“Trong đời con, con sẽ bắt tay hàng trăm, nghìn người, nhưng cha quả quyết rằng trong số hàng trăm, nghìn bàn tay ấy, không dễ để con kiếm được mười bàn tay có giá trị như bàn tay can đảm của người lính cứu hỏa ấy” – lời người cha dặn con trong Những tấm lòng cao cả.

Trong Những tấm lòng cao cả có câu chuyện về lòng quả cảm cứu người. Đó là người lính cứu hỏa đã trèo lên đầu tiên để cứu những người bị nạn trong một ngôi nhà đang bốc lửa, chấp nhận thoát khỏi đám cháy cuối cùng sau khi nạn nhân và các đồng đội đều đã an toàn. Đó là cậu bé cứu bạn chết đuối được thưởng “Bội tinh về giá trị công dân”.

“Con ơi, đó là can đảm” – người cha trong truyện nói với con trai mình khi chứng kiến lòng nghĩa hiệp của người lính cứu hóa – “Đã là can đảm thì không bao giờ suy luận, không bao giờ nghĩ ngợi, đi luôn đến chỗ có tiếng thất vọng kêu gào”. Dẫn hành động của người lính cứu hỏa, nhưng thông điệp về lòng can đảm được người cha hướng đến con mình, một người sẽ lớn lên như một trí thức, hoặc công nhân, hoặc nông dân… Người ta vẫn cần can đảm khi đó không phải là nhiệm vụ.


Những đứa trẻ được đọc về lòng cao cả từ nhỏ, lớn lên có sẵn sàng đi đến nơi có tiếng thất vọng kêu gào?

Định nghĩa nguyên sơ về lòng can đảm ấy có thể sẽ khiến những cái đầu hiện nay lắc lia lịa. “Không bao giờ nghĩ ngợi, không bao giờ suy luận” ư, ở thời đại phải cân nhắc về mọi thứ? Lòng quả cảm còn đất sống khi người ta còn bận luận về những thiệt hơn khi cứu người: “vác tù và hàng tổng”, những rắc rối hiểu nhầm sẽ gặp phải, bị đánh, thậm chí là bị “ảm quẻ”.

Error loading player: No playable sources found

Câu chuyện “vô cảm hay không vô cảm” của những “người điều khiển phương tiện khác” ở Việt Nam trong hoàn cảnh tai nạn thảm khốc không còn mới, nhưng lại được thảo luận một lần nữa khi vụ tai nạn liên hoàn của chiếc ô tô Camry gây chấn động dư luận tuần qua. Một lần nữa, hướng thảo luận vẫn là đánh vào lòng tốt, sự tử tế, ít nhấn mạnh khía cạnh luật, dù có luật hẳn hoi.

Điều 38 Luật Giao thông đường bộ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định “Người điều khiển phương tiện giao thông khác đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu”. Tất nhiên, đó là trên giấy. Dân có làm không lại là chuyện khác. Việc cứu người bị nạn trên đường lâu nay vẫn được xem là thuộc về phạm trù lương tâm hơn là luật pháp.

Trong những cuộc tranh luận chậm chạp, dài và mệt mỏi về “cứu người hay không và cứu như thế nào”, đã đến lúc chúng ta nhận ra rằng: đó không chỉ là vấn đề lương tâm. Lòng tốt không trang bị cho người ta thêm kiến thức về cách cứu người bị nạn, không đi kèm lòng can đảm và thái độ tôn trọng pháp luật. Thứ gì chưa có, chỉ còn cách học.

Nhiều năm nay, Những tấm lòng cao cả nằm trong ba lô của “hiệp sĩ” Nguyễn Quang Thạch trong mỗi chuyến đi về nông thôn Việt Nam, mang đến cho trẻ em Việt Nam mọi miền những câu chuyện về lòng quả cảm.

 

Theo Nha Đam – Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Exit mobile version