Văn để chở Đạo. Những lời đẹp đẽ sáo rỗng, những câu chau chuốt hoa lệ, đấy là những điều thánh nhân bỏ đi, quân tử coi rẻ, đại trượng phu lấy làm thẹn vậy. Xét, Đạo đối với loài người, khi sống ắt tại con người ta, khi mất ắt tại sách vở để lại. Bởi vậy, cổ nhân thận trọng việc làm sách. Không dám làm càn, sợ để lại nhơ bẩn cho đời sau, làm trò cười cho hậu sinh vậy. Nguyên Hối đổi mới người dân, Bá An mở mang kẻ ngu, đều lấy thổ âm mà dậy môn đồ. Cho nên văn các ngài giản dị mà chất sâu xa. Người nay bên trong như dê cừu, bề ngoài như hổ báo. Đã lìa Đạo thống rất xa vậy.
Nước Việt ta là cõi văn hiến. Từ xưa không tốn kém Trung châu. Sau thời Tống Minh, phương Bắc rơi vào tay Thiên Kiêu, duy người Nam ta, kế thừa cổ phong Hoa Hạ. Đại gia triều Nguyễn, như thể long hổ trong đám nho. Người Thanh so bì sao được ? Từ triều Thế Tổ về sau, tác gia mọc lên như rừng. Thế mà, sĩ phu đa phần chưa dám lấy Quốc âm làm văn chương. Cớ sao ? Phải chăng, người xưa khinh bạc tiếng Nam đa ? Không, chẳng phải như thế. Là vì tiền nhân nuôi chí “truyền nhi bất tác” mà thôi. Quốc văn đã đủ để chở Đạo, việc gì phải lấy Quốc âm làm văn, ly quần lập dị, để tìm chút phù danh trong việc đó chăng. Hoằng Tông lên ngôi, rợ Tây lộng quyền đã lâu. Dân Hán khôn miễn khỏi những biến cố tổn hại phong tục. Từ đó mới có những kẻ nho sĩ chân chính, lo âu quốc chủ bị nhục, trăm họ chịu khổ, đoạn bèn vứt bỏ hư học. Đùng đùng nỗ lực, lấy Quốc âm làm văn chương. Sách mới răn đời, lời lẽ trong sáng đơn giản, từ thiên tử xuống đến ngu phu ngu phụ, không có ai không thể hiểu thấu. Bấy giờ, có nhiều giai tác. Đến như Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Bá Trác, Phạm Quỳnh các cụ, thật có phong cách danh gia, đủ làm gương mẫu cho đời vậy.
Mùa xuân năm Ất Mùi, tôi đến vùng ngoài ô phía Tây đô thành. Kính viếng Đam phủ. Cùng cụ Đàm Quang Hưng bàn đến chuyện cũ tiền triều. Tiên sinh năm tuổi đã cao, thấy Đan tôi kỳ dị, nên kết bạn vong niên. Tiên sinh nguyên là hậu duệ đại thần Đàm Trung Hiến triều Lê. Dòng dõi quý hiển đời đời đội hoàng ân. Tổ phụ xưa kia cùng Vị Thành tiên sinh chơi thân. Tôi làng quê mùa nhà tầm thường. Tuyệt nhiên không thể theo kịp. Tính tiên sinh phóng khoáng, đặc biệt rất gần gũi cung kính trong việc giao hảo. Thật có phong thái nho sĩ Đại Việt, phảng phất như xưa. Người đời rằng “Hổ phụ sinh hổ tử”. Thật đáng tin vậy. Trước đây, tiên sinh thấy tôi hiếu cổ, nhân rộng rãi ban tặng sách vở, không biết là mấy trăm quyển. Trong đó, tôi tâm đắc nhất cuốn Kim Vân Kiều truyện. Tác phẩm này, nguyên là trước tác của Thanh Tâm tài nhân Bắc quốc. Lưu hành ở đời đã lâu. Tố Như tiên sinh nước ta đã từng đọc qua, rồi sau bèn viết một thiên trường thi, đặt tên bài thơ là Đoạn trường tân thanh. Nay dân ta ai ai cũng biết đến. Nguyên văn của Thanh Tâm tài nhân mai một đã lâu. Gần đây, Đàm tiên sinh gìn lòng dịch sang Quốc âm. Ví bằng không có công phu, ắt làm không nổi.
Than ôi ! Từ thời Nguyễn mạt về sau, nước Việt ta suy bại ngày một thậm tệ. Việc quái dị trong đương triều, truyền ra cho mọi rợ bốn phương chê cười. Những kẻ hiểu biết, có thể đếm đầu ngón tay. Đến nay, muốn khôi phục bang quốc, trước tất phải khôi phục Quốc văn. Người nay đa phần không có học, Quốc âm cũng chưa hiểu sâu, huống nữa là Quốc văn. Từ đó mà xem, chuyện Quốc văn không thể chở Đạo, cũng có thể biết vậy. Từ rày, trước lấy Quốc văn bổ ích cho Quốc âm, rồi sau lấy Quốc âm mà khôi phục Quốc văn. Như thế, vận nước dần sáng dần thịnh. Xưa kia, Thượng Chi tiên sinh đến Lục tỉnh, quan sát phong tục, thấy tiểu thuyết Bắc quốc thịnh hành, cho là văn dâm vô đạo. Thế mà, người xưa có câu “Đạo ở cứt đái”. Cả đời đều buốt rét, lông chuột lông chồn há chẳng ấm ru ?
Năm Ất Mùi mùa xuân tháng Hai ngày lành
Tiễu Am Nguyễn Thụy Đan tự Việt Thạch tái bái phụng bạt