Khi chuyển ngữ tác phẩm nước ngoài sang tiếng Việt thì một bản dịch thành công là giữ nguyên yếu tố hồn cốt mang tính bản sắc văn hoá của nguyên tác hay dịch giả phải Việt hoá? Chia sẻ thêm câu hỏi này, báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc phỏng vấn dịch giả Lê Bá Thự.
PV: Trong cuộc toạ đàm mới đây nhất về dịch thuật, dịch giả Trịnh Lữ cho biết, ở nước ta trước kia và thậm chí ở một số nước trên thế giới thì tác phẩm dịch thuật được “Việt hoá”, “bản địa hoá”, khiến người đọc thậm chí còn quên mất đó là bản dịch. Còn hiện nay thì hầu hết các dịch giả giữ nguyên những yếu tố, hồn cốt mang tính bản sắc văn hoá của nguyên tác. Quan điểm của ông như thế nào?
Dịch giả Lê Bá Thự: Đã rất nhiều lần tôi phát biểu, rằng tiêu chí dịch thuật văn học của tôi là: Đúng và hay. Đúng với nội dung, đúng với hình thức, đúng với văn phong của bản gốc (hoặc của tác giả). Còn “hay” chính là nói đến bản dịch tiếng Việt phải được Việt hóa tốt, phải tìm cho được những từ, những câu, những cụm từ, cách hành văn đắc địa nhất, đúng nhất cho bản dịch tiếng Việt, cho người đọc cảm giác đây là bản gốc tiếng Việt chứ không phải là bản dịch (xin đừng hiểu “hay” có nghĩa là người ta dở thì mình phải dịch cho nó hay lên, dịch như vậy gọi là “phản”). Tất nhiên, thông qua cách hành văn (giọng điệu), cách dùng từ, người dịch có thể lồng “cái tôi” của mình vào bản dịch. Theo tôi “Việt hóa” hoặc “bản địa hóa” phải trong tinh thần như vậy, nhưng không được đi chệch tiêu chí đúng (với bản gốc). Chúng ta là người dịch, chúng ta không được vượt khỏi cái “khung bản gốc”. Đúng và hay là tiêu chí xuyên suốt công việc dịch thuật 22 tác phẩm văn học Ba Lan của tôi (trong đó có 7 tiểu thuyết, 6 tập truyện ngắn, 4 tập truyện cười…). Tôi tán thành và ủng hộ các dịch giả “giữ nguyên những yếu tố, hồn cốt mang bản sắc văn hóa của nguyên tác”.
PV: Ông thấy bản sắc văn hoá trong một tác phẩm dịch quan trọng như thế nào?
Dịch giả Lê Bá Thự: Có lẽ không cần phải trả lời dài dòng câu hỏi này. Bản sắc văn hóa trong một tác phẩm dịch thì cũng như tính cách của một con người. Mô tả một con người mà không nêu lên được tính cách của người đó thì làm sao người ta hiểu được, làm sao lột tả được con người này. Bản sắc văn hóa trong một tác phẩm dịch thường là bản sắc của một dân tộc, của một đất nước, của một vùng miền… Đó cũng chính là nét riêng, cái riêng, là cái khác biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác, giữa nước này với nước khác, giữa vùng này với vùng khác. Chỉ cần nói như vậy cũng đủ thấy “bản sắc văn hóa trong tác phẩm dịch quan trọng như thế nào”.
PV: Theo ông thì tại sao hiện nay các dịch giả lại tôn trọng nguyên tác hơn? Phải chăng đó là đòi hỏi từ phía tác giả – muốn giữ bản quyền, muốn giữ lại phong cách riêng biệt, bản sắc văn hoá… hay từ phía độc giả muốn tìm kiếm, tìm hiểu, khám phá sự đa dạng… hay lý do nào khác?
Dịch giả Lê Bá Thự: Theo tôi “tôn trọng nguyên tác” là nguyên tắc bất di bất dịch trong dịch thuật. Như đã nói ở trên, bản dịch không được vượt ra khỏi cái khung bản gốc. Nếu không tôn trọng nguyên tác thì đừng gọi đó là bản dịch hay tác phẩm dịch nữa. Đây là lương tâm và trách nhiệm của người dịch, đây là yêu cầu của mỗi tác giả và đương nhiên đây là đòi hỏi của độc giả. Chẳng có độc giả nào lại thích đọc bản dịch không tôn trọng nguyên tác cả, dù đó là bản dịch (có lẽ không nên gọi là bản dịch mà nên gọi là bản phóng tác, phỏng dịch gì dó) hay trong phần tiếng Việt.
PV: Văn học không phải là một khoa học cứng nhắc, các tác phẩm cũng không bao giờ giống nhau. Việc lựa chọn cách dịch cho từng nội dung cuốn sách, từng phong cách tác giả cũng phải uyển chuyển, cân nhắc. Vậy thì dù quan điểm của dịch giả Lê Bá Thự là dịch sát với nguyên tác thì có những “ngoại lệ” khiến ông phải phá bỏ quan niệm đó, và quyết định dịch “Việt hoá” không?
Dịch giả Lê Bá Thự: Dịch giả phải là “người dịch thông thái”, khi bắt tay vào dịch một tác phẩm người dịch phải nắm bắt được hồn cốt của tác phẩm, văn phong của tác phẩm (giọng điệu), văn hóa của tác phẩm… để rồi có cách tiếp cận tác phẩm, chuyển ngữ tác phẩm hiệu quả nhất. Người dịch không thể, thậm chí không được, bám vào nguyên tác một cách máy móc. Chẳng hạn trong các tiểu thuyết và truyện ngắn tôi dịch có rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ, phương ngữ của Ba Lan, thường chỉ người Ba Lan mới hiểu được ý nghĩa của chúng. Cho nên khi dịch sang tiếng Việt tôi phải tìm cho được những câu thành ngữ, tục ngữ tương thích của Việt Nam để cho người Việt hiểu. Xin lưu ý, tương thích ở đây còn có nghĩa là phải phù hợp với văn cảnh. Trong bản dịch tiếng Việt không thể cho một nhân vật nào đó trong tiểu thuyết Ba Lan nói “vắng như Chùa Bà Đanh” để thay thế cho một câu thành ngữ Ba Lan có ý nghĩa “vắng” tương tự. Vì tại sao ở Ba Lan lại có Chùa Bà Đanh?! Vô lý. Ngoài ra, trong dịch thuật việc tra từ điển cũng phải hết sức thận trọng. Một từ trong từ điển thường có nhiều nghĩa, có khi cả chục nghĩa khác nhau, người dịch phải biết chọn nghĩa nào thích hợp với văn cảnh để sử dụng, chứ không thể tra từ điển một cách máy móc, nghĩa là phải chọn đúng và chọn trúng.
PV: Từ những tranh luận về dịch thuật vừa qua, có dịch giả trẻ tiết lộ rằng, mình đang dịch một tác phẩm mà có nhiều trang nhạy cảm, và để “an toàn”, không muốn có những tranh luận sau khi sách đến tay độc giả, thì từ nào nhạy cảm dịch giả sẽ giữ nguyên nguyên tác. Nếu giữ nguyên những từ “có thể dịch”, vậy không lẽ mỗi lần đọc đến đó, độc giả phải “tra từ điển”?
Giả sử rơi vào hoàn cảnh tương tự, ông sẽ xử lý thế nào? Và theo ông, có nên căn cứ vào văn hoá, tâm lý tiếp nhận của độc giả để dịch, cho dù có thể từ được lựa chọn đó chưa thật sát với nguyên tác không?
Dịch giả Lê Bá Thự: Tôi lại phải nhắc lại tiêu chí dịch thuật của tôi: Đúng và hay. Nói chung người dịch phải trung thành với nguyên tác. Tác giả viết như thế nào thì mình dịch đúng như vậy, họ nói “hay” thì ta phải nói hay, họ nói “dở” thì ta phải nói dở, họ chọc ghẹo thì mình phải chọc ghẹo, họ viết tục thì ta phải dịch tục, đúng nguyên tác. Chẳng hạn, hai nhân vật đầu trộm đuôi cướp nói chuyện với nhau, nói toàn những từ tục tĩu, bẩn thỉu, tởm lợm, thì đó là chuyện bình thường vì đó là tính cách, tư chất của lũ người như vậy, chả nhẽ khi dịch ta phải sử dụng những từ ít tục tĩu hơn, không cẩn thận có khi lại biến chúng thành “nhân vật tốt”. Đúng ra thì ta phải “nhìn thẳng vào sự thật”. Tuy nhiên, Việt Nam là nước thuộc văn hóa phương Đông, không muốn dùng những từ quá tục tĩu, quá thô lỗ trong văn bản, cho nên người dịch cũng phải tính đến yếu tố này khi dịch những từ mà ta gọi là “nhạy cảm”, có nghĩa là trong một số trường hợp ta nên mềm hóa, “giảm nồng độ tục tĩu”. Thú thực, trong một số trường hợp tôi đã làm như vậy. Thí dụ: Trong truyện Vườn bách thú (Tập truyện Con voi, Phương nam Book – NXB Hội Nhà văn) thay vì viết “toạc móng heo” tôi đã viết thế này: “- Đ. Mẹ ông!” (tập truyện Con voi, trang 195). Cũng có trường hợp tôi dùng từ “bướm” thay cho từ tục tĩu chỉ “cái ấy”, như trong tiểu thuyết Cô gái Không Là Gì. Tất nhiên sử dụng từ nào, cụm từ nào còn tùy thuộc vào văn cảnh nữa. Theo tôi, không nên “giữ nguyên tác” những từ “nhạy cảm” như câu hỏi đã nêu ra. Làm như vậy là người dịch đánh đố độc giả mất rồi. Vả lại, không phải tiếng nào, ngôn ngữ nào cũng bê nguyên văn được, cũng tra từ điển được, gặp tiếng Trung, tiếng Ả rập, tiếng Campuchia, tiếng Lào… thì sao? Tôi lại xin nhắc lại điều tôi đã nói ở trên: mỗi dịch giả phải là “người dịch thông thái”, phải dám chịu trách nhiệm. An toàn không có nghĩa là cầu toàn. Tuy nhiên, tôi nghĩ, đến một lúc nào đó rồi chúng ta cũng phải biết “nhìn thẳng vào sự thật khách quan” để khỏi bị “sốc”.
PV: Nhà văn luôn có nhu cầu làm mới ngòi bút mình bằng những thử nghiệm để thay đổi cách thể hiện. Vậy còn dịch giả, ông có cho rằng sẽ có những xu hướng mới ra đời, hoặc từ nước ngoài làm thay đổi hay ảnh hưởng đến các dịch giả trong nước không?
Dịch giả Lê Bá Thự: Đã nhiều lần tôi phát biểu rằng: “Nhà văn viết những gì mình biết, còn dịch giả phải dịch tất cả những gì nhà văn viết”. Cho nên dịch giả đã, đang và sẽ phải biết cách thích nghi, thậm chí phải thích nghi với mọi cách tân, mọi bút pháp mới, mọi thể nghiệm của nhà văn. Cái khổ của người dịch là ở đó, luôn luôn ở vị thế thụ động, luôn luôn phải thích nghi. Nhưng cái tài của người dịch cũng là ở đó, kiểu gì tôi cũng dịch đúng và dịch hay. Để làm được vậy, người dịch phải qua nhiều trải nghiệm, phải chịu học, chịu đọc, chịu dấn thân. Ngoài ra, người dịch cũng rất cần người đọc thấu hiểu và thông cảm với công việc nhiều công phu, lắm nhọc nhằn – dịch thuật văn học.
* Cảm ơn dịch giả!
Hiền Nguyễn (thực hiện)
Nguồn: báo điện tử Tổ Quốc