Ở một nơi không có sóng điện thoại, không có mạng Internet, hẳn nhiều người trong số chúng ta sẽ cảm thấy “không thể sống nổi”. Vậy nếu đưa cả thế giới ảo “không thể thiếu” đó ra đời sống thật, chúng ta sẽ có gì?

Civitacampomarano là một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Campobasso của Ý với dân số chỉ khoảng 400 người, chủ yếu là người già. Ngôi làng vốn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa dân gian. Đời sống ở đây xa lạ với những thứ như máy tính, điện thoại thông minh hay mạng Internet…

Thực tế, khi đã đặt chân tới làng Civitacampomarano, du khách cũng sẽ khó lòng sử dụng điện thoại vì sóng khá yếu, mạng Internet thì vẫn là một khái niệm không tồn tại đối với dân làng nơi đây. Người dân Civitacampomarano tuyệt đối không biết tới (và có thể cũng “không buồn biết tới”) một thế giới ảo khổng lồ tồn tại trên mạng.

Mới đây, một ý tưởng hài hước xoay quanh lối sống chậm rãi khác biệt của người dân làng Civitacampomarano đã thu hút sự chú ý. Đa phần chúng ta đều cho rằng những công dụng của mạng Internet, mạng xã hội, công cụ chat, trang thương mại điện tử… là không thể thiếu được trong đời sống hiện đại thường nhật.

Vậy mà người dân Civitacampomarano từ trước đến nay vẫn sống bình thường mà không hề biết tới những điều trên. Họ sống ở một nơi ngay cả sóng điện thoại còn yếu, mạng Internet là điều xa xỉ chưa được biết tới.

Vì vậy, để người dân nơi đây “làm quen” với thế giới ảo trên mạng, cũng là để những du khách tìm đến đây không cảm thấy quá “khổ sở” vì không có mạng, người ta đã trang trí lại ngôi làng theo chủ điểm “thế giới ảo trong đời sống thật”…

Mạng xã hội Twitter là nơi để mọi người chia sẻ với nhau những thông tin, câu chuyện thú vị. Ở làng Civitacampomarano, đó là những băng ghế công cộng, nơi người ta trò chuyện với nhau mỗi ngày.

“Bách khoa toàn thư” Wikipedia ở làng Civitacampomarano chính là bà cụ già kiếm sống bằng nghề kể truyện cổ tích, truyện dân gian. Với tuổi tác và vốn sống của mình, bà là một kho tri thức sống đối với dân làng.

Mạng xã hội Facebook – nơi thông tin có sức lan truyền cực lớn đối với “cộng đồng mạng”, ở ngôi làng nhỏ này, Facebook chính là tấm bảng chuyên dán các bản thông báo quan trọng đối với cộng đồng Civitacampomarano.

Trang thương mại điện tử eBay – nơi người ta có thể tìm mua bất cứ món đồ nào mình muốn, trong ngôi làng nhỏ, đó là một cửa hiệu tạp hóa.

Trang YouTube? Ở nơi này, đó chỉ có thể là… chiếc TV.

Ứng dụng liên lạc trực tuyến trên điện thoại thông minh – WhatsApp – chính là… bốt điện thoại công cộng.

Hòm thư điện tử Gmail ở đây cũng là một hòm thư, chỉ có điều, muốn gửi thì phải đi bộ đến tận nơi, bỏ thư vào hòm.

Ứng dụng chuyển tệp tin – WeTransfer – ở làng Civitacampomarano chính là… xe tải.

Phần mềm diệt virut chính là… hiệu thuốc.

Nhưng công cụ chia sẻ tin tức trên mạng giờ được “cụ thể hóa” thành cửa hiệu bán báo.

Tinder – ứng dụng hẹn hò, ở ngôi làng nhỏ này, nó chính là những băng ghế nằm ở cuối làng, khuất trong bìa rừng.

Trang hỗ trợ tìm kiếm Google ở làng Civitacampomarano chính là… quán bar, nơi người ta gặp gỡ, chuyện trò và có thể “nghe ngóng”, tìm hiểu nhiều chuyện.
Theo Bích Ngọc – Dân trí (dịch từ Bored Panda)
Exit mobile version