Từ trước đến nay, vẫn đề dịch thuật luôn là một vấn đề bàn cãi sôi nổi và chắc sẽ còn lâu mới đến hồi ngã ngũ. Sau đây xin lược dịch một số ý kiến của giáo sư, nhà văn, dịch giả David Bello. Ông là giáo sư dạy văn học Pháp tại trường đại học Princeton, ông đã dịch ra tiếng Anh rất nhiều tác phẩm của các nhà văn tên tuổi Pháp như Georges Perec, Romain Gary, Ismaile Kadaré, Fred Vargas… Nhân dịp tác phẩm Is that a Fish in Your Ear? Của ông ra mắt bạn đọc Pháp, thời báo Le Figaro có cuộc trao đổi thân mật cùng ông.
PV : Cuốn sách của ông đã chỉ ra một cách hoàn toàn hợp lý rằng dịch thuật là một nghệ thuật tinh tế chẳng dính dáng gì đến việc dịch từ theo từ cả ?
David Bellos : Đúng vậy. Chúng ta hãy lấy vì dụ bằng chính cuốn sách của tôi đi. Làm sao có thể dịch sang tiếng Pháp tên gốc của nó, Is that a Fish in Your Ear ? nhỉ, cái tên này được dẫn từ một bộ phim truyền hình dài tập rất nổi tiếng của Anh quốc. Bạn đọc Pháp hẳn sẽ không hiểu sự nói bóng gió đến điều đó đâu. Ngược lại, cái tựa đề Le Poisson et le Bananier lại vang lên hệt như tên một truyện ngụ ngôn của La Fontaine. Một cái tên sách thì phải thiết lập được một sự đồng thuận, đưa ra được một ý tưởng về âm sắc và trọng tâm của tác phẩm. Một ví dụ khác, bản dịch sang tiếng Anh của A la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất), bản dịch này đã từng là đối tượng của rất nhiều bài tranh luận và bị phê phán. Dịch giả đầu tiên của bản dịch này, một quý ông cùng thời với Proust đã dịch nó thành Remembrance of Things Past. Ấy thế mà từ hai chục năm trở về đây, người ta có xu hướng quay trở lại với với những bản dịch gần với phiên bản gốc hơn. Thế nên người ta lại dịch tác phẩm của Proust thành In Search of Lost Time, câu này kém phần thi ca hơn nhưng lại chính xác hơn.
PV : Nabokov khẳng định rằng chúng ta không thể dịch «Eugène Onéguine», cuốn tiểu thuyết bằng thơ của Pouchkine. Ông thì khẳng định ngược lại rằng không có văn bản nào là không thể dịch được cả.
David Bellos : Tôi giận Nabokov rất nhiều vì điều này. Là một tác giả, ông ấy đã cho rằng dịch giả phải chạy theo phục vụ trung thành bản gốc. Sự coi thường ấy đối với các bản dịch đã đầu độc những cuộc tranh luận về chủ đề này. Theo ông ấy và những người đứng về phía ý kiến của ông ấy, thì bất kỳ ai muốn đưa sự quyến rũ trong văn chương của Pouchkine sang một ngôn ngữ khác thì đều là một tên tội phạm hoặc một gã đần. Ấy thế mà tôi, tôi nghĩ rằng dịch thì không phải là tạo ra một dòng vô tính. Bản dịch phải giống bản gốc hệt như đứa con trai giống cha của nó, thế thôi.
PV : Làm thế nào để dịch những từ mà chúng không tồn tại trong một ngôn ngữ khác ?
David Bellos : Vấn đề được đặt ra đối với dân châu Âu khi họ đến những nơi mà tiếng nói được cho là vẫn nguyên sơ. Tôi lấy ví dụ, những ngôn ngữ này có đến hai mươi từ để biểu thị động tác «cắt, chặt» một thứ gì đó theo một cách nào đó nhưng không phải là cụm từ để chỉ hành động «cắt, chặt» chung chung. Họ cũng không có những từ tương đương với từ «thời gian», với «ngôn ngữ», «luật pháp», «Nhà nước», «Chúa trời». Thường xuyên người châu Âu đưa những từ vựng mới vào những ngôn ngữ nói ấy.
PV : Ông cũng nói về dịch thuật bằng sự thay thế.
David Bellos : Phương pháp này đã được các dịch giả dịch Kinh Cựu Ước sử dụng rất nhiều, tha thiết muốn các dân tộc ngoài châu Âu hiểu và sở hữu Kinh Thánh. Ví dụ đầu tiên được biết đến thì rất thú vị. Ở Malaisia, để dịch từ «cây vả» trong cuốn Kinh Tân ước của thánh Mathieu, loài cây vả thì hoàn toàn xa lạ trong những vùng này, người ta đã thay thế bằng «cây chuối». Chuyện cứ như thể bạn dịch sang tiếng Pháp từ «cây đa» bằng «cây dẻ» vậy… Ví dụ khác : để dịch từ «cây nho» trong kinh Cựu Ước sang tiếng Estolie, trước khi rượu nho được nhập khẩu vào nước này, thì người ta đã sáng tạo ra một từ bắt đầu bằng hai từ khác, và câu đó trở thành «cây vodka»! Ngược lại, một số thành ngữ tiếng hébreux huyền bí của Kinh Thánh thì đã chưa bao giờ được dịch cả. Người ta chỉ tái tạo các thành ngữ đó theo cách phiên âm thôi.
PV : Ông nói đến Saint Jérôme, người khẳng định không dịch «từ theo từ mà phải dịch nghĩa theo nghĩa», trừ «trong kinh thánh, nơi mà ngay cả trật tự các từ trong câu là cả một sự huyền bí ».
David Bellos : Điều đó đặt ra vấn đề mà bất kỳ dịch giả nào thì ngày một ngày hai cũng phải đặt ra thôi : làm thế nào để xử lý các thành ngữ mà ta không hiểu. Đây quả là một thách đố khi dịch một văn bản mà không được nhân nhượng trước mong muốn giải quyết những điều bí ẩn trong đó, dịch giả phải để nguyên trạng mập mờ những điều gì được viết mập mờ. Trong trường hợp các văn bản gốc được viết trong một ngôn ngữ chết, nhất là một bài Kinh thánh, thì chúng ta không được thu hẹp những vùng tối ấy.
PV : Đây là một điều đương nhiên, nhưng người ta lại có khuynh hướng cứ muốn quên điều này đi : hẳn sẽ không có các mối quan hệ quốc tế nếu không có các dịch giả.
David Bellos : Người Pháp chắc không thể bán xe hơi Renault ra nước ngoài mà không cho dịch cuốn sách chỉ dẫn sử dụng chứ ! Tôi tha thiết muốn đưa các nhà dịch thuật ra khỏi vùng tối mà họ vốn luôn bị xếp trong đó. Người ta sử dụng họ trong ngữ cảnh trao đổi ngoại giao nhưng người ta lại dè chừng họ.
PV : Thời kỳ mà người ta dè chừng các dịch giả đã qua chưa ?
David Bellos : Trong khối châu Âu, trên thực tế thì họ giữ một vị trí rất cao, bởi đó là một chế độ, và với lý lẽ ấy thì đây là một cuộc cách mạng, thế nên hai mươi ba ngôn ngữ có cùng một vị trí ngang nhau, không hề có ngôn ngữ chính thức nào, điều chưa bao giờ gặp cả ! Nhưng hãy nghĩ đến Irak, nơi mà người ta nói hai phương ngữ của tiếng Ả rập, tiếng Kurde và tiếng Perse. Các chiến binh của liên quân cần những dịch giả những lại cực kỳ dè chừng họ. Hãy hình dung thế này nhé : một tình huống căng thẳng, súng đã nạp đạn rồi. Bạn cần một phiên dịch. Bạn đề nghị một ai đó, người này nói được tiếng Anh, nhưng họ còn đang run sợ hơn cả bạn. Và anh ta chợt nhận ra rằng mình không biết phương ngữ đang cần, nhưng thay bằng thú nhận điều đó thì anh ta lại bịa ra đủ thứ chuyện…
Theo Thời báo La Figaro tháng 3 năm 2012
Hiệu Constant sưu tầm và lược dịch