Trần Đăng Khoa

Sáng 28.10, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (VN) đã diễn ra cuộc “Hội thảo 30 năm giao lưu văn học Việt- Mỹ” với sự tham gia của lãnh đạo Ban chấp hành Hội Nhà văn VN, một số nhà văn Mỹ cựu chiến binh Mỹ và nhiều nhà văn trong nước. VANVN.NET xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa về 2 nhà văn Mỹ là những người bạn thân thiết của các nhà văn, Việt Nam trong nhiều năm qua.

 

Các nhà văn Việt-Mỹ bên lề cuộc hội thảo ngày 28-10-2017

 

BRUCE WEIGL

                                             TRẦN ĐĂNG KHOA

I

 

Ngay từ sáng sớm, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã bảo tôi :

– Ông dậy chuẩn bị tiếp khách quý nhé. Bruce sẽ tới ngay bây giờ đấy !

Nhưng rồi, phải đến nhá nhem tối, Bruce mới xuất hiện. Anh là một nhà thơ lớn, nổi tiếng của Mỹ. Bạn trẻ Mỹ yêu thơ ca, dường như ai cũng biết Bruce. Trong hàng loạt đơn thư gửi đến trung tâm Williams Joiner xin dự lớp sáng tác mùa hè do trung tâm tổ chức, nhiều học viên đề thẳng nguyện vọng : “Tôi muốn học ông Bruce”. “Đề nghị cho tôi được vào lớp ông Bruce”.

Tôi biết Bruce qua nhà văn Lê Lựu. Trong cuốn bút ký “Trở lại nước Mỹ”, Lê Lựu viết khá nhiều về Bruce. Nhờ đó, tôi biết Bruce là người Mỹ rất yêu Việt Nam. Mãi đến dịp hè vừa rồi, nhân hội thảo văn học Việt – Mỹ, tôi mới có dịp được gặp con người danh tiếng ấy.

Đó là một người đàn ông to lớn, kềnh càng. Trông anh đúng như những gã phi công Mỹ mà tôi hình dung từ ngày còn thơ ấu. Chỉ khác, anh rất hiền, gương mặt hóm hỉnh, có phần tếu tếu như những chú hề xiếc. Anh chỉ vào ngực mình, tự giới thiệu :

– Tôi là anh em của Lê Lựu !

Và rồi, cũng đúng như tác phong Lê Lựu, anh ngồi xoà vào cái bàn ăn lõng bõng những nước. Mặt bàn ngổn ngang xương gà và cọng rau. Bữa tiệc đã tàn. Thức ăn nguội ngắt cả. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều tỏ ra băn khoăn: “Để tôi đun lại nhé!”.

– Thôi, không cần. – Bruce phẩy tay. – Có nước mắm không ?

Tôi kinh ngạc thấy anh hỏi nước mắm. Thường người nước ngoài, họ chỉ ăn magi hoặc xì dầu, không ăn nước mắm. Mùi nước mắm dễ làm họ sợ.

– Nhưng tôi thì lại mê nước mắm. – Bruce tâm sự. – Tôi nghiện nước mắm đấy. Có một lần, nhà thơ Hữu Thỉnh chiêu đãi chúng tôi. Không biết do cao hứng thế nào, ông ấy lại nhầm, tưởng rượu màu. Thế là ông ấy rót la liệt ra mấy cốc vại. Tôi biết ngay là nước mắm. Các bạn tôi cũng thế. Biết vì cái mùi rất hung hãn của nó. Nhưng chúng tôi lại tưởng đó là phong tục, tập quán của người Việt miền Bắc. Nghĩa là trước khi uống rượu, cứ phải húp… nước mắm. Và thế là chúng tôi bịt mũi, nhắm mắt, tu một mạch hết một… cốc vại.

Bruce nhìn tôi cười. Rồi anh nghiêng nghiêng bên tai bị điếc do vết thương chiến tranh ở Việt Nam. Thỉnh thoảng, anh lại chỉ vào cái tai điếc có lắp một ống nghe trắng đục nhỏ bằng ngón tay út :”Ông nói gì thì nói to to một chút. Ông Lựu ông ấy bắn tôi đấy !”.

Trong câu chuyện, Bruce hay nhắc đến Lê Lựu. Còn Lê Lựu thì coi Bruce như một người cứu nạn. Trong cuốn “Trở lại nước Mỹ”, Lê Lựu kể rằng khi anh tới Mỹ lần thứ hai cùng với đoàn nhà văn Việt Nam tham gia hội thảo văn học mùa hè thì bị toán người Việt di tản chửi bới và hành hung. Nhà văn đại tá Nguyễn Khải lần đầu tiên giáp trận và ông đã thực sự nếm mùi chiến tranh, một cuộc chiến tranh bằng gậy gộc và những… cú đấm. Nguyễn Khải kêu ầm lên : “Ơ! Bố láo ! Tao già thế này rồi, chúng mày có đấm thì cũng phải đấm nhẹ tay thôi chứ. Đấm thế thì tao chết chứ sống được à ?” Bruce không hiểu được câu nói bằng tiếng Việt ấy của Nguyễn Khải. Anh kể: “Lúc ấy, ông Khải tức lắm. Tức mà không đấm trả chúng nó được. Thế là ông ấy… văng tục !”. Cũng theo Lê Lựu, trong cuộc ẩu chiến đó, Bruce tả xung hữu đột, như một chiếc xe tăng hạng nặng, bảo vệ, che chắn cho phái đoàn ta.

Bruce tỏ ra rất mê Lê Lựu. Trong cuộc hội thảo lần này, Lê Lựu không tham dự. Nhưng với Bruce thì Lê Lựu vẫn luôn có mặt. Hôm khai mạc, ban tổ chức phát cho mỗi nhà văn một tấm thẻ ghi tên, ghim ở ngực. Bruce không ghi tên mình mà viết nắn nót bằng tiếng Việt, với đầy đủ cả dấu : “Tôi là Lê Lựu” và ưỡn ngực đi rất hiên ngang. Tôi hỏi anh về tấm thẻ lạ mắt đó, anh bảo :”Tôi với ông Lựu là anh em sinh đôi. Chúng tôi giống hệt nhau, đều là những anh nông dân ít học, đầy bản năng, và nhờ cuộc chiến mà thành nhà văn nổi tiếng”.

Tôi lặng ngắm Bruce. Quả anh là hình ông Lựu phóng to. Tôi chợt nhớ có lần ghé qua nhà Lê Lựu. Nhà văn đang có khách. Một cô phóng viên trẻ đẹp và yểu điệu như hoa hậu thời trang đang ỏn ẻn hỏi chuyện nhà văn. “Mình là cái anh nông dân Khoái Châu, mình dinh cả cái phủ Khoái về Hà Nội.”. Lê Lựu nói dứt khoát như một nhà cải cách thủ đô. Chẳng biết anh có “Khoái Châu hoá” được Hà Nội hay không, nhưng cái căn nhà số 8 Lý Nam Đế anh ở thì đã có dáng dấp phủ Khoái lắm. Hãy cứ nhìn ngay ông chủ đang tiếp người đẹp. áo com-lê đen trũi. Cổ thắt cà-vạt màu nơ hồng, áo len quấn trùm lên đầu, quấn cả mấy vòng quanh cổ. Dưới vận quần ngủ kẻ sọc. Chân sục trong đôi tất sù. Lê Lựu như bức tranh biếm hoạ. Hay nói đúng hơn, anh như một mụ nạ dòng đang ở cữ, phải kiêng khem gió máy. Bảo là người Hà Nội thì quyết không phải. Người Hưng Yên cũng không phải. Thôi, thế thì đúng là bà phủ Khoái rồi!

So với Bruce thì Lê Lựu quả là một anh chàng đỏm dáng đến mức diêm dúa.Ở Mỹ, có hai thứ người ta không còn để ý đến nữa. Đó là ăn và mặc. Bruce bước lên bục giảng. Anh đánh độc một cái quần soóc đen rộng thùng thình, vắt vẻo hai dải rút trắng, áo may-ô mặc lộn ngược. Rồi cứ nửa nuy, nửa không như thế, anh giảng về niêm luật thơ, về cách ngắt nhịp, chọn chữ. Rồi anh cao hứng ra đề tài cho học viên làm ngay tại lớp. “Anh hay chị hãy miêu tả Hà Nội“. “Nhưng chúng tôi chưa biết Hà Nội !” “Thì tưởng tượng ra mà tả chứ !”. Thế là cả lớp bắt đầu “sáng tác”. Trong số học viên, có người tóc đã bạc. Có người là sinh viên. Có người dang học phổ thông. Có tiểu thư vừa sáng tác, vừa ngoáy kem. Có cô mặc độc một cái quần soóc ngắn cũn cỡn như xi-líp búp-bê, đã thế lại còn gác cặp ngà voi trắng muốt lên thẳng mặt bàn, khiến những gã chân tu cũng tự nhận thấy mình là một con quỷ dâm dục. Các tác phẩm “sáng tác” về Hà Nội na ná nhau. Đại khái đó là một thành phố cổ kính chìm dưới … cây xanh. Các cô gái mặc áo dài đi xe đạp. Trong cái túi lưới treo ở ghi-đông xe, thế nào cũng có mớ rau muống và chai nước mắm. Bên chai nước mắm là con gà vẫn còn đang sống. Đấy là những chi tiết mang đặc thù Việt Nam qua con mắt của người nước ngoài. Ở Mỹ, người ta không bán gà còn sống, chỉ bán gà làm thịt rồi, đã phân chia rành mạch ra từng phần riêng biệt : đùi, cổ cánh, ức, với các giá rất khác nhau, tuỳ theo giá trị của từng loại mà định giá. Bruce “nếm” các sản phẩm của học viên, rồi cười rất tươi :

– Các anh chị chưa đến Hà Nội mà sao “nhìn” Hà Nội giống nhau thế. Toàn là những khái niệm ! Chiều nay về, các anh chị viết thành thơ nhé. Biến những khái niệm ấy thành thơ.

Lớp học tan. Bruce kéo tôi ra hành lang hút thuốc và uống Coca cola. Tôi nắm bàn tay xù xì của anh :

– Cám ơn anh đã yêu đất nước của tôi. Yêu Hà Nội của tôi !

– Tôi đã nhiều lần sang Hà Nội – Bruce cúi xuống, ghé sát vào mặt tôi, thì thào như người buôn bạc giả – Này, con gái Hà Nội đẹp lắm. Đẹp hơn cả con gái Nhật Bản*, đẹp nhất thế giới. Tôi đã nhìn thấy một em đi trên phố Hàng Đào. Nàng mặc bộ áo dài đỏ, nom rừng rực như một ngọn đuốc đang cháy. Tôi đã viết : “Dáng em bay như một lá cờ”. Đấy là ngọn cờ dẫn đường chỉ lối cho tôi đấy !

Nói rồi, Bruce cười khồ khồ, vẻ khoái chí.

– Này, một người hóm hỉnh, lại đẹp giai như anh, phụ nữ dễ mến lắm đấy. Anh mà ở Hà Nội, không khéo sẽ có khối cô theo.

– Cũng có đôi ba người nói với tôi như vậy. Thoạt đầu, tôi cũng tưởng thế thật. Anh biết không, có một lần tôi đi đọc thơ ở một thánh đường. Nơi ấy có rất nhiều phụ nữ trẻ đẹp. Họ vỗ tay rào rào đến nỗi, tôi cứ tưởng mình là đức Chúa Trời giáng thế. Tan cuộc tôi ra về, người ngập trong hoa. Đi một đoạn thì nghe có tiếng chân bước thắc thỏm phía sau. Tiếng bước sẽ sàng, thánh thót. Có lẽ một tiểu thư yểu điệu nào đó. Chắc nàng sẽ nói : “Ôi ! Bruce ! Hãy chờ em. Em sẽ đi với anh tới cùng trời cuối đất !”. Chỉ mới nghĩ thế, tôi đã thấy mặt mình nóng ran lên. Chúa ơi ! Con hạnh phúc quá ! Con sung sướng quá ! Con sẽ mãi mãi làm thi sĩ. Và tôi bàng hoàng quay lại. Trời, ông có biết ai theo tôi không ? Một cô gái ? Hay một bà lão ? Không! Một con chó hoang già khọm, anh ạ. Con chó trụi cả lông, đi dẹo dọ, trông rất khiếp. Chẳng biết nó chui ra từ xó xỉnh nào. Tôi chưa thấy con chó nào kinh khiếp như thế !

Bruce cười khục khục, mặt rạng rỡ. Tôi biết anh đang bịa chuyện cho bạn bè cười. Bruce là người thích cười. Ở đâu có tiếng cười, ở đó có Bruce.

II

 

Nhưng Bruce không chỉ có tiếng cười. Anh còn một gia tài nữa. Đó là nỗi buồn riêng thăm thẳm. Thảo nào, anh thích cười thế ! Người hay cười, chưa chắc đã vui. Đôi khi người ta cười, vì không thể khóc được.

Hôm chia tay, chuẩn bị rời Boston, chúng tôi chiêu đãi các nhà văn Mỹ một bữa cơm thuần Việt. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều làm món cơm rang thập cẩm. Nhà thơ Phạm Tiến Duật nướng chả. Nhà văn Tô Nhuận Vĩ trổ tài nội trợ bằng món dưa góp Huế. Tôi là anh loong toong, chạy ra, chạy vào cho bếp núc thêm phần rôm rả.

Bữa tiệc gần tàn, Bruce mới đến. Anh đến lặng lẽ như một cái bóng. Mái tóc chải mượt. Tấm áo sơ-mi trắng là phẳng, giắt gọn trong chiếc quần bò Jeans bó sát thân. Anh như một chàng trai đang yêu, đỏm dáng quá, tươm tất quá, chẳng giống Bruce chút nào. Đến nỗi, tôi phải kêu lên vì kinh ngạc :

– Bruce! Hôm nay trông anh lạ quá ! Tôi có cảm giác như đây là bố Bruce thời ông cụ còn trẻ.

– Không ! Đúng ra, đây mới chính là Bruce. Bruce của hai mươi nhăm năm trước.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều mang thức ăn đến cho anh. Bruce xuýt xoa :

– Ngon quá ! Tôi rất mê các món ăn Việt !

Nói vậy, nhưng Bruce ăn rất ít. Mỗi thứ, anh chỉ nếm qua. Tôi nghĩ, có lẽ anh vừa dự tiệc ở đâu về. Khi mọi người còn ngồi quanh bàn trà, tráng miệng hoa quả, rồi ghi địa chỉ, nói những câu xã giao, Bruce đã lên xe. Anh ngồi lặng lẽ trong bóng tối. Trên xe có thi sĩ Nguyễn Bá Chung, một giáo sư người Mỹ, gốc Việt, là phiên dịch của đoàn. Thấy tôi đi ngang qua, Bruce mở cửa xe, ngoắc tay ra hiệu tôi lên. Tôi chưa kịp ngồi vào ghế xe, anh đã quay xuống hỏi :

– Này, ông Khoa, ông bảo người ta chết rồi, liệu còn linh hồn không?

Tôi không hiểu sao Bruce lại hỏi thế ? Hình như những người Mỹ đã qua cuộc chiến tranh ở Việt Nam, họ hay có mặc cảm tội lỗi.

– Tôi hỏi thực Bruce nhé ! Hồi ở Việt Nam, anh có giết người không?

– Không, không bao giờ ! – Bruce lắc đầu. – Tôi là lính thông tin. Công việc của tôi là sửa chữa điện đài, máy móc điện tử. Cũng có một lần, chỉ duy nhất một lần tôi đụng Việt cộng. Lần ấy, tôi đóng quân trong một cái làng nhỏ gần Khe Sanh. Làng xanh om cây trái. Trông thơ mộng lắm. Thế là tôi xách súng đi vãng cảnh. Bất ngờ, từ hẻm ngõ xanh um tre chuối, nhô ra một người đàn ông vận quần cộc, tay lăm lăm khẩu súng. Vập phải tôi, ông ta sững lại. Tôi cũng đờ người ra. Chúng tôi cùng nhìn nhau. Rồi cả hai cùng chết đứng trong một giây lát. Và rồi rất nhanh, tôi co cẳng chạy. Ông ta cũng … co cẳng chạy. Mỗi thằng chạy dạt về một phía.

Bruce cười khục khục. Tôi cũng phì cười :

– Có lẽ ông du kích của chúng tôi biết anh là một thi sĩ nên không bắn đấy !

– Nếu thế thì ông ấy quả là một thầy bói giỏi. Lúc đó, tôi chưa hề làm thơ.

– Vậy thì sao anh phải băn khoăn về chuyện linh hồn ?

– Ấy là vì đêm qua, trong giấc mơ, mà không, không phải mơ. Tôi vẫn đang thức. Nói đúng ra là nửa thức, nửa ngủ, tôi nghe thấy tiếng gọi ở ngay bên tai – Giọng Bruce hổn hển như người hụt hơi. – Đúng là tiếng Linda.

– Linda nào vậy ?

– Cô ấy là người yêu cũ của tôi. Người yêu đầu tiên. Cô ấy mất lâu rồi. Mất vì một tai nạn. Vậy mà đêm qua cô ấy gọi tôi. Đúng là cô ấy gọi tôi. Vì chỉ có Linda mới gọi tôi đầy đủ tên. Còn mọi người thì chỉ gọi tắt là Bruce. Nhưng Linda thì không thế. “Bruce Weigl ! Bruce Weigl ! Dậy đi ! Dậy đi ! Em về rồi đây này ! Sao anh để em chờ lâu thế ?”. Tôi choàng tỉnh dậy. Mồ hôi vã đầm đìa. Tôi lập cập mở cửa. Không có ai cả. Khu vườn đầy trăng mà vẫn lặng gió. Vào nhà mở lịch. Ba giờ mười bảy phút ngày 12 tháng 7. Trời ơi ! Đúng là ngày sinh của cô ấy. Hồi cô ấy còn sống, cứ vào ngày ấy là chúng tôi lại đi chơi với nhau. Tôi dậy mặc quần áo, chải lại đầu tóc. Rồi không sao ngủ lại được nữa.

À, ra là như vậy. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao Bruce đỏm dáng thế ! Hôm nay là ngày sinh của Linda.

– Người ta chết, liệu còn linh hồn không ? – Bruce lại hỏi, giọng có phần bâng quơ.

– Còn chứ ! Nhất định là còn chứ. – Tôi đáp hấp tấp.

– Tại sao ông biết chết vẫn còn linh hồn ?

– Thì cô Linda gọi anh đó ! Gọi đúng vào ngày sinh của cô ấy. Nếu không phải cô ấy thì ai nào ? Tôi cũng có một chuyện tương tự…

Bruce đăm đăm nhìn tôi. Bây giờ, trông anh y hệt một đứa trẻ nhà quê, vừa mong ngóng, vừa tò mò sợ sệt chờ nghe những câu chuyện về ma quỷ.

– Tôi có một anh bạn thân. Rất thân. Thứ bảy, anh ấy tranh thủ đạp xe về thăm nhà. Chặng đường khá xa, chừng bảy mươi cây số. Đến mười giờ đêm, anh ấy mới về đến cầu Cầm. Cây cầu này là trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ trong những năm chiến tranh. Tôi cũng có bài thơ về chiếc cầu oanh liệt này. Bấy giờ đã khuya. Trăng suông và mưa phùn. Rét ngăn ngắt. Anh bạn tôi chợt thấy bên đường có một người con gái khoác tấm vải dù nguỵ trang :”Anh bộ đội ơi, cho em nhờ một đoạn với. Lâu lắm rồi, em cũng chưa về nhà. Nhà em ở ngay Mạo Khê thôi !” Anh bạn tôi dừng ngay xe, tháo chiếc ba-lô, quàng lên ghi-đông, dành chỗ cho cô gái ngồi. Đường dài, có được một người bạn, nhất lại là bạn gái xinh đẹp để trò chuyện, kể cũng vui. Cô gái thật mau miệng. Anh biết cô tên là Dung, từng tham gia thanh niên xung phong, cô còn bà mẹ già. Bà mẹ cô bị thấp khớp. Cứ trở trời là lại đau. Về tới Mạo Khê, đến đúng căn nhà đen nhẻm bụi than nằm lặng lẽ bên cây bàng cụt ngọn, do chính cô chỉ dẫn, anh rùng mình quay lại. Không thấy cô đâu cả. Căn nhà im ắng. Trông hoang lạnh như một cái miếu thờ. Anh gõ cửa, Một bà cụ tóc bạc, bàng hoàng nhìn anh. “Mẹ ơi, cô Dung về chưa ? Cô ấy vừa nhờ con đèo về đến đây mà. Nhưng về đến nhà lại chẳng thấy cô ấy đâu cả ?”. “Trời ơi, thế ra là anh ư ? – Bà cụ òa khóc. – Vào nhà đi con ! Đội ơn con. – Bà cụ sụp xuống, vái anh. Còn anh thì không hiểu gì cả. Anh chợt nhận ra mùi hương trầm. Rồi ngọn nến hí hóp cháy trên bàn thờ. Rồi bức ảnh cô Dung mà anh nhận ra ngay. Rồi tấm bằng liệt sĩ… “Trời ơi, sao lại thế này, mẹ ?”, “Em nó chết một năm rồi. Hôm nay đúng là ngày giỗ đầu nó”. Thế là anh ngã vật ra.

– Trời, có thật thế không ? Sợ quá ! Nếu có chuyện như thế thật thì sợ quá !

Tất nhiên, đó là chuyện tôi bịa để chia sẻ nỗi buồn với anh. Chuyện bịa, nhưng Bruce lại tin. Anh tròn mắt nhìn tôi. Giọng thều thào, hổn hển. Trong ánh đèn vàng mờ hắt từ nóc xe xuống, gương mặt anh trắng bệch như nặn bằng sáp. Tôi chợt thấy ân hận, muốn nói một điều gì đó với Bruce, nhưng anh không còn nghe thấy nữa.

Sáng hôm sau, Bruce tìm gặp tôi rất sớm, đôi mắt thâm quầng và gương mặt nhợt nhạt. Hình như đêm qua anh không ngủ. Tôi muốn kêu lên :”Bruce! Hãy tha lỗi cho tôi !” Nhưng Bruce không để ý đến cử chỉ bối rối ấy của tôi, anh nói, giọng gần như thầm thì :

– Đúng là có linh hồn thật, ông Khoa ạ. Bởi thế, những người lính Mỹ đã từng gây tội ác ở Việt Nam, không ai được thanh thản. Hình như họ không còn khả năng trở lại làm một người bình thường. Câu chuyện của ông đêm qua làm cho tôi sợ quá !

Rồi anh lầm rầm đọc tôi nghe một bài thơ anh vừa viết trong đêm. Tôi chẳng biết bài thơ nói gì, chỉ thấy tiếng anh trầm trầm như lời cầu nguyện.

Người phiên dịch thỉnh thoảng lại quay hỏi Bruce. Hình như họ nói với nhau bằng ngôn ngữ nhà thờ.

– Bài thơ rất khó dịch. Nhưng hay lắm. Hay tuyệt vời, ông Khoa ạ.

Người phiên dịch nói với tôi như vậy. Rồi anh cười. Bruce cũng cười. Gương mặt rạng dần. Còn tôi thì đứng lặng. Tôi biết Bruce đang xúc động. Ở đời, nhiều khi chuyện bịa lại tác động đến tâm hồn người ta mạnh hơn cả sự thật. Nghề văn thật bí hiểm. Càng đi, càng thấy mung lung, mờ mịt. Chẳng còn hiểu nó ra làm sao !

7-1994

TIM OBRIEN VÀ CUỐN SÁCH “NHỮNG GÌ HỌ ĐÃ MANG THEO”

 

Tim Obrien là nhà văn lớn, rất nổi tiếng của Mỹ. Ông là một trong số rất ít nhà văn ở Mỹ chỉ sống bằng nghề. Nghĩa là ngoài viết văn, ông không làm bất cứ một việc nào khác.

Một trong những cuốn sách làm nên tên tuổi ông, đưa ông lên đài cao vinh quang, khiến ông nổi tiếng khắp nước Mỹ, và mỗi năm được in lại đến hàng triệu bản, là cuốn sách viết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam: Những gì họ đã mang theo. Vậy đó là những gì ?

– Là ba-lô, đạn dược, súng ống. Nghĩa là những trang bị của lính. Tất nhiên là như thế rồi. Người lính nào ra trận mà chả có những thứ ấy. Đó là phần xác, phần ai cũng nhìn thấy. Còn phần hồn, họ mang nặng hơn nhiều. Ấy là nỗi ám ảnh về cuộc chiến tranh và những mặc cảm tội lỗi. Trang bị lính, họ chỉ đeo một giai đoạn ngắn, thường là khoảng một năm. Còn nỗi ám ảnh chiến tranh, những mặc cảm tội lỗi thì ám họ đến suốt đời. Bởi thế, người lính Mỹ nào đã từng giết người ở Việt Nam, trông họ là nhận ra ngay.

Tim Obrien giải thích bằng một giọng khàn khàn. Trông ông chả giống nhà văn, cũng chẳng ra một gã lính Mỹ. Chiếc mũ vải đỏ lúc nào cũng dính chặt vào đầu. Tấm áo may-ô cũng mang màu đỏ, quần soóc đỏ, giày thể thao, ba lô thể thao. Trông ông như một vận động viên leo núi. Có lẽ nhà văn lớn là như thế chăng? Là người lúc nào cũng phải vượt núi.

– Tôi sang Việt Nam cũng là vì hèn nhát. – Tim Obrien tâm sự – Hồi là sinh viên, tôi đã lên án và chống lại cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Nhưng tôi không đủ dũng cảm để ngồi tù, hoặc trốn sang Canađa. Thế là tôi bị cuốn vào cuộc chiến. Tôi sang Việt Nam năm 1969. Từ ô cửa sổ máy bay, nhìn xuống khu Cam Ranh và mặt đất mới thật sự là khiếp đảm. Trông nó cứ âm u, bí hiểm và lạnh ngắt như những nấm mồ. Lúc đó, tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất : Tôi sẽ chết ở Việt Nam. Chết ngay trong năm 1969, khi tôi mới 22 tuổi. Không ai có thể cứu tôi thoát khỏi cái chết.

Tim Obrien dừng lại, nghiêng mũ lắng nghe tiếng chuông gió nhỏ từng giọt trong vắt vào làn sương mù lãng đãng, thấm đậm mùi thảo mộc của mấy miệt vườn xanh om quanh khu biệt thự làm bằng gỗ sồi ở ngoại ô thành phố Boston.

– Ấy thế mà tôi lại không chết, không chết, ông Khoa ạ. Nói đúng ra là Chúa đã cứu tôi. Vị Chúa ấy, tôi đeo trên lưng. Đó là cái máy thông tin bộ đàm. Nó đã che chắn cho tôi. Nhờ thế, tôi chỉ bị thương. Còn nó thì nát bét. Đụng mìn Việt cộng mà. Quả mìn rất quái đản, chế tạo bằng vỏ hộp bia Mỹ.

– Thế thì ông chạm phải du kích địa phương rồi, không phải quân chủ lực của chúng tôi đâu.

– Vâng, tôi cũng chả biết thế nào. Hình như đó là tiểu đoàn 48 Quảng Ngãi. Mãi sau này, hoà bình rồi, sang Việt Nam, tôi mới có dịp được gặp vị thống soái của đội quân bí hiểm ấy. Đó là một ông già nhỏ bé, chột mắt. Ông ta bị thương 16 lần, mang một chân gỗ, thế mà đi cứ thoăn thoắt. Có điều đến đâu, ông ta cũng được nhân dân sùng bái, mến mộ. Bởi thế, chúng tôi thua là phải. Thắng sao nổi những người hiền lành như thế. Gặp tôi, ông bắt tay, cười hề hề, rồi kéo tôi ra nghĩa địa, một khu nghĩa địa vùng nước mặn Sơn Mỹ. Có đến hàng ngàn ngôi mộ. Họ sửa sang mồ mả, rồi bày xôi thịt ra mộ, đặt trên những tấm lá chuối, rồi thắp hương, cầu nguyện. Người Việt có một đức tính rất hay là họ không thù dai. Thấy tôi, họ “hê-lô”, rồi mời tôi ngồi bệt xuống rãnh mộ, ăn tiệc cúng. Tiệc bày toàn những miếng mỡ lợn trắng hếu. Tôi nhìn họ kinh ngạc. Chả lẽ Việt cộng là những người này ư ?

– Thế những năm chiến tranh, ông có thấy họ không ?

– Thấy họ thì toi mạng rồi. Họ xuất quỷ nhập thần. Tới nơi, chẳng thấy gì ngoài mặt đất thật thà và chất phác. Bởi vậy, tôi có cảm giác như chúng tôi đã đánh nhau với mặt đất. Mà mặt đất thì xưa nay, nhân loại chẳng có ai tiêu diệt được, cũng chẳng có ai chạy thoát được.

Và như thế, Tim Obrien đã gặp Blaga Đimitrôva. Hai nghệ sĩ này đã nhìn cuộc chiến tranh Việt Nam bằng con mắt giống nhau. Năm 1968, trước khi Tim Obrien sang Việt Nam một năm, nhà thơ Bungari Blaga Đimitrôva đã hé ra cái ý nghĩ của nhà văn Mỹ sau này: Cuộc chiến tranh giữa Đất và Trời – Ai sẽ thắng ? Tôi không hay, chỉ thấy – Kẻ bị thương trên trời thì rơi – Đất bị thương thì vẫn còn nguyên đấy.

– Nếu cần nói đôi điều về cuốn sách của mình, ông sẽ nói gì ?

– Cuốn sách của tôi là tập ký ức, hay nói đúng hơn là nỗi ám ảnh của những người lính Mỹ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Bởi thế, tôi chia làm ba phần. Phần một là thời gian ở Việt Nam. Phần hai là thời gian hiện tại. Phần ba là tuổi thơ đan chen. Nhưng tôi viết phóng khoáng. Mỗi mảng là một câu chuyện, có khi một sự kiện hoặc một tình tiết, nhưng được viết một cách độc lập, đứng tách ra thành từng chuyện riêng. Gộp tất cả lại thì nó lại giống tiểu thuyết. Bởi thế, tôi chả biết gọi nó là cái gì. Truyện ngắn à ? Không phải ! Tiểu thuyết à ? Hình như cũng không phải. Thôi, ta cứ gọi nó là cuốn sách.

– Tôi rất mong cuốn sách của ông sớm có mặt ở Việt Nam. Nếu cần nhắn với độc giả Việt Nam một câu thật ngắn gọn, ông sẽ nói gì ?

– Tôi chỉ mong hoà bình. Hoà bình mãi mãi !

5.1994

 


* * Bruce có vợ là người Nhật Bản ( TĐK )

Vanvn.net

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version