Vùng trời thủng, tiểu thuyết của nhà văn Kiều Vượng, xuất bản 1988, vừa được trao Giải thưởng Văn học sông Mê Kông lần thứ IV. Đây là một trong những ghi nhận xứng đáng cho một cây bút đã có bốn mươi năm cống hiến lao động nghệ thuật với hơn hai chục đầu sách là những tiểu thuyết, tập truyện ngắn, ký, thơ, kịch bản điện ảnh.

Trước khi trở thành nhà văn – nhà báo Kiều Vượng từng tham gia ba nhiệm kỳ thanh niên xung phong. Vào thập niên  60 của thế kỷ trước. Học hết lớp 10 phổ thông hãy còn là “diện hiếm”, thế mà chàng trai vùng đất Quảng Hải, Quảng Xương lại chọn cho mình con đường gia nhập thanh niên xung phong tình nguyện. Từ đây, môi trường “lửa đỏ và nước lạnh” đã thử thách và rèn luyện bản lĩnh chàng thanh niên ấy, và thật không ngờ, môi trường để luyện thép đó không chỉ rèn nên một nghị lực mà còn đào luyện nên một tài năng văn chương.

Phần lớn sáng tác của Kiều Vượng đều viết về những hiện thực mà tác giả từng trải nghiệm, đó là những năm tháng gian khổ mở tuyến đường hữu nghị Việt-Lào, tiếp đó là hành trình tiếp tế cho “tiền tuyến lớn” miền Nam bằng thuyền nan trên sông, vượt biển, gắn bó với chiến tuyến những năm chống Mỹ ác liệt… Có lẽ sự gặp gỡ giữa một hiện thực ngồn ngộn những sự kiện đặc biệt và một trái tim nhạy cảm để có những trang viết “tươi ròng” chất sống hiện thực. Phải chăng đó cũng là lý do khiến tác phẩm của Kiều Vượng rất giàu sắc thái tự truyện, nhà văn đã không thể cầm lòng, “không thể không viết” về đồng chí, đồng đội, về những tháng năm rực lửa cống hiến và hi sinh anh dũng: “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Được sống trong những năm tháng ấy là một vinh dự lớn và viết về những năm tháng ấy cũng là một niềm tự hào lớn.

Nhà văn Kiều Vượng

Tiểu thuyết Vùng trời thủng lấy cảm hứng từ hiện thực mở tuyến đường lịch sử, tuyến đường hữu nghị Việt – Lào. Tuyến đường dài 150km nối liền vùng đất phía Tây xứ Thanh và vùng phía đông Hủa Phăn của nước bạn Lào. Vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước, khu vực này còn ít được biết đến, những khu rừng còn ở dạng nguyên sinh bao phủ, núi non hiểm trở, nổi tiếng với “ma thiêng nước độc” và căn bệnh sốt rét hoành hành.

Vì vậy, tính chất “ác liệt” của hiện thực không phải là ở những trận “đọ súng”, tổn thất cũng không đến từ những cuộc chạm trán nảy lửa trên chiến trường. Thử thách mà hàng ngàn con người, phần lớn đang độ tuổi trên dưới hai mươi ở đây là phải chịu đựng những gian khổ của thiên nhiên khắc nghiệt và sự thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần đến quá ngưỡng chịu đựng của con người. Để tồn tại được cần một nghị lực thép, để làm việc được cần một bản lĩnh thép. Vì vậy, những con người có mặt để khai thông tuyến đường Hữu nghị Lào -Việt thời ấy, họ xứng đáng là những anh hùng.

Không phải ngẫu nhiên tác giả đặt tên cho không gian nơi này là “Vùng trời thủng”. Nơi đây quả là một vùng không gian đặc biệt: Mưa lúc nào cũng  lút thút, mùa đông lạnh thấu xương “Nơi đây không có mùa xuân cho chồi non nhú lộc, cũng không có mùa thu cho gió quạt lá vàng, quanh năm chỉ có mây mù bao phủ”. Quần áo giặt phải hong lửa mới khô. ẩm ướt sinh ra bệnh tật, đáng sợ nhất là bệnh ghẻ và bệnh sốt rét. Nam thanh niên còn chịu đựng được, với các nữ thanh niên thì thật là cực hình.

Nơi ấy có đỉnh Phượng Hoàng với Cổng trời chót vót “Cổng trời, ngày chúng tôi mới đến chỉ là một lối mòn dựng ngược, bước chân đầu gối chạm cằm. Leo đến cổng trời kẻ săn gân đến mấy cũng ngồi phịch xuống thở lấy hơi. Chim là phải cỡ đại bàng mới dám bay qua, khỉ, vượn phải theo đàn, con trước dìu con sau, con mạnh kèm con yếu. Nhiều con chưa lên đến cổng trời đã lăn xuống sàn đạo, đập đầu vào đá chết tươi. Nhiều đoàn ngựa thồ chưa lên đến nơi có con đã trụy thai”… Viết về “vùng trời thủng”, nhà văn từng  xót xa thú nhận “Chả biết tôi có đủ can đảm ghi chép tất cả những cảnh trầm luân của thế hệ trẻ mở con đường hữu nghị này không? Mỗi cột mốc làm ra phải đánh đổi bao nhiêu mồ hôi, sức lực, đều phải đổi bằng máu”.

Không ở trong cuộc thì khó mà hình dung nổi những tình huống khó tin, ngoài sức tưởng tượng của con người: những chi tiết đọc mà thấy lạnh sống lưng: “mờ sáng dậy nấu cơm thấy cọp đang ngồi lừng lững rình mồi”; một cô đi cõng muối, giữa đường xuống suối tắm bị trâu rừng lao vào đống quần áo vì chúng ngửi thấy hơi muối ở quần áo. Hình ảnh cô gái “trần truồng đứng giữa vòng vây của đàn trâu rừng chĩa những cặp sừng nhọn hoắt về phía cô”, rồi “cả thân cô tung lên khi con trâu đầu đàn húc vào ngực, một dòng máu tươi phun ra từ ngực cô” thật rùng rợn và xót xa. Những con người đang giữa tuổi trẻ ấy phải nhận những cái chết thật tức tưởi: chết vì bị ong rừng đốt, khi đồng đội tìm thấy thì “toàn thân đen bầm, tím ngắt”; hay cái chết của ba cô gái dùng thuốc trừ sâu trị ghẻ, trong môi trường ẩm thấp, cô nào cô nấy ghẻ kềnh ghẻ càng, khi mọi người biết thì đã quá muộn, thuốc  đã ngấm vào máu, đành bó tay; Có cô chỉ bị đau ruột thừa mà cả đơn vị phải đau xót chứng kiến đồng đội bị thần chết cướp đi vì từ cung đường đến bệnh viện phải qua sông. Con sông Luồng về mùa lũ hung hãn như quái vật, thuyền mảng không thể vượt qua. Tất cả chỉ biết lặng lẽ cúi đầu…

Đối mặt với gian khổ, thiếu thốn có lẽ là thách thức lớn nhất với nghị lực của con người, bởi nó tác động trực tiếp đến phần bản thể, nó nằm ở lằn ranh giới mong manh giữa lý trí và bản năng. Sự nghiêng ngả của cảm xúc và tính toán là khó tránh khỏi. Vì vậy, có thể cảm thông với xúc động này của Kiều, cán bộ kỹ thuật chỉ huy công trường, cũng là linh hồn của đơn vị thanh niên xung phong khi ấy, trước cái chết của Ly, anh đã có cảm xúc và suy nghĩ bi quan, dao động: “Mất Ly là mất tất cả trên cõi đời này. Dẫu có sống thì tôi cũng chỉ là một cái xác bơ vơ, vô nghĩa”, “Rồi ngày mai sẽ đến lượt những ai ra đi nữa hả em?”.

Vùng trời thủng ra mắt năm 1988, nghĩa là sau hơn hai mươi năm hiện thực kia xảy ra và sau một năm đời sống văn học của đất nước được “cởi trói”. Có thể nhận thấy sự nhanh nhạy trong định hướng  nghệ thuật của nhà văn, nhưng có lẽ trên hết vẫn là trách nhiệm và trái tim của người cầm bút. Là người trong cuộc, cây bút ấy sớm nhận ra “đằng sau một tấm huân chương có biết bao đau đớn, biết bao hi sinh mất mát và không thấy hết cái đau đớn này, không thấy hết cái hi sinh này thì không thấy hết tầm cao của chiến thắng”. Kiều Vượng đã cho chúng ta thấy mặt trái của hiện thực và trách nhiệm, lương tâm của nhà văn. Bởi vì, hơn một lần cây bút ấy tâm niệm “nhà văn không thấy hết hi sinh, đau khổ, mất mát của toàn dân tộc”, “dửng dưng với số phận con người” thì nhà văn cũng “không đo hết tầm cao của thời đại”.

Song Vùng trời thủng không chỉ viết về những tổn thất, hi sinh. Tác phẩm là bản tráng ca về sức mạnh của lý tưởng, lòng yêu nước và tình hữu nghị cao cả. Hàng chục ngàn thanh niên xung phong trong đội quân tình nguyện mở đường khi ấy ra đi theo tiếng gọi của tổ quốc. Họ sẵn sàng gác bút nghiên, gác mọi dự định ước mơ tuổi trẻ để sẵn sàng cống hiến và hi sinh vì sự nghiệp của dân tộc.

Khó khăn gian khổ dường ấy nhưng những chàng trai cô gái mười tám đôi mươi nơi vùng trời thủng vẫn không gục ngã, không rời vị trí, vẫn say sưa nổ mìn phá đá, san lấp mặt đường, vẫn hát hò, vẫn cười đùa và trêu chọc nhau, thương  yêu nhau như ruột thịt, động viên nhau để sống và làm việc. Dĩ nhiên, không phải những thiếu thốn, gian khổ không từng làm họ lung lay, không phải không có những phút dao động, nhụt chí. Những giằng xé nội tâm của nhân vật chính, Kiều trước cái chết của Ly là một minh chứng. Tuy nhiên, xúc cảm kia vừa đến, lập tức một tiếng nói từ bên trong, rất tha thiết song cũng rất rành rọt vang lên: “đồng đội… Họ nhường cho tôi quá nhiều, họ dành cho tôi hầu như tất cả tình yêu thì không có lí do gì để tôi có thể phũ phàng rời bỏ họ”. Lấy lại bình tĩnh, chàng trai ấy xác định: “Con người dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ cho được cái phẩm chất chân thực của chính mình” và anh đã gượng đứng dậy, anh đã ở lại với mọi người, lại ra mặt đường chỉ huy công việc, sâu thẳm trong tim Kiều, anh bỗng nhận ra: anh không chỉ yêu Ly, anh yêu tất cả mọi người ở đây. Những con người đã gắn bó với anh bằng tình đồng chí, đồng hương, và trên hết là sự đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi của những con người cùng chung lý tưởng. Vì vậy, vẫn còn những người ngã xuống, nhưng những người bám trụ thì vẫn tiến lên và con đường vẫn mỗi ngày một hiện hình, kiên cường, bền bỉ, thách thức với những điều kiện nghiệt ngã của thực tiễn, minh chứng cho tình hữu nghị thiêng liêng, thủy chung, son sắt của mối tình Lào – Việt.

Những nam thanh nữ tú tham gia mở tuyến đường hữu nghị ngày ấy giờ họ ở  đâu, ai còn, ai mất? Các anh, các chị có còn lưu giữ kỷ niệm về những năm tháng ấy? Sự bất tử của tình hữu nghị Việt – Lào hôm nay, có công sức của các anh, các chị, những chàng trai cô gái năm xưa từng làm nên tuyến đường đặc biệt.

Vùng trời thủng nhận giải thưởng “Sông Mê Kông”, một giải thưởng vinh danh những tác phẩm xuất sắc viết về tình hữu nghị thiêng liêng của các dân tộc uống chung dòng nước của con sông huyền thoại. Đây chắc chắn sẽ là món quà ý nghĩa để vinh danh những con người đã làm nên con đường lịch sử.

 

Nguồn: Vanvn.net

Exit mobile version