Bài thơ Ngày tệ nhất ư? (Worst Day Ever?) của một cô gái tuổi teen người Mỹ đang gây sốt trên mạng khắp thế giới, vì ý nghĩa sâu sắc bất ngờ, đằng sau những câu chữ tưởng như đầy ủ dột và bi quan.

Chanie Gorkin, học sinh lớp 11 tại trường trung học nữ Beth Rivkah ở Crown Heights, Brooklyn, New York (Mỹ) là tác giả bài thơ bí ẩn nói trên. Nhưng Worst Day Ever? lại gây chú ý trước tiên ở London, sau khi vượt Đại Tây Dương đến Anh.

Đọc xuôi ảm đạm, đọc ngược hân hoan

Hôm 22/7, Ronnie Joice, một thanh niên ở London, đã đăng lên mạng bức ảnh bản in bài thơ Worst Day Ever?, được chụp tại một quán bar ở phía Bắc thành phố London. Joice không nói gì về bài thơ nhưng nhiều người đọc đã phát hiện ra ý nghĩa trái ngược đằng sau những câu thơ buồn nản.

Bài thơ như sau: “Hôm nay quả thực là một ngày tệ hại chưa từng có/ Và đừng cố thuyết phục tôi rằng/ Mỗi ngày đều có ít nhất một điều tốt đẹp/ Bởi, nếu bạn nhìn kỹ hơn/ Thế giới là một nơi quỷ quái”.


Bài thơ Worst Day Ever? gây sốt sau khi ảnh chụp bản in trong một quán bar ở London được tung lên mạng.

“Ngay cả khi/ Những điều tốt đẹp ít ỏi thỉnh thoảng cũng tỏa sáng/ Nỗi thỏa nguyện và niềm hạnh phúc thiếu bền lâu/ Và chẳng có đâu/ Sức mạnh của trái tim và tâm hồn/ Bởi/ Hạnh phúc đích thực có thể giành lấy được/ Giá như xung quanh chúng ta đầy điều tốt đẹp/ Nhưng điều tốt đẹp chẳng tồn tại đâu”.

“Tôi chắc rằng bạn sẽ đồng ý/ Thực tế/ Tạo nên/ Thái độ/ Mọi thứ nằm ngoài kiểm soát/ Và một triệu năm nữa, bạn cũng không bao giờ nghe tôi nói rằng/ Hôm nay là một ngày tươi đẹp”.

Nếu chỉ vậy thì bài thơ không có gì đặc biệt. Điểm đặc biệt nằm ở chỗ bài thơ có đọc thể đọc ngược lại từ dưới lên mà vẫn có nghĩa. Và ý nghĩa hoàn toàn trái ngược 180 độ. Tác giả đã rất tinh tế khi để các câu có tính phủ định trước mỗi câu, để đến khi đọc ngược, ý nghĩa từ phủ định chuyển thành khẳng định.

Câu thơ đầu và câu thơ cuối chính là dẫn chứng điển hình nhất cho trò chơi ngôn ngữ tinh quái này. Thay vì ảm đạm với câu “Hôm nay quả thực là một ngày tệ hại chưa từng có” thì bản ngược lại mang nghĩa hân hoan “Hôm nay là một ngày tươi đẹp”. Và một lời khẳng định khác: “Hạnh phúc đích thực có thể giành lấy được/ Bởi/ Sức mạnh của trái tim và tâm hồn” thay vì lời phủ định đầy bi quan ban đầu.

Bằng trí thông minh, tác giả đã khơi gợi những độc giả tinh ý nhìn ra ý đồ thực sự của cô đằng sau câu chữ. Bài thơ thực ra rất lạc quan. Điều đặc biệt là nhờ cú lừa ban đầu mà sau khi khám phá ra ý nghĩa thật, ai cũng cảm thấy vui bất ngờ.

Còn nếu ngay từ đầu họ đã đọc “bài thơ xuôi” thì sẽ chẳng mấy ấn tượng. Bình luận trên mạng, nhiều độc giả thừa nhận họ được truyền cảm hứng nhờ bài thơ. Trang Mashable còn quả quyết: “Đây là bài thơ đã khích lệ tinh thần cho cả London”.

Tác giả bí ẩn không dùng Facebook

Bài thơ được đăng lần đầu ở trang PoetryNation.com, trang web của một cuộc thi thơ ở Mỹ. Chỉ đến khi gây sốt ở tận bên kia bờ Đại Tây Dương, bài thơ mới trở nên nổi bật trong cuộc thi này. Sau khi được Ronnie Joice đăng lên mạng, anh trai của tác giả là Shimon Gorkin đã đọc được và công khai thông tin về tác giả cho cư dân mạng.

“Đó là em gái tôi” – Shimon tự hào viết về Chanie. Cô em gái không có tài khoản Facebook do ngôi trường nữ sinh mà cô theo học không cho phép điều này.

Sau đó, bố của Chanie cũng biết thông tin này và khoe trên mạng: “Con gái Chanie của tôi đã sáng tác bài thơ này vào mùa Thu năm ngoái như một bài tập ở trường, rồi con bé nộp bài thơ để tham dự cuộc thi Poetry Nation. Trong vài ngày nay, bài thơ thực sự gây sốt”.

Cuộc thi của Poetry Nation trao giải 35.000 USD và công chúng yêu thích rất mong Worst Day Ever? sẽ được ban giám khảo chú ý vì sự thông minh của nó.

Dù không sử dụng mạng xã hội Facebook nhưng Chanie Gorkin (khoảng 16 tuổi) không phải là một cái tên hoàn toàn xa lạ. Trong quá trình học tập, cô bé đã vài lần được tuyên dương ở Crown Heights. Óc thông minh và sáng tạo cũng khiến cô được hâm mộ trong một cộng đồng nhỏ những người quen biết.

Salvador Litvak, tác giả blog tại địa chỉ The Accidental Talmudist, gọi bài thơ là “một sự suy tưởng ngoạn mục”.

Theo Nha Đam -Thể thao & Văn hóa