Tiểu thuyết nổi tiếng, được hoàn thành sau khi tác giả nhận giải Nobel, vừa ra mắt tại Việt Nam.

 

Tác phẩm “Bảo tàng ngây thơ” (The Museum of Innocence) lấy bối cảnh Istanbul mùa xuân năm 1975. Xã hội trưởng giả Âu hóa Istanbul háo hức với lễ đính hôn của Kemal và Sibel, cả hai người đều thuộc dòng dõi thế gia. Nhưng cuộc gặp gỡ tình cờ với Fusun – cô gái xinh đẹp, nghèo khó – đã khiến Kemal dứt lìa khỏi thế giới mà anh thuộc về.

Sách “Bảo tàng ngây thơ”

Bất chấp những rào cản ngăn cách giữa hai người như định kiến và tục lệ xã hội, Kemal theo đuổi Fusun trong 8 năm sau đó. Anh miệt mài sưu tập các đồ vật níu giữ thời gian, lập nên bảo tàng ngây thơ như một biên niên sử về Fusun – tình yêu sầu muộn của anh. Những đồ vật xung quanh cô từ chén uống trà tới cái cặp tóc đều được Kemal lưu giữ. Ở đó, anh được chìm đắm với tình yêu mãnh liệt và bản thể của mình, vượt lên mọi tội lỗi, lầm lạc như những định kiến đặt ra.

Bảo tàng ngây thơ là một khảo sát tỉ mỉ, xúc động về bản chất của người si tình, của sự lãng mạn. Trong tác phẩm, nhiều sự kiện được mô tả chính xác với thời gian, địa điểm cụ thể, dưới góc nhìn khác nhau của các nhân vật. Các hiện vật thấm đẫm u sầu ở bảo tàng Kemal dựng nên cũng là những vật chứng của một Istanbul đa bản sắc và biến động trong dòng lịch sử dần xuôi chảy đến phương Tây.

Bảo tàng ngây thơ ra mắt tháng 8/2008 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, sách nhanh chóng được dịch sang tiếng Đức và xuất hiện tại hội chợ sách Frankfurt 2008. Tiểu thuyết cũng được dịch sang tiếng Anh vào năm 2009 và nhiều ngôn ngữ khác. Bảo tàng ngây thơ được đánh giá là kiệt tác mở đầu cho chặng đường thế kỷ 21 của văn chương thế giới.

 

Orhan Pamuk trong Bảo tàng ngây thơ của ông ở Istanbul.

 

Năm 2012, Orhan Pamuk cho mở cửa bảo tàng tư nhân tại Istanbul có tên “Bảo tàng ngây thơ”. Theo ông, bảo tàng được xây dựng không phải từ sự thành công của cuốn sách; mà hai ý tưởng viết sách và xây bảo tàng xuất hiện song song. Bảo tàng là nơi ông trưng bày những kỷ vật gợi liên tưởng đến cuộc sống thường ngày và những nét văn hóa của thành phố Istanbul trong bối cảnh tiểu thuyết (những năm 1970). Bảo tàng tư nhân được coi là một tuyên ngôn tình yêu của Pamuk đối với thành phố quê hương. Với Pamuk, Istanbul là nơi sinh ra, lớn lên, là mảnh đất mà văn hóa truyền thống và đời sống xã hội chảy tràn trong các tác phẩm của ông.

Theo Lam Thu – Vnexpress.net