Mũi Sa Vĩ nhìn từ đảo Vĩnh Thực – Quảng Ninh
Anh dẫn em đi dưới bóng mát những hàng dương
Nghe mềm ấm bàn chân
Sa Vĩ!
Tổ quốc mình bắt đầu từ nơi cửa bể
Tổ quốc mình bắt đầu từ ước vọng trùng khơi
Tổ quốc mình bắt đầu từ những tia nắng đầu tiên
Hồng hào
Mạnh mẽ
Nơi Tổ quốc mình bắt đầu từ dòng suối nhỏ
Nơi Tổ quốc mình nặng bước trường chinh
Nơi Tổ quốc mình bắt đầu từ những bờ những bãi
Hòa vào nắng gió mặn nồng
Dãi dầu biên ải
Ấm hạt phù sa
Anh dẫn em đi dưới nắng gió chan hòa
Sa Vĩ!
Bờ phi lao gió hát
Những câu hát nhắc về thuở đi khai đất
Người Việt mình gồng gánh nuôi nhau
Những câu hát nhắc về thuở đi khai biển lấn dòng
Lập nên làng nên xóm
Những câu hát
Truyền đời câu hát
Nhớ nghe em
Miền quê cũ Đồ Sơn
Mười hai người trai
Mười hai chàng dũng sĩ
Những dũng sĩ biển xanh ngực căng tràn
mạnh mẽ
Tóc để trần
và ánh mắt ngước xa xăm
Nhớ quê nhà Cổ Trai – Trà Phương
Nhớ đất Nghi Dương phát sinh triều Mạc
Mười hai người trai
Mười hai chàng dũng sĩ
Đây đoàn thuyền lên biên ải xa xôi
Ngực căng tràn
ngược sóng
dong khơi
Miền biên viễn
nơi rừng thiêng nước độc
Lên biên viễn nơi miền xa thẳm
Nơi mặt trời từ biển nhú lên
Đây đoàn thuyền
Mười hai người trai
Mười hai gia đình cập chung nhau bến đỗ
Họ bắt đầu cuộc khai thiên lập địa
Họ trở thành những cư dân đầu tiên
Những cư dân nguyện thân lên trấn miền biên ải
Cuộc khẩn hoang nào cũng nhiều biến đổi
Cũng có nhiều thách thức cam go
Mười hai người trai sớm ấy ra đi
Nửa vơi
Nửa đầy
Nửa ở lại nơi mịt mù sương khói
Nửa quay thuyền về cội
Lập nên tên làng – Trà Cổ
Đó nghe em
Như nhắc lòng nhớ mãi quê hương
Như nhắc lòng nhớ mãi biển Đồ Sơn
Họ trở thành những người canh giấc bình yên
Cho Tổ quốc mình sáng bừng lên nơi miền Đông Bắc
Những cái tên Đông Thịnh hòa cùng cái tên Mũi Ngọc
Lại thơm hương như từng góc vườn nhà
Từ ước vọng khẳng định mình: Nước Việt!
Cho Đất nước phía sau lưng
Những cái tên Tràng Lộ, Ngọc Sơn
Những cái tên Nam Thọ, Bình La
Những cái tên hiền lành như đất
Những cái tên từ kham khó sinh ra
Em có nghe thấy tiếng biển xanh?
Muôn thì thào lời kể
Bản hòa tấu của trời trong, của nắng và của gió
Giữa hiền hòa mềm cát, em ơi
Sáu trăm năm lặng lẽ qua trôi
để chứng kiến bao thăng trầm chìm nổi
để có thể quên đi những gì không muốn nói
Thời gian đủ dài
Thời gian đủ dài
Thời gian đủ dài
Anh dẫn em vào thăm đình Trà Cổ dấu xưa
“Cột mốc chủ quyền dựng bằng nền văn hóa”
để lịch sử áng vần thơ
Nơi xứng mãi với lưu danh:
Ông bà ta xưa thật nhiều ý nhị
Nơi địa đầu khắc hai chữ – Việt Nam!
Bằng tâm hồn người Việt
Bằng tấm lòng người Việt
Em thấy không em?
Chẳng có gì mãi bền
Bằng lý chí
Rằng: Biển với Đất với Trời với nước với non
Cõi tâm linh vững cốt cách quê nhà
Anh dẫn em vào đình Trà Cổ dấu xưa
Sáu trăm năm thời gian dài để nhớ
Để đậm sâu trong cõi tim mình
Chân lý ấy chẳng dễ gì để mất
Anh cùng em ta thăm mái đình xưa
Chẳng dễ gì ta phải rời xa
Nét Việt rất riêng
và đỗi nhiều nỗi nhớ
Những nỗi nhớ cứ dài theo nỗi nhớ
Nối rộng dài non nước với nước non
Rằng: Ở đâu cũng vóc dáng thân quen
Cũng gần lại những gì xa cách
Cũng xích lại những gì khuất lấp
Cũng ấm êm như chính quê nhà
Cũng hiền hòa như bóng mát bờ tre
Cũng dào dạt lời ru ngân lên từ biển
Cũng bát ngát những chiều cánh diều lả lướt
Vẫn gợn dòng thêm trong những dòng trong
Tiếng trẻ thơ i a hát trên đồng
Sông đổ về Đông
Người hướng lòng về cõi
Những người đàn bà đi cào ngao từ lúc nửa đêm
Những người đàn bà thức với canh khuya
Những người đàn bà giấu tuổi mình vào đêm tối
Những mặt người lầm lũi
Nguyện thân với đất với trời
Những người đàn bà cặm cụi
cào ngao
Dúi chân vào cát
Họ bình dị dúi tâm hồn vào đất
Bền bỉ
Dẻo dai
Nhẫn nại như những hàng cây sú vẹt
Những hàng cây bám vào chân sóng
Những người đàn bà thôn Sa Vĩ, Tràng Sa
Vươn lòng ra với khơi xa
cào ngao ngoài bãi Gót(*)
Những người đàn bà nguyện hằng đêm thao thức
Miệt mài canh đất
Những người đàn bà
tự thân thành người lính gác
Âm thầm canh biển đêm đêm
không viết “hành động” của mình lên “dòng thời gian” (Status)
Những người đàn bà
Không một ai chia sẻ
Những người đàn bà cần cù
lặng lẽ
Ở đây không có “câu viu” (View)
Không màng nhấn “thích”
Những người đàn bà giấu mặt xuống bùn xuống cát
Mong manh
Thân phận mưu sinh
Em có nhìn thấy bờ cát óng lung linh
Những quả phi lao rơi rơi
theo gió lăn vòng
quay tít
Những quả phi lao nhỏ nhoi lẫn vào màu cát
Bầy trẻ thơ mắt ríu rít
đuổi nô đùa
Những tiếng cười trong trẻo ngân nga
Những đứa trẻ sinh ra từ trong lam lũ
con của những người đàn bà lặng lẽ
Những bãi bồi tháng ngày toài mãi ra khơi
Những đứa trẻ
đang cào ngao trên bãi cát bồi
Đất đai sinh thành
Cháu con lũ lượt
Nơi
Tổ quốc!
Hai từ thao thiết
Chưa khi nào ngưng cuộc sinh nuôi
Chưa khi nào ngưng câu hát trên môi
Mênh mông góc bể dạ đầy nhớ thương”
“Chiều chiều ra ngắm chân mây
Đất địa đầu
Nơi hứng trọn phong ba bão tố
Biển khởi đầu
Làng nơi đầu ngọn gió
Nơi sóng dồn
nơi mưa táp thịt da
Nơi cho anh biết em
Cho em biết tự ngày xưa
Rằng: Ở đâu có làng là có người dân Việt
Là ở đó có những tâm hồn da diêt
Sống chan hòa
Sống hết mực thủy chung
Anh cùng em đi đón ánh mặt trời
Ngắm bình minh lên
Hồng trên Mũi Ngọc
Biển như thể tấm gương trong suốt
Soi đủ đầy
Đất nước mấy ngàn năm
Soi đủ đầy
Những tháng những năm
Cha ông ta dầy công đi mở đất
Cha ông ta
Dốc lòng đổ sức
Mở biển
khai trời
Cho Tổ quốc mình sáng mãi
Việt Nam!
(*) Bãi “Gót”, tên cũ của bãi Sa Vĩ. Thuộc thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Thơ Nguyễn Trọng Vân