Không ít người bất ngờ khi biết rằng, bảo tàng mới khánh thành trị giá 24 triệu USD tại thành phố Siem Reap, Campuchia là một dự án được hoàn thành bởi một studio nghệ thuật của Bắc Triều Tiên.

Chính thức mở cửa từ tháng 12, Bảo tàng Toàn cảnh Angkor được xây dựng nhằm tôn vinh lịch sử và văn hoá của một trong những thành phố vĩ đại nhất của nhân loại từng tồn tại trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 9 – 15. Tuy nhiên, không ít người bất ngờ khi biết rằng, hầu hết những gì đứng sau dự án này – từ nguồn vốn, ý tưởng, thiết kế cho đến nguồn lực thi công – không phải đến từ Campuchia mà là từ Bắc Triều Tiên, cụ thể hơn là Mansudae, studio nghệ thuật lớn nhất của đất nước này.

Những đồn đoán xung quanh lối sống bí ẩn và các kế hoạch vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã phần nào khiến thế giới quên đi rằng đây cũng là một quốc gia với nền văn hoá, nghệ thuật không kém phần sôi động. Được thành lập vào năm 1959, Mansudae là một trong những công xưởng nghệ thuật lớn nhất trên thế giới. Có khoảng 4.000 người đang làm việc ở đây, trong đó bao gồm từ 800 đến 900 hoạ sĩ xuất sắc nhất Triều Tiên. Các tác phẩm ra đời tại Mansudae khá đa dạng, nhiều nhất là hội hoạ và điêu khắc mang tính tuyên truyền. Chỉ những nghệ sĩ thuộc studio này mới được phép khắc hoạ chân dung những thành viên trong gia đình của nhà lãnh đạo đất nước.

Lịch sử Angkor được miêu tả sống động.

Kể từ những năm 1990, Mansudae đã bắt đầu thực hiện những dự án bên ngoài Triều Tiên. Các chính phủ Đông Nam Á và Châu Phi đặc biệt ưa thích đặt hàng những nghệ sĩ từ Mansudae cho một số dự án mang quy mô lớn nhưng lại có chi phí thấp như Tượng đài Phục hưng Châu Phi tại Dakar, Senegal hay đài phun nước Thần Thoại tại Frankfurt… Mansudae cũng mở một phòng tranh tại khu 798, một trong những trung tâm nghệ thuật đương đại sôi động nhất thủ đô Bắc Kinh.

“Mansudae sở hữu tài năng và danh tiếng khá tốt trong lĩnh vực thiết kế và thi công nghệ thuật”, Yit Chandaroat – một quan chức của Apsara, cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm quản lý quần thể Angkor cho biết. Theo ông Yit, từ nhiều năm trước, studio này đã tiến hành tiếp xúc với Hội đồng phát triển Campuchia, đơn vị quản lý đầu tư của Chính phủ và đề xuất kế hoạch xây dựng một bảo tàng tại Siem Reap.

Campuchia và Bắc Triều Tiên có một quan hệ khá khăng khít trong lịch sử, chủ yếu dựa vào tình cảm thân thiết giữa ông Kim Nhật Thành và Vua Norodom Sihanouk của Campuchia. Những năm 1970, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã dành hẳn một cung điện cho vua Sihanouk tại Bình Nhưỡng. Vua Sihanouk cũng từng đến Triều Tiên rất nhiều lần, thậm chí còn viết và đạo diễn một loạt các bộ phim có sự tham gia diễn xuất của các diễn viên Bắc Hàn.

Tượng đài Phục hưng Châu Phi tại Senegal do Mansudae thiết kế.

Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, mặc dù thuộc quyền điều hành của Chính phủ Bắc Hàn, nhưng Mansudae lại khá cởi mở và độc lập trong đường lối hoạt động, bao gồm trong cả những dự án quốc tế. “Tôi không cho rằng bảo tàng này là một nỗ lực thể hiện quyền lực mềm” – Nicholas Bonner, chủ một studio nghệ thuật tại Bắc Kinh và đã từng cộng tác với Mansudae trong hơn 20 năm cho biết. “Mansudae là một studio khổng lồ, và họ cần phải liên tục hoạt động để có thể đem lại lợi nhuận trong và ngoài Triều Tiên”.

Bảo tàng Toàn cảnh Angkor là dự án quốc tế lớn nhất và khác biệt nhất của Mansudae từ trước tới nay. Đây là dự án đầu tiên, Mansudae trực tiếp tham gia đầu tư một khoản tiền lớn mà không chỉ thi công theo đơn đặt hàng như họ vẫn thường làm. Có đến 63 họa sĩ đến từ Bắc Triều Tiên, làm việc liên tục suốt 4 tháng tại Siem Reap để hoàn thành những hạng mục chính của bảo tàng.

hách tham quan trước bức tranh tường dọc theo gian phòng chính.

Quá trình xây dựng Bảo tàng Toàn cảnh Angkor được bắt đầu từ năm 2011. Phần thiết kế và thi công của Mansudae được hoàn thiện dựa trên những tư vấn của một hội đồng bao gồm các quan chức Chính phủ Campuchia, ông Yit tiết lộ. Ấn tượng đầu tiên của du khách khi bước chân vào bảo tàng là hình ảnh một đầu tượng đá khổng lồ đang mỉm cười. Phía bên trong còn gây choáng ngợp hơn với một bức tranh tường có chiều dài lên tới 120m, chiều cao 13m và trải dài 360 độ, vòng quanh gian phòng chính có tổng diện tích tương đương bốn sân bóng rổ. Phía dưới chân bức tranh là những tiểu cảnh với những mô hình thu nhỏ của cây cối, đường xá, nhà cửa… Có 3 cảnh tượng chính xuất hiện trong bức tranh tường. Cảnh tượng đầu tiên miêu tả lại quá trình xây dựng Chùa Bayon nổi tiếng. Cảnh tượng thứ hai là hình ảnh chiến binh chiến đấu trên lưng ngựa và cuộc sống hàng ngày của người Khmer được xuất hiện trong cảnh thứ ba.

Lợi nhuận thu được từ hoạt động của bảo tàng được phân chia theo 3 giai đoạn. Đầu tiên, lợi nhuận sẽ thuộc về Mansudae. Sau 10 năm (hoặc ít hơn, nếu việc thu hồi chi phí được hoàn thành sớm hơn dự tính), lợi nhuận sẽ được chia cho cả hai bên. Và trong giai đoạn cuối cùng, quyền sở hữu và quản lý bảo tàng sẽ được trao hoàn toàn cho Apsara.

Theo ông Long Kosal – người phát ngôn của Apsara, sự ra đời của Bảo tàng Toàn cảnh Angkor là một phần của kế hoạch dài hạn nhằm đa dạng hóa các hoạt động tại khu Angkor và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của lượng khách du lịch ngày càng tăng lên các công trình kiến trúc trong quần thể này. Năm ngoái, có hơn 2,5 triệu khách nước ngoài đến Angkor, một mức tăng ấn tượng so với con số 400 nghìn khách vào năm 2000. Phí vào cửa cho du khách của Bảo tàng Toàn cảnh Angkor sẽ là 15 USD/ người.

Theo Lan Phương – Lao động cuối tuần (dịch từ New York Times)

Exit mobile version