Trường ca cổ xưa nhất văn học Anh Beowulf (từng chuyển thể thành phim có minh tinh Angelina Jolie đóng) có vô vàn bản dịch, nhưng bản dịch mới đây của tác gia quá cố J.R.R Tolkien lại gây chú ý vì… không hoàn hảo.
Beowulf kể về người anh hùng Beowulf huyền thoại ở vương quốc Đan Mạch cổ xưa. Beowulf đã tiêu diệt hàng loạt quỷ dữ, trong đó có quái vật Grendel và trở thành vua cai quản vương quốc Hrothgar. Mẹ của Grendel quyết trả thù bằng cách quyến rũ Beowulf.
Đây là một trường ca sử thi kiêu hùng và bi tráng của dân tộc Anh, được một nhà thơ Anglo-Saxon vô danh sáng tác trong khoảng từ thế kỷ 8 đến 11. Vì đam mê, Tolkien đã dịch tác phẩm từ tiếng Anh cổ sang tiếng Anh hiện đại vào năm 1926, dù ông không coi đó là việc làm đúng đắn.
Cuốn sách không được xuất bản
Đối với cộng đồng hâm mộ đông đảo của Tolkien trên toàn thế giới, đây là một tin vui. Với họ, được đọc thêm một dịch phẩm chưa từng công bố của nhà văn là diễm phúc lớn. Tin đồn đã được lan truyền từ tháng 3, cho người hâm mộ có thời gian chuẩn bị đón đợi.
Cuốn Beowulf: A Translation and Commentary (Beowulf: Bản dịch và bình luận) sẽ ra mắt vào ngày 22/5. Sách đứng tên J.R.R. Tolkien, nhưng do Christopher Tolkien (89 tuổi, con trai của nhà văn) tập hợp và biên tập. Ngoài tác phẩm chính chiếm 90 trang, sách còn dành 320 trang để đăng nhiều bài luận và các tác phẩm văn xuôi, thơ lấy cảm hứng từ Beowulf.
Tolkien là tác giả của Chúa Nhẫn (The Lord of the Rings) và Người Hobbit (The Hobbit). Cả 2 bộ truyện đồ sộ này (và cả Beowulf) đều được Hollywood chuyển thể thành phim ăn khách. Ông dịch Beowulf 10 năm trước khi viết Người Hobbit và từng khen trường ca này là “tác phẩm vĩ đại nhất của nghệ thuật thơ Anh cổ xưa”. Tác phẩm thể hiện những tư tưởng của Tolkien về thần thoại và ngôn ngữ.
Tuy nhiên chính nhà văn cũng hoài nghi khả năng của mình trong việc dịch tác phẩm từ tiếng Anh cổ sang tiếng Anh hiện đại. Trong bài luận Về việc dịch Beowulf năm 1940, ông cho biết dịch Beowulf theo văn phong văn xuôi đã là một sự “cưỡng bức” đối với tác phẩm.
Nhưng chính Tolkien lại lao đầu vào việc đó. Ông hoàn thành bản dịch văn xuôi đầu tiên của Beowulf năm 1926, nhưng cũng tuyên bố đây là điều ông không thích làm. Bản thân là người theo chủ nghĩa cầu toàn và có yêu cầu cao về bản dịch Beowulf, không lạ khi ông thất vọng đến thế về bản dịch của chính mình. Năm đó, Tolkien mới 34 tuổi, và ông đã gác lại tác phẩm này, thậm chí còn ít khi đả động đến nó trong suốt phần đời còn lại.
Đã 88 năm kể từ thời đó. Bản dịch nay được công bố rộng rãi, bất chấp điều này có thể trái ý Tolkien. “Sau này, có lúc bố tôi đã giở lại bản thảo để sửa chữa vội vàng, nhưng ông chưa bao giờ có ý định xuất bản nó” – chính Christopher cũng phải thừa nhận trong bài giới thiệu cuốn sách, nhưng ông không cho báo chí liên lạc để hỏi thêm.
Trái ý nguyện của người đã khuất?
Đây không phải lần đầu Christopher tự ý biên tập và xuất bản tác phẩm của cha. Kể từ khi Tolkien qua đời năm 1973, người con trai đã biên soạn rất nhiều đầu sách đứng tên nhà văn, kể cả những tác phẩm chưa hoàn thành. Còn với Beowulf, vì sao sự trì hoãn kéo dài đến thế? Vì Christopher đã ưu tiên những tác phẩm khác hứa hẹn hơn và được chú ý hơn Beowulf.
Với phiên bản này của Beowulf, Christopher Tolkien đã kết nối và biên tập 3 bản viết tay của Tolkien. Phần bình luận lấy từ những bài giảng trên lớp của chính Tolkien trong những năm 1930 về Beowulf. Ngoài ra, Christopher viết thêm chú giải về sự sai khác giữa các phiên bản.
“Cuộc chiến với các dạng ác quỷ (Grendel hay con rồng) là câu chuyện trung tâm của Beowulf, về sau trở thành mô típ quen thuộc trong tác phẩm của Tolkien” – ông viết.
Beowulf là một tác phẩm quan trọng với giới nghiên cứu vì nhiều yếu tố trong trường ca này về sau xuất hiện trong các tác phẩm của Tolkien. “Hiểu Beowulf là một chìa khóa để hiểu Chúa Nhẫn” – Verlyn Flieger, giáo sư tiếng Anh ở Đại học Maryland, học giả chuyên nghiên cứu về Tolkien, trả lời New York Times.
Beowulf mang văn phong cổ xưa một cách có chủ đích và đậm chất Tolkien. Nhưng giới chuyên môn giữ ý kiến rằng việc này hoàn toàn trái ý Tolkien. Đây không phải là phiên bản Beowulf mà họ mong đợi. Giáo sư Daniel Donoghue của Đại học Harvard cho rằng Tolkien đã rất nỗ lực. Nhưng kể cả mang trong mình trí tưởng tượng của ông, độc giả cũng không thể đọc quá 3.000 dòng của tác phẩm. Chính xác, Beowulf dài 3.182 dòng.
Hầu hết học giả Anglo-Saxon đã thử nhúng tay vào công việc dịch Beowulf để mang đến một tác phẩm dễ hiểu hơn cho công chúng. Nhưng điều đó không có nghĩa bản dịch của họ, hay Tolkien, dễ đến với công chúng hơn bản gốc là bao.
Với việc xuất bản Beowulf muộn màng sau 88 năm, những người thừa kế và nhà xuất bản của Tolkien chỉ đơn giản muốn đáp ứng nhu cầu của cộng đồng hâm mộ nhà văn. Họ sẵn sàng đọc bất cứ thứ gì ông từng viết ra, dù chỉ là những tác phẩm chưa ưng ý. Với Tolkien, rõ ràng ông chưa hài lòng với Beowulf, nhưng cũng không dành thêm thời gian cho tác phẩm này.
“Nếu khi còn sống Tolkien biết việc này, ông hẳn sẽ xé vụn bản thảo” – giáo sư tiếng Anh Kevin Kiernan của Đại học Kentucky nói với New York Times – “Xuất bản tác phẩm này là một việc gây tai hại cho tác giả, cho những ký ức của công chúng về ông và cống hiến của ông trong tư cách một nghệ sĩ”.
Nhân vật Gandalf trong Chúa Nhẫn từng nói: “Ta cần quyết định phải làm gì với khoảng thời gian được tạo hóa trao cho mình”. Tolkien đã quyết định không việc gì phải mất thời gian với một bản dịch. Thay vào đó, ông viết các tác phẩm lớn như Người Hobbit và Chúa Nhẫn.
Theo Hạ Huyền – Thể thao & Văn hóa
|