Ts.Lê Thị Bích Hồng

Cùng với các nhà thơ, nhà văn dân tộc thiểu số tiêu biểu, nhà thơ Lò Ngân Sủn đã góp phần làm nên diện mạo độc đáo và đậm đà bản sắc của văn học các dân tộc thiểu số trong nền văn học Việt Nam hiện đại.

Lò Ngân Sủn – người con của núi

Lò Ngân Sủn là nhà thơ dân tộc Dáy sinh năm 1945 tại thôn Bản Vền, xã Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Bước vào làng văn, ông tự đặt cho mình những bút danh: E Sun, Lô Quang Thuận, nhưng cái tên khai sinh đậm chất dân tộc Dáy: Lò Ngân Sủn đã định danh, làm nên tên tuổi “Đứa con của núi” trong văn học dân tộc thiểu số nói riêng và văn học Việt Nam hiện đại nói chung.

Thiên hướng văn chương của chàng trai Dáy bộc lộ từ những năm 70 của thế kỷ trước. Ông may mắn được nhà văn Ma Văn Kháng đọc bản thảo đầu tiên để những lời nhận xét nghiêm khắc, chân thành đã giúp ông khắc phục được cách viết kể lể, nhiều lời, luễnh loãng, dàn trải, bố cục lủng củng, cấu tứ lỏng lẻo…”[1]. Thêm nữa, với ý thức quan tâm văn học dân tộc thiểu số, Lò Ngân Sủn đã được nhà thơ Nông Quốc Chấn tạo điều kiện bồi dưỡng, đưa ông đến làng văn và sau đó giữ nhiều vị trí quan trọng trong lĩnh vực văn nghệ từ địa phương đến Trung ương.

Tính từ bài thơ đầu tiên “Hoa má po” (1965), cho đến khi “Đứa con của núi về núi” (2013), gần 50 năm cầm bút, Lò Ngân Sủn đã để lại một di sản văn chương đáng nể (33 cuốn sách), gồm: 26 tập thơ, 2 tập truyện ký, một tập sưu tầm – dịch, 5 tập sách nghiên cứu, tiểu luận – phê bình. Ghi nhận đóng góp ở lĩnh vực văn chương, 16 giải thưởng, tặng thưởng từ Trung ương đến địa phương đã đến với Lò Ngân Sủn. Và thực sự cái tên Lò Ngân Sủn được công chúng biết tới nhiều hơn từ khi bài thơ “Chiều biên giới” (1980) được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc thành ca khúc cùng tên phát thanh trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam sau chiến tranh biên giới 1979. Sự “cộng hưởng” của thơ và nhạc vào thời điểm cực kỳ quan trọng đó đã làm nên tên tuổi Lò Ngân Sủn.

(Minh họa từ tuyển tập thơ Lò Ngân Sủn)

Thơ Lò Ngân Sủn giàu bản sắc văn hóa miền núi

Thơ Lò Ngân Sủn ôm chứa nhiều đề tài, nhiều đối tượng, nhiều không gian phản ánh. Mẫu số chung trong sáng tác của ông vẫn là cảm xúc dành cho đất và người miền núi. Thơ Lò Ngân Sủn đã diễn tả một cách hồn nhiên, giản dị những bức tranh cuộc sống muôn màu, những ý tưởng sâu kín được chắt lọc từ cuộc sống của các dân tộc anh em. Điều dễ nhận thấy ở thơ Lò Ngân Sủn trước sau vẫn luôn giữ được bản sắc của thơ miền núi từ nội dung đến hình thức thể hiện. Cảnh, tình, nguyện vọng, cách bình giá cuộc đời… đều là việc thời sự của đồng bào các dân tộc trên vùng cao phía Bắc đất nước[2]. Sự hướng về cội nguồn, về truyền thống văn hóa dân tộc luôn được coi như một giá trị “bất biến” trong muôn vàn giá trị có thể “khả biến” trong đời sống tâm hồn, tâm linh của những con người miền núi[3]. Bám vào vùng văn hóa dân tộc, thơ ông mang hương vị “Thắng cố”[4] đặc trưng “Thắng cố đặt trên bếp lửa tình yêu”, “Như cái chảo thắng cố-Nóng lên bao mối tình dang dở” (Khau Vai).Qua các tập thơ Lò Ngân Sủn, mỗi tên đất, tên bản, mỗi địa danh đất nước hiện lên muôn hình vạn trạng vẻ đẹp thiên nhiên và tình người sâu nặng. Ngoài làng bản, thơ Lò Ngân Sủn mở rộng không gian quê hương thân thiết. Nhờ nương vào vùng văn hóa dân tộc, nhà thơ đã phát hiện, khám phá sự độc đáo như “hai bảy sắc xuân” của 27 dân tộc cùng chung sống trên dãy Hoàng Liên Sơn. Vượt ra ngoài vùng văn hóa dân tộc Dáy, Lò Ngân Sủn hòa mình với các dân tộc anh em để cảm nhận sâu sắc những đặc trưng văn hóa độc đáo từ các vùng miền. Sống gắn bó với các dân tộc anh em đã cho Lò Ngân Sủn những trải nghiệm quý giá. Vì thế, nhà thơ mới cảm nhận được truyền thống văn hóa người Mông thường thấy trong mỗi phiên chợ.Thơ Lò Ngân Sủn có bao sự náo nức, reo vui, tự hào là “Người miền núi”. Hình tượng người phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà văn, trong đó có ông. Vì thế trong bức tranh thiên nhiên, người phụ nữ vùng cao trở thành hình tượng chủ đạo trong thơ Lò Ngân Sủn. Bản sắc văn hóa dân tộc đi vào thơ tự nhiên. Từ vẻ đẹp chung, nhà thơ “cận cảnh” phác họa vẻ đẹp người phụ nữ miền núi với chất núi rừng, một vẻ đẹp hồn hậu hài hòa với bức tranh thiên nhiên. Viết về người phụ nữ dân tộc miền núi, Lò Ngân Sủn luôn trân trọng xây dựng hình tượng người mẹ. Suốt cuộc đời, đứa con Bản Vền biết ơn mẹ sâu sắc. Người miền núi đi đâu cũng vậy. Xê dịch không gian chứ không thay đổi lòng người, nhất là khi xa quê, con người ấy vẫn vẹn tình thủy chung. Tình yêu quê càng đầy lên khi “Người trên đá” sống xa đá, xa núi, xa mây…Sống ở Hà Nội “mênh mông đông chật như củi bó”, “Cái rốn người đông vui bất tận”, “quán mở suốt ngày đêm”… nhưng lòng ông vẫn canh cánh nhớ mảnh đất vùng cao Tây Bắc, nơi gieo nguồn cảm hứng sáng tạo. Trọn tình với quê hương, nhưng Lò Ngân Sủn không bó hẹp trong phạm vi nhỏ hẹp của làng bản quê mình. Vì thế, nơi nào ông đến, đất nào ông ở cũng đi vào thơ bằng tình cảm con người khi “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương” (Chế Lan Viên). Ông nghĩ và viết về Hà Nội – đất muôn phương tụ hội rất đúng cảm xúc, tâm trạng của người miền núi, người quen thở cùng đá, xênh xang cùng. Nhà thơ không đứng ngoài Hà Nội phán xét, mà tự coi mình là “người trong cuộc” – một công dân Thủ đô tự thấy phải có trách nhiệm với Hà Nội khi đất kinh kỳ có thêm cả văn hóa xứ Đoài…Bản chất con người là hướng về cái đẹp. Cái đẹp phục sinh. “Cái đẹp đã cứu rỗi thế giới” (Phêđo Mikhailôvích Đốtxtôiépxki). Câu danh ngôn mong ước được thụ hưởng và sáng tạo cái đẹp đã tôn vinh con người, tôn vinh cái đẹp ở ngôi vị cao cả nhất. Như một kẻ “tử vì đẹp”, Lò Ngân Sủn miên man, chếnh choáng say với cái đẹp trong cuộc thi hoa hậu: “Bầu trời cao rộng hơn-Đất đai màu mỡ hơn-Cây rừng hoa trái hơn-Suối chảy ào ạt hơn-Dòng sông trong xanh hơn”. Vì thế chỉ “Bằng những bước đi của người đẹp”, nhà thơ dân tộc Dáy như thấy quê hương đất nước đẹp hơn. Quả là, cái đẹp cũng là sứ giả của một nền văn hóa. Lò Ngân Sủn trong số không nhiều nhà thơ của chúng ta bằng vốn sống, sự trải nghiệm, năng lực cảm nhận luôn trân trọng, tôn vinh cái đẹp.

Bữa tiệc tình yêu

Thơ tình yêu đôi lứa chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Lò Ngân Sủn. Ngoài tập thơ “Bữa tiệc tình yêu” mang độc màu yêu, các tập thơ Chợ tình (1995), Lều nương (1996), Người đẹp (1999)… cũng lênh láng màu yêu. Kể cả nhiều tập thơ mang chủ đề khác cũng đậm sắc màu tình yêu, như: Đôi mắt ấy, tắm máng, Hoa hậu… (tập Con của núi); Bài thơ tình của đôi trai gái miền ngược, Đi chợ… (Đầu nguồn cuối nước)…Thơ tình yêu trong thơ Lò Ngân Sủn có cái si mê triền miên như chính nhà thơ tự thú. Họa sĩ Đỗ Đức thì “đọc vị” thơ tình yêu của ông “chưa bao giờ thấy anh cao giọng trong thơ, lúc nào cũng thì thầm như chỉ đủ thì thào luồn trong kẽ lá. Anh cứ cầm bút là nghĩ đến tình yêu lứa đôi, một tình yêu anh tìm kiếm suốt đời. Chợt nghĩ đến một hình ảnh đứa bé loay hoay bên bờ nương góc ruộng mải mê đúc dế, những con dế tình yêu phập phồng trong một trái tim trẻ mãi không già”[5]. Có lẽ vì thế chăng Lò Ngân Sủn kẻ “tử vì tình” luôn “chắt chiu những bữa tình yêu” cho đủ những trạng thái, cung bậc, cảm xúc… Có lúc Lò Ngân Sủn viết tình yêu bằng cách tư duy người miền núi thẳng thật, độc đáo, đậm “chất thực vật”, giàu yếu tố phồn thực, cùng “ăn” những “Bữa tình yêu”: “Ngồi bên nhauNằm bên nhauQuấn lấy nhauBuộc chặt nhauMiệng húp nhau tới tấp”…Thơ tình yêu của ông thường có cái hoang sơ, trụi trần giữa thiên nhiên phóng khoáng, có sự thành thật đắm say đến tận cùng và có lời tự bạch chân thành. Tình yêu trong thơ Lò Ngân Sủn mãnh liệt, dào dạt, chân thành đến tận cùng không giấu giữ. Tình yêu được thể hiện với bao cung bậc. Tình yêu là bạn đồng hành của nỗi nhớ. Vượt khỏi trạng thái chếnh choáng men tình, trong nhiều bài thơ tình yêu, Lò Ngân Sủn thể hiện sự tỉnh táo của lý trí khi làm phép so sánh. “Tình ca lều nương” là bản tình ca hay nhất, độc đáo nhất, một biểu tượng văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Bắc, lênh láng tình yêu dân tộc vùng cao. Lò Ngân Sủn nhìn cuộc sống bằng con mắt lãng mạn và đậm chất phồn thực. “Gã si tình” đòi “giải phóng” năng lượng người đàn ông bằng cách giới thiệu rất tự nhiên, mộc mạc, thật thà của người miền núi sống giữa núi non trùng điệp, quanh co mà cái bụng ưa thẳng thật. Bài thơ dựa trên nền hiện thực. Nhà ở của người miền núi xa nơi sản xuất, nên thường dựng lều nhỏ cạnh ruộng nương.Lều nương thường dựng ở đầu khu ruộng nơi nguồn nước dẫn vào vừa để thuận tiện cho vận chuyển phân bón, thu hoạch sản phẩm và bảo vệ thú rừng khỏi tới quấy phá. Thời gian sống ở lều nương có khi nhiều hơn sống trong ngôi nhà chính, vì phải chờ thu hái xong…Lều nương nguyên bản là vậy. Nhưng Lò Ngân Sủn mượn lều nương để gửi gắm thông điệp yêu của người vùng cao. “Lều nương” đã vượt khỏi ý nghĩa thông thường, trở thành “đặc sản” của người miền núi. Ở đây “nhân thiên hợp nhất”. Con người là thiên nhiên. Thiên nhiên cũng là con người. Thiên nhiên trong thiên nhiên. Một thiên nhiên được chắt lọc thành tinh hoa. Tinh hoa của tinh hoa trong thiên nhiên bất tận. Tình yêu hòa trong bức tranh thiên nhiên phóng khoáng, không cần gì phải đậy điệm, giấu giữ.

(Một số tập thơ của nhà thơ Lò Ngân Sủn – Ảnh: Nongnghiep.vn)

Phong cách nghệ thuật giàu bản sắc văn hóa dân tộc

Với lợi thế được dung dưỡng trong bầu khí quyển dân ca, thơ Lò Ngân Sủn vì thế thấm đẫm các làn điệu dân ca Dáy. Ông biết chọn lọc, chưng cất, phát triển những câu dân ca, ngạn ngữ của dân tộc Dáy thành những bài thơ vừa dân tộc và hiện đại. Tục ngữ, dân ca Dáy đã ngấm vào thơ ông một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn. Thơ Lò Ngân Sủn sử dụng vốn văn hóa dân tộc với tần suất cao, được “chưng cất từ hồn vía Tây Bắc, khiến nhiều câu thơ ông viết về cái nôi văn hóa của mình có thể trở thành đặc sản”[6].Mượn lời người Dáy, Lò Ngân Sủn đã viết bài thơ “Cái âm thầm trong gió trong mưa”, mà ngọn lửa, mặt trời trở thành một hình tượng đẹp về Tổ quốc. Bài thơ là cảm xúc thiêng liêng của lòng yêu nước, tình yêu quê hương đất nước chân thành, cảm động. Từ lời ví người Dáy “Cảm ơn mẹ nuôi nấng-Con mới lớn thành măng, cao thành cây”, đứa con Bản Vền đã viết bài thơ tặng “Mẹ” báo đáp công sinh thành dưỡng dục của mẹ. Thơ ông tràn trề cảm xúc về đất nước, trong đó quê hương miền núi hiện lên tựa bức tranh thủy mặc trong sáng, thuần khiết. Thấm dân ca Dáy vào từng đường gân thớ thịt nên ông thường dẫn dân ca Dáy làm đề từ cho mỗi bài thơ. Thơ Lò Ngân Sủn bộc lộ chất trí tuệ trong cách nhìn, tư duy mới mẻ, sáng tạo. Từ những sự vật, hiện tượng bình thường được nâng lên tầm triết lý.Cùng chung tư duy miêu tả ngoại hình phụ nữ như các nhà thơ dân tộc thiểu số khác, Lò Ngân Sủn cũng thường phái đẹp với thiên nhiên theo quan niệm “Người ta là hoa đất”. Chi phối bằng cảm quan văn hóa dân tộc, phát huy và bám chặt vào vốn văn hóa dân gian đầy đặn, trong lời tựa bài thơ “Rừng hoang”, Lò Ngân Sủn mong muốn “Thơ ca dân tộc là một thứ thơ ca có lẫn chất thực vật”. Chính điều đó làm nên sự độc đáo, tươi mới, nguyên sơ gắn với nếp nghĩ, lối sống của người miền núi. Thơ Lò Ngân Sủn mang cảm xúc nồng nàn, đằm thắm và có cả nỗi si mê, nhưng vẫn đầy chất lý trí. Lý trí giúp ông tỉnh táo để thức nhận những hiện tượng, sự vật có trong cuộc sống. Lý trí giúp ông nhìn mọi vấn đề đúng bản chất một cách biện chứng để thấy cái có lý, phi lý. Ông lại dựa trên vốn văn hóa nền để lý giải, phân định theo cái nhìn thấu cảm, nhân văn. Nói như nhà thơ Vũ Quần Phương, Lò Ngân Sủn bộc lộ một tài năng tư duy hình tượng kết tinh từ cách nghĩ cụ thể của người vùng cao hồn nhiên gần thực nhiên hơn văn minh chữ nghĩa trừu tượng…”[7].Thơ Lò Ngân Sủn tuôn trào như lời ăn, tiếng nói dân dã, chân thật của người dân tộc miền núi. Tuy ít chú ý đến vần điệu, nhưng thơ ông lại giàu tính khái quát và không ít bài mang tầm triết lý. Từ lời nói người Dáy “Ngồi thì co-Đứng thì thẳng-Làm người thật khó” kết hợp với tục ngữ người Kinh “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, ông sáng tác bài thơ “Làm người” với một thông điệp trao gửi “Làm người khó nhất là: Sống” sau khi làm phép loại trừ một loạt những cái khó như: “sinh con đẻ cái”, “thành người giàu có”, “sống lâu trăm tuổi”… Nhiều bài thơ của ông giản dị như lời ăn, tiếng nói hàng ngày, nhưng lại có nhận xét nhân sinh, thế sự sâu sắc.*Lò Ngân Sủn thuộc thế hệ nhà văn dân tộc thiểu số lớn lên sau Cách mạng tháng Tám, trưởng thành sau năm 1975. Cùng với các nhà thơ, nhà văn dân tộc thiểu số tiêu biểu, như: Y Phương, Pờ Sảo Mìn, Cao Duy Sơn, Dương Thuấn… Lò Ngân Sủn đã góp phần làm nên diện mạo độc đáo và đậm đà bản sắc của văn học các dân tộc thiểu số trong nền văn học Việt Nam hiện đại.

 

[1] Tuyển tập thơ Lò Ngân Sủn-Nxb Văn học, 2012Tr. 498 [2] Tuyển tập thơ Lò Ngân Sủn, Nxb Văn học, 2012, tr. 435 [3] http://vanhien.vn/vi/news/Bai-Viet-92/Ban-sac-dan-toc-Yeu-to-quan-trong-tao-nen-gia-tri-va-nhung-net-dac-sac-doc-dao-cua-van-hoc-cac-dan-toc-thieu-so-Viet-Nam-10130/ [4] Trần Thị Việt Trung (Chủ biên) “Bản sắc dân tộc trong thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại”, 2010, Nxb Đại học Thái Nguyên, tr. 398 [5] Đỗ Đức “Vĩnh biệt nhà thơ Lò Ngân Sủn: Chiều biên giới em ơi…”, Báo Thể thao Văn hóa (thứ Năm, 19/12/2013 07:08) http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/vinh-biet-nha-tho-lo-ngan-sun-chieu-bien-gioi-em-oi-n20131219072035769.html [6] Lê Thiếu Nhơn “Lò Ngân Sủn chắt chiu những bữa tình yêu” http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/lo-ngan-sun-chat-chiu-nhung-bua-tinh-yeu-1972293.html [7] Tuyển tập Lò Ngân Sủn, Nxb Văn học, 2012,  tr 436

Văn học quê nhà

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version