Để tưởng nhớ V. T. P.
“Ta như chim, tiếng Việt như rừng”
(Lưu Quang Vũ)
Vũ lên xe điện ở ga Cầu Mới. Chàng vào thành phố để dự bữa tiệc mừng nhà mới của người bạn quen tên là Hoàng. Chàng rất ít khi đi dự những buổi tiếp tân thế này. Đây là trường hợp đặc biệt.
Vũ là nhà văn, nhà tiểu thuyết danh tiếng. Chàng mới 25 tuổị. Khi người ta còn trẻ, lại danh tiếng chắc hẳn cuộc đời đẹp lắm?
– Cũng đẹp… cũng đẹp – Vũ mỉm cười và lẩm bẩm như thế. Không có lý do gì người ta lại đi phỉ báng cuộc đời, coi nó là xấu cả. Mà em… Vũ xua đuổi hình ảnh một cô gái ra khỏi óc mình. Chàng nghĩ đến những cuốn sách sắp viết… Khéo không mà lao lực …
Công việc của nhà văn là gì? Vũ nhiều lần tự hỏi. Chàng không bao giờ có thì giờ nghĩ về điều đó cho thấu đáo. Phải 25 năm nữa, phải 50 tuổi. Chàng biết thế… Nhưng chàng không biết rằng trước mắt chàng chỉ còn có 2 năm nữa mà thôi. Đấy là định mệnh của chàng! Đấy là số phận của chàng! Chàng đã hứa với Thượng Đế hãy dành cho chàng 2 năm để chàng viết ra một cuốn sách thật ra trò. Sống lâu cũng chẳng để làm gì…
Vũ cảm thấy chàng là một “nhà ngôn ngữ” hơn là một nhà văn. Chàng yêu tiếng Việt. Không! Không phải tình yêu. Chàng thích sự chính xác của từ ngữ: chính xác về tình cảm, về cấu trúc, tóm lại là nghệ thuật. Chàng sung sướng nếu người ta gọi chàng là người viết ra được những quyển sách tiếng Việt hay nhất. Cũng không để làm gì… nhưng mà như thế sẽ lý thú chứ? Mà em…
– Cố gắng đi tìm bản chất – Vũ lẩm bẩm – cũng không để làm gì? Để xác định một trạng thái ư? Một tình cảm ư? Một cách ứng xử ư? Quá ư tầm thường! Mà vô nghĩa…
– Hay là nhịp điệu? – Vũ lại băn khoăn tự hỏi. Chàng biết rằng vũ trụ kia hỗn độn vô minh, trái đất chúng ta quá bé nhỏ, con người quá bé nhỏ… Văn học không phải là tất cả. Không nên quá coi trọng văn học. Văn học chỉ là từ ngữ. Như những ngọn gió… Thế còn lương tâm? Nhưng sao lại đi băn khoăn điều đó làm gì? Hai trong vô số những cửa ải, những vấn nạn mà nhà văn phải đối đầu là đạo đức và chính tri… Nghĩa là lương tâm. Rồi đến gì nữa? Rồi đến tiền… Cũng không phải thế. Sống thôi! Vũ mới 25 tuổi mà! Chàng còn trẻ tuổi.
Vũ biết chàng là một trong những nhà văn tiên phong ở Việt Nam. Ở Việt Nam người ta mới viết tiểu thuyết, làm thơ, làm báo chừng mười năm nay. Ở đây gần như chưa có văn học. Một vùng đất trống. Không sao cả. Văn học còn trẻ tuổi, chàng còn trẻ tuổi. Nghĩa là chàng còn vô vàn những khám phá, những ngạc nhiên và cơ hội. Chàng sẽ viết ra những phát kiến của chàng về tâm hồn người dân Việt giống như nhà thám hiểm địa lý đi lên Bắc cực viết về loài ga gô trắng hay chim cánh cụt.
Vũ đưa mắt nhìn ra cửa sổ xe điện, Hà Nội đang vào xuân. Mưa nhỏ, Hà Nội nhơ nhớp và nghèo xác. Không phải cái nghèo thông thường: nó là cái nghèo vô lối, dị mọ, không đâu có. Tất cả đòi hỏi phải khai hóa, phải học hỏi từ đầu. Ôi cái đất nước Việt Nam, cái cộng đồng người Việt Nam khốn khó của chàng! Sao ánh mắt người Việt nó nhanh thế kia? Nó u ám thế kia? Bọn gian dối và dâm đãng! Bọn con hoang! Điều cần nhất là sự lương thiện và lòng nhân ái thì các ngươi coi khinh! Không ai dạy dỗ, chỉ bảo, khai hóa cho các ngươi cả.. Các ngươi đi nhạo báng các bậc thầy! Vật dụng ư? Đáng lẽ là tôn giáo thì là vật dụng. Rồi các ngươi sẽ phải trả giá cho sự ngu dốt của mình.
– Thưa ông, ông cho tôi hỏi, hôm nay là ngày thứ mấy hả ông?
Một người khách đi xe điện hốt hoảng hỏi Vũ. Chàng giật mình, chàng trả lời:
– Hôm nay là ngày thứ bẩy, ông ạ.
– Chết! Đã thứ bẩy rồi ư?
Vũ gật đầu. Tất cả sẽ rối rít cả lên, sẽ ân hận, sẽ cuống quýt khi những cái mốc tận thế theo nhau lũ lượt kéo đến: ngày cuối tuần, tháng cuối năm, cuối tuổi xuân, cuối đời, cuối thế kỷ. Khi Thượng Đế hào phóng ban cho chúng ta sự sống thì chúng ta đã coi thường nó thế nào, đã phí phạm nó thế nào! Rất nhiều người Việt đã sống mà như chết vậy…
Khi Vũ coi văn học là một phương tiện để chàng khám phá cuộc sống, khám phá mình, khám phá xã hội… chàng bỗng chợt nhận ra bản thân mình, mọi người, cả xã hội xung quanh đều có vẻ yếu đuối và không thành thật. Mạnh mẽ và thành thật… Rất khó đấy, các bố ạ, các vị… Điều ấy văn học không làm được, nó chỉ phát hiện ra thôi. Văn học Việt Nam, ngay buổi sơ khai của nó, giống như một đứa trẻ nhỏ, phải làm những việc quá sức, những việc không ra gì, thậm chí phải làm việc chính trị là thứ việc cần nhiều phương pháp ứng đối khuynh hoạt. Người ta chú ý đến bộ mặt bên ngoài hơn nội dung bên trong. Người ta soi gương, ngắm nghía, chau chuốt cho bộ mặt mình: nào cạo râu, nặn trứng cá, tỉa lông mày, các cô gái bôi son… Người ta chú ý thái quá đến bộ mặt bên ngoài, nói nhiều đến con người xã hội hơn con người tự nhiên. Người ta đã “lịch sự”, đã “chính trị”, đã đạo đức giả, đã cố ý lờ đi cái ấy: con người tự nhiên, kẻ thành thật nhất, trung hậu nhất, ngang bướng và ương ngạnh Vũ trân trọng gọi con người tự nhiên ấy là “ông lớn”. “Ông lớn” còn có ông nhỏ gọi là “ông b…”. Hãy lắng nghe ông ta! Đấy là bậc thầy của trực giác. Ông ta có luật chơi riêng chi phối tính cách con người, thậm chí số phận con người. Ông ta mới là trung tâm thần kinh, mới là trí tuệ… Hoàn toàn không phải đầu óc mà là đầu b… Người ta đã tôn vinh một vị ngụy quân tử đẹp mã mà quên đi vị quân tử thực: bái vật tổ đại phu, nhà chiến lược…
Xe điện đi từ Cầu Mới, qua ấp Thái Hà, đỗ ở Giám (Quốc Tử Giám) hơi lâu để tránh tầu đi Cầu Giấy. Vũ tì tay lên thành cửa sổ. Hà Nội lướt qua dưới mắt chàng. Chàng sợ rồi thành phố này rồi sẽ mất đi những kỷ niệm, sẽ mất đi những vẻ đẹp nên thơ êm đềm của nó. Có thể cả tuyến xe điện này cũng sẽ mất đi. Cũng không hề gì… Bởi cuộc sống vốn là như thế. Kìa nước chảy dưới cầu. Kìa sông trôi ra biển. Bao nhiêu giá trị đều là vô nghĩa. Ôi ôi, sao chàng lại đi nghĩ ngợi như một người bạc nhược, sớm chán nản mọi sự thế này? Mà em… Bao nhiêu kỷ niệm trong đời…
Nỗi chán chường âm ỉ… Sự bất lực đương nhiên… Những cái ấy tấn công chàng, từng tí một, từng ngày một, dai dẳng. Chúng ta đang suy đồi. Vũ bực mình vì chàng chỉ có một cuộc sống mà xung quanh chàng toàn là người ích kỷ lăm le muốn ăn thịt chàng, muốn chia máu chia thịt của chàng. Chàng không thể chia máu chia thịt của chàng cho ai, có muốn cũng không làm được. Chàng cũng ích kỷ. Chàng cũng chỉ có một cuộc sống thôi, một dấu vết thôi. Chàng tìm cách nhân nó lên nhiều lần. Đấy là văn học. Một phép nhân ảo thuật. Văn học cũng là sự cùng quẫn, cũng đầy dối dá và ngụy tạo. Tóm lại, văn học cũng chẳng ra gì.
Khi quan sát con người, Vũ đau đớn khi chàng chỉ toàn nhận ra những nét súc vật ở con người. Ở đám người trẻ, đấy là bộ mông, cặp đùi, ánh mắt ráo hoảnh. Nhục thể, toàn là nhục thể. Ở đám người già, đấy là sự hư hoại tinh thần, những mảng tóc rụng, những hàm răng giả, những “tư tưởng”… Vũ sợ đám người già, do sự bất lực của chúng, sự yếu đuối của chúng, nỗi sợ hãi cái chết, những mong muốn “yên ổn” đã ngầm khủng bố toàn xã hội bằng các đạo pháp, gia pháp, các quy định luật lệ và nghĩa vụ. Những quy định giới luật cũng là sự bất lực của giáo dục đối với tính chất súc vật của con người tự nhiên. Con người tự nhiên vốn dĩ vô luân, nó tự do.
Xe điện đi ngang qua Cửa Nam, qua phố Hàng Bông, phố Hàng Gai. Vũ xuống xe điện ở đầu Bờ Hồ. Một cô gái mặc váy rất ngắn đứng che khuất tầm mắt nhìn Tháp Rùa. Cặp đùi rất khỏe. Vũ rùng mình, cặp đùi rất khỏe và đáng thương như ở một lực điền. Trong văn học, sự phô diễn “đạo đức nhà văn” đôi khi cũng giống ở cô gái mặc váy rất ngắn kia… Chỉ có tôn giáo, bởi sự nghiêm nhặt của hệ thống nghi lễ và sự mực thước kinh điển, là được phép bàn về đạo đức mà không lố bịch, không gợn hoài nghi. Còn ở mỗi chúng ta, chúng ta chỉ nên cầu nguyện.
Vũ chậm rãi đi qua phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường… Đây rồi, bên trái, nhà số chẵn.
Bữa tiệc mừng nhà mới của Hoàng có khá đông khách. Thấy có các vị tri huyện, tri phủ, nghị viên… Giới văn chương nghệ thuật cũng đều là những tay có tên tuổi, có máu mặt. Hoàng lấy con gái một vị quan to. Hoàng đã đi du học ở Pháp. Hồi nhỏ, Hoàng và Vũ đều học một trường. Nghe nói, Hoàng có dính líu đến những vụ buôn lậu mờ ám, dính líu đến cả buôn lậu ma túy và vũ khí.
Vũ được vợ chồng Hoàng đón tiếp nồng nhiệt. Hoàng giới thiệu Vũ với những người quen:
– Thưa các ông, thưa các bà… Đây là nhà văn danh tiếng, một người trẻ tuổi, một Vic-to Huy-gô ở Việt Nam! Vâng! Đã được cụ Tản Đà khen ngợi… Ông Vũ mới 25 tuổi, bằng tuổi tôi, nhưng ông Vũ dí dỏm hơn nhiều…
Hoàng mỉm cười. Hoàng rất tự chủ ở chốn quan trường và nơi đô hội. Vũ biết Hoàng giàu tiền của, nhiều thế lực, bản thân Hoàng cũng có học vấn khá cao.
– Hắn đang chia máu, chia thịt của ta cho các bạn mình – Vũ thấy vui vui khi đi theo Hoàng. Ngay từ nhỏ, Hoàng đã lịch lãm hơn chàng. Hắn không bao giờ cô đơn… Điều quan trọng nhất là hắn không bao giờ cô đơn. Vậy thì hắn mạnh hơn ta hay hắn đã bẩn thỉu hơn ta? Không biết!
Hoàng có vẻ biết rõ và tự chủ ở trong trò chơi. Hoàng ghé vào tai Vũ nói nhỏ:
– Hãy cười lên, thằng chó! Mi không dung được người ta thì người ta dung mi sao được? Hãy để ta giới thiệu mi với em vợ ta… Con ngốc đó vốn hâm mộ mi…
Hoàng dẫn Vũ đến chỗ vợ Hoàng ngồi giữa đám các cô, các bà. Vợ Hoàng tên là Yến.
– Chào anh – Yến đưa tay ra – Anh dạo này thế nào?
– Tâm trạng tôi không được tốt lắm – Vũ lúng túng trả lời.
– Anh thì bao giờ có tâm trạng tốt đâu – Yến mỉm cười ý nhị.
– Đúng đúng … Vũ đỏ mặt lên. Mọi người cùng cười.
– Đây là em gái tôi – Yến giới thiệu với Vũ – Cô ấy tên là Hồng, cô ấy vốn có đọc anh, rất khâm phục cách kể chuyện của anh. Cô ấy khen anh thông minh sắc sảo.
– Chao ôi,sao không ai đi khen ta lương thiện mà chỉ đi khen ta thông minh sắc sảo mà thôi. – Vũ tê tái nghĩ. Bản tính Vũ lương thiện, chàng luôn luôn giữ mình lương thiện, mọi suy nghĩ của chàng đều hướng về sự lương thiện. Chàng đã dại dột bày tỏ lên trang giấy những nhân vật thông minh sắc sảo mất rồi. Chàng đã bị người đời đánh đóng chàng với các nhân vật của mình. Chắc chắn, dưới mắt người đời, chàng hẳn là một quái vật ghê gớm.
– Thưa ông… em hình dung ông là một người khác thế này. Ông cô đơn..có phải không ạ? Ông lại kiêu ngạo nữa… có phải không ạ?
Vũ nhìn đi đôi tay để trần của cô gái. Đôi tay rất đẹp, chắc hẳn ngày xưa Kinh Kha khi nhìn đôi cánh tay vũ nữ cũng thở dài y hệt Vũ đây.
– Tráng sĩ …Hề …
– Ông ấy vẫn y như cô hình dung đấy chứ! – Hoàng cười – Vậy cô có muốn làm thành món đồ hiến tế cho nền văn học Việt Nam hay không?
– Không… em chẳng dại. Tương lai em sẽ là một bà tri huyện…
– Chúc mừng cô… Vậy cô là người đứng đắn lương thiện…
Tiếng cười lại ran lên vui vẻ, Vũ quay mặt về phía cửa sổ. Chàng chẳng lạ gì lối đối thoại sắc sảo hóm hỉnh kiểu phòng khách thế này. Người Việt Nam bắt chước lối sống phù hoa ở bên ngoài rất nhanh, rất khéo.
Hoàng bỏ Vũ ở lại để ra chào khách. Bây giờ Vũ mới có dịp nhìn kỹ hai chị em Yến, Hồng.
– Cũng đẹp… cô chị đẹp hơn cô em. – Đấy là ý nghĩ đầu tiên của chàng. “Nơi người đàn bà, tất cả đều là ẩn nghĩa”, Vũ chợt nhớ đến nhận xét của một triết gia. Thực ra, toàn bộ những bí mật của thế giới này loanh quanh cũng chỉ ở một vài dạng thức cơ bản mà thôi: âm dương, thiện ác, trước sau, phải trái, đúng sai, xấu tốt, trẻ già, trên dưới… Con người mãi mãi vướng vào các sợi dây của những mối quan hệ không cân bằng, tất yếu sẽ nhầm lẫn và rối bòng bong. Sự nhầm lẫn chồng chéo lên nhau, khiến con người mãi mãi bất khả tri, mãi mãi vô minh.
– Thưa ông, khi ông viết truyện, ông nghĩ đến ai trước nhất… Độc giả ư? Hay là ông? Hay là một người phụ nữ nào kia?
– Nếu là một người phụ nữ được thì tốt quá… Vũ trả lời – nhưng không phải lúc nào cũng như thế cả. Ở tác phẩm đầu tay thì tôi nghĩ đến mẹ tôi.
Mọi người ồ lên ngạc nhiên như vừa phát hiện ra một điều gì có ý nghĩa lắm, cao cả và lương thiện lắm.
Vũ đỏ mặt, chàng đã nói dối. Không phải là mẹ. Chàng đã diễn đạt không đúng với tư tưởng của chàng. Đấy là chàng muốn được như thế mà thôi. Hình ảnh mẹ với chàng thật xa vời. Chàng chỉ thương mẹ thôi. Mẹ chàng không biết chữ. Chàng nhớ rằng khi viết tác phẩm đầu tay, chàng chỉ nghĩ đến tiếng Việt, chàng cũng chỉ a dua học đòi các nhà văn trước chàng, không phải cụ thể một ai nhưng có lẽ là một tay cùng hội cùng thuyền nhố nhăng có tài dẫn lối đưa đường. Thường thường, đấy chỉ là một tay nhà văn hạng xoàng. Chúng ta biết rằng những tay cảnh sát chỉ đường phần lớn chỉ là những tay đeo lon hạ sĩ. Khi chàng bước lên con đường danh vọng, chàng nhớ đã không có bóng dáng một người phụ nữ nào nâng đỡ hoặc cản đường chàng. Lúc ấy chàng là một gã trai trong trắng và ngốc nghếch. Lúc ấy, chàng nghĩ rằng trong văn học hẳn chứa ẩn sự lương thiện hoặc một cái gì đó cao nhã, không phàm tục, có khả năng nâng đỡ con ngườị. Chàng hân hoan vì vẻ đẹp của ngôn từ, của tiếng Việt, những âm thanh trong lòng chàng cứ thế ngân lên, hoặc là minh triết hoặc là ngọng nghịu, nhưng tất cả những ngôn từ ấy đều lương thiện và trong trắng. Chắc chắn là thế, dĩ nhiên là thế. Chàng thấy con người thật đẹp mà đời thật đáng sống. Chàng thấy yêu mình vô cùng, chàng như một con chim non vừa phát hiện ra đôi cánh của mình, nó bay lên trời xanh, nó ngã xuống, nó cười khúc khích, nó lại bay lên, cứ như thế. Con chim non cứ bay lên cao, cao mãi…
– Thưa ông… Điều gì quan trọng nhất đối với nhà văn?
– Không có điều gì quan trọng cả. Điều cần nhất là phải bảo vệ mạng sống của mình giống như một tay buôn lậu hay tù sổng. Ta phải chăm sóc bản thân ta như chăm sóc cái cây… Phải bắt sâu, nhổ cỏ… phải tỉa cành… Rồi kiên trì sống, từng ngày một. Nuôi dưỡng một ý chí nào đó hướng về phía ánh sáng và sự lương thiện… Hình như đó là tôn giáo – Vũ lúng túng, chàng không thể nói to ra những ý nghĩ của mình như thế. Có nói cũng không ai hiểu cả. Bất khả tri… Chàng cũng chỉ lờ mờ hiểu rằng chàng đang đi trên một con đường chông gai gian khó nhưng chàng đang đi đúng đường. Chàng mò mẫm, dò từng bước chân nhưng cơ bản là khá chính xác trong cái đầm lầy đó, trong cái cõi hỗn độn, trong đêm tối vĩnh cửu, vừa chông chênh, vừa phù du hư ảo lại vừa nguy hiểm chết người. Ôi ôi, có lẽ chỉ có tình yêu thôi, thứ rượu mạnh ghê gớm, liều ma túy say sưa túy lúy mới có thể kích thích được chàng lúc này, khiến cho chàng lãng quên bao nhiêu hệ lụy ở đời để sống với cá nhân mình ở trong chốc lát. Nghệ thuật nói chung, trong đó có văn học, giống như rượu mạnh hay ma túy (nhiều khi nó có khả năng thay thế rượu mạnh hay ma túy) là một trong những thứ hiếm hoi ở đời may ra còn tạo được đôi chút khoảng trống cho cá nhân con người – cái góc u tối và khuất nẻo, nơi giấu một ít của cải có thực tên là… Vũ không muốn nói ra tên của bí mật đó. Mà em… Chàng sẽ nói ra điều bí mật đó vào giây khắc cuối cùng…
Bữa tiệc đã được dọn ra và rượu sâm banh nổ bôm bốp. Hoàng cầm ly rượu đi chạm ly với từng người một, Vũ lại được Hoàng giới thiệu một lần nữa với đám quan khách, trong đó có cả mấy vị quân nhân và công chức ngành thuế vụ.
– Thưa ông Vũ, so với chúng tôi, công việc của ông cao nhã hơn nhiều…
– Thưa ông, tôi không dám…
Vũ cảm thấy chàng như đang bị sỉ nhục, chọc ghẹo hoặc nhạo cợt. Việc đi tìm ý nghĩa cuộc sống và những băn khoăn của chàng về hạnh phúc giữa đám người này có vẻ tầm phào, quá ư lạc lõng, ngược đời. Giá vàng lên xuống ở đây quan trọng hơn, ông nọ ông kia mất chức quan trọng hơn… Vâng… Các món hời… Bà chị có một vạn quan… Bác Tham vừa mới xây nhà… Cậu Tú vừa đi du học…
– Tất cả bọn người này đều sinh động, say sưa, hăng hái, thậm chí cuống cuồng… họ ngọ nguậy không mệt mỏi… Đời là chiến đấu… Đời là sân khấu… hoặc anh là đe hoặc anh là buá. Dô đi… Nhào dô… Xả láng. Hay là họ đúng? Hay là ta sai? Mà tiền bạc ở đâu ra lắm thế?
– Thưa ông Vũ, xin ông đừng nghĩ ngợi nhiều. Hai chị em Yến, Hồng kéo Vũ đi ra một góc. – Chỗ này không hợp với tạng của ông đâu! Đám người phàm tục chúng tôi chỉ đuổi theo sự hào nhoáng… Xã hội kim tiền mà! Ông là thi sĩ, nhà tiểu thuyết… Mối quan tâm của ông là tâm hồn con người… Có phải không ạ? Vậy thưa ông, tâm hồn người ta là cái gì vậy?
Vũ phì cười. Giống như một công án Thiền Tông. Chàng nhớ có nhà văn từng nói rằng tâm hồn không thể sống thiếu những trò phù phiếm và trò chơi vui, tâm hồn giống như con thú, nó lúc nào cũng đói, khi thiếu thức ăn là nó xé xác các tâm hồn khác, cuối cùng thì nó tự xé xác mình.
Vũ diễn đạt điều đó cho hai người đàn bà nhưng họ không hiểu. Vũ bực mình vì trong tiếng Việt không có cách chi, không có từ ngữ nào có thể biểu đạt được trạng thái và ý nghĩa của thứ mà Vũ gọi là “tâm hồn”. Lần đầu tiên, Vũ nhận ra tiếng Việt có phần nghèo nàn khi biểu lộ những nội dung, khái niệm trừu tượng.
– Tâm hồn là một trạng thái khởi động hoặc ngơi nghỉ. Vũ lúng túng giải thích và chàng cũng không tin lắm với lối giải thích của chàng. Như ở phương Tây, trên đường giao thông có những đèn báo hiệu chỉ đường… Đèn xanh, đèn đỏ ứng với sự thuận nghịch. Ở đấy không có tâm hồn vì nó đương nhiên là thế, nó là sự khẳng định đã rồi. Trạng thái trung gian của đèn vàng mới đáng kể: nó mờ ám, vừa khẩn trương, lại vừa quyết liệt. Hoặc là thế nọ hoặc là thế kia, ở đây sẽ có trạng thái mà ta gọi là “tâm hồn”… nó lựa chọn, khởi động và ngơi nghỉ… và theo tôi, bao giờ nó cũng lựa chọn sự bảo thủ, vì con người vốn bảo thủ… con người nào có tâm hồn đều rất yếu và bảo thủ… Họ luôn hoài nghi, ngờ vực lòng mình.
Vũ thở dài. Chàng có vẻ loanh quanh và thiếu lương thiện.
– Thưa ông, chúng tôi chẳng hiểu ra sao nữa cả… có thể ông muốn nói đến sự ân ái hay ngoại tình chăng? Ông có bị sốt hay không? Ông có bị mê sảng hay không? Sao mặt ông tái đi như thế? Ông cho phép tôi xem nhiệt độ ở trán ông thế nào?
Vũ phì cười. Chàng cũng không hiểu tại sao người ta lại đi liên tưởng đến trò ân ái hoặc vụng trộm. Chẳng lẽ sự đời oái oăm đến thế kia cơ? Tiếng Việt quả thực là thứ ngôn ngữ dễ gây nhầm lẫn.
Yến đặt tay lên trán Vũ và chàng bỗng nhiên như bị kích động. Cũng không phải hoàn toàn kích động mà có phần nào giống với tâm trạng của kẻ chán đời, của người nhận được ra lẽ hư vô ở trong sự sống, sự vô nghĩa vớ vẩn của các trò đời, cũng như sự bất lực của chính mình. Vũ cầm lấy bàn tay Yến đặt trên trán chàng bóp nhẹ, Vũ kéo nó để vào hạ bộ của mình. Chàng nói:
– Thưa bà, nó ở đây!
Chàng muốn nói đến thứ mà người đời vẫn gọi là lý tưởng sống hay giá trị sống, một cái gì đại loại như thế tương đương với những từ “cao thượng” hay “hạnh phúc” .
Tất cả khách khứa nhìn dồn về phía hai người. Yến sợ hãi rụt phắt tay lại, ngã vào lòng cô em gái. Hoàng tiến đến trước mặt Vũ, Hoàng cố kiềm chế nhưng giọng nói vẫn cứ run lên:
– Thưa ông, may mà sự việc xảy ra trong nhà tôi và tôi không muốn động thủ, tôi không muốn phiền phức! Chắc ông biết rõ ở ta mạng người rất rẻ, cho dù ông có là nhà văn danh tiếng bậc nhất thì cũng không khác gì con chó! Xin mời ông xéo khỏi đây ngay lập tức!
Vũ ngạc nhiên, chàng thấy Hoàng “trở mặt”, giống như tục ngữ nói – như “trở bàn tay”. Một phút trước đây họ đã cư xử với nhau như hai người bạn thân thiết nối khố cơ mà! Hơn nữa, trong thâm tâm, Vũ không hề có ý xúc phạm Hoàng hay vợ Hoàng. Chàng chỉ muốn bày tỏ một thứ tình cảm rất thật, rất gần gũi, rất con người mà cũng tự nhiên thôi như người nguyên thủy vẫn làm. Yến đẹp như thế. Còn Vũ chẳng lạ gì Hoàng. Hắn đểu như thế, hắn phản bội và ăn cắp… Những vụ buôn lậu ma túy và vũ khí… Hàng chục triệu đồng bào của chàng đang sống như súc vật… Chàng muốn Yến biết rằng chàng không ốm, tinh thần và tâm hồn chàng đều khỏe mạnh.
Vũ nói:
– Thưa các vị… lỗi không phải của bà ấy. Tôi xin lỗi…Tôi muốn nói rằng tự nhiên có những lý lẽ khác với chúng ta…
Vũ không nói được hết câu thì chàng đã bị người ta tống ra khỏi cửa. Chàng chỉ loáng thoáng nghe thấy tiếng Hoàng mắng vợ:
– Cô đáng xấu hổ… chính cô cũng thích… cô đã không tự bảo vệ danh tiết cho cô…
Yến khóc nức nở và tiếng khóc ấy khiến Vũ thắt tim lại.
Vũ đi như chạy. Trời Hà Nội ngợp trong mưa xuân. Mưa xuân mà sao những giọt mưa xuân lại nặng như chì… Mưa như roi quất vào mặt. Hà Nội nghèo xác và dị mọ. Ở đây không có ai còn khả năng nghĩ ngợi hoặc phát sáng những tư tưởng khiến cho tinh thần con người mạnh mẽ lên thêm nữa ư? Tất cả đều loanh quanh, luẩn quẩn như đám bọ gậy hay cung quăng. Nhục thể và vật dụng… Toàn những cô hồn, chẳng ra người, chẳng ra ngợm… Đấy là tất cả Hà Nội của chàng.
Vũ thấy lạnh, chàng rùng mình và thấy đau nhói trong tim. Chàng lên xe điện trở về nhà. Chàng cũng chẳng biết rằng màn đêm đang buông dần lên thành phố. “Đêm kinh thành xa như giấc mơ …” Vũ lơ mơ ngủ gật, chàng cũng chẳng biết đến xe điện đã bị “pan” ở Giám bao lâu nữa.
Mất điện. Tất cả hành khách đi trên xe điện đều bị dồn xuống đường đi bộ. Vũ kéo cao cổ áo, chàng lủi thủi đi ra ngoại ô, về phía nhà mình. Đến Ngã Tư Sở, chẳng biết chàng nghĩ thế nào, chàng rẽ vào một ổ hút thuốc phiện và nằm ở đấy cho đến nửa đêm.
Vũ về nhà thì đã gần sáng, người lão bộc già loay hoay mở cửa cho chàng. Người chàng ướt như chuột lột.
– Thưa ông, ông vào nhà đi kẻo lạnh… Nửa đêm có hai bà sang trọng đi xe tay đến tìm ông… Họ không xưng tên. Họ bảo rằng ông là nguyên do nỗi bi kịch trong cuộc sống của họ nhưng họ tha lỗi cho ông. Đằng nào cuộc sống của họ cũng đã bi kịch rồi, có thêm một bi kịch nữa cũng chẳng mùi gì… Ông không có khả năng gì đáng để cho họ quan tâm, vì ở ta nhà văn là hạng vứt đi! Ông bị cấm cửa không được đến nhà ông Hoàng… Bà lớn tuổi hơn nói rằng tâm hồn của ông có thể to hơn người thường thật…
Vũ ngồi vào bàn viết. Chàng cố xuôi đuổi hình ảnh một cô gái ra khỏi óc chàng. Mà em …”Bài học tiếng Việt”. Chàng bắt đầu câu chuyện của chàng như thế đúng vào lúc những tia nắng mùa xuân chiếu vào cửa sổ nhà chàng …”
Ghi chú cuối chuyện:
Trong buổi bình minh của văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX này có những tài năng văn học trẻ. Có những nhà tiểu thuyết sớm nổi tiếng ngay ở tuổi 20. Có người 27 tuổi đã chết, để lại bao nỗi tiếc thương cho người đời. Câu chuyện trên được viết dựa trên cảm hứng về cuộc đời một nhà văn như thế, lấy bối cảnh ở Hà Nội khoảng trước những năm xảy ra Đại Chiến thế giới thứ II (1939 – 1945). Nhà văn trẻ với thiên tài của mình, nổi lên rực rỡ trên văn đàn khoảng từ 4 đến 6 năm. Những thiên tài thường không dùng dằng nhiều với những hệ lụy mà người đời cứ tưởng bở rằng ở đấy có nhiều giá trị hoặc ý nghĩa gì. Ngôi nhà được kể trong truyện, tiếc thay nay không còn nữa, đại để nằm ở chỗ Thư Viện Gơ-tơ Hà Nội bây giờ. Tiếng Việt là thứ ngôn ngữ mới hình thành, đòi hỏi sự tìm tòi và làm phong phú thêm bởi nhà văn và những người có thiện chí. Bài học tiếng Việt đôi khi cũng là những bài học buồn cười, tầm phào hoặc nhầm lẫn. Mong rằng độc giả rộng lòng hiểu cho ý muốn của người viết chuyện này. Cầu chúc sự may mắn và bằng an đến cho tất cả mọi người.
Hà Nội, 1999 – Nguyễn Huy Thiệp