TVVHĐ – Nhân ngày chiến thắng 30-4, tác giả Nguyễn Công Minh, với tấm lòng yêu quê hương và tự hào về dân tộc Việt Nam, và mong muốn thế hệ trẻ trong xã hội hòa nhập mới hiểu hơn về những năm tháng hào hùng của các thế hệ cha ông trong công cuộc dựng nước và giữ nước đã sáng tác bản diễn ca “Bản hùng ca đất Việt”. TVVHĐ xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

BẢN HÙNG CA ĐẤT VIỆT

 

Võ lược – Văn thao gây nghiệp lớn

Việt Nam văn hiến bốn ngàn năm

Nhất định định bay cao chim Hồng – Lạc.

Nam thiên linh địa ấy Thăng Long…

Con đứng trước tượng đài Hồ Chủ Tịch

Lòng bâng khuâng … non nước bốn ngàn năm

Từ thủa Âu Cơ cùng Lạc Long Quân chia tay trong nước mắt

Mỗi người một phương gây nòi giống Lạc – Hồng.

Các vua Hùng đã có công dựng nước…

Họ Hồng Bàng, tên gọi nước Văn Lang

Mười tám đời liên tiếp nối ngôi

Nước thịnh – suy hai ngàn năm có lẻ.

Nhớ Phù Đổng Thiên Vương Thánh Gióng

Tuổi lên ba nhưng chưa biết nói cười

Khi nghe chiếu vời người ra cứu nước

Đã đứng lên xin được giết giặc Ân.

Cưỡi ngựa sắt, tay cầm thanh roi sắt

Đuổi giặc thù đến tận đất Sóc Sơn

Roi sắt gãy, có tre ngà thay thế

Giết giặc xong, Thiên tướng lại về trời.

Xưa Thục Phán An Dương Vương lập quốc

Thần Kim Qui giúp sức dựng Loa Thành

Nỏ Cao Lỗ đánh tan bao kẻ địch

Giặc hùng kia phải tìm cách lui binh.

Vờ hoà hoãn kết thông gia hai nước

Triệu Đà cho con làm kế “Mỹ nam nhân

Trọng Thuỷ trộm nỏ thần, nàng Mỵ Châu ôm hận…

An Dương Vương về với chốn biển xanh.

Đất nước ta trải ngàn năm Bắc thuộc

Dân nước ta chịu khốn đốn khôn cùng

Người Giao Chỉ gồng mình trong tủi nhục

Chờ một ngày quật khởi cứu non sông.

Giận thái thú Mê Linh, Hai Bà Trưng nổi dậy

Đất Lĩnh Nam chiếm đóng sáu lăm thành

Đuổi Tô Định chạy trốn tận Biện Kinh

Mặt xanh mét quỳ Bắc Vương xử tội.

Trưng Nữ Vương đã lên ngôi lập nước

Tự hào thay nữ kiệt Vua Bà…

Ba năm sau, Mã Viện kéo quân qua

Trời! Thế nước còn đơn sơ, non trẻ…

Lập thế trận chặn quân thù từng bước

Ngăn không cho chúng đánh chiếm nước nhà

Nhưng giặc mạnh, giăng địa võng, thiên la

Sông Hát Giang, Hai Bà đành tuẫn tiết.

Triệu Thị Trinh nữ anh hùng kiệt hiệt

Trên mình voi đuổi sạch bóng quân thù

Lũ cướp nước “ Hoành sơn đương hổ dị

Lâm trận tiền “Đối diện Vương bà nan”.

Đất Châu Hoan, Mai Thúc Loan dấy nghĩa

Hợp dân phu, dũng sĩ đuổi giặc Đường

Thành Vạn An đất phát tích Đế Vương

Lưu muôn thủa, vị Vua Đen cái thế.

Nước Vạn Xuân vẫn luôn luôn tươi trẻ

Trong lòng dân mãi mãi những mùa xuân.

Nạn cống nạp, phu phen từ đây dứt

Sử nước Nam nay đã bước sang trang.

Đây! anh hùng xuất hiện lúc nguy nan

Đất Đường Lâm, Phùng Hưng  trừ hổ dữ…

Ba anh em cùng anh tài tụ nghĩa

Thành Tống Bình thất thủ trước nghĩa quân

Cao Chính Bình cai trị đất An Nam

Quá sợ hãi đã hao thân tự ải

Dân nước ta thoát khỏi vòng đô hộ

Gần mười năm sử sách mãi còn vang.

Nhớ Ngô Quyền chiến thắng Bạch Đằng Giang

Cọc bịt sắt nhấn chìm quân Nam Hán

Lưu Hoằng Tháo con Hán Vương tử nạn

Mộng Giao Châu đã tắt hẳn từ đây!?

Người anh hùng thủa cắt cỏ, chăn trâu

Dựng cờ lau, tập bày binh đánh trận.

Đinh Bộ Lĩnh- Vạn Thắng Vương chí lớn.

Dẹp sứ quân, ổn định đất quật cường.

Tướng Lê Hoàn tài dụng binh lỗi lạc

Được triều thần tôn làm bậc Quân Vương

Thời Tiền Lê bao chiến công hiển hách

Từ bình Chiêm – đánh Tống – định canh nông…

Thế nước nhà bước vào vòng xoay chuyển

Bọn gian thần làm hại nước Nam ta

Gặp thời cơ giặc Bắc định đánh qua.

Nhưng nước Việt đã chuyển sang triều mới

Vương triều Lý huy động quân biên ải

Đốt sạch lương, đuổi chúng tới Ung Châu.

Khiến vua Tống phải hồn xiêu phách lạc

Khi nghe tin quân nước Việt oai hùng.

Sông Như Nguyệt sục sôi muôn sóng dữ

Tống tràn sang trả hận Đại Việt ta

Một đêm khuya “Bài thơ thần” vang động

Binh tướng Lý triều đánh chúng nát tan thây.

Bản tuyên ngôn, “Nam quốc…”, đâu trời định?

Thành Thăng Long thế tựa dáng rồng bay.

Lý Công Uẩn vị vua đầy sáng suốt

Chiếu dời đô” mới đó đã ngàn năm.

Đến thời Trần, bọn Nguyên – Mông hung hãn

Chiếm khắp vùng Âu – Á tiến sang ta

Những vó ngựa kiêu hùng không địch thủ

Thành Thăng Long ngập khói lửa chiến tranh.

Bến Bình Than vua tôi bàn sách lược

Trần Khánh Dư xin chuộc tội, lập công

Hội nghị Diên Hồng”, các bô lão đồng thanh

Đánh! Đánh! Đánh!” không đầu hàng kẻ địch.

Hịch tướng sĩ” xốc toàn quân đứng dậy

Hào khí Đông ASát thát” vọng non sông

Bến Chương Dương mồ chôn quân giặc dữ

Hàm Tử Quan giết bao kẻ xâm lăng.

Nhớ anh hùng tuổi trẻ bóp nát cam

Trần Quốc Toản, “lá cờ thêu sáu chữ”.

Trần Bình Trọng: “nước Nam thà làm quỉ

Hơn làm Vương cho đất Bắc” gian hùng.

Trần Quốc Tuấn với “Binh thư yếu lược

Vạn Kiếp đây lưu chiến thắng lẫy lừng.

Quân dân ơi:  “ Thái bình nghi nỗ lực

Động can qua: “ Vạn cổ thử giang san”.

Hào hùng thay, vương triều Lê tiếp nối

Hội Lũng Nhai” kết nghĩa những anh hùng

Quân điếu phạt” trời ban cho kiếm báu

Đuổi giặc thù khi thế giặc đang hăng.

“…Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần

Khi Khôi huyện quân không một lữ…”

Tướng Lê Lai ra trận tiền thế chúa

Quên thân mình cứu đại cuộc giang sơn.

Nguyễn Trãi tố bọn giặc Minh tàn bạo:

“…Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ…”.

Thật đắng cay trong cảnh nước lầm than!

Nhưng đất thiêng xuất anh hùng, hào kiệt

Trận Bồ Đằng sấm động giữa trời quang

Ải Chi Lăng khiến kẻ thù khiếp đảm

Miền Trà Lân thế trúc chẻ tro bay.

“…Lấy chí nhân tha cho về cố quốc

Đến nơi rồi tim vẫn đập, chân run…”

Liễu Thăng cụt đầu…, Mộc Thạch bỏ mạng…

Minh Vương ơi! nhớ nhé “Hội Đông Quan”!

Vui thanh bình Lê Thái Tổ khao quân

Trên mặt hồ, gửi “rùa thần” kiếm báu

Hồ Hoàn Kiếm từ đây thành tên gọi

Giữa ngàn năm văn vật đất Thăng Long.

Nhớ Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải

Đã vùng lên khi Nam – Bắc phân tranh

Mong cứu dân thoát cuộc đời khổ ải

Đưa nước nhà qua hiểm hoạ xâm lăng

Quân Xiêm ơi! liệu có nhớ hay chăng?

Lửa cháy đỏ trận Rạch Gầm, Xoài Mút.

Nguyễn Ánh ơi! dù thế cùng lực kiệt

Cùng dân Nam sao “cõng rắn cắn gà nhà”?!

“Đống Đa xưa bãi chiến trường

Ngổn ngang xác giặc vùi xương thành gò…”

Giặc Thanh ơi, mạng người đâu lá cỏ

Ta giết quân sang cướp nước tham tàn.

Thuận lòng dân, Người lên ngôi Hoàng Đế

Hiệu Quang Trung chấn động nước Đại Thanh.

Vì đại cuộc kết bang giao khéo léo

Những mong sao dân được hưởng thái bình.

Tiếc thương thay, vị minh quân bách thắng

Đã ra đi khi mộng nước chưa thành

Ai tư vãn”, Trung Đô ơi! uất hận!

Xa lắm rồi, còn đâu bóng hùng quân…

Nước hỗn loạn nạn ngoại quân xâm lấn

Nhân dân ta một cổ chứa bao tròng

Nào Pháp, nào Tàu, nào Nhật cứ đua tranh

Vắt sức dân, khai thác dần của cải.

Những khởi nghĩa mang tầm thời đại

Nào Duy Tân, Yên Thế, Thái Nguyên…

Nào Yên Bái, Lạng Sơn, Xô Viết…

Nào Batơ, Đình Bảng,… anh hùng.

Nguyễn Ái Quốc với tinh thần ái quốc

“Người đi tìm hình của nước” bấy lâu

Từ Bến Nhà Rồng cho đến Năm Châu

Nay trở lại định con đường giải phóng.

Đến Tân Trào thoả lòng dân trông ngóng

Hồ Chí Minh mang ánh sáng bình minh

Trong tăm tối nhờ có Người khai sáng

Hướng đi theo: Đảng Cộng Sản quang vinh.

Từ ấy” dân ta – những người dân mất nước

Đã hiểu rằng, muốn có được tự do

Phải chiến đấu, phải hi sinh, vượt khó…

Phải cùng nhau chung sức, chung lòng.

Năm bốn lăm, nước Việt Nam độc lập

Giữa muôn vàn thử thách, khó khăn

Vượt nạn đói, chống kẻ thù, học chữ…

Nhân dân ta vì đất nước quên mình.

Phát xít Nhật đã hoàn toàn thất bại

Anh – Pháp điên cuồng phá hoại đất nước ta

Chiếm Miền Nam dựng chế độ cộng hoà

Đặt Diệm, Nhu… dưới chính quyền bảo hộ.

Đang còn nữa, bọn giặc Tàu tàn bạo

Vờ giúp ta nhưng đánh cướp nước ta

Tổ quốc lâm nguy, lời hiệu triệu Bác đưa ra:

Toàn quốc kháng chiến – toàn dân kháng chiến”.

Nhớ “Tây tiến” đoàn quân không mọc tóc.

Nhớ “Đêm nay Bác không ngủ” giữa rừng.

Những dân công gùi lương, xẻ núi, ngăn sông…

Cùng chiến sỹ “Hò kéo pháo” lên đường ra mặt trận.

Điện Biên Phủ những trận đòn sấm sét

Năm mươi sáu ngày đêm, tướng Đơcat(xtơri) xin hàng.

Đoàn bại binh còn mang đầy súng đạn

Nhục nhã thay quân cướp nước sài lang.

Nước Việt Nam ghi hình trên thế giới

Tấm gương soi chống áp bức thực dân

“Mẫu quốc Pháp” từ đây đà thất bại

Vang chiến công Võ Nguyên Giáp anh hùng.

Đế quốc Mỹ đã thay chân giặc Pháp

Vào Miền Nam mở rộng cuộc chiến tranh

Chúng thực hiện bao hành vi tàn bạo

Rồi đưa quân vào cuộc chiến vô luân.

Ơi! Tiền phương đang gian khổ đấu tranh

Miền Bắc đây! Hậu phương nghe tiếng gọi…

Đang lao động miệt mài trong thương nhớ

Góp sức người, sức của đến Miền Nam…

Đây! Những đoàn quân mũ tai bèo, chân dép lốp

Tuổi thanh xuân phơi phới chí hào hùng

“Xẻ dọc Trường Sơn” theo cờ Đảng anh minh

Quyết nối lại nước nhà đang chia cắt

Mặc mưa đạn, bom rơi, pháo kích…

Vẫn hiên ngang những con cháu Lạc – Hồng

Máu ta đổ để giữ vững non sông

Mỗi người dân là một người chiến sĩ.

Ta tiến tới Tổng tiến công Sáu tám

Mỹ – Nguỵ kinh, chấn động cả Bạch Lầu

Giới cầm quyền đổ lẫn tội cho nhau

Quân Giải phóng tiến trên đà thắng lợi

Đến chiến thắng trên bầu trời Hà Nội

Pháo đài bay”, “thần sấm”, “con ma”…

Những phi công lão luyện, cáo già

Thành bại tướng lưới phòng không non trẻ.

Giặc Mỹ kia không còn là “Ông kẹ

Đã xuống thang kí “Hiệp định Pari”.

Tên Đế quốc đứng hàng đầu thế giới

Phải rút quân với thất bại ê chề.

Rồi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Năm cánh quân về giải phóng Sài Gòn

Bọn Nguỵ quyền sụp đổ – lẽ đương nhiên

Dương Văn Minh đầu hàng không điều kiện.

Ba mươi – Tháng tư ta hoàn toàn giải phóng

Năm bảy lăm, Nam – Bắc được sum vầy

Mọi người dân đã có quyền bình đẳng

Thỏa ước mong lòng Bác bấy lâu nay.

Việt Nam ta bước vào thời đổi mới

Cùng toàn dân trên thế giới hoà bình

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc – Văn minh

Như lời Bác: cùng Năm Châu sánh bước…

Nguyễn Công Minh

Chủ nhiệm các CLB võ cổ truyền Nhất Nam Thành phố Vinh – Nghệ An.

Email: minhnhatnam@gmail.com Tel:  0942.797.565

Chú thích:

1- Những câu chữ thường, in nghiêng được đóng trong dấu nháy kép: Là những câu nói, câu thơ …  trích nguyên văn trong những tài liệu khác.

Ví dụ1: “ Các Vua Hùng đã có công dựng nước…” (dòng 1 khổ 2): Là câu nói của Bác Hồ vào ngày 18/9/1954, trước Đền Hạ thuộc Đền Hùng, Phú Thọ với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô. Bác căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”!

Ví dụ 2:      “ Hoành sơn đương hổ dị

Đối diện Vương bà nan” (dòng 3,4 khổ 11): Là những câu nói về Bà Triệu của người xưa khi nói về nỗi sợ hãi của kẻ địch khi đối diện với Bà trên chiến trường.     Dịch nghĩa như sau:

Qua núi gặp hổ dễ

Đối diện Vương Bà nguy.

2 – Những câu chữ đậm, in nghiêng đóng trong dấu nháy kép: Đây là tên những Tác phẩm, những bài hát… có đầy đủ nội dung.

Ví dụ 1:        Một đêm khuya “Bài thơ thần” vang động. (dòng 3 khổ 21).

Trong đó “Bài thơ thần” là tên gọi bài thơ mà Thái uý Lý Thường Kiệt đã cho người đọc trong đêm khuya trên phòng tuyến sông Như Nguyệt để động viên tinh thần binh sĩ và để đe doạ quân tướng nhà Tống đang tập trung chuẩn bị đánh chiếm nước ta. Nguyên văn bài thơ như sau:

NGUYÊN VĂN

DỊCH NGHĨA

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư

Như Hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành đã định ở sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Ví dụ 2 :        “Chiếu dời đô” mới đó đã ngàn năm.      (dòng 3 khổ 21).

Trong đó “Chiếu dời đô” hay còn gọi là “Thiên đô chiếu” là văn bản do vua Lý Thái Tổ tự tay viết và ban hành vào mùa xuân năm 1010, để chuyển kinh đô của nước Đại Cồ Việt từ Hoa Lư (thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay) ra thành Đại La (Hà Nội ngày nay).

Ví dụ 3:Hội nghị Diên Hồng”, các bô lão đồng thanh

Đánh! Đánh! Đánh!” không đầu hàng kẻ địch. (dòng 3,4 khổ 24).

Trong đó,Hội nghị Diên Hồng” là hội nghị năm 1284 do Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các phụ lão trong cả nước để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương nên hòa hay nên đánh khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ 2.

Hội nghị này được tổ chức trước thềm điện Diên Hồng vào tháng chạp năm Giáp Thân 1284. Khác với hội nghị Bình Than trước đó, hội nghị Diên Hồng không bàn đến chiến lược, chiến thuật quân sự mà chỉ bàn: nên đánh hay nên hoà.

Hội nghị Diên Hồng được xem như hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Các phụ lão có thể coi là những đại biểu của dân. Sau hội nghị, chính các phụ lão là những người truyền đạt lại chủ trương của chính quyền đến người dân.

Nguyễn Công Minh

Exit mobile version