Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã làm thay đổi căn bản cuộc sống của con người ở mọi nơi trên thế giới, trong đó báo chí và truyền thông là một trong những lĩnh vực ứng dụng công nghệ nhanh và nhạy nhất. Những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí và truyền thông đứng trước cơ hội rất lớn để nâng cao và mở rộng các năng lực sáng tạo của mình đáp ứng đòi hỏi phát triển của công chúng cũng trong môi trường mà tốc độ và sự thay đổi đòi hỏi nhanh chưa từng thấy. Trong điều kiện đó, sự phát triển những kỹ năng đa phương tiện vừa là một nhu cầu phát triển tự thân vừa để tránh khỏi bị đào thải trong quá trình cạnh tranh nghề nghiệp. Nó giúp cho năng xuất làm việc của mỗi cá nhân tăng lên không ngừng và có thể cùng lúc đáp ứng mọi vị trí công việc khác nhau trong cùng một lĩnh vực. Tuy nhiên những năng lực được hay buộc phải phát triển trong tương quan với sự phát triển của thời đại công nghệ cũng cần được xem như một yếu tố làm giảm sự tập trung năng lực tự nhiên ở con người. Cũng có thể nói như vậy về công chúng của thời truyền thông đa phương tiện. Đó là công chúng mà sẽ đến lúc phần lớn những nhu cầu của họ không còn dấu vết của tâm hồn truyền thống nữa. Đối với họ sản phẩm truyền thông ngày càng phải nhanh hơn, nhiều hơn, ngắn hơn, trực tiếp với giác quan hơn và ít phải động não hơn.
Không chỉ có thế, các cơ quan truyền thông khác nhau đều có mong muốn hướng tới một mô hình tổng hợp bao gồm hầu hết các sản phẩm, từ ấn phẩm in giấy, sản phẩm điện tử, cho đến phát thanh, truyền hình… Thuật ngữ multimedia – truyền thông đa phương tiện ra đời để phản ánh hiện tượng phát triển đa dạng và mạnh mẽ của các mô hình báo chí, truyền thông đó; và các nhà báo trong thời đại này cũng được gọi là multimedia journalist.
Phát triển trong bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống xã hội đều là một xu hướng tất yếu, trong đó khoa học và công nghệ luôn là những lĩnh vực tiên phong. Tuy nhiên để có được một sự đồng bộ giữa sự tiến bộ của công nghệ với nhu cầu và khả năng nhận thức của con người thì không phải ở bất kỳ đâu và vào bất kỳ lúc nào cũng có được những kết quả như mong muốn. Và sự phát triển cùng với việc ứng dụng đa phương tiện ngày càng nhiều trong hoạt động báo chí, truyền thông hiện nay cũng không nằm ngoài quy luật đó…
Có một điều tưởng như nghịch lý là trong thời đại mà sự phân công lao động ngày càng cao, càng chi tiết thì bằng sự phát triển của công nghệ, hoạt động của con người dường như đi ngược lại xu hướng này. Với sự trợ giúp của công nghệ, một người hoàn toàn có thể thích ứng với nhiều vị trí công việc khác nhau trong cùng một đơn vị. Tại các cơ quan báo chí, báo điện tử, nhà xuất bản một người có thể sẵn sàng làm quản lý, biên tập, xây dựng các nội dung báo chí, ấn phẩm, bìa sách… Tại các hãng truyền hình, hãng sản xuất phim, một người có thể là quản lý, biên tập, xây dựng các chương trình truyền hình, phim điện ảnh, xử lý âm thanh, hình ảnh trước khi phát sóng, thiết kế các nội dung truyền hình, hay làm các kỹ xảo điện ảnh… Tại các công ty quảng cáo, một người có thể thiết kế bao bì, nhãn hiệu sản phẩm, thiết kế logo, làm phim quảng cáo…. Tại các công ty phát triển phần mềm, một người có thể làm thiết kế giao diện, thiết kế chức năng, xây dựng nội dung các website… Nhưng vấn đề còn là ở chỗ, bằng sự trợ giúp của công nghệ, một người không chỉ có thuận lợi trong việc dễ thích ứng với nhiều vị trí công việc mà còn là việc một người cùng lúc có thể thực hiện nhiều công việc ở những vị trí khác nhau.
Cũng theo cách thức trên đây, những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông phát triển những khả năng nghề nghiệp của mình như một sự thích ứng phù hợp với sự mở rộng không giới hạn của công nghệ. Ngày nay yêu cầu đa chức năng đối với nhà báo hiện đại đã trở thành đòi hỏi bình thường. Chẳng có gì lạ nếu người ta hình dung về một nhà báo hiện đại là người vừa sử dụng máy tính bảng vừa dùng điện thoại di động định vị vệ tinh, lại có thể thêm một máy ảnh, một camera… Cách thức mà các nhà hoạt động báo chí và truyền thông nhập cuộc và thực hiện sự tương tác với cộng đồng đã thay đổi căn bản.
Những hiệu ứng tích cực…
Những tiến bộ vượt bậc về công nghệ của thời đại chắc chắn giúp ích rất nhiều cho phương thức sống của con người. Nó thỏa mãn nhiều khám phá và trải nghiệm trước đây chưa từng có trong hầu hết mọi sinh hoạt đời sống từ hoạt động khoa học, giáo dục, kinh doanh, quản lý xã hội đến sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí… Công nghệ cũng làm cho hoạt động báo chí và truyền thông có thêm nhiều lợi thế. Những người làm báo chí, làm truyền thông sẽ thuận lợi rất lớn trong việc đáp ứng những nhu cầu phức tạp và đa dạng của công chúng. Hoạt động báo chí, truyền thông ngày nay không chỉ đơn thuần là cung cấp thông tin, các loại hình giải trí mà đòi hỏi sự trực quan và tương tác cao. Nhờ công nghệ họ có thể có được những sản phẩm sáng tạo thỏa mãn xã hội ở những khu vực khác nhau nhất một cách nhanh chóng, kịp thời và thuận tiện nhất.
Truyền thông đa phương tiện là một phương thức hoạt động báo chí mới, và nhiều phần chắc chắn sẽ là chủ đạo trong tương lai rất gần. Không chỉ ở các nước phát triển, cuộc cạnh tranh để vươn lên trong nghề nghiệp đối với các nhà báo ở mọi khu vực hiện nay và tới đây sẽ rất gay gắt. Nhà báo bị buộc đòi hỏi không thể chỉ chuyên vào một lĩnh vực như phóng viên ảnh hay phóng viên viết bài. Trường hợp phóng viên ảnh ngoài việc cung cấp phóng sự ảnh, họ còn có thể phỏng vấn, ghi âm, quay phim, hiệu đính âm thanh, hình ảnh video và thậm chí cả thiết kế đồ họa, flash thì điều đó chắc chắn cũng là đòi hỏi đối với phóng viên viết bài, phóng viên quay phim. Cũng không có gì là quá phóng đại nếu như tự bản thân một người có thể trở thành một “cơ quan” cung cấp sản phẩm truyền thông đa phương tiện cho cộng đồng nhờ biết ứng dụng các loại máy móc và công nghệ.
Như vậy, sự phát triển công nghệ đem lại cơ hội chưa từng có để giúp mở rộng khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Bản thân những người hoạt động báo chí, truyền thông thời đa phương tiện là người có những kỹ năng tổng hợp trên cơ sở việc ứng dụng sáng tạo các thành tựu công nghệ thông tin.
Và những hệ lụy khó tránh khỏi
Tuy nhiên, sự phát triển những kỹ năng tổng hợp của những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí truyền thông, bên cạnh những mặt tích cực dễ nhận thấy cũng không phải không còn có những điều hệ lụy. Bản thân những hệ lụy này nằm ngay trong chính sự phát triển những kỹ năng tổng hợp để đáp ứng đòi hỏi của mô hình hoạt động đa phương tiện ngày nay.
Có rất nhiều cái có thể bàn đến, nhưng trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập một khía cạnh, đó là sự mâu thuẫn giữa tốc độ phát triển và chiều sâu của sự phát triển. Mâu thuẫn giữa sự mở rộng các khả năng hoạt động của con người và những đòi hỏi chính đáng đối với sự phát triển chiều sâu trí tuệ cần thiết (và thậm chí là cả vẻ đẹp nữa) trong từng khả năng của nó.
Có nhà tư tưởng từng phát biểu đại ý, đối với bản thân con người, với tư cách một sinh thể theo quy luật tự nhiên thì mỗi bước tiến về văn minh là một bước thụt lùi về năng lực. ở khía cạnh năng lực tự nhiên của bản thân con người, đây là một nhận xét sâu sắc. Chỉ sau vài trăm năm tiến bộ của nền văn minh, con người hiện đại hầu như không còn giữ được những bản năng tự nhiên sau hàng triệu năm tiến hóa. Sự ra đời của phương tiện kỹ thuật đã thay thế cơ bản các hoạt động con người từ lao động cơ bắp đến năng lực giác quan hay trí não. Máy móc làm con người lười đi, máy móc làm cho con người phụ thuộc. Nhưng điều quan trọng hơn cả là con người dường như đến lúc tin vào máy móc hơn là tự tin vào bản thân mình. Chính sự phát triển vượt bậc về khoa học và công nghệ đã làm ra điều đó.
Nói về quan hệ giữa con người và sự phát triển của công nghệ thông tin chúng ta đã nói đến nhiều giá trị mang lại hạnh phúc cho con người. Đó là những năng lực vượt trội, đó những tiện ích, những ứng dụng kỳ diệu, là những sáng tạo vô tận nhờ sự trợ giúp công nghệ…
Tuy nhiên, dù khả năng con người nói chung được coi là vô hạn thì trong phạm vi từng cá nhân nó lại là hữu hạn. Công nghệ có thể giúp cá nhân thích ứng và mở rộng các kỹ năng trong những điều kiện nhất định, song cũng vì thế, nó rất có nguy cơ làm thui chột các năng lực tự nhiên ở con người. Đáng lẽ một nhà báo có thể trở thành một cây bút viết phóng sự sắc sảo và chỉ cần như thế là đủ thì anh ta lại trở thành một nhà báo đa phương tiện. Thay vì tập trung mọi năng lực để sáng tạo những tác phẩm có tầm cỡ thì anh ta lại chỉ có thể viết được những phóng sự kha khá bởi còn phải phân phối khả năng cho việc xử lý những công việc khác như chụp ảnh, quay phim, ứng dụng phần mềm công nghệ để xử lý sản phẩm. Bởi vì anh ta càng ngày càng phải tăng năng xuất làm việc để kịp thời phục vụ công chúng đang đòi hỏi rất cao trong hưởng thụ. Tuy nhiên đây là công chúng (mà nhu cầu hưởng thụ phần lớn cũng bị tha hóa) vốn chỉ quen dùng những sản phẩm thiên về thỏa mãn giác quan trực tiếp và không phải động não nhiều. Điều đáng nói ở đây là dường như ở cả hai phía, công chúng và những nhà hoạt động truyền thông dần trở nên tương hợp trong cùng một môi trường, cùng những tiêu chí.
Và như vậy, dường như không có cách nào khác, chúng ta đang trong tình trạng không thể cưỡng lại xu thế chung. Cái xu thế mà tất cả mọi sản phẩm phục vụ đời sống đều phải thỏa mãn được đòi hỏi nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Đây cũng chính là chỗ gợi mở cho chúng ta nhiều suy nghĩ mà trong phạm vi bài viết này dù rất muốn cũng không thể nói sâu hơn và giải quyết được thấu đáo vấn đề hơn nữa.
*
Trong thời đại ngày nay, với sự trợ giúp của công nghệ thông tin, tất cả mọi người đều có cơ hội để học hỏi và phát triển rất nhanh chóng. Nếu muốn, một cá nhân có thể đồng thời phát triển những năng lực tưởng chừng hết sức khác nhau để phục vụ những nhu cầu và đòi hỏi của cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, như vậy nếu như một người trẻ tuổi hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông mà không đáp ứng những đòi hỏi của công chúng đa phương tiện thì có lẽ không hẳn là người đó không thể thích ứng với thời đại. Họ hoàn toàn có thể lựa chọn đi theo một con đường riêng để bảo tồn và phát triển những năng lực tự nhiên và thiên bẩm của mình khỏi bị cơn lốc của thời đại đa phương tiện nuốt chửng!
Có phải chăng chúng ta càng ngày càng hiếm hoi những năng lực chuyên biệt trong thời đại truyền thông đa phương tiện?!
(Văn nghệ số 25/2013)