Di tích cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) là di sản đầu tiên của Việt Nam được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (năm 1993). Trong 23 năm qua, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã giải quyết như thế nào về bài toán giữa khai thác, phát huy giá trị di sản với việc bảo đảm lợi ích cho cộng đồng cư dân địa phương? Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã gặp gỡ, trao đổi với TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Đề nghị ông cho biết đôi nét về công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Thế giới Cố đô Huế trong những năm qua?

TS Phan Thanh Hải: Có thể nói công tác bảo tồn di sản cố đô Huế đến nay được UNESCO, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao. Sau khi trở thành Di sản Thế giới, năm 1996, tỉnh đã có kế hoạch chiến lược thông qua Đề án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế (giai đoạn 1996-2010). Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch trung hạn (2016-2020). Dự kiến, chúng tôi sẽ được đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng để trùng tu, bảo tồn 27 hạng mục dự án. Trong đó có 10 hạng mục dự án do Trung ương đầu tư, 17 dự án do địa phương và các nguồn khác.

Di sản cố đô Huế được bảo tồn tốt, trở thành điểm đến của đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Nhìn lại quá trình bảo tồn di sản cố đô Huế, từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch chiến lược 1996-2010, chúng ta đã trải qua 20 năm và được đầu tư tương đối lớn. Lĩnh vực di sản văn hóa được đầu tư hơn 1.000 tỷ trong 20 năm. Số kinh phí đó đã được đầu tư cho triển khai trùng tu, phục hồi hơn 150 công trình lớn nhỏ. Hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan môi trường, phần nội thất công trình đã được trùng tu…

PV: Theo khảo sát của chúng tôi, hiện tại một số điểm di tích trong quần thể di sản cố đô Huế đang bị xuống cấp, thậm chí có điểm di tích xuống cấp nghiêm trọng, ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

TS Phan Thanh Hải: Đúng là hiện nay có những điểm di tích đang trong tình trạng xuống cấp như: Trấn Hải Thành, Văn Thánh, Võ Thánh, di tích Hữu Quyền, Điện Voi Ré… Có một số điểm di tích khá quan trọng chúng tôi mong muốn được ưu tiên đầu tư, nhưng theo ý kiến chỉ đạo của trên thì giai đoạn này, chúng tôi đang tập trung nguồn lực vào đầu tư tu bổ, tôn tạo các hạng mục trong khu vực Đại nội Huế và các lăng chính. Dĩ nhiên công tác bảo tồn các điểm di tích đó vẫn được chú ý chứ không phải bỏ quên. Tuy nhiên trong kế hoạch trung hạn từ nay đến năm 2020 thì một số điểm di tích như vừa nêu vẫn chưa được đầu tư.

PV: Những khó khăn, bất cập trong công tác bảo tồn Di sản Văn hóa Thế giới Cố đô Huế hiện nay đang gặp phải là gì, thưa ông?

TS Phan Thanh Hải: Thật ra là còn rất nhiều điểm bất cập. Thứ nhất là về khía cạnh pháp lý. Quy định của Công ước quốc tế về bảo vệ di sản giữa vùng lõi và vùng đệm vừa chặt lại vừa thoáng. Tức là, nếu để bảo đảm di sản được bảo tồn một cách bền vững, thì phải làm quy hoạch tốt. Trong vùng quy hoạch, dân cư vẫn sinh sống và có thể phát triển được theo đúng quy hoạch. Tuy nhiên, Luật Di sản văn hóa nước ta thì quy định khá cứng nhắc. Tức là trong vùng lõi di sản, tất cả mọi cái là bất biến, không được đụng vào. Như vậy theo luật của chúng ta, nếu dân cư sinh sống trong vùng lõi thì phải di chuyển đi chỗ khác, chứ không được sống cùng di sản.

Điểm thứ hai là hiện nay theo cách hiểu của chúng ta, bảo tồn, công tác trùng tu di sản vẫn được hiểu là công tác xây dựng cơ bản theo Luật Xây dựng, mà điều này hoàn toàn không phù hợp. Trùng tu di sản là lĩnh vực rất đặc thù, nó đòi hỏi lao động thủ công với công nghệ truyền thống, trình độ nghệ nhân rất tinh xảo. Trong khi quy định hiện nay về ngày công của nghệ nhân mà như Luật Xây dựng quy định là không phù hợp, nên không thu hút được người tài.

Còn những khó khăn khác như nguồn lực dành cho trùng tu. Ngoài ngân sách Trung ương, tài trợ quốc tế, xã hội hóa thì gần như nguồn thu từ di sản mới bảo đảm khoảng 50% cho công tác bảo tồn di tích. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải cẩn trọng trước nguy cơ thương mại hóa di sản.

PV: Việc huy động các nguồn lực, nhất là nguồn thu từ phí tham quan đã được sử dụng trong bảo tồn di tích như thế nào?

TS Phan Thanh Hải: Trong 20 năm qua, lượng khách đến Huế tăng khá nhanh. Cách đây 20 năm, mới chỉ có khoảng trên dưới 2.000 lượt khách/năm. Năm 2015 đã có hơn 2 triệu lượt khách, trong đó có gần 55% là khách quốc tế. Nguồn thu cho di tích cũng tăng nhanh, nếu năm 1996 đạt khoảng 20 tỷ một năm thì năm 2015 đạt hơn 200 tỷ, tức là đạt tăng gấp 10 lần so với 20 năm trước đó. Đến năm 2020, chúng tôi sẽ phấn đấu đạt nguồn thu khoảng 300 tỷ, và có thể tự đáp ứng kinh phí cho nhu cầu trùng tu di tích.

Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tự cân đối thu chi, hằng năm dành khoảng 40% từ nguồn thu cho công tác trùng tu. Ví như năm 2015 vừa rồi, trung tâm đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng 80 tỷ để đầu tư lại cho công tác trùng tu. Đến năm 2020 sẽ cố gắng nộp 150 tỷ để dành cho ngân sách địa phương phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di tích. Hiện nay, quần thể di tích cố đô Huế có gần 30 điểm, chúng ta chỉ mở cửa bán vé và mang lại nguồn thu trên 7 điểm di tích. Để duy trì hoạt động cho toàn bộ bộ máy quản lý và các hoạt động của khu di sản thì đòi hỏi phải có sự nỗ lực nhiều hơn nữa.

PV: Vấn đề bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của người dân và công tác bảo tồn di sản đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện ra sao, thưa ông?

TS Phan Thanh Hải: Với chúng tôi, đó là một trong những nhiệm vụ bắt buộc. Bởi vì, quan niệm của UNESCO bây giờ là di sản được bảo tồn tốt nhất là trong lòng cộng đồng và bảo tồn di sản phải gắn liền với lợi ích của người dân.

Thực ra mà nói, tại quần thể di sản Huế hiện nay, các hoạt động dịch vụ đang được xã hội hóa cho người dân tham gia. Từ đó mang lại nguồn lợi cho người dân. Từ đây cũng tạo ra nền tảng để người dân sống xung quanh vùng di sản có đời sống tốt hơn. Ví dụ như di tích Huế năm vừa qua thu được khoảng hơn 200 tỷ đồng thì tổng thu ngành du lịch dịch vụ của tỉnh là hơn 2.700 tỷ. Từ nguồn thu đó, cộng đồng và xã hội cũng được hưởng lợi từ di sản. Bên cạnh đó, trong quá trình trùng tu, bảo tồn di sản, việc di dời người dân ra khỏi khu di tích nhằm ổn định cuộc sống cũng là một trong những nhiệm vụ để vừa an dân, vừa để chỉnh trang đô thị, làm đẹp cho thành phố, phục vụ cho đời sống của chính người dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Thực hiện: Duy Văn – Nguồn QDND