Dịch văn học và Văn học dịch là những chủ đề nóng, được đưa ra tranh luận, trao đổi suốt thời gian qua. Tham dự Hội thảo Những vấn đề lý luận và thực tiễn của văn học dịch hiện nay diễn ra vào ngày ngày 10-8-2012 tại hội trường Hội Nhà văn Việt Nam, các chuyên gia văn học dịch hướng đến nhằm tìm kiếm sự thống nhất trong việc xác lập khái niệm và lý luận nền tảng cho thực tiễn Văn học dịch ở Việt Nam. Những tham luận tham gia báo cáo tại buổi hội thảo chủ yếu xoay quanh ba vấn đề lớn: Các tiêu chí nào cần được thống nhất đối với Văn học dịch?; Để có tác phẩm Văn học dịch có giá trị thì nhà chuyên môn cần trang bị những cơ sở căn bản cũng như trình độ chuyên sâu nào?; Dịch có đơn giản chỉ là chuyển ngữ, hay còn là cả một phông văn hóa nằm sâu phía sau những văn bản gốc?… Với tinh thần khách quan, và vì chân lý diễn giải, tạp chí Nhà văn xin giới thiệu tới bạn đọc chuyên đề Văn học dịch ở Việt Nam: Lý thuyết và thực tiễn, với các tham luận Dịch giả văn học – Người nội trợ thông thái của dịch giả Lê Bá Thự, Bàn về dịch văn học của dịch giả Trần Đình Hiến và Dịch văn học: Quảng bá cho người, quảng bá cho mình của dịch giả – nhà thơ Hữu Việt.
Thông dịch (hoặc phiên dịch, dịch thuật) là sự giao lưu giữa hai nền văn hóa. Một dịch phẩm thành công, yếu tố nắm vững hai nền văn hóa quan trọng hơn yếu tố nắm vững hai ngôn ngữ. Vì chỉ khi từ ngữ có vai trò cụ thể trong một bối cảnh văn hóa, thì nó mới có ý nghĩa. Nói vậy để thấy rằng, thông dịch phải kết hợp văn hóa bản địa với văn hóa nước ngoài, nếu bỏ qua bối cảnh văn hóa, thì không thể đạt được sự giao lưu giữa hai ngôn ngữ. Với lại, không nên coi nhẹ sự khác biệt giữa văn hóa bản địa và văn hóa nước ngoài, đặc biệt là với văn hóa phương Tây. Sự khác biệt đó thường dẫn đến bỏ sót hoặc làm méo mó ý tưởng văn hóa. Dịch một từ “hai nghĩa” thì ngôn ngữ dịch rất khó chuyển đạt hoàn chỉnh ý nghĩa của nguyên ngữ. Thí dụ dịch Hán -Việt, Kinh thi có câu: “Đông biên nhật xuất, tây biên vũ. Đạo thị vô tình, thị hữu tình” (Nghĩa: Phía đông mặt trời mọc, phía tây trời mưa. Bảo rằng trời nắng hay trời mưa?). Vấn đề ở đây là chữ “tình”. “Tình” đồng âm nhưng chữ viết khác nhau và nghĩa cũng khác nhau. Một nghĩa là “trời nắng”, nghĩa thứ hai là “tình ý”. Anh con trai mượn câu này để tỏ tình với cô gái mà không tiện (hoặc không dám) hỏi thẳng. Lời tỏ tình rất văn hóa! Trường hợp này quả khó cho ngôn ngữ dịch khi cũng chỉ một từ mà chuyển đạt được cả ý trong lời và ý ngoài lời. Biện pháp duy nhất là chú thích cặn kẽ để độc giả thấy cái hay của nguyên văn như đã nói trên, ngoài ra không còn cách nào khác hay hơn.
Tư duy phương Tây, khởi thủy từ phương thức tư biện của Socrat, quen tư duy logic, tư duy trừu tượng. Phương Đông như Trung Quốc, lại thiên về tư duy hình tượng, lại thêm sự khác biệt rất lớn về truyền thống lịch sử và tôn giáo, về tư tưởng triết học, về văn hóa ngôn ngữ, nên càng khó trong khi lý giải nguyên văn, tất nhiên đây là khó với dịch giả. Còn với độc giả thì chỉ việc hưởng thụ. Dịch sao để độc giả cảm nhận đầy đủ sự khác biệt của văn hóa ngoại là một trong những mục tiêu trong thưởng thức văn học dịch. Với lối tư duy trừu tượng, ảnh hưởng của nhân tố vật chất đối với sự thưởng thức văn dịch càng chi tiết, càng cụ thể. Thí dụ về hoàn cảnh địa lý, nước nào cũng vậy, vật chất hóa phong tục truyền thống gần như được phản ánh trong các tác phẩm văn học. Chẳng hạn như cuộc tranh cãi trong giới thông dịch về gió đông và gió tây. Gió đông ở Trung Quốc (cũng như ở Việt Nam) là mát mẻ dễ chịu, tiêu biểu cho mùa Xuân và những chuyện tốt lành. Vì vậy, trong bài thơ Vô đề của Lý Thương Ẩn có câu: Tương kiến thời nan, biệt diệc nan/ Đông phong vô lực bách hoa tàn. (Nghĩa: Gặp nhau đã khó, chia tay nhau cũng khó/ Gió đông mát mẻ mà trăm hoa đều tàn héo). Người dịch bài thơ này sang Anh văn là Dư Quang Trung – nhà thơ thông thạo tiếng Anh, được Trung Quốc tôn vinh là “thi văn song tuyệt” (giỏi cả thơ lẫn văn xuôi). Vậy mà khi phát hành ở Anh quốc lại có chuyện. Vì rằng, trong nhận thức người Anh, dịch văn đã mất đi nỗi buồn trong nguyên tác. Về địa lý, gió đông của nước Anh từ Bắc Băng Dương thổi về, lạnh khủng khiếp, gió tây từ Đại Tây Dương thổi lên mới ấm áp dễ chịu. Trực dịch đã làm sai lệch ý cảnh văn hóa!
Một thí dụ khác: Về những chỗ mang đậm nội hàm văn hóa, thông dịch có hai lối thoát: Một, qui tụ về bản ngữ (ngôn ngữ dịch). Hai, trực dịch nguyên ngữ + chú thích.
Qui tụ về bản ngữ, tức lấy bản ngữ làm trung tâm rồi thâu nạp nguyên ngữ phù hợp về giá trị, tức đưa nguyên tác vào văn hóa dịch. Trường hợp này được sử dụng nhiều ở những nước có thế mạnh về văn hóa như Anh và Mỹ. Trung Quốc không thể qui tụ về bản ngữ trên diện rộng vì sợ gây hiểu lầm trong tâm lý độc giả. Do trường kỳ bế quan tỏa cảng, văn hóa Trung Quốc thuộc loại văn hóa dễ tổn thương, văn hóa bên lề, thông dịch lấy phương Tây làm trung tâm, ra sức giới thiệu văn hóa phương Tây, hương vị phương Tây. Do hoàn cảnh lịch sử, ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc ở Việt Nam không nhỏ, thành ngữ giá trị phù hợp rất nhiều (Nguyễn Du đã chuyển đạt thành công mĩ mãn hơn một trăm thành ngữ Hán trong truyện Kiều), nhưng nói chung, áp dụng cách thức qui hết nguyên ngữ Hán về bản ngữ Việt là không thể thực hiện. Vì rằng, Trung Quốc có khoảng 60.000 thành ngữ và tục ngữ, trong khi Việt Nam chỉ có khoảng 6.000, mà trong đó sự khác biệt về giá trị cũng không ít. Chưa có thống kê cụ thể, nhưng đại để là như vậy. Đây là khó khăn khi thực hiện thông dịch Hán – Việt nhưng không khó với công việc sáng tác văn học. Tiếng Việt từ lâu đã đủ sức biểu đạt mọi sắc thái tinh tế tâm hồn Việt. Truyện Kiều của Nguyễn Du là một minh chứng.
Các bước thông dịch cụ thể như sau: Từ văn bản (bao gồm văn hóa trong nguyên tác) – người dịch – văn bản do người dịch tạo dựng (bao gồm nội hàm văn hóa qua lăng kính người dịch) – văn bản người dịch công bố (bao gồm nội hàm văn hóa mà người dịch có thể công bố) – sự tiếp nhận của độc giả (bao gồm nội hàm văn hóa qua lăng kính của người dịch). Cũng có nghĩa điểm chót của thông dịch được neo lại ở độc giả, vì rằng đối tượng của dịch văn học là độc giả. Nói cách khác: Văn dịch thực tế là một hỗn hợp của nguyên văn + bối cảnh văn hóa trong nguyên văn + dịch văn + bối cảnh văn hóa trong dịch văn + khí chất và phong cách của tác giả nguyên tác + khí chất và phong cách dịch giả. Độc giả là người thẩm định thành công hay thất bại của dịch giả, và cũng có nghĩa độc giả là người đánh giá tổng hợp những nhân tố trên. Nhiệm vụ hàng đầu của thông dịch là độc giả đọc hiểu, bản dịch lý tưởng còn đạt được ý tại ngôn ngoại của nguyên văn, trong đó bao gồm hiệu ứng văn hóa. Điểm chót hiệu ứng văn hóa cũng là độc giả, vì vậy không được quên vai trò của độc giả trong thông dịch. Những độc giả sành sỏi (hiểu biết sâu về ngôn ngữ và bối cảnh văn hóa nguyên tác) thường yêu cầu thấp về giải thích bối cảnh văn hóa. Vì bối cảnh văn hoá nguyên tác không gây trở ngại cho họ về cảm thụ tác phẩm. Độc giả bình thường thì yêu cầu dịch giả tương đối cao về xử lý văn hóa trong bản dịch, càng chi tiết càng tốt. Vì vậy, xử lý sự khác biệt về văn hóa, dù qui tụ hay trực dịch + chú thích, trở thành nhân tố quyết định trong việc tìm hiểu nội hàm văn hóa của bản dịch.

T.Đ.H

Nguồn tin: TCNV 09-2012

Exit mobile version