễm đưa Hai Nhiều vào phòng, khóa trái cửa. Gối đầu lên tay tỉ tê tâm sự. Người đẹp trẻ trung, da thịt mịn màng, giọng nói nhẹ nhàng, ngọt như mật, kể một chuyện tình hai mươi năm về trước đẫm đầy nước mắt… Và với ngón nghề “vành ngoài bảy chữ” Lệ Diễm đưa Nhiều lên tận đỉnh vu sơn. Trái tim Nhiều nhũn như cọng bún thiu, còn cái đầu – của đáng tội – thầm so sánh người đẹp với vợ nhà ở cái tuổi sáu tư.
Lúc đưa tiền để sòng phẳng kẻ bán người mua, Lệ Diễm không nhận vì tình thương mến thương nên em cho không biếu không, rồi nàng đưa đôi môi mọng đỏ màu son hôn lên má Nhiều…thắm thiết. Cùng nhau ngồi xuống chiếu bạc. Vận đỏ lại đến, tiền trở về lại túi Nhiều. Đời đẹp làm sao. Có câu đen bạc đỏ tình, đỏ tình đen bạc. Hai Nhiều được cả hai, Chín Ẩn nói:
– Đúng là trời phò nhà Hán.
Rồi, trước còn trăng gió, sau ra đá vàng. Một hôm Lệ Diễm nói với Chín Ẩn:
– Em trả lại quán cho anh, em theo anh Hai vô khu công nghiệp làm ăn, ở đây ế quá.
Chín Ẩn đau như cắt, nhìn bầy mắt xanh mỏ đỏ theo đàn chị ra đi.
* *
*
Nghe chuyện Biển kình cãi với Chín Ẩn ở quán bánh canh. Bà Hai hỏi con trai:
– Tại sao đòi đánh Chín Ẩn, người ta nói um sùm…
– Bà đừng có nghe người ta, đầu đuôi cũng do cha Ẩn mà ra, mà bây giờ bà có biết ổng đi đâu không?
– Ổng nào? – Bà Hai hỏi.
– Thì ba chớ ai, bà là vợ mà đâu có biết, tui nghe thiên hạ nói, ổng với con Diễm rủ nhau vô khu công nghiệp mở quán ôm. Ổng đưa tiền vàng cho con Diễm, bà biết không?
– Thôi, dẹp di – Bà má nạt – làm gì có chuyện đó, tao ăn ở bốn chục năm rành cha bây quá mà, mấy con đó dễ gì ăn được của ổng, mày cứ nghe bậy bạ đánh người ta có ngày mang họa.
Dâu rể nghe ồn, kéo đến đế thêm:
– Má nghĩ đơn giản quá đó, dạo nầy ổng áo bỏ vô thùng bảnh bao lắm, coi chừng bị dụ không còn một đồng…
Bọn nhỏ bàn qua tán lại, bà Hai đâm hoang mang:
– Nhưng mà bây giờ biết làm sao, sổ sách gì đó ổng giữ tao đâu có biết…
Bầy con ngồi bàn tới bàn lui, tính toán làm sao mở được cái két sắt, xem sổ tài khoản để biết thực hư… Khó thiệt…Vậy mà bàn một hồi cũng lòi ra sáng kiến. Thằng Đỏ đưa kế hoạch khỏi phải chê, cả bọn đồng ý, bà má cũng thông qua. Thợ điện tử được triệu tập gắn một camera từ phòng ngủ vợ chồng Hai Nhiều ra cái vi tính đặt ở phòng khách, bọn trẻ đắc chí:
– Rồi, bây giờ mã số bí mật sẽ bật mí và sẽ biết tài khoản bị mất hết bao nhiêu.
Bà Hai hỏi:
– Lỡ ổng hỏi đặt vi tính làm chi, tao biết nói sao?
– Thì má nói tui đặt cho lũ nhỏ học – Thằng Biển trả lời.
Từ ngày theo Lệ Diễm mở quán, Nhiều đã biết được rất nhiều thế giới lấy đêm làm ngày, cái nghiệp bán phấn buôn hương, xem tiền nhẹ như rơm rác. Ba từ sang như đĩ quả không ngoa. Buổi tối bọn môi đỏ đứa ôm khách trong quán, đứa ngoài đường mời mọc, chèo kéo công nhân xa nhà đi tìm hoa độc. Khuya qua đêm với Đài Loan, Hàn quốc, sáng ngủ vùi. Thức dậy, phấn son còn lem luốc đã ngồi vào chiếu bạc gọi điện cho người đem cơm đến… văng tục chửi thề và xòe tay lấy góp.
Hai Nhiều lún sâu vào Lệ Diễm những sáu cây vàng trong cái mê hoặc của mười ra mười hai. Lúc đầu thuận buồm mát mái lắm. Nhưng làm gái bán hoa đâu phải lúc nào cũng có khách đi chơi, ngồi dài mặt mươi ngày nửa tháng là quá thường, và tất nhiên cơm phải ăn, thuốc phải hút, bài phải đánh.
Nghe Nhiều than thở, Lệ Diễm trấn an:
– Anh yên tâm, cái nghiệp nầy em rành lắm… Nếu anh sợ thì em gom vốn trả anh.
Và rồi khi đắt khi ế, cứ thế mà mặt trời hết lên rồi xuống, xuống lên lên xuống. Nhiều ta đi đi về về và cái camera đã trình chiếu lên màn hình cái mã số mở két sắt.
Đợi Hai Nhiều xách xe chạy đi, cả bọn xúm lại. Thằng Biển với tư cách con trai lớn mở két sắt. Sổ tài khoản được trình bày với bá quan văn võ. Sau một hồi tính toán. Biển ta phán một câu chấn động:
– Còn lại có chín cây.
Ngay lập tức cái nhà như cái chợ vỡ, tám cái miệng nói cùng một lúc, chỉ thiếu thằng Hiệp đang chạy xe. Một lúc Biển nghiêm giọng:
– Cha Chín Ẩn là đầu đảng trong vụ nầy. Hồi trước ổng với con Diễm cặp kè nhau. Thấy có tiền con Diễm quay qua ông già, trong nầy phải có âm mưu của Chín Ẩn.
– Thôi, đừng có đổ cho người ta – bà má nói – cha mầy gần bảy chục rồi, dại thì chịu. Mà kệ ổng, tiền của ổng, ổng làm gì thây kệ ổng.
– Má nói vậy đâu có được. Tiền đem cho gái mà kệ à. Tui nói thiệt, ông già bị dụ rồi, bọn cà chớn nầy tui phải cho một đứa một dao.
Trong lúc mọi người đang rối như canh hẹ, thì Hai Nhiều cũng rối không kém. Chạy xe vô nằm ôm Lệ Diễm được một lát có điện thoại gọi trả tiền góp. Diễm xách xe chạy, còn nói – Một lát em về… Rồi một tiếng, hai tiếng… Diễm càng lúc càng biệt. Một giờ trưa, nắng chang chang, bầy gái lục tục thức dậy, thấy mà u ám. Nhiều thoại cho Diễm, nhưng – ò í e… thuê bao quí khách…
Nhiều chột dạ, linh cảm điều không hay xảy ra. Từ chột dạ qua lo lắng. Bỗng nhiên Hai Nhiều ngộ ra mình ngu và… phừng phừng nổi giận. Hỏi, đứa nào cũng trả lời:
– Tui mới ngủ dậy, ông không biết làm sao tui biết. Mà bả đi đâu ta? Tối qua bả lấy hết tiền góp của tụi tui nói bữa nay về quê, không chừng về rồi à. Bả không cho ông hay sao? Bả lấy xe ông đi hả… ấy dzui…
– Mà quê nó ở đâu? – Hai Nhiều hỏi.
– Ai biết, ông không biết sao tui biết.
Hai Nhiều bắt xe ôm về nhà. Thấy bầy con nhìn mình hằn học, sổ tài khoản nằm trên bàn. Nhiều gầm lên, tiếng gầm giận giữ chưa từng thấy, nó phối hợp đủ hỉ, nộ, ái, ố. Vừa bị lừa tình, lừa tiền, bây giờ như thế nầy, ai mà không giận. Thằng Biển lường trước sự kiện, nó chận lại:
– Ông la cái gì?
– Ừ, ba la cái gì? Cả bọn nhao nhao lên. Bà Hai Nhiều sợ quá nói trong nước mắt: “Thôi đi, thôi đi”. Hai Nhiều điên tiết cung tay xuất kì bất ý đấm vào mặt thằng Biển. Bất ngờ ăn đòn, Biển nhào tới định ăn thua nhưng bầy em xô ra sân. Hai Nhiều ầm ĩ:
– Đồ du côn mất dạy, ai cho mở tủ, bà phải không?
Hai Nhiều xáng cho bà Hai cái tát.
Thằng Biển tức quá, nó đứng ngoài sân ông ổng cái miệng: “Ông là người cha vô trách nhiệm, lấy tiền cho gái ăn, ông ngó được không? Thằng út Hiệp mượn tiền mua xe ông không cho, ông ngó được không? Cứ một câu nó văng tục mười tiếng. Cả xóm bên nầy lẫn bên kia đường, ra cửa đứng nghe và lầu bầu: “Buổi trưa, chả cho ai ngủ gì…mẹ… lại gia đình Hai Nhiều”.
Từ trong nhà nghe Biển nói giọng mất dạy, Hai Nhiều rượt thằng con, chửi inh ỏi:
– Đồ lưu manh, đồ nuôi ong tay áo, khỉ dòm nhà….
Chạy một đoạn, nhắm chừng già lão không rượt nổi, Biển đứng lại, nó chẩu mỏ xỉa lại:
– Phải, tui là lưu manh, còn ông là lưu gì? Ông là lưu…Không biết dùng từ gì để diễn đạt, nó nói đại – Ông là Lưu Bình…
Trời ơi – Hai Nhiều – rủa thầm, thật là hết thuốc, đúng là nợ và oan gia. Ai đã tạo ra của cải nầy? Nếu Hai Nhiều không chủ động bán nhà rường, không chủ xị mua thổ cư và không toàn quyền bán nó, thì có được thế nầy không? Trời ơi, tiền của mình cho nó, ngày nay nó dùng khoa học kỹ thuật để triệt tiêu mình… Hừ, tiền của tao, tao có quyền. Ai cho bây theo dõi tao? Ai cho bây mở két sắt? Ai?… Đau đớn vì lừa đảo, vì uy quyền bị sụp đổ, phần mệt vì chạy giữa trưa cháy nắng với cái bụng lặc mỡ thừa, Hai Nhiều ngồi rũ như tàu lá héo. Thằng Biển đâu biết cha đang tuyệt vọng, nó chỉ biết cha vất tiền vô chỗ đất hỡi trời ơi. Nó lại léo nhéo.
Hết mệt, Hai Nhiều lại đứng lên chạy theo léo nhéo. Hai Nhiều chạy đi đâu vậy kìa? Theo Biển hay theo ai?
Theo ai?
Nguyễn Trí ngày càng khẳng định một vị trí trong văn đàn kiểu như một Honoré de Balzac Việt Nam với việc trần hiện những “tấn trò đời”. Tưởng như một việc “bình thường thôi” – theo cách nghĩ của nhiều nhà văn máy lạnh hiện nay – nhưng phải là người sống cùng, hơn nữa phải là người có trái tim đồng cảm với những cảnh đời dưới đáy ấy mới viết được như vậy. Cách kể nhẩn nha, bằng ngôn ngữ nói bình dân giúp thêm một điểm cộng đáng kể.
Theo Tiền phong online