Chiến tranh là một hiện tượng đặc biệt của nhân loại. Các quốc gia đều nỗ lực giải trừ quân bị, triệt thoái vũ khí hạt nhân, nhưng nguy cơ các lò lửa chiến tranh vẫn âm ỉ có thể bùng cháy bất cứ lúc nào. Syria đang cực kì căng thẳng. Trung Đông chưa bao giờ ngưng tiếng súng. Bắc Phi khủng khoảng chính trị, nội chiến triền miên. Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp khó lường trong nỗ lực của Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển đảo và thềm lục địa.

Văn học chiến tranh là một đề tài đặc biệt vĩnh cửu chưa bao giờ xưa cũ. Thành tựu văn học chiến tranh của nhân loại và Việt Nam vẫn giữ nguyên giá trị. Tuy nhiên, thời đại mới, hoàn cảnh mới, cách nhìn mới, đang đặt ra cho văn học chiến tranh những yêu cầu mới về tư tưởng, nội dung, và nghệ thuật mới.

Kì này, xin trân trọng giới thiệu Bàn tròn Văn học Chiến tranh với sự tham gia của nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà lý luận phê bình – nhà thơ Lê Thành Nghị, nhà văn Lê Minh Khuê, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhà văn Văn Chinh.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân:

Thưa các anh chị nhà văn!

Chiến tranh chống Mỹ đã qua gần 40 năm, chiến tranh bảo vệ biên giới cũng đã 30 năm có lẻ. Trước đây, do yêu cầu nhiệm vụ, do điều kiện nghiệt ngã ở chiến trường, nhà văn phải viết nhanh để có những tác phẩm phục vụ cuộc chiến đang diễn ra rất ác liệt. Bây giờ, nhà văn chúng ta đã có độ lùi về thời gian để suy ngẫm kỹ hơn, nhìn cuộc chiến tranh điềm tĩnh hơn. Có những điều trước đây, nhà văn phải làm nghĩa vụ chiến tranh, chưa kịp viết, không viết được thì bây giờ lao động nhà văn đã được “giải phóng”, có thể viết mạnh dạn hơn, kỹ hơn những điều ngày trước không dám viết.

Nhưng bạn đọc không cần biết đến lý do, họ cần tác phẩm hay viết về chiến tranh, thời đại cần tác phẩm hay xứng tầm với nó. Đó là vấn đề của chúng ta, của Bàn tròn này. Chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi các quan niệm viết về chiến tranh hiện nay, làm thế nào để bạn đọc trẻ đồng cảm, chia sẻ và tiếp nhận văn học chiến tranh? Đặc biệt, trong thời đại giao lưu toàn cầu, văn học chiến tranh của chúng ta có thể đi ra thế giới mà không phải chịu số phận khu biệt…

* VĂN HỌC CHIẾN TRANH CHƯA BAO GIỜ… CŨ!

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Thưa các anh chị! Thời chống Mỹ, hơn 40 năm trước, nhà thơ Nga nổi tiếng thế giới Epghenhi Eptusenco sang Việt Nam, ông phát hiện ra “cái sợ của người không biết sợ”. Ông thấy người Việt không sợ bom đạn, nhưng vào rạp xiếc thì cứ rú lên, sợ hãi vì lo diễn viên leo dây có thể lộn nhào. Ông cũng phát hiện ra con đường vào Nam là con đường số 1. Từ đấy khái quát việc giải phóng miền Nam là số 1, là Duy Nhất đúng. Eptusenco có rất nhiều tác phẩm đặc sắc viết về chiến tranh, chẳng hạn như bài thơ: “Người Nga có muốn chiến tranh không?”. Xin hãy hỏi những người con mất cha. Xin hãy hỏi chính những người lính đang nằm dưới mộ, xem người Nga có muốn chiến tranh không? Thế mà cũng nhà thơ nổi tiếng Eptusenco, cách đây 20 năm lại nói, đại ý rằng, chúng ta đã sống trong hoà bình bao nhiêu năm nay, sao còn xới chiến tranh lên để làm gì? Văn học chiến tranh suy cho cùng cũng chỉ là đề tài tỉnh lẻ. Nếu như người khác nói thế thì chắc cũng sẽ chẳng mấy ai quan tâm, nhưng đây lại là nhà thơ nổi tiếng thế giới Eptusenco đã từng có nhiều tác phẩm rất hay viết về chiến tranh. Đó là một điều rất đáng để chúng ta suy nghĩ. Ngày xưa, anh Phạm Tiến Duật rất bực vì ý kiến này, nhưng anh ấy cũng chỉ hậm hụi nói với tôi thôi, chứ không thấy có bài cãi lại. Tôi thấy cuộc trao đổi về đề tài văn học chiến tranh của chúng ta hôm nay thực sự có ích. Bây giờ, Văn học Chiến tranh có cần thiết nữa không? Văn học về đề tài chiến tranh hôm nay cần phải viết như thế nào để chinh phục được bạn đọc hiện đại?


Nhà văn Lê Minh Khuê: Chiến tranh là đề tài không bao giờ cạn sức hấp dẫn. Nhất là ở Việt Nam khi người ta hầu như không mấy khi có cuộc sống hoà bình yên ổn. Tôi thấy những nhân vật văn học bây giờ đều có dính dáng tới chiến tranh, ở xuất xứ, ở hoàn cảnh ở cách nghĩ cách cảm… dù họ sinh ra cuối thế kỉ XX. Vậy thì chiến tranh hiện diện trong tiềm thức của tất cả chúng ta. Chiến tranh là đề tài đeo đẳng… Với tôi nó ám ảnh kinh khủng chỉ có điều càng lớn tuổi tôi càng nghĩ tới mặt chết chóc mặt khốc liệt của nó. Nhiều chuyện khủng khiếp bây giờ khi công bố phần tư liệu mới thấy sao lại có chuyện đến thế…? Độc ác, cạn kiệt nhân tính. Nhiều người chết rồi, tội nghịêp lắm. Những nhà tù. Những ngôi mộ hàng ngàn hàng trăm người. Những số phận khốn khổ. Những gia đình tan nát… Làm sao mà viết được cho hay?

Viết chiến tranh cho hay rất khó. Có phải do mình lớn tuổi không? Có lẽ không đủ tài năng thôi. Cái đó mới đáng nói.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi ngạc nhiên tại sao cuộc trao đổi hôm nay về Văn học Chiến tranh toàn những nhà văn già “sắp chết” rồi, mà không mời vài nhà văn trẻ đã từng viết về chiến tranh tham gia thảo luận. Cá nhân tôi thấy bây giờ viết về chiến tranh khó thật sự. Bạn đọc cũng không mặn mà với sách viết về chiến tranh nữa.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nếu bạn đọc bây giờ không mặn mà với đề tài văn học chiến tranh thì lỗi tại người viết chứ không phải tại bạn đọc. Chị Lê Minh Khuê và anh Nguyễn Văn Thọ cho rằng ở cái tuổi lớn rồi, thì không làm được cái gì nữa. Tôi không nghĩ như vậy. Sau khi thất bại trên thương trường, ông Xervantex ở cái tuổi 60 mới viết văn, đến năm 65 tuổi mới hoàn thành tiểu thuyết Don Kihote, còn lớn hơn tuổi anh Thọ với chị Khuê bây giờ. Vậy mà tác phẩm của ông ấy, cuốn Don Kihote được người đời sau đánh giá là cuốn sách hay nhất, lớn nhất của mọi thời đại. Tôi đang bàn về tuổi của người viết, chứ chưa nói về tài năng. Đôi khi gừng càng già càng cay, gỗ già lại hóa trầm…

Nhà văn Văn Chinh: Trẻ thì còn gì hơn. Nhưng khi chuẩn bị Bàn tròn này, BBT nghĩ trước hết đến các nhà văn có thành tựu về Văn học Chiến tranh, ví dụ chúng tôi mời nhà văn Bảo Ninh để muốn nghe ông nói về Nỗi buồn chiến tranh sau hơn 20 năm với biết bao nhiêu lời khen chê khác nhau. Nhưng Bảo Ninh bận đột xuất.

Nhà LLPB – nhà thơ Lê Thành Nghị: Tôi lại nghĩ rằng: Không nhất thiết hiện nay biển Đông có những diễn biến phức tạp, Syria, Egypt đang khủng hoảng chính trị và rất có thể Mỹ kéo quân vào Sirya… thì Văn học Chiến tranh mới được đặt ra để bàn. Tôi nhớ Công ước của Liên Hợp quốc có đoạn Do chiến tranh bắt đầu từ trong đầu óc con người nên phải dựng lên trong đầu óc con người những phòng tuyến hòa bình. Cho nên ngay cả trong thời yên ả nhất, đề tài chiến tranh cũng vẫn rất cần. Chiến tranh là hiện thực không bình thường, nó ảnh hưởng đến số phận dân tộc, đến con người.Viết về chiến tranh cũng là một trách nhiệm để ngăn chặn chiến tranh, cũng là một cách dựng lên trong đầu óc con người phòng tuyến hòa bình. Tôi cũng nghĩ: hiện nay có nhiều người đang viết về chiến tranh, chỉ có điều là họ chưa công bố tác phẩm, hoặc là đang viết, đang dự định viết thì có những vấn đề bức xúc của cuộc sống thời bình chi phối, nên họ không tập trung toàn tâm toàn trí vào đề tài chiến tranh.

Đề tài Văn học Chiến tranh chưa bao giờ cũ trong sáng tác văn học, tôi tin sẽ vẫn còn nhiều người tâm huyết với Văn học Chiến tranh, thế hệ này chưa làm được thì thế hệ khác, với cách của họ, họ sẽ viết về chiến tranh.


* TỪ VĂN HỌC THỜI CHIẾN RỰC RỠ…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nhìn lại tiến trình phát triển văn học thế giới, những tác phẩm còn lại sau rất nhiều đào thải nghiệt ngã của thời gian, đều là những tác phẩm viết về chiến tranh cả. Iliats Odyssey, Tam quốc diễn nghĩa, Chiến tranh và hoà bình, Taras Bumba, Sông Đông êm đềm. Vĩnh biệt hạm đội, Nơi đây bình minh yên tĩnh, Sống mà nhớ lấy, Phía Tây không có gì lạ… Ở nước ta bao nhiêu năm sống trong bầu khí quyển chiến tranh, bây giờ chúng ta vẫn sống trong không khí thời chiến, mà hậu quả của nó là sự tùy tiện, tạm bợ, không quy củ, không chuyên nghiệp trong đời sống và cả trong cách quản lý. Nghĩa là cái dư âm chiến tranh vẫn chi phối trong cái nhìn, trong nếp nghĩ, trong cách ứng xử của con người trong xã hội hiện đại. Có điều, về văn học, hình như chúng ta mới chỉ có văn học thời chiến chứ chưa có văn học chiến tranh. Một ít truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh, Nguyễn Văn Thọ, Phạm Thị Minh Thư, Sương Nguyệt Minh, Lưu Sơn Minh, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Chu Lai… Thơ Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm, Vũ Đình Văn, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Vương Trọng… Có tác phẩm trước đây đọc rất thích, bây giờ lại thấy nhạt, như tiểu thuyết Dấu chân người lính. Ở thơ, ta cũng gặp những trường hợp tương tự. Thời chiến, nhà văn, nhà thơ nhiều khi còn phải làm thêm công việc của nhà báo, vì người đọc cần lượng thông tin. Chính những thông tin mới hấp dẫn người đọc. Ta có thể thấy lượng thông tin ở khắp mọi nơi. Nhà thơ Phạm Tiến Duật, cánh chim đầu đàn, một tượng đài thơ của Trường Sơn:“Tiếng anh khẩu đội trưởng ở đâu – Đấy là đuôi khẩu pháo…”. “Đồng chí lái chính hơi trẻ – Đồng chí lái phụ hơi già – Điều đó không quan trọng lắm…””Đạn một trăm linh năm mi li mét xếp ngang – Đạn cao xạ một trăm xếp dọc – Súng bắn tỉa để riêng một góc – Xếp ra ngoài hòm thuốc nổ, chuyển ngay…”, hay nhà thơ Hữu Thỉnh, một nhà thơ kỳ ảo, mộng mị nhất, nhưng cũng rất trần trụi: “Pháo thủ lái xe – Ngày hao ba cân mốt”“Mỗi quyển sách nặng bằng năm viên đạn – Chúng tôi dành mang đạn trước tiên.” Đó là những chi tiết của báo chí. Nó rất thật. Vì thật nên rất hấp dẫn. Bởi những điều đó, người lính không nói ra thì người đọc không biết.

Thời chiến, nói đến Phạm Tiến Duật là người ta nhắc đến Lửa đènNhớGửi em cô thanh niên xung phong. Nó tạo được một ấn tượng đặc sắc. Bây giờ đọc lại Phạm Tiến Duật, tôi lại bị ám ảnh bởi Khoảng tối trong rừng, viết về một cô nuôi quân trong rừng Trường Sơn, đặc biệt, là Cô bộ đội ấy đã đi rồi. Một cô gái đã “37 tuổi chồng con thì chưa nói”, bây giờ lại đến chia tay các anh để chuyển đơn vị vào vùng rừng sâu hơn, khốc liệt hơn: “Thôi em đừng bẻ đốt ngón tay – Nước mắt dễ lây mà rừng thì lặng quá”. Trong những năm chiến tranh, không một nhà phê bình nào để mắt đến những bài thơ này. Bây giờ bình tĩnh đọc lại, chính những bài thơ này mới không thấy cũ, nó vẫn “cứa” được vào lòng người đọc, dựng lên số phận của cả một thế hệ, những người đi qua chiến tranh. Và rồi cùng với họ, ta thấy được cả một thời đại…

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Thơ anh Phạm Tiến Duật thời chiến như lửa làm cho chúng tôi bớt lạnh. Lúc ấy, nếu không có thơ anh Duật, mà cứ viết những truyện chống chiến tranh, bới tất cả chuyện xấu ra, thì có nhiều người, trong đó có tôi bỏ ngũ. Cái thời ấy, chúng ta cần có văn học phục vụ chính trị động viên bộ đội ra trận, trong đó có tôi cầm súng. Tất nhiên, không có ai viết bịa ra, người ta vẫn viết thật, nhưng chỉ là một mặt sự thật của đời sống, mà chưa nhìn thấy mặt thứ hai là thân phận con người trong chiến tranh, chúng ta chưa bao quát hết hiện thực. Thời ấy, văn thơ thi vị đời sống chiến tranh.

Nhà thơ Lê Thành Nghị: Trước đây, cứ viết về địch là nó phải ngu, phải ác như thằng Xăm trong Hòn Đất của Anh Đức. Hay, anh Trần Đăng Khoa mới 8 tuổi đã viết: “Ngu xuẩn nhất nhì – Là tổng thống Mỹ”. Tổng thống một nước như nước Mỹ nó không ngu lắm đâu. Kẻ thù cũng là con người, chỉ khác chúng ta ở lý tưởng chiến đấu. Thắng một kẻ thù ngu thì chẳng có gì vinh dự lắm, thắng một kẻ thù có văn hóa, có mưu lược, có tính toán…mới khó. Nhà văn nhìn kẻ thù phải là cái nhìn toàn diện khách quan, chứ không nên nhìn thiên lệch. Nhưng, lúc ấy (lúc chiến tranh đang xảy ra) cách nói như trên có thể cần thiết cho cuộc chiến đấu chung.

Nhà văn Lê Minh Khuê: Những tác phẩm có đề tài chiến tranh mình viết trước kia bây giờ nhắc lại thấy ngại. Viết dở quá. Thế thôi. Không muốn đọc lại. Nó là văn chương của cái thời mình nhìn ở phía đẹp đẽ của chiến tranh. Có lúc đẹp thật nhưng so với những góc đau khổ của nó mình thấy có tội. Chưa viết được gì ra hồn. Nhưng nó cũng là văn học thời chiến – như Trần Đăng Khoa nói – có lẽ nó cần vào lúc ấy.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Cuộc sống lúc ấy nó có cái yêu cầu của nó, nó đòi hỏi mình phải theo, mà theo một cách rất tự nguyện. Không ai nghĩ khác, và nếu có ai hoặc một lúc nào đó, mình nghĩ khác, thì mình cũng không dám nói ra. Đó là dấu ấn của một thời đại. Thời ấy, còn là cậu bé con, đang kể chuyện gà vịt, chó mèo, tôi quăng luôn cả Tổng thống Mỹ vào đấy: “Ngu xuẩn nhất nhì – Là Tổng Thống Mỹ”. Rồi hả hê, sướng đến mấy ngày. Tâm lý lúc ấy, cứ “quật” được Mỹ là sướng cái đã. Bây giờ đọc lại, thấy buồn cười, sao hồi ấy, mình lại hồn nhiên thế. Ông Chế Lan Viên viết: “Những năm đất nước có chung tâm hồn, có chung gương mặt – Nụ cười tiễn đưa con, nghìn bà mẹ in nhau”. Một đất nước chung tâm hồn là cái bên trong, chung gương mặt là cái bên ngoài, chung cả nỗi riêng tư là “nụ cười tiễn đưa con…”. Nụ cười ấy giả hay thật? Có người bảo giả. Không phải. Nụ cười ấy thật chứ. Rất thật. Nhưng là một phía của sự thật. Còn một phía khác nữa, cũng rất thật, là sau lúc tiễn con đi bằng nụ cười, bà mẹ về nhà vùi mặt vào chăn khóc. Nhưng thời ấy, cũng như bà mẹ, chúng ta tạm thời giấu đi nước mắt, để yên lòng người đi, và cũng yên lòng cả người ở lại. Ông Nam Hà bảo: “Xa nhau không hề rơi nước mắt. – Nước mắt chỉ để dành cho ngày gặp mặt”. Văn nghệ sĩ chúng ta thời đó tự nguyện có ý thức chọn cách thể hiện tâm thế như vậy. Ông Tố Hữu viết: “Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ – Hơn nghìn trang giấy luận văn chương”

Nhà văn Văn Chinh: Những năm chiến tranh, nhạc vàng rên rỉ và thơ văn buồn kiểu như Sáng mai đụng trận may còn sống/ Về lại sông Mao phá phách chơi (Nguyễn Bắc Sơn) ở miền Nam tạo nên thương tổn khí, kiểu như tiếng địch Ô Giang của Trương Lương làm quân Sở nhớ nhà nhớ vợ mà chưa đánh đã thua; ngược lại, văn thơ (qua Đài Tiếng nói VN và sách báo) Cách mạng tạo nên chính khí ca, tạo nên sức tập hợp. Giá trị của Văn học Thời chiến chủ yếu nằm ở đấy.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Văn học Thời chiến có nhiều tác phẩm đề cập đến các sự kiện, các trận đánh, các chiến dịch, quy mô diễn biến các trận đánh. Chúng ta có cả một mảng văn học thời chiến đặc sắc, nó đáp ứng được sự đòi hỏi của cả một thời đại. Vì thế nó được đồng hành, cộng hưởng của đông đảo bạn đọc và của cả xã hội rộng lớn lúc bấy giờ. Nhưng đã nói thời chiến thì nó có yếu tố của… thời. Và cụ thể hơn, là của… một thời đánh giặc. Cái THỜI ấy qua rồi, thì nó cũng vợi đi, mất đi rất nhiều nhung tuyết. Vì thế, để đánh giá đúng giá trị của nó, phải đặt nó trong bối cảnh lịch sử, đặt nó trong bầu khí quyển kháng chiến, nó mới có sức sống, mới hiện lên hết vẻ đẹp của nó. Như con cá, phải thả trong nước. Vớt con cá lên cát, con cá không còn là cá nữa rồi. Không thể lấy cát đánh giá cá. Như thế không khoa học, không khách quan và không công bằng. Phải đặt văn học thời chiến trong môi trường và bầu khí quyển của nó. Chả lẽ bây giờ, để thưởng thức văn học thời chiến, chúng ta lại phải làm một cuộc chiến tranh ư? Trong đời sống hòa bình, chưa nói nó đã có phần ô nhiễm thực dụng, chỉ nói bình thường thôi, nếu nó không còn hấp dẫn, thì đừng trách bạn đọc quay lưng lại với nó, người ta không đọc những tác phẩm ấy nữa, nếu bản thân nó không có khả năng vượt thời gian. Không phải lỗi của bạn đọc đâu! Lỗi của chúng ta đấy. Vẫn có những tác phẩm chiến tranh, vượt qua thời chiến: “Mẹ tôi, em có gặp đâu không – Bao xác già nua ngập cánh đồng – Tôi có thằng em còn bé lắm – Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông!”những câu thơ dựng lên cả một thời tao loạn, và bằng sức sống của giá trị nghệ thuật, nó còn làm sống lại cả một thời đại mà nó đã đi qua. Và như thế, có những tác phẩm sống được nhờ thời đại và lại có thời đại sống được nhờ tác phẩm.

Dù vậy, thành tựu Văn chương Thời chiến vẫn đạt đến độ rực rỡ. Suốt trong những năm tháng khốc liệt nhất của lịch sử đất nước, chúng ta thở trong bầu khí quyển của nó, chúng ta vịn vào nó để sống và chiến đấu và chiến thắng. Bây giờ nó là văn học sử. Chúng ta không hạ thấp Văn học Thời chiến. Nó đã làm xong nhiệm vụ vẻ vang và góp phần chiến thắng quân thù.


… ĐẾN VĂN HỌC CHIẾN TRANH CÓ THÀNH TỰU

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Khi bàn đến một nền văn học lớn, chúng ta phải nói đến tiểu tuyết. Tôi không đọc được hết tiểu thuyết chiến tranh, nhưng những cuốn tôi đọc được, tôi thấy chỉ có 3 cuốn còn để lại trong tôi ấn tượng. Đó là: Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và Chim én bay của Nguyễn Trí Huân.

Đất trắng tập I hay, nhưng tập II lại dở. Hỏng. Tôi đọc và cứ thấy tiếc. Giá Nguyễn Trọng Oánh đừng viết tập II nữa thì ông đã có cuốn tiểu thuyết hoàn thiện. Có thêm tập II, bộ sách lại thành dở dang. Tập I đủ rồi. Phần II không thêm được cái gì. Nhà văn mình, nhìn chung không trường hơi. Ngay trong những cuốn tiểu thuyết một tập có thành tựu, phần đầu rất hay, nhưng phần cuối cũng nhạt dần. Đằng thằng mà nói, ngay tiểu thuyết Đất trắng tập I, cũng rất khó đọc. Nó cứ như Ký mà lại không phải Ký. Đọc mệt lắm. Nhưng nếu cứ chịu khó đọc, đọc cho đến hết thì lại thấy hay. Nó sục lên cả mùi bùn, mùi máu của cuộc chiến tranh. Bởi thế mà nó rất thật. Nguyễn Trọng Oánh dựng được một nhân vật phản bội. Đó là Tám Hàn. Có một chi tiết hay. Khi Tám Hàn chiêu hồi, lão cứ day dứt, ân hận vì không lệnh cho anh em di chuyển đơn vị, để đỡ thiệt hại, tổn thất khi lão khai. Ta thấy lão không hoàn toàn là một kẻ xấu. Và chiến tranh mới khốc liệt làm sao. Cuốn sách của Bảo Ninh có nhiều ý kiến khác nhau. Người khen, khen hết lời, người chê cũng chê rất thậm tệ. Nhưng dù thế nào, nó vẫn là cuốn sách hay nhất viết về chiến tranh. Thông thường, khi viết về chiến tranh, ta hay chú ý đến điểm nhìn, cái mà chúng ta vẫn quen gọi là lập trường quan điểm. Ta đứng phía ta thì thấy địch ngu si, đần độn. Địch đứng ở phía địch nên thấy ta cũng chẳng ra làm sao: “5 gã Việt Cộng đu không gẫy cành đu đủ”. Bảo Ninh chẳng đứng ở phía nào cả, mà ở chủ nghĩa nhân đạo nhìn cuộc chiến. Góc nhìn không quen, nên anh bị phản ứng. Thế thôi. Chim én bay là quyển sách hay nhất trong đời văn của Nguyễn Trí Huân. Trước đó anh có “Năm 1975, họ đã sống như thế”. Đấy là cuốn tiểu thuyết thời chiến. Nguyễn Trí Huân không giỏi khắc họa tính cách và tâm lý nhân vật. Đấy mới chính là yếu tố làm nên nhà văn, là sở trường của Ngô Tất Tố, Nam Cao, Lê Lựu, Xuân Đức, Nguyễn Khắc Trường… Đến Chim én bay, Nguyễn Trí Huân đã giấu được cái sở đoản này bằng những tình tiết rất hợp lý. Phải đọc kỹ lưỡng lắm mới thấy được cái mẹo rất tài của ông…

Nhà thơ Lê Thành Nghị: Nếu chúng ta làm một con đường từ Dấu chân người lính… đến Đất trắng,… đến Nỗi buồn chiến tranh… thì toát lên cái gì? Tôi cho rằng đó là…sự vận động của điểm nhìn nghệ thuật.

Dấu chân người lính là điểm nhìn ca ngợi. Đó là điểm nhìn của Nguyễn Minh Châu… lý tưởng hoá hiện thực, lãng mạn hoá hiện thực: những nhân vật thanh niên Khuê, Lữ cũng như chúng ta thôi, họ được nhà văn lãng mạn hoá đẹp hơn chúng ta. Họ không có lo toan gì, dằn vặt gì, day dứt gì, ngoài tổ quốc. Đó là cái nhìn có khoảng cách của người không trực tiếp tham gia chiến tranh viết về chiến tranh, không sai nhưng chưa đủ.

Đến Nguyễn Trọng Oánh điểm nhìn trực tiếp hơn, khoảng cách đã ngắn lại. Ông Oánh không có những năm tháng lăn lộn chiến đấu trực tiếp thì sẽ không có tác phẩm Đất trắng như thế. Ông Nguyễn Minh Châu có thể nghe kể chuyện trận mạc mà viết được, đến Nguyễn Trọng Oánh thì đã là người trong cuộc, sống ở chiến trường rồi viết. Khoảng cách giữa tác giả và nhân vật của ông Oánh thu ngắn dần.

Đến Bảo Ninh là chuyện của tôi trong chiến tranh, tôi nhìn tôi trong chiến tranh và sau chiến tranh. Đó là chuyện về nỗi buồn, ông Bảo Ninh “chiến đấu” với mình để lấy lại những gì mình đã mất. Từ khoảng cách rất xa của Nguyễn Minh Châu đến anh Lữ, rồi khoảng cách gần của Nguyễn Trọng Oánh đến Tám Ngà và cuối cùng là… chuyện của tôi – của Bảo Ninh. Cái chất sám hối của Bảo Ninh nhiều hơn. Đó là quá trình phát triển của điểm nhìn nghệ thuật, nó phản ánh quá trình phát triển của văn học.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi có đọc nhiều truyện ngắn chiến tranh của các giả trẻ. Họ chưa qua chiến tranh, chưa một lần biết bom đạn nhưng chính vì không bị lệ thuộc vào đời sống chiến tranh nên tác phẩm lại thoát khỏi Văn học Thời chiến. Chẳng hạn, truyện ngắn Ngủ giữa hoa sen của Nguyễn Anh Vũ, Đêm qua Thừa Lưu của Trần Hoàng Trì,Ánh mắt trong veo của Châu Quỳnh… đích thực là Văn học Chiến tranh. Truyện ngắn Ánh mắt trong veo là câu chuyện của các chiến sĩ an ninh biệt động thành Sài Gòn, vào những tháng năm đánh Mỹ. Truyện không sa đà vào tình tiết li kỳ câu khách như các tác phẩm văn học hình sự, trinh thám. Tác giả dẫn dắt người đọc vào hành trình đi tìm sự mách bảo của linh tính từ một ánh mắt bí mật… Câu chuyện hay làm cho người đọc tin ở sự chân thật ở lối kể, ở không khí truyện, ở các chi tiết đời thường sau chiến cuộc. Tác giả viết nhẹ nhàng, mà sâu sắc. Tôi giật mình, hạ bút phê: Hay. Tôi ngỡ ngàng tại sao người trẻ lại viết về chiến tranh hay như thế.

Nhà văn Lê Minh Khuê: Các anh nói nhiều về Văn học Thời chiến. Nhưng, riêng tôi thấy sau năm 1975, nhà chúng ta đã làm được một việc rất lớn là có hàng loạt tiểu thuyết viết về chiến dịch, về trận đánh của các nhà văn Nam Hà, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Bảo…, họ đã mô tả chiến đấu và con người trong chiến đấu rất có ý nghĩa về văn học sử cũng có thể gọi là Văn học Chiến tranh chứ. Hoặc các tác phẩm viết về sự phức tạp, khốc liệt của chiến tranh như làCỏ lau của Nguyễn Minh Châu, hay Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh… thì lại càng có giá trị đích thực là Văn học Chiến tranh.

Nhà thơ Lê Thành Nghị: Vừa rồi tôi đọc Mùa hè giá buốt của Văn Lê. Theo tôi đây là một cuốn tiểu thuyết đáng chú ý về chiến tranh, cụ thể là những ngày Mậu Thân năm 1968. Tôi thật sự xúc động trước sự quả cảm của quân và dân ta, cũng như sự mất mát lớn lao của họ. Văn Lê không ngần ngại nói về những mất mát có thật đó. Nhưng tư tưởng của cuốn sách là qua những hy sinh mất mát này, thêm một lần chúng ta cần phải biết giá của chiến thắng, cần phải biết những người lính đã sống và chiến đấu cho lý tưởng của họ như thế nào. Cuốn sách có thể có những chỗ khiên cưỡng, nhưng nhìn chung là hấp dẫn.

Nhà văn Văn Chinh: Tác phẩm hay thuộc Văn học Chiến tranh của Nguyễn Minh Châu cần kể thêm Mùa trái cóc ở miền Nam. Đây là tác phẩm “tiền trạm đổi mới”, viết về cái không hay của chúng ta trong chiến tranh. Và Ráng đỏ, Mảnh vườn xưa hoang vắng của Đỗ Chu nữa, qua “gia đình” nhà khỉ bị bom đạn tha lôi nhau khiến người lính nghĩ đến cái ác của con người gây chiến; người lính gần như cả đời trận mạc, về quê thì đã luống tuổi, không nghề ngỗng gì, làm nghề bát âm nhưng cũng chỉ là nghiệp dư cho qua ngày. Tôi đề nghị, ngoài ba tiểu thuyết và như anh Nghị nói là bốn, cần ghi nhận thêm các hình tượng nghệ thuật thiếu tá Cộng hòa Nguyễn Quốc Hùng (Thượng Đức, Nguyễn Bảo) và thiếu tá Hoàng Xuân Thời (Đối chiến, Khuất Quang Thụy.) Hùng giữ chi khu Thượng Đức, chiến đấu gan góc, khi biết sẽ thất thủ, y cho chuẩn bị hai quả mìn, một mìn tấn với ý đồ sẽ khiến đoàn quân bị tan xác trong khi reo hò mừng chiến thắng và một mìn 500 gam; nhưng vào phút chót, y đã chỉ châm ngòi nổ quả mìn nhỏ, vừa đủ cho xác mình tan vào cùng đất đai. Thời đánh nhau giỏi, từng được báo chí Sài Gòn “phong” là Anh hùng mũ đỏ (quân chủng nhảy dù của quân lực VNCH.) Trong khi cả cánh quân thất trận, bị bắt, tức là được dịp sống sót, nhưng Thời đã bỏ trốn để sau đó lại đánh nhau, bị chết trên sa trường. Đánh nhau với những người như thế, những chiến thắng của sĩ quan và quân Giải phóng trong Thượng Đức và Đối chiến mới thật đáng kể.

ĐỂ CÓ TÁC PHẨM HAY VỀ CHIẾN TRANH?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Bây giờ, vấn đề là viết về chiến tranh như thế nào? Đó là câu hỏi không dễ trả lời.

Những người sinh ra và lớn lên, thậm chí cầm súng trực diện trong chiến tranh có kinh nghiệm sống, được sống trong bầu khí quyển chiến tranh, có thuận lợi là người trong cuộc, nhưng cũng có cái hạn chế là bị cái bầu khí quyển ấy bao bọc, bao vây, nó khép lại bằng cái hiện thực, mà nhà văn không thoát ra được. Người viết trẻ sau này, không bị cái ràng buộc ấy chi phối, mặc sức tưởng tượng, khái quát, mà tưởng tượng, khái quát có khi còn thật hơn cả sự thật nữa. Chiến tranh đã trôi qua 50 năm, ông Tolstoy mới bắt tay vào viết Chiến tranh và hoà bình. Thế hệ trẻ sau này vẫn có thể viết về chiến tranh hay hơn chúng ta.

Nhà thơ Lê Thành Nghị: Hiện thực không chỉ là cái quan sát được, mà qua đó rút ra được cái gì đó có ý nghĩa của cuộc sống.

L.Tolstoy miêu tả thật đến mức những người làm bảo tàng căn cứ vào Chiến tranh và Hòa bình xem khẩu pháo lúc đó được mô tả ra sao, đặt ở chỗ nào, khẩu đội được bố trí ra sao…để phục dựng lại. Nhưng giá trị của Chiến tranh và Hòabình không phải ở những điểm ấy. Giá trị của cuốn sách có vẻ khó hình dung hơn. Đó là lòng yêu nước của người Nga, tính cách Nga, tâm hồn Nga trong chiến tranh cũng như trong thời bình. Bạn có thể không còn thích Chiến tranh và Hòa bình, nhưng nhân loại vẫn cứ phải soi đèn để tìm câu trả lời cho những điều mà nhà văn muốn nói về người Nga.

Tôi cũng đồng ý với ý kiến nhà thơ Trần Đăng Khoa, không nhất thiết phải qua chiến tranh mới sáng tác được tác phẩm hay. Ông Tolstoy có tham gia trận đánh Borodino đâu, ông có lăn lộn gì đâu, ông vào thư viện là chính đấy chứ. Vậy mà, ông viết thật, viết hay hơn cả sự thật.

Nhà văn Văn Chinh: Tôi hiểu tính cách và tâm hồn mà anh Nghị nói nghiêng về khí phách hơn. Bạn đọc sẽ nhớ mãi tích “Yến Hồng Môn” Phàn Khoái trừng mắt nhìn những kẻ định ám sát chủ mình bằng cách múa gươm làm vui, nhìn đến rách mắt; chi tiết hay đến mức, nó được dùng lại trong chi tiết Vân Trường một đao phó hội mà đọc vẫn hay. Ở ta, cái tích Quang Trung gửi cành đào báo tiệp cho vợ trong Huế, nếu viết cho công phu về những người phu trạm, những giọt mồ hôi của người và ngựa, thậm chí con ngựa trạm cuối cùng bị gục ngã ngay dưới chân Ngọc Hân công chúa và người phu trạm cũng chỉ kịp trao cành đào vào tay nàng thì xỉu luôn vì mệt. Các anh chị nói rất hay về bầu khí quyển Thời chiến nó bó buộc sức sáng tạo, nói về tài năng cũng rất hay. Nhưng chúng ta còn mắc tật, nói như Khuất Quang Thụy là cứ phải uốn lưỡi bẩy lần mới nói, lại cứ phải viết sao cho “thật”. Mà thế nào là thật? Chẳng hạn như phim cảnh sát hình sự của ta cứ phải họp bàn trao đổi biện pháp phá án, họp là sổ sách, ghi chép. Sao trinh sát của ta hớ thế? Trên thực tế, để đánh các vụ nghi có bảo kê, người ta lập một chuyên án giả, dùng chuyên án ở xa về đánh bất ngờ thì trao đổi làm sao?

Nhà văn Lê Minh Khuê: Trong chiến tranh, có những cái nhìn giống nhau giữa con người và con người. Nhưng, sau chiến tranh rồi thấy nó khác đi. Sau chiến tranh, có điều kiện để nhìn bao quát hơn, được tiếp xúc nhiều với tư liệu, nên cứ bị ám ảnh khủng khiếp. Tôi xem lại tư liệu trên ti vi, nói về ngôi mộ tập thể chôn 1000 người. Để chôn được bằng ấy người, bên Việt Nam Cộng hoà phải dùng xe ủi để ủi san lấp cả dân, bộ đội, cả người bên này lẫn người bên kia chôn chung một hố. Thời chiến tranh, chỗ tôi đánh nhau không được nghe như thế, và cũng chưa tận mắt thấy một sự thật hãi hùng như thế. Hoặc, ở Quảng Trị có một đơn vị tập kết trên đỉnh đồi, anh em đun nấu ăn uống, sáng ra ngủ quên, và máy bay trực thăng của địch phát hiện. Bom xuống, chết 98 người. Càng xa chiến tranh thì những tư liệu ấy càng được công bố, chiến tranh khốc liệt càng lộ diện. Hoặc, các anh xem phim tư liệu của Mỹ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam thấy máy bay nó rải bom bay hàng đàn chi chít như thế. Bị một quả cũng biết như thế nào là khốc liệt rồi, thế mà hàng dàn bom như vậy thì sống sao nổi?

Những tư liệu người phía bên kia tra tấn tù binh ở nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc…, tôi xem, tôi nghe thấy khủng khiếp quá. Chúng tôi đã sống ở Trường Sơn, ai đi Trường Sơn cũng đều thấy núi rừng rất đẹp. Nhìn người lính ra đi trong đoàn quân rất đẹp. Sau này, mình không gặp lại nữa, mới biết họ ra đi rồi bị bom đạn nuốt chửng ở những vùng rừng sâu không dân trong chiến trường. Cái đẹp của chiến tranh là thế, phía sau nó là khốc liệt. Trước kia mình không viết về phía sau nó, đau khổ, bạo lực, máu và nước mắt… Sự lãng mạn là phía trước, nhìn thấy, chứ không thể thấu hiểu nó hoặc có hiểu thì có lúc không được nói tới…

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi đồng ý với ý kiến của Trần Đăng Khoa, đã qua thời Văn học Thời chiến. Chúng ta đều có độ lùi nhất định để bàn và viết về Văn học Chiến tranh. Hai khái niệm này của anh Khoa ngắn mà hay. Nó hiện rõ cái cần phải thay đổi trong điểm nhìn của nhà văn hôm nay mà lại không khỏa lấp phủ định văn học cách mạng của một thời đã qua.

Vậy viết về chiến tranh nên như thế nào?

Thứ nhất, cá nhân tôi cho rằng, lịch sử thì không bao giờ thay đổi, bởi nó đã diễn ra như đã. Như vậy chiến tranh với những hiện thực đã diễn ra dường như vô cảm. Và, mỗi một nhà văn có một hiện thực cuộc chiến của riêng mình, không nên ai cũng phải như ai. Hãy làm sáng tỏ nó với tâm thế minh tĩnh nhất.

Thứ hai, cuộc chiến đã qua có nhiều nước tham gia, nếu chỉ bám vào yếu tố địch ta, dễ thiếu khách quan và tôi e không lâu dài. Nhưng nếu lấy hai chữ Dân tộc làm gốc, để đề cao, thì nhìn nó minh tĩnh hơn. Vì thế, nếu như một tác phẩm có đề cập tới nhân vật của phía bên kia, chúng ta phải chú ý, tìm hiểu họ thật kĩ, tránh sự ngô nghê công thức địch thì ngu, ta thì trí, địch toàn người ác người xấu cả… Tôi nói vậy, bởi vì cuộc chiến vừa qua, chúng ta tham gia, đã kéo dài vất vả và cực kì khốc liệt, nó chứng tỏ kẻ địch không vừa. Vả lại, do hoàn cảnh lịch sử, phía đối phương là một bộ phận của dân tộc, họ tự nguyện tham chiến hay bị đẩy vào mặt trận, cũng bao gồm không ít những người ưu tú của dân tộc, thậm chí rất ưu tú. Họ cũng như chúng ta biết yêu, biết ghét và biết căm thù. Chứ không hẳn chỉ có ngu và ác.

Nhà văn Lê Minh Khuê: Thời chiến, có lúc tôi nhìn bên kia suối, thấy người lính cộng hoà trong đoàn tù binh, nhìn mình. Tôi nghĩ: có thể anh lính ấy bị bắt lính, có thể chưa kịp bắn ai. Lúc ấy, tôi nhìn anh lính ấy khác. Còn bây giờ, tôi nghĩ tôi bị rơi vào tay anh ta, tôi cũng bị tra tấn, hành hạ tàn độc.

Tôi không viết được về các trận đánh. Vì tôi không chịu đựng được cái sự khốc liệt ấy. Nhưng, cái lãng mạn, cái nhẹ nhõm, cái xốc nổi như ngày xưa đã viết thì bây giờ cũng không thể viết, không nên viết.

Viết thế nào? Vẫn cứ phải nói: phải có tài mới viết ra chiến tranh. Vấn đề đầu tiên là tài năng. Dù, mỗi người nghĩ một cách về chiến tranh: Người nghĩ đến cái hào hùng. Người nghĩ đến cái mất mát đau thương. Người nghĩ đến cái thiệt thòi… Nhưng, để viết hay thì vẫn phải có tài.

Nhà thơ Lê Thành Nghị: Chân thực là một điều cốt tử của văn học. Viết về chiến tranh cũng không có ngoại lệ với cái nguyên lý kinh điển này. Cuộc kháng chiến của quân và dân ta ai cũng biết gian khổ như thế nào mới phải lâu dài như thế, hy sinh như thế chứ. Nếu chỉ lý giải một cách đơn giản thì không thể nào tiệm cận được sự thật chiến tranh. Tôi thấy những cuốn sách được người đọc ghi nhận thường là những cuốn sách mà tác giả lựa chọn đi giữa những lằn ranh khá hẹp, khá tinh tế của hiện thực. Nguyễn Trọng Oánh, Bảo Ninh, Văn Lê… chọn những lối đi trước đó chưa ai khai mở. Chúng ta đều biết thay đổi lối viết là điều không dễ đối với người viết, và cũng không phải lúc nào cũng được đón nhận nồng nhiệt.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Tôi xin cung cấp thêm một thông tin: Chi tiết Hoàng đế Quang Trung gửi cành đào từ kinh thành Thăng Long vào Phú Xuân cho Ngọc Hân công chúa mà anh Văn Chinh vừa nhắc tới là một chi tiết không có thật, do soạn giả sân khấu sáng tạo ra trong một vở kịch viết về Hoàng đế. Điều đáng kể là chi tiết này đã được người đọc tiếp nhận, kể cả việc một nhà viết sử đã tưởng là thật. Vậy thế nào là sự trung thực trong chiến tranh? Tôi nghĩ, đây là một vấn đề lớn, có lẽ phải tổ chức tiếp “bàn tròn văn học” trong một dịp khác.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Về ý kiến của nhà văn Lê Minh Khuê nói cái ý tôi cho là rất hay. Bây giờ bảo viết khác đi là rất khó. Như tôi đã nói. Cái thuận lợi của người đi qua chiến tranh là chứng kiến hiện thực mà người khác, người trẻ không có. Nhưng, chính cái đó cũng là hạn chế vì người đi qua chiến tranh bị bó vào hiện thực, bị cầm tù trong quan niệm về hiện thực. Hơn hai mươi năm trước, Lưu Sơn Minh chưa đến 20 tuổi chẳng biết tí gì về súng đạn, đã viết truyện ngắn chiến tranh Bến trần gian rất hay, rất ám ảnh. Tôi lại rất hy vọng thế hệ sau. Họ không bị hạn chế như chúng ta.

Sau chiến tranh chúng ta mới có thời gian ngẫm nghĩ, mới bình tĩnh hơn nhìn cuộc chiến tranh, và nói về nước mắt. Trường ca xuất hiện nhiều. Có người nói trường ca ra đời vì có điều kiện tổng kết chiến tranh. Cái đó chỉ đúng một phần, nhà văn sinh ra đâu phải để tổng kết chiến tranh, phần việc ấy thuộc về các nhà quân sự, các nhà sử học, các nhà chính trị chứ. Tôi nghĩ: Sau chiến tranh, chúng ta có điều kiện để nhìn bao quát, nhìn tổng thể cả hai mặt, nhìn cả nụ cười, nhìn cả nước mắt. Tôi hi vọng sắp tới chúng ta sẽ làm tròn đầy những cái văn học thời chiến và cả văn học chiến tranh chưa có.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Theo tôi, các nhà văn tham gia chiến tranh hoặc không tham gia chiến tranh, muốn viết tác phẩm hay về chiến tranh thì phải nêu cao tinh thần dân tộc. Điều đó sẽ trường tồn, cứ cổ vũ ta thắng địch thua là tuyên truyền một chiều. Cứ bàn mãi nội chiến hay không nội chiến? Rất vớ vẩn! Tôi đánh nhau 11 năm thì 7 năm đánh nhau với Mỹ, Nam Hàn và ở Nam Lào tôi đánh nhau với cả lính Thái Lan nữa; còn lại đánh nhau với ai thì rõ quá, cần gì phải nói?

Nhà thơ Lê Thành Nghị: Tôi tin những thế hệ sau sẽ viết về chiến tranh khác chúng ta. Họ sẽ tìm cách lý giải chiến thắng của dân tộc một cách chí lý hơn: cuộc chiến phải được nhìn toàn cục, phía thực dân Pháp, phía đế quốc Mỹ, rồi nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ, nhân dân thế giới trong cục diện chung ra sao, từ đó lý giải chiến thắng của dân tộc mang tầm thời đại như thế nào. Nghĩa là phải rút ra từ cuộc chiến một cái gì đó, như là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, triết lý sống vì Độc Lập -Tự do của người Việt trong chiến tranh được biểu hiện như thế nào…

Nhà văn Lê Minh Khuê: Theo tôi, viết về chiến tranh bây giờ phải viết ngắn.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi cũng nghĩ như chị Lê Minh Khuê. Thời đại công nghiệp hiện nay đừng có dài dòng văn tự. Không ai đọc. Cấu trúc vừa phải. Tác giả phải gửi gắm thông điệp gì qua thân phận con người trong chiến tranh, chứ không chỉ kể cho xong một câu chuyện. Nhân vật ít, bây giờ viết nhiều nhân vật như Chiến tranh hoà bình thì không ai đọc đâu.

Tôi cũng nghĩ tương lai Văn học Chiến tranh thuộc về lớp tác giả trẻ. Đừng sợ chúng ta chết hết rồi, sẽ không còn người viết về chiến tranh. Vừa rồi anh Nguyễn Trí Huân có nói đã đến lúc Nhà nước nên mở kho tư liệu cho các nhà văn tham khảo. Tôi chẳng cần kho tư liệu. Tôi viết về thân phận nhân vật, tôi viết cay đắng của đời tôi những năm chiến tranh cũng chưa hết. Nhưng lứa trẻ chưa qua chiến tranh thì cần tư liệu, họ cần hiểu cha anh họ đã sống và chiến đấu ra sao, kẻ thù của nhân dân, dân tộc toan tính ra sao? Có dãn cách, không phụ thuộc bởi sự ám ảnh trong chiến tranh, họ khách quan hơn, lại nếu đứng về phía dân tộc, lứa trẻ hôm qua đã có tác phẩm ngắn khá hay về chiến tranh thì tương lai họ sẽ có tác phẩm nặng tay, như tiểu thuyết hoặc đại tiểu thuyết về chiến tranh.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Thưa các anh chị! Sau ba tiếng đồng hồ trao đổi thẳng thắn, chân thành về Văn học Chiến tranh, các anh chị đã mạnh dạn đưa ra những ý kiến mới rất tâm huyết của mình với tư cách vừa là bạn đọc vừa là tác giả. BBT tạp chí Nhà văn & Tác phẩm hy vọng qua Bàn tròn Văn học Chiến tranh này, bạn đọc bạn viết đồng cảm, chia sẻ và có thể tiếp tục trao đổi những điều mà chúng ta vừa đề cập nhưng có thể còn chưa đủ, chưa trúng. Bằng vào kinh nghiệm tiếp nhận, tôi tin vào những “bàn tròn” sẽ tiếp tục diễn ra trong lòng bạn đọc, trong từng nhà văn và đó mới là mục đích hôm nay chúng ta hướng tới. Xin cảm ơn các anh chị!


——————————–

Nguyễn Văn Thọ. Sinh 1948. Đã trực tiếp chiến đấu trong chiến tranh từ 1965 tới 1976. Cựu chuẩn úy. Huân chương chiến công hạng Ba.
– Giải thưởng Hội Nhà văn tập truyện ngắn Vàng Xưa.
– Giải B cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam: Quyên


Đại tá nhà thơ Lê Thành Nghị. Sinh năm 1946

Nơi sinh: Can Lộc, Hà Tĩnh

Tốt nghiệp khoa Ngữ Văn Đại Học Tổng Hợp Hà Nội khóa 1966-1970. Bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Lômônôxốp (Liên Xô cũ) khóa 1977-1981. Biên tập viên, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội từ năm 1973 đến năm 2008.

Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2000, 2004; Giải thưởng Bộ quốc phòng năm 1988, 2010; Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012.


Nhà thơ Trần Đăng Khoa. Sinh năm 1958 tại Hải Dương

Tốt nghiệp học viện văn học M. Gorki (Liên xô). Biên tập viên Văn nghệ Quân đội. (1993-2004) Trưởng ban Ban Văn học Nghệ thuật(2004-2007); Giám đốc Kênh truyền hình VOV (2008-2011) Phó Bí thư Đảng ủy Thường trực Đài Tiếng nói Việt Nam (2011-2015)

Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001

Giải thưởng Sunthon Phu (Thái Lan -2013)


Nhà văn Lê Minh Khuê. Sinh tháng 12 năm 1949

Từ 1965 đến 1969: Thanh niên xung phong chống Mỹ.

Từ 1969 đến 1975: Phóng viên thường xuyên ở các vùng chiến sự.

Từ 1975 đến 1978: Phóng viên đài TH Việt Nam

Từ 1979 đến khi nghỉ hưu: Biên tập viên NXB Hội Nhà

Bắt đầu viết văn từ 1969. Chuyên viết truyện ngắn.

Đã in 15 tập sách. Những tập chính:

– Cao điểm mùa hạ

– Một chiều xa thành phố

– Bi kịch nhỏ

– Trong làn gió heo may

– Màu xanh man trá

– Một mình qua đường

– Những ngôi sao, Trái đất, dòng sông

– Nhiệt đới gió mùa


Nguồn: Nhà văn và Tác phẩm


(Sơn Nam Hạ tổng thuật) – vanvn.net