Tháng 3. Cả bầu trời Tây Bắc như một quả cầu lửa, những cơn gió Lào vô tình ném sang từ bên kia biên giới. Cảm giác ngộp thở như đang bị đựng trong quả bầu chật căng khí cacbonic oi nồng.
Bụng dạ ruột rà cứ như có ai đó đem phơi trộm, khô cong lên từng đoạn. Rừng thi nhau trút lá sau mỗi cái lắc đầu của gió. Vạn diệp lao xao vàng, và tao tác mang ôxy đi. Ngực nhói lên từng cơn sau nhịp thở. Cảm giác già nua len vào làn da, thớ thịt. Máu cạn dần sau ba bốn tháng nắng nỏ, hạn hanh. Bất chợt một sắc áo cóm, len lén, khe khẽ lóe ra trên nền rừng khuềnh khoàng cành cội. Ô xy như từ đâu ùa về, no mẩy ngực. Cái lắc đầu của gió, làm cả một mảng rừng trắng muốt rung rinh.
Ban nở rồi! Lên Tây Bắc đi em. Mỗi eo núi là một rừng mây trắng… ở đầu sàn, những “bông hoa ban” thong thả buông mái tóc mầu lá sậm xuống chậu nước mó trong leo lẻo, in bóng cả chim trời. Trên ngọn rừng, từng “cô gái Thái” thắt đáy lưng ong, xòe tà áo cóm ra chờn vờn trước gió. Tháng 3 là mùa của áo trắng, hoa trắng và đêm trắng. Tất cả những chàng trai người Thái đều trở thành Chàng Khum, còn tất cả các cô gái Thái đều là những Nàng Ban. Đây đó trên khắp các bản làng, tiếng đàn, tiếng nhị, tiếng pí, tiếng côống… vang động tận lưng trời, theo từng trường đoạn của “Lễ hội Hoa Ban” đang ngày một trở nên quan trọng trong tâm linh tín ngưỡng. Có cô gái Thái xinh như một bông ban mới hé bảo, dù ngày ấy Nàng Ban không đi tìm Chàng Khum để rồi chết gục trên đỉnh núi cao, và hóa thành cây hoa ban, thì hôm nay mỗi bông hoa ban cũng vẫn hóa thành một cô gái Thái: “Nếu không tin, anh thử ra “mó nặm” đầu bản mà xem con gái Thái tắm truồng”. Quả đúng thế, mỗi làn da là một cánh hoa ban, tự bao giờ đã lặn vào thật sâu trong từng thớ thịt. Cả một đoạn suối trắng lung linh, đến mây còn phải nghiêng xuống tị ghen.
Rừng Tây Bắc bất chợt gọi về những cơn mưa mãn xuân nhè nhẹ, lành lạnh; nhưng chưa khi nào làm vơi đi cơn khát cháy của rừng. Những cây hoa ban nặng trĩu nụ, phải vươn rễ qua chín quả núi để đâm vòi xuống khe, chuyển vận những hạt nước mong manh trước nỗi rình rập hanh hao của nắng để về nuôi cho những chùm hoa ngày một thêm trắng muốt. Vô tình, rễ ban để lại nơi đầu nguồn con suối một vị ngọt dị thường, để rồi chính vị ngọt ấy xoa dịu cái đắng quay quắt của một loài măng dại. Loài măng ấy, sau khi được uống nước đầu nguồn do cây ban để lại, uống nước trong chiếc ninh đồng của mẹ múc về, trong bát chéo đậm đà màu ớt hiểm của em gái khéo tay giã… bỗng trở thành vị của tình yêu, vị của hạnh phúc mà bất kỳ ai, sẽ cả đời không thể quên cho dù chỉ một lần nếm thử. Người Tây Bắc bảo, đấy chính là máu của Nàng Ban (ngọt) và thịt của Chàng Khum (đắng) hòa trộn với nhau để tạo ra một thứ vị được xếp vào hàng thứ hai trong “tứ vị linh lâm”, đó là: “Nhất củ mài, nhị măng đắng, tam rau sắng, tứ mật ong”.
Hoa ban là thế. Người Tây Bắc là thế. Lên Tây Bắc đi em, nếu không vì người thì cũng vì cảnh. Chúng mình chẳng bốc cháy khi ngắm hoa ban nở thì cũng một lần, em thấy lòng mình xao xuyến trước một loài hoa bình dị và chất phác như cuộc sống sơn cước ngàn đời; mà mỗi bông chính là một cô gái Thái. Lên Tây Bắc xem chim rừng bay trong thau nước gội đầu. Lên Tây Bắc cho măng đắng truyền vị đắng có linh hồn của “Chàng Khum” và của “Nàng Ban” làm đê mê đầu lưỡi. Lên Tây Bắc để được một lần tắm tiên khiến hoa thẹn nguyệt nhường. Lên Tây Bắc cho hoa ban mãi trắng muốt như mây, và trắng muốt như da…
Ban nở rồi, lên Tây Bắc đi em!

TẢN VĂN CỦA NGUYỄN ĐỨC LỢI