Ngôi trường thiết kế có ảnh hưởng nhất trong lịch sử, Bauhaus, được thành lập 100 năm trước bởi kiến trúc sư người Đức Walter Gropius, một người có tầm nhìn sâu rộng. Ở đây, các nguyên tắc toán học và kỹ thuật nghiêm ngặt đã được áp dụng cho mỹ thuật, thủ công và kiến trúc. Bauhaus là ngôi trường đi đầu trong việc kết hợp tinh tế giữa khoa học và nghệ thuật.

Thẩm mỹ Bauhaus phụ thuộc trên hết vào các dạng hình học, điều được tìm thấy trong thiết kế gia công và kỹ thuật cơ khí. Nó có sử dụng đến các vật liệu công nghiệp hiện đại như thép hình ống và bê tông. Tuy nhiên, nó cũng được truyền cảm hứng từ thiên nhiên – điều làm nên tên tuổi vinh quang cho Bauhaus, cho dù được thể hiện trong thiết kế đồ họa, dệt, mộc, thủy tinh, kim loại hay vẽ tranh tường.

Một trong những chiếc ấm trà hình học của nhà thiết kế công nghiệp Marianne Brandt. Ảnh: John MacDougall/AFP/Getty.

Ngôi trường ra đời vào một thời kỳ đầy biến động. Năm 1916, khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Gropius rời khỏi mặt trận trong thời gian nghỉ phép tạm thời để đến Weimar ở Đức. Ông đã được mời giảng dạy kiến trúc tại Học viện Mỹ thuật Grand-Ducal Saxon, nơi sẽ thay thế Trường Nghệ thuật và Thủ công sắp đóng cửa gần đó. Khi Gropius trở lại trại quân đội của mình, ông bắt đầu phát triển ý tưởng của mình cho một học viện sẽ đưa thủ công vào nghệ thuật ứng dụng và mỹ thuật.

Bauhaus: có nghĩa là ‘xây nhà’, một cái tên súc tích và chuẩn xác. Nơi đó sẽ thiết kế các đồ vật gia đình, từ đồ nội thất đến bộ đồ ăn: không có phụ kiện trang trí mà hoàn toàn tập trung vào công năng, sẵn sàng để sản xuất hàng loạt.

Ông đã hình thành chương trình giảng dạy của mình trong khi nghiên cứu các công cụ và công nghệ thời chiến súng, đại bác và các sản phẩm công nghiệp khác. Ông gọi ngôi trường đó là Bauhaus: tiếng Đức có nghĩa là “xây nhà”, một cái tên súc tích và chuẩn xác. Nơi đó sẽ thiết kế các đồ vật gia đình, từ đồ nội thất đến bộ đồ ăn: không có phụ kiện trang trí mà hoàn toàn tập trung vào công năng, sẵn sàng để sản xuất hàng loạt. Các phòng thực hành sẽ là nơi thí nghiệm, nơi sinh viên được học cả về công nghệ và hình dáng. Không giống như trường phái thẩm mỹ đang nổi lên ở Berlin thời bấy giờ, các thiết kế của Bauhaus sẽ đáp ứng nhu cầu thực sự. Chính công năng sẽ xác định hình thức và chi phối các quyết định về tính thẩm mỹ.

Gropius có lối suy nghĩ ảnh hưởng nhiều bởi khoa học. Ông gói gọn triết lý thiết kế của mình trong một bài báo năm 1937 trên tờ The Architectural Record. Ông viết: “thiết kế đòi hỏi kiến thức sâu sắc về các vấn đề sinh học, xã hội, kỹ thuật và nghệ thuật. Ông tin rằng kiến trúc cần phải dựa trên kiến thức chắc chắn về vật liệu, và nó cần phải phản ánh ảnh hưởng tới tâm lý và cảm giác của hình dạng, kết cấu và màu sắc.

Khi ông thành lập Bauhaus vào tháng 4 năm 1919, Gropius đã mời đến nhà thiết kế người Thụy Sĩ, ông Julian Itten, người đã đào tạo sinh viên một cách nghiêm ngặt về vật liệu, bố cục và màu sắc. Itten đưa ra giả thuyết về một khoa học về độ tương phản màu phụ thuộc vào bảy biến số, bao gồm nhiệt độ và độ bão hòa. Giả thuyết này chịu ảnh hưởng của các lý thuyết màu sắc của hai nhà khoa học thế kỷ XIX: nhà hóa học người Pháp Michel Eugène Chevreul và nhà khoa học đa ngành người Đức Johann Wolfgang von Goethe. Năm 1920, Itten đã thuyết phục các nghệ sĩ hàng đầu Châu Âu thời bấy giờ là Georg Muche và Paul Klee tham gia vào đội ngũ giảng dạy của trường.

Một poster cho triển lãm các công trình của Bauhaus năm 1923, của nhà thiết kế đồ họa Joost Schmidt.

Itten cũng là một tín đồ của Mazdaznan, một phong trào dựa trên những lời dạy của nhà tiên tri Ba Tư cổ đại Zoroaster. Tạo ra một cuộc cách mạng rất khác so với một Gropius đã tìm kiếm, ông đã định hướng cho một số học sinh tuân theo chế độ nghiêm ngặt của việc nhịn ăn và cạo đầu. Đến năm 1923, Gropius đã thay thế ông bằng nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia người Hungary Lázló Moholy-Nagy.

Là một nhà thí nghiệm tận tụy, Moholy-Nagy đã ấn tượng bởi những lý thuyết vật lý mới của Albert Einstein, và bị thuyết phục bởi quang học cũng như nhận thức về chuyển động, không gian và thời gian. Sau này, ông đã thiết kế các bức tượng được cơ giới hóa và có thể di chuyển như tác phẩm điêu khắc Light Prop (1930) cho một buổi diễn trên sân khấu có sử dụng điện. Ông cũng tạo ra những cuốn sách đặt các hình ảnh khoa học được chụp từ kính hiển vi và kính viễn vọng cạnh bản sao của các tác phẩm nghệ thuật. Ngoài ra, Moholy-Nagy còn điêu khắc, sử dụng kính acrylic và các vật liệu hiện đại khác.

Một nghệ sĩ định hướng khoa học khác tên là Wassily Kandinsky đã gia nhập vào năm 1922. Một người Nga tiên phong của trường phái trừu tượng, ông đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự phát hiện ra hạt nhân nguyên tử của Ernest Rutherford vào năm 1911. Sự phát hiện đó chẳng khác nào một quả bom trong sự hiểu biết về vũ trụ, và điều đó đã khiến Kandinsky suy ngẫm về việc làm thế nào để nắm bắt bản chất dễ thay đổi của thực tế vật chất, và điều đó kích thích tư duy trừu tượng của ông. Đồng thời, ông cũng thu thập những hình ảnh khoa học về vi khuẩn, phôi và côn trùng. Chúng đã truyền cảm hứng cho các dạng hình sinh học trong nhiều bức tranh của ông.

Cái bóng của ánh sáng

Sự sáng tạo của trường đã được phát triển mạnh mẽ nhờ rất nhiều vào công của phụ nữ. Nhà thiết kế công nghiệp Marianne Brandt đã chế tạo đồ gia dụng và đồ nội thất dạng hình học đầy quyến rũ, và cuối cùng trở thành người đứng đầu khoa tạo hình từ kim loại của trường. Nhiếp ảnh gia Lucia Moholy, nhũ danh Schulz, đã kết hôn với Moholy-Nagy vào những năm 1920 rồi cùng ông tạo ra các bức ảnh thông qua một quá trình phức tạp liên quan đến việc phơi bày các vật thể trên giấy nhạy sáng. Anni Albers (nhũ danh Fleischmann), người đã gặp và kết hôn với nghệ sĩ thủy tinh và giáo viên Josef Albers tại trường, đã khám phá các họa tiết lưới và màu sắc trong các bức tranh treo tường ấn tượng. Sau đó, xu hướng này được tiếp nối bởi nhiều nhà thiết kế dệt may đáng chú ý khác tại Bauhaus, bao gồm Otti Berger và Gunta Stölzl.

Ngôi trường đã phải tự đấu tranh với khủng hoảng tài chính và sự phủ nhận của chính phủ. Năm 1925, nó chuyển đến Dessau. Kiến trúc sư và bậc thầy về chuyển động thẳng Ludwig Mies van der Rohe lên làm hiệu trường vào năm 1930, nhưng hai năm sau đó, chính quyền địa phương cánh hữu đã buộc trường phải đóng cửa. Sau một năm cuối cùng ở Berlin, lực lượng cảnh sát mật Gestapo đã khóa cửa ngôi trường vào năm 1933 và khiến các thày cô giáo, những người vĩ đại ủng hộ trường không biết mệt mỏi, đành phải đi tìm con đường riêng cho mình. Cho đến lúc đó, các sản phẩm của Bauhaus đã được trưng bày từ Ấn Độ đến Hoa Kỳ và các ấn phẩm của nó như bài báo của Gropius trong tạp chí International Architecture vào năm 1925 – đã làm rung chuyển Hà Lan và khu vực Bắc Âu.

Trong vòng vài năm, Gropius, Moholy-Nagy, Mies và Albers đã trốn khỏi Đức, cuối cùng định cư tại Hoa Kỳ và tiếp tục truyền các khái niệm Bauhaus sang một thế hệ mới. Gropius giảng dạy tại Trường thiết kế sau đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts. Moholy-Nagy và Mies chuyển đến Chicago, Illinois, nơi họ đứng đầu Trường Thiết kế và Học viện Kiến trúc Illinois. Josef Albers đã được mời đến quản lý Black Mountain College mới ở Bắc Carolina, và ông đã đào tạo các nghệ sĩ trẻ cấp tiến như Robert Rauschenberg và Ruth Asawa. Anni Albers, người cũng giảng dạy tại trường đại học, là một nhà thiết kế dệt may và nghệ sĩ đồ họa nổi tiếng. Klee và Kandinsky ở lại châu Âu và tiếp tục khiến nghệ thuật đẹp đến mức đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, ảnh hưởng của họ như một tập thể vẫn còn sâu sắc.

Từ họa tiết hình học đến thiên nhiên

Nhưng còn những hình tam giác, hình vuông và hình tròn người ta nhìn thấy trên áp phích, bìa sách và trang web kỷ niệm của Bauhaus trong dịp tròn 100 năm này? Nhà sử học nghệ thuật người Đức, Wilhelm Worringer, tác giả của cuốn sách Trừu tượng và Đồng cảm năm 1908 là một người có ảnh hưởng lớn đến Bauhaus, ông đã gọi những hình dạng trừu tượng là những gì “vô hồn phản sự sống”. Khác xa với miệt thị, thuật ngữ này đã tiết lộ tầm nhìn của Bauhaus trong việc tìm thấy sự liên tục và vẻ đẹp ở hình khối chưa có tiền lệ, cùng các hệ thống và biểu tượng liên kết thế giới tự nhiên và thế giới kỹ thuật của nó.

Một người phải biết cách nhìn xuyên qua vẻ ngoài của sự vật, để nắm bắt bản chất của nó. Một người phải học cách nhận ra những ẩn dụ, những logic phía sau những thứ hữu hình.

Các họa tiết lấy cảm hứng từ thiên nhiên cũng được tạo hình một cách sâu sắc, chứ không hề hời hợt trong các tác phẩm Anni Albers. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi những ý tưởng của Worringer, bà đã tôn kính Goethe, người viết cuốn sách Sự biến hóa của thực vật (1790) và nhờ đó tạo nên niềm đam mê của bà với cấu trúc thực vật. Goethe nhận ra rằng tất cả các bộ phận của một bông hoa, từ nhụy hoa đến cánh hoa, đều là những biến thể của hình dạng chiếc lá. Do đó, chiếc lá là “mầm” của sinh trưởng thực vật. Điều này đã trở thành kim chỉ nam cho các tác phẩm treo tường trừu tượng của Albers: một vài hàng đầu tiên trong mảnh dệt treo tưởng sẽ xác lập quy luật của họa tiết còn lại. Cô kết cấu các tác phẩm dệt may của mình tuân thủ quan niệm của Goethe, với sự nhất quán của tự nhiên từ hình dáng đến sự phát triển.

Klee là giáo viên của bà trong một thời gian ngắn và cũng có sự đam mê với thiên nhiên như Albers. Trong một bài giảng, ông đã mô tả các nghệ sĩ giống như những người sắp xếp các dòng chảy hình ảnh và trải nghiệm giống như thân cây: Từ rễ, nhựa cây ào vào người nghệ sĩ, chảy qua cơ thể anh ta, trào ra qua đôi mắt”. Ông bị ám ảnh bởi sự năng động của chất lỏng. Những ghi chép của ông, “Con mắt suy nghĩ” và “Bản chất tự nhiên”, được xuất bản vào đầu những năm 1920, về cơ bản là những chuyên luận về các chủ đề như hình học, phối cảnh và chuyển động. Như ông đã viết vào năm 1929: Các nghiên cứu về đại số, hình học, cơ học tạo ra một cách giảng dạy đặc trưng hướng đến sự thiết yếu và công năng của sự vật… Một người phải biết cách nhìn xuyên qua vẻ ngoài của sự vật, để nắm bắt bản chất của nó. Một người phải học cách nhận ra những ẩn dụ, những logic phía sau những thứ hữu hình”. Chỉ có ai đó nghe nhạc của Johann Sebastian Bach mới có thể diễn đạt cách tiếp cận này một cách tinh tế như vậy. Thông qua thử nghiệm và các motif lặp đi lặp lại, đồng thời được củng cố bởi toán học, Klee – giống như Bach – đã pha trộn sự thơ mộng với sự hệ thống hóa.

Các nghệ sĩ Bauhaus đã tìm thấy tính thẩm mỹ mạnh mẽ của họ trong một hình học vượt ra ngoài các dạng tự nhiên, trong một sự chưng cất màu sắc được thiết kế một cách kiên nhẫn. Nhưng những người có tầm nhìn rộng mở này không bao giờ ngừng kết nối với những điều kỳ diệu của chính cuộc sống. Nghệ thuật của họ tôn vinh phép lạ tự nhiên theo những cách mới.□

Hạnh Duyên dịch
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-019-02355- Từ Tia Sáng