Bài Xon-nê của Ác-ve
A-lec-xitx Phê-litx Ác-ve (A.F.Arvers, 1806-1850)
(Bản dịch của Xuân Tâm)

Hồn tôi tâm niệm một điều,
Đời tôi bí ẩn sớm chiều mang theo.
Trọn đời bất chợt tôi yêu,
Đau thương tuyệt vọng nên liều lặng thinh.
Còn nàng, hình ảnh mối tình,
Biết đâu có kẻ vì mình đa mang.
Tôi như bóng tối bên nàng,
Cạnh nàng luôn lại muôn vàn cô đơn.
Suốt đời sống giữa trần gian,
Dám đâu thổ lộ, ơn nàng cũng không.
Trời kia phú kẻ má hồng,
Ngọt ngào như mật, đẹp lòng như ru.
Nàng đi lơ đãng, nghe đâu,
Lời tình thủ thỉ bay sau gót nàng.
Trung thành bổn phận đa đoan,
Thơ này nàng đọc đượm tràn tình tôi.
Nàng chẳng hiểu, kẻ buông lời:
“Người phụ nữ ấy là người nào đây?”

ảnh minh họa

Xon-nê tiếng Pháp là Sonnet, tiếng Ý là Sonetto, do chữ Sonre có nghĩa là vang ngân – là thể thơ xuất hiện vào thế kỷ XIII, có lẽ ở Xi-li-ti, có người cho là ở miền Pơ-rô-văng thuộc Ý, về sau rất phổ biến ở Pháp, Anh, Đức, Nga và nhiều nước châu Âu khác.
Bài Xon-nê cổ điển Ý có 14 câu với cấu trúc niêm luật chặt chẽ, gồm 4 thi tiết. Hai thi tiết đầu, mỗi thi tiết có 4 câu; hai thi tiết sau, mỗi thi tiết có 3 câu. Về sau có nhiều thay đổi, nhưng số câu vẫn giữ nguyên.
Riêng Xon-nê Anh vẫn 14 câu, gồm 4 thi tiết, nhưng 3 thi tiết đầu, mỗi thi tiết có 4 câu, còn thi tiết cuối chỉ có hai câu. Tiêu biểu trong Xon-nê Anh là tập Xon-nê nổi tiếng của Sêcxpia (W.Shakespeare, 1564-1616).
Ở Pháp, vào thế kỷ XIX, có một bài Xon-nê hay đến nỗi tác giả là một nhà thơ bình thường bỗng trở nên nổi tiếng. Đó là bài Xon-nê của A-lec-xitx Phê-litx Ác-ve (A.F.Arvers, 1806-1850). Ác-ve yêu Mari Đi-đờ-rô (Marie Diderot) cháu nhà triết học Đi-đờ-rô (Diderot), có người cho là ông đã yêu bà Mê-nét-xi-ê (Mesneessier), cháu nhà văn Sác Nô-đi-ê (Charles Nodier) nhưng nàng đã có gia đình. Bài thơ được viết lên vì mối tình tuyệt vọng ấy. Người ta thường gọi là “Bài Xon-nê của Ác-ve” (Sonnet d’ Arvers). Trước năm 1945, nhiều người đã dịch Bài Xon-nê của Ác-ve ra tiếng Việt.

Hai bản dịch được yêu thích nhất là của nhà thơ Xuân Tâm và nhà văn Khái Hưng. Cả hai đều dùng thể thơ lục bát.

– Theo trang http://khxhnvnghean.gov.vn/

Exit mobile version