Sau ngày tốt nghiệp khoá 3 Nguyễn Du tôi dần ít có dịp được gặp nhà văn Nguyên Ngọc, người thầy đã dạy và dìu dắt văn chương chữ nghĩa cho tôi những năm học trường viết văn và mãi về sau, đến bây giờ. Bấy nhiêu năm, ngoài mấy chuyến thầy trò đi chơi miền quê Vĩnh Yên, Quảng Ninh, rồi xuyên Việt, trở lại các chiến trường xưa dọc miền Trung, trên Tây Nguyên, tôi chỉ tới thăm được thầy những ngày Tết ta và Ba Mươi tháng Tư. Cũng có năm, bởi cái thói tôi tình cảm rời rạc, thiếu mật thiết, ân tình phó mặc đã thành cố tật khó sửa trong quan hệ với những người mình yêu quý, mà bẵng đi không tới thăm thầy. Song nhiều hơn cả là tới nhưng không gặp được ông. Thầy Ngọc đi suốt, quanh năm, họa hoằn mới đảo về qua Hà Nội dăm hôm.
Về sức đi sức viết, trong các bằng hữu cựu binh thân thiết tôi phục nhất nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhưng ngay cả anh ấy cũng không thể sánh bước được với những cuộc hành quân thời bình không ngừng nghỉ của thầy Nguyên Ngọc. Dường như càng năm càng tuổi, thầy Ngọc của tôi càng muốn sống nhiều hơn trong không gian đường trường. Sài Gòn – Gia Định, mũi Cà Mau, miền Tây, miền Đông, Quảng Trị, Thừa Thiên, miền Nam Trung Bộ, các tỉnh huyện đồng bằng miền Bắc, vùng núi non biên giới, hải đảo… từ năm 1975 tới nay có còn ngả đường nào, có còn miền quê nào của đất nước mà ông chưa dọc ngang trải qua. Tôi đồ rằng ông đi nhiều như thế chắc là để mong bù lại thời tuổi trẻ bị cầm chân trong các chiến hào và các thiên kiến chính trị băm xẻ chia cắt đất nước và đời người ra làm muôn mảnh. Ông đi nhiều nhưng không chỉ để ngao du sơn thủy, không đi chỉ để thưởng thức phong cảnh, không lang bang phiêu bạt chỉ để nhìn ngó nghe ngóng lớt phớt, mà đi như vậy là cách ông nhập thân, hoặc còn hơn thế nữa, xả thân vào với thực trạng đất nước và dân tình để có thể không ngừng suy nghĩ và viết, thực thi nghĩa vụ nhà văn theo đúng với tín niệm nhân sinh và văn chương của ông. Đồng thời, không tự cho phép mình chấp nhận sự yên thân an nhàn, không ngừng buộc mình dấn thân vào đời sống đương thời, cũng còn là cách để ông giữ mình, tránh cho mình sa vào lối viết và nhất là lối sống của “một bộ phận không nhỏ” giới văn bút ngày nay, những lối viết lối sống tuy khôn ngoan và giàu lợi quyền mà cực kỳ xa lạ với thế hệ nhà văn thời của ông và các bạn chiến đấu của ông như Nguyễn Thi, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Minh Châu… Xưa kia, nhờ quả quyết và quên mình dấn thân vào cuộc kháng chiến 9 năm mà ông có được Đất nước đứng lên, tác phẩm đầu tay của một nhà văn chưa tên tuổi song đã lập tức là một trong những tác phẩm hàng đầu của văn học kháng chiến, và càng theo thời gian càng tỏ rõ là một tác phẩm lớn của văn xuôi Việt Nam thế kỷ XX. Những năm 1950 tới đầu 1960, ông không hề viết gì về Cải cách, về Tập thể hóa, mà lặn lội đường trường gian khổ để viết Rẻo cao. Với cảm nhận của riêng mình tôi cho rằng Rẻo cao là một trong những tác phẩm hay nhất của văn học miền Bắc XHCN những năm hòa bình giữa hai cuộc chiến. Rẻo cao, tập truyện ngắn trong sáng, tinh tế, vô cùng hồn hậu, chan chứa tình yêu và ước mơ hạnh phúc được sống trong hòa bình ấy thực chất là bức tâm thư của người chiến sĩ miền Nam gửi độc giả miền Bắc trước khi lên đường trường chinh trở lại quê hương đang lụt chìm trong lửa đạn chiến tranh tàn khốc.
Thầy viết trò khen hay, bạn có thể cho rằng vậy, thế nhưng Đất nước đứng lên vàRẻo cao, tôi đã đọc, đã yêu thích từ lâu lắm rồi, khi còn là học sinh phổ thông, còn Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc, được đọc lần đầu lúc đang là một anh lính ở Mặt trận B3, khi đó đâu đã màng gì tới sự viết văn. Song quả thực, Đất nước đứng lên, Rẻo cao, Rừng xà nu, Đất Quảng, đấy là những tác phẩm đã thôi thúc và dẫn đường cho tôi hướng tới nghiệp văn chương sau khi đã buông rời vũ khí trở lại với đời thường.
Vào học trường Nguyễn Du, tôi được thầy Hoàng Ngọc Hiến phân bổ vào nhóm học trò văn xuôi do nhà văn Nguyên Ngọc trực tiếp phụ trách. Có thể chỉ là sự tình cờ, nhưng cũng có thể đấy chính là số mệnh văn học của tôi. Không nói ra, mà tôi mừng khôn tả. Được trở thành học trò của một trong những tác giả mà mình thán phục và ngưỡng mộ từ thuở còn thơ, từ thuở còn là lính, tôi nghĩ đời văn của mình ngay từ bước đầu đã có được sự may mắn không mấy ai bằng.
Chưa từng nghe nhà văn Nguyên Ngọc nói trước đông người, song tôi đoan chắc tác giả Đường chúng ta đikhông phải người hùng biện. Dường như ông chỉ có thể trò chuyện riêng với một người, hoặc cùng lắm vài ba người mà thôi. Gặp người tâm giao (mà tôi chắc tôi là người như vậy đối với ông), ông nói thật hay, sôi nổi, nồng nhiệt, và tất nhiên là hết sức cởi mở. Ông cũng rất ân cần, rất biết lắng nghe. Tôi có thể ngồi nói chuyện với thầy Ngọc giờ này qua giờ khác, cả buổi cả ngày, chỉ chuyện văn chương, mà đầy hứng khởi, dào dạt xúc cảm và tự thấy bổ ích cho mình rất nhiều.
Là một cựu binh Quân Giải phóng Tây Nguyên, nên ngoài tình thầy trò với nhà văn Nguyên Ngọc, tôi còn nặng tình đồng đội với ông. Từ thuở học Trường Nguyễn Du tới bây giờ, tôi luôn thầm coi ông như người anh trong cuộc chiến ngày xưa, như một người chỉ huy. Bởi vậy nên thời gian gần đây tôi cảm thấy mình có tâm trạng gì đó, có lẽ giống như tâm trạng của một cựu binh nghĩa quân Lam Sơn thuở xưa, sau nhiều năm giải ngũ chợt nghe tiếng loa trong làng xã lớn tiếng mạt sát Trần Nguyên Hãn, mạt sát Nguyễn Trãi.
Tôi nhớ lại những cuộc biểu tình đòi hiệp thương tổng tuyển cử, biểu tình phản đối thảm sát Phú Lợi, biểu tình nhân Sự kiện vịnh Bắc Bộ… rung chuyển cả Hà Nội năm xưa. Khi ấy còn nhỏ mà tôi đã biết nhập vào biểu tình, nghe theo tiếng gọi của trái tim mình.
Nguồn: Văn hóa Nghệ An