Điểm qua một số trang thơ viết về cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng và miền quê Mỹ Hoà Hưng để thêm tự hào về con người và mảnh đất quê hương.
An Giang, vùng đất địa linh nhân kiệt đã sinh ra nhiều anh hùng, nhân tài lỗi lạc, trong đó có cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Cuộc đời, tấm gương yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng bất khuất, kiên trung của Bác Tôn cùng miền quê Mỹ Hoà Hưng xanh tươi, hiền hòa và xứ sở đất đai An Giang với nhiều huyền thoại, di tích, thắng cảnh đã tạo nguồn cảm hứng thơ dạt dào, được nhiều tác giả trong và ngoài tỉnh xây dựng nên hình tượng thơ đa dạng, sâu sắc, từ nhiều góc nhìn khác nhau. Ngoài các tác phẩm thơ nổi tiếng, như trường ca Bài ca Hắc Hải của Nguyễn Đình Thi, Ngôi sao Hắc Hải của Viễn Phương, Nghiêng mình sông núi chịu tang của Trần Mạnh Hảo… còn có hàng trăm bài thơ hay khác viết về Bác Tôn, của nhiều tác giả chuyên và không chuyên, đặc biệt là các cây bút thơ An Giang. Nhìn chung các sáng tác đều tập trung vào hai mảng cảm hứng chính sau.
Cảm hứng thơ từ lần Bác Tôn về thăm An Giang và hình ảnh miền quê Bác
Cùng theo Võ Thanh An về thăm Mỹ Hoà Hưng, nghe câu vọng cổ chợt trào dâng niềm yêu kính Bác Tôn, để được cùng hoà vào niềm tự hào với nhân dân trên mảnh đất cù lao. Miền quê Mỹ Hòa Hưng trong thơ Võ Thành An thật gần gũi thân thương như chính quê hương của mỗi người.
Tôi về Mỹ Hoà Hưng như thăm nơi cắt rún
Đêm mơ màng sông nước ánh trăng soi
Chợt nghe ai gởi tình vào bài vọng cổ
Câu ca tan vào da thịt bãi cồn
Câu ca nhớ người cố xứ, Bác Tôn…
…Hạnh phúc con người trên đất Bác sinh
Bài vọng cổ làm tôi bâng khuâng
Trải lòng trên cù lao Ông Hổ !
(Đêm cù lao Ông Hổ nghe ca vọng cổ)
Tác giả Khưu Ngọc Bảy có bài thơ ngắn, câu thơ 5 chữ gieo vần xinh xắn, ý tứ cô đọng thể hiện cảm xúc yêu mến mảnh đất đã sinh ra Bác Tôn. Hình ảnh quê hương Mỹ Hoà Hưng hiện ra trong thơ Ngọc Bảy vừa hiền hoà, vừa rực rỡ, mỹ lệ chói chang sông nắng qua cách gieo hai vần “anh” và “ắng”:
Cù lao Ông Hổ xanh,
Giữa dòng sông đầy nắng
Quê Bác Tôn Đức Thắng
Như hạt ngọc long lanh
(Cù lao Ông Hổ)
Đi trên quê Bác, Khưu Ngọc Bảy cảm nhận sâu sắc hương tình đất, tình đời, thấy được mối dây ràng buộc, sự tiếp nối giữa cha ông xưa và thế hệ cháu con hôm nay:
Cù lao xanh mùa xuân
Đến rồi đi để nhớ
Tâm hồn ta bé nhỏ
Giữa đời Bác mênh mông.
Thuở trước không biết ngoài Tôn Đức Thắng còn có bao trai làng đã li hương từ bến đò Ô Môi. Ngày ấy, hẳn là bao chàng trai, cô gái nhìn hoa ô môi nở hồng trong gió chướng, tan tác rụng đầy bến sông mà nghe lòng não nề, thổn thức li biệt… Để đến một ngày… nhà thơ Hồ Thanh Điền sáng tác bài Ngày Bác về với nhịp thơ rộn ràng, ghi lại cảm xúc của người An Giang trong ngày Bác Tôn về thăm quê. Hình ảnh thiên nhiên, vườn Mỹ Hoà Hưng, bến đò Ô Môi giờ thật tươi mới, xen chút e ấp đón chào người con sau bao năm xa xứ:
Bác về Mỹ Hoà Hưng
Phất phơ bông sậy trắng
Vương trên mái tóc mừng
Ô môi mùa xanh lá
Lẩn khuất bên hàng tre
Năm ba chùm trái nhỏ
Lấp loá nắng bên hè
Cảnh vật luôn đơn sơ bình dị như chính phong cách sống của Bác Tôn, còn tình người nơi đây lại quá sâu nặng, nhà thơ thể hiện bao nỗi niềm rưng rưng, xúc động của Bác Tôn trong chuyến về thăm quê hương lần ấy:
Lối quen mà như lạ
Mộ song thân một hàng
Người ngàn xa tít tắp
Ngày về thơm nén nhang.
Qua nhiều bài thơ, có thể thấy các tác giả đã gặp nhau trong cảm nhận chung về miền quê Mỹ Hòa Hưng – xứ sở đò giang cách trở nhưng tình quê luôn nồng ấm, chơn chất và lai láng. Từ miền quê nghèo, tuổi thiếu thời Bác Tôn ra đi, gian nan, tội tù đời cách mạng, để hành trình trở về ngắm nhìn quê hương thanh bình. Dù phía trước vẫn còn nhiều gian khó, nhưng mảnh đất cù lao ông Hổ sẽ như con tàu căng buồm tăng tốc, nối bước Người, trẻ xông pha, già giữ cốt cách. Tấm lòng thương kính của người dân trên quê Bác biết bao nô nức không kể xiết. Thơ viết về Mỹ Hòa Hưng có lẽ vì thế luôn đầy ắp tình người, đầy chất thơ, chất nhạc và đầy hương sắc. Cũng có thể bắt gặp trên trang thơ Thanh Vân:
Căn nhà sàn đơn sơ
Mái ngói vẫn tươi nguyên màu sắt son
Lóng lánh màu thời gian
Mùa thu xanh đến ngỡ ngàng
(Về thăm Mỹ Hòa Hưng)
Hành trình đổi mới trên mảnh đất cù lao 36 năm, từ sau ngày giải phóng là cả chặng đường dài để xứng đáng với vị thế cù lao ông Hổ : Tựa lưng Bảy Núi, uống nước Cửu Long, Mỹ Hòa Hưng ngời danh xứ sở, như một vế trong câu đối tại nhà trưng bày thân thế, sự nghiệp Bác Tôn. Cây bút trẻ Trương Nhật Trường đã viết về con người và sự đổi mới của Mỹ Hòa Hưng hôm nay :
Mỹ Hòa Hưng bây giờ
Là những nụ cười rạng rỡ như hoa nở
Là những con người nồng nàn trong từng nhịp thở
Là niềm tự hào hàng triệu trái tim yêu…
Qua Mỹ Hòa Hưng, một buổi chiều
Nghe tất cả nơi này rừng rực sáng
(Chiều qua Mỹ Hòa Hưng)
Không chỉ viết về miền quê Mỹ Hòa Hưng, một số cây bút còn dành cảm hứng thơ khi thăm nhà sàn Bác Tôn ở (từ năm 1952 đến 7/1974, thuộc thôn Chí Liễu, xã Trung Yên, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) bên bờ sông Phó Đáy, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trước chiến thắng Điện Biên Phủ. Cảnh vật miền sơn cước gắn bó với cuộc đời “nằm gai nếm mật”, “cháo bẹ rau măng”, Bác Tôn cùng Bác Hồ lèo lái công cuộc kháng chiến 9 năm:
Căn nhà nhỏ bên dòng Phó Đáy
Sàn cao lót ván mái đơn sơ
Bốn phía rừng xanh tranh thủy mặc
Một làn mây trắng giăng lửng lơ
(Bác Tôn bên dòng sông Phó Đáy – Hồ Thanh Điền)
Cái tình người, tình quê vời vợi từ Mỹ Hòa Hưng, miền Tây Nam bộ đồng bằng đến vùng đại ngàn núi non Tuyên Quang là cảm hứng cho Xuân Nùng viết bài thơ Bên dòng sông Phó Đáy, chứa chan tình cảm với những nơi Bác Tôn từng sinh sống:
Sông Phó Đáy nơi không bồi không lở
Cứ trong xanh dòng nước lửng lờ trôi
…
Nhà của Bác bốn bề nứa lá
Hầm chạy ra sông phòng ngự một thời
Cái bẫy chuột còn ấm hơi tay Bác
Cái chăn chiên chờ những buổi sương rơi…
Quê hương Bác nơi tận cùng đất nước
Con mơ về thắp một tuần nhang
Thả thuyền thơ xuôi dòng Phó Đáy
Có một ngày neo đậu bến An Giang.
Hẳn là Xuân Nùng chỉ có thể “thả thuyền thơ” từ Phó Đáy đến bến An Giang, và chắc hẳn đến giờ anh đã thực hiện được ước mơ từng ấp ủ đó là “đến quê Bác thắp một tuần nhang”? Một điều chắc chắn là lời thơ anh cũng đã neo đậu trong lòng người An Giang, qua bài thơ nhỏ in trên trang báo Văn nghệ Thất Sơn, số tháng 8/2008, kỉ niệm 120 năm ngày sinh Tôn Đức Thắng, và được chọn dẫn giới thiệu trong bài viết này.Thơ Xuân Nùng giản dị câu chữ nhưng lại lắng sâu cảm xúc trân trọng:
Bác đã đi xa… hoa đang mùa rực rỡ
Những kỉ vật thành vô giá đến mai sau
Công ơn Bác, đời đời ghi nhớ
Đại ngàn xưa xuân mới bắt đầu…
Cảm hứng từ cuộc đời làm cách mạng và phong cách sống giản dị, phẩm chất, đức độ của Bác Tôn
Trong một bài thơ khác: Người chẳng nói chi nhiều, nhà thơ Hồ Thanh Điền đã ghi lại các chặng đường hoạt động của Bác Tôn, từ những ngày đầu rời quê, bắt đầu sự nghiệp đấu tranh, tìm kế sinh nhai bằng đôi tay cần mẫn của người thợ:
Khi ra đi Người chẳng nói điều gì
Cả dự định tương lai
Cả những điều trước mắt
Có thể với chiếc xuồng con rời Mỹ Hoà Hưng
Như mọi người tìm kế sinh nhai, tìm việc
Hồ Thanh Điền thể hiện sự cảm phục về phong cách sống chân chính và sự khiêm tốn, ít nói, tính hay lam hay làm của lãnh tụ, bằng giọng thơ vừa kể, vừa triết lí nhẹ nhàng, nhưng đầy hiểu thấu và yêu kính:
Là người thợ, chẳng nói chi nhiều
Với công việc Người làm cật lực
Cần đấu tranh cho thợ thuyền, chính trực
Người cũng quên mình như công việc hằng ngày
Ơi buổi ban đầu Người chẳng nói nhiều đâu!
Nhà thơ dành trọn niềm ngưỡng mộ, ngợi ca đức độ của Bác Tôn ngay từ tựa đề bài thơ: Người chẳng nói chi nhiều. Đây cũng chính là tứ thơ xuyên suốt toàn bài, làm nên sự nhất quán thể hiện ý nghĩa, chủ đề bài thơ. Khổ thơ cuối đầy lắng đọng trong tình cảm trân trọng, suy nghiệm về hành trình hoạt động cách mạng của Bác Tôn. Khép lại bài thơ là những hình ảnh giàu xúc động, thể hiện bao cảm xúc nghẹn ngào của Bác trong ngày về thăm nơi chôn nhau cắt rốn:
Là Chủ tịch, Người cũng chẳng nói nhiều đâu
Lời nói nào thay được tình dân, nghĩa nước
Xa mấy mươi năm về quê, Người chỉ nói bằng ánh mắt
Ánh mắt như triệu triệu tâm hồn…
Có lời nói nào thay được!
Tác giả Hồ Thanh Điền có cả một chùm thơ 3 bài ngợi ca Bác Tôn, trong đó có bài Nhớ Bác, 4 khổ thơ, mỗi khổ 4 câu, câu thơ 7 chữ chở mang nhiều hình ảnh thơ súc tích, cảm nhận về cả hành trình hoạt động của Người. Giọng thơ Hồ Thanh Điền vừa tự sự, vừa triết lí, trang trọng tự hào mà trữ tình thắm thiết, chân thành nói hộ chúng ta lòng tri ân Người đã “mang gươm mở cõi”:
… Lá cờ Hắc Hải bay từ ấy
Cho đến bây giờ vẫn uy nghi…
…Từ thuở thiếu thời đi lập cứ
Một thời nghĩa khí ánh hào quang
Mười bảy năm tù lao khổ lắm
Sử vàng, Người để chữ trung cang!
Cuộc sống đơn sơ, giàu đức hạnh
Vải bô ấp ủ trái tim hồng
Vinh, nhục, sang, hèn, lòng vẫn vậy
Đời trong như ngọc, trắng như bông
Tác giả Trần Dư dành nhiều cảm xúc viết về thời thanh niên Bác Tôn đi tìm lí tưởng, bắt đầu cuộc đời làm thợ, rồi làm thuỷ thủ. Hình ảnh, chi tiết thơ phong phú, mang âm hưởng sử thi, hoài niệm những năm tháng sục sôi, Bác khơi bùng ngọn lửa đấu tranh cách mạng.
Con vẫn nhớ hoài, Bác tuổi thanh niên
Sức vóc trẻ trai, cuộc đời làm thợ
Đất nước đau thương, bàn tay nô lệ
Đêm nằm mơ thấy những con tàu
Xưởng Ba Son ngột ngạt xăng dầu
Xưởng Ba Son bập bùng ngọn lửa
Ôi phóng túng, tự do là biển gió
Tiếng sóng bồn chồn, tiếng gọi khơi xa
Thơ Trần Dư vừa mang giọng điệu tâm tình gần gũi với thơ Tố Hữu, vừa mang chất giọng triết lí-chính luận của thơ Chế Lan Viên. Tác giả cảm nhận sâu sắc về con đường đi tìm lí tưởng sống của chàng trai Tôn Đức Thắng, giữa những năm tháng đất nước còn đắm chìm trong ách nô lệ:
Nỗi khát khao đạp xiềng xích tung ra
Đời lay lắt bát cơm chan nước mắt!
Nỗi khát khao trái tim lên tiếng hát
Theo cánh hải âu tìm lẽ yêu đời!
Con vẫn mê say bao nỗi bồi hồi
Người thanh niên đi xa quê và nhớ…
Giây phút Bác Tôn cắm cờ mừng Cách mạng tháng Mười Nga, được Trần Dư khắc hoạ bằng những hình ảnh thơ dồn dập, sống động, khoẻ khoắn, với nhịp thơ rộn rã, hân hoan.
Pháo gầm chòng chành chiến hạm Rạng Đông
Bình minh mọc trên trời Nga rạng rỡ
Ôi trái tim trẻ trai như muốn vỡ
Trái tim muốn nổ tung thành pháo gầm!
Nồng nhiệt bao nhiêu, người trai xứ da vàng
Tóc bay xoả giữa trùng khơi gió cuốn…
…Lòng người trai như con tàu về bến đỗ
Bình minh cho quê hương với ngàn vạn ngọn cờ!
Ở khổ thơ cuối, Trần Dư đã nói về ý thức nối bước cha anh của bao thế hệ:
Con vẫn nhớ Bác hoài. Tuổi trai đẹp giấc mơ
Năm xưa ấy. Phải đâu năm xưa ấy!
Ôi tuổi thơ và ngọn cờ vẫy mãi
Cho chúng con vang khúc hát lên đường
Nhà thơ Trần Hữu Dũng cũng đã ghi lại chân dung Bác Tôn một cách cô đọng, giàu hình ảnh, giúp hình dung khá trọn vẹn về từng chặng đường đấu tranh. Qua đó thấy được con người, phong cách sống thanh cao, tình yêu lao động của người thợ năm nào, ngay khi đã là Chủ tịch nước.
Liệu có thể hình dung bước chân người thợ xưởng Ba Son
Ở Xêvatxtôpôn khói lửa, gió Hắc Hải lồng lộng
Hiên ngang trên chiến hạm France kéo cao cờ đỏ …
Liệu có thể hình dung người tù cặp rằn ở hầm xay lúa
Sóng biển vỗ triền miên theo hồi còi tàu cách mạng
Mười lăm năm lưu đày Côn đảo, khí phách vô song…
Liệu có thể hình dung người Chủ tịch nước sống ân cần giản dị
Lúc rỗi lôi bộ đồ mộc, đồ nguội trong nhà
Hàn đồ chơi của cháu, sửa xe đạp anh bảo vệ
Cuối đời để lại cho con chiếc đê khâu với lời dặn thiết tha:
“Bây giờ ba mắt kém rồi, con giữ mà dùng”
Trong tuyển tập thơ viết về An Giang, xuất bản mừng kỉ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Trần Hữu Dũng có đến 5 bài thơ viết về Bác Tôn, trong đó có 1 bài viết về “Tấm lòng Bác Tôn gái” và 1 bài lấy cảm hứng về tình đồng chí của“Bác Hồ và Bác Tôn”. Đều là những bài thơ chân thành cảm xúc, sâu lắng nghĩa tình.
Phóng viên Thông tấn xã Liên Xô hỏi Bác Tôn gái ở Sầm Sơn
Với vẻ chất phác, trung hậu người đàn bà nông dân đồng bằng
sông Cửu Long nhỏ nhẹ đáp:
“Không mấy khi ông nhà tôi sống bên cạnh.
Hoạt động, bị bắt tôi đến khám giam thăm mới gặp, tôi mừng
gặp ông, lại buồn vì ông bị tù”
…
Yêu nhau chung thuỷ, sắt son có đất trời chứng giám
(Tấm lòng Bác Tôn gái)
Bài thơ khai thác một chi tiết rất cảm động :
Năm 1975 Bác về thăm vùng giải phóng miền Nam
Rưng rưng thắp lên bàn thờ nhà cũ nén nhang thơm
Về Bắc, trước mộ vợ Bác đứng lặng yên rơi nước mắt
Tác giả kết thúc bài thơ trong cảm nhận về tấm lòng Bác Tôn gái, trong mối quan hệ với nhân dân An Giang hôm nay:
Quá giang đò về thăm khu tưởng niệm Bác Tôn cù lao Ông Hổ.
Chợt vi vu câu hát vọng thê, vọng thê ơi hời!
Mùa nước nổi sục sôi ráng chiều đỏ rực
Tấm lòng người vợ trung trinh
Có dân An Giang nối dài cầu thương nhớ…
Trần Hữu Dũng viết về tình cảm đồng chí của Bác Hồ và Bác Tôn bằng những câu chữ mộc mạc, không tô vẻ nhưng chở mang bao nghĩa tình son sắt
Ở Hà Nội
Bác Hồ và Bác Tôn
Đầm ấm, mộc mạc
Chân thật, tự nhiên, sâu lắng
Cầm tay nhau trò chuyện dưới bóng mát nhà sàn
Bên hiên nhành phong lan toả hương ngây ngất
Hai người thợ năm xưa xa xứ tìm đường cứu nước
Hai tâm hồn thế kỷ sưởi ấm cho nhau
Có thể mượn thơ Trần Hữu Dũng để kết lại những cảm nhận về con người, sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn và vùng đất An Giang – như Những ngụ ngôn ở An Giang (tựa đề một bài thơ khác của anh). Thâm thúy, tinh tế là những bài học để đời, định hướng cho bao thế hệ cháu con:
Chỗ cù lao Ông Hổ, xoáy nước cuộn chảy mênh mang
Trong ngôi nhà lá đơn sơ Bác Tôn về lui cui nhóm bếp
Bài ngụ ngôn đầu tiên anh thuộc lòng ở đây
Cách mạng – Tự do – Dân tộc…
…Những ngụ ngôn ở An Giang hiển hiện qua cuộc sống
Lấp lánh huyễn hoặc hệt sao trời dẫn lối anh đi.
Nhìn chung thơ viết về Bác Tôn có sự tương ứng khá rõ nét giữa cảm hứng với giọng điệu và mang tính thời đại. Nếu thơ sáng tác thời kì kháng chiến chống Mỹ lấy cảm hứng trữ tình – sử thi làm chủ đạo, với giọng điệu anh hùng ca, thì có thể thấy thơ viết về Bác Tôn giai đoạn sau ngày giải phóng có sự khác biệt. Vẫn trên nền cảm hứng trữ tình, vẫn là giọng điệu ngợi ca nhưng không phải mang âm hưởng anh hùng ca hào hùng mà là chất giọng tự nhiên, đầm ấm, yêu thương. Điều này cũng dễ hiểu, bởi người anh hùng – lãnh tụ Tôn Đức Thắng vốn là một người thợ xuất thân từ miền quê nghèo Nam bộ, cả đời làm cách mạng luôn sống cương trực, hiền hòa, bình dị. Viết về Người tất nhiên cũng xuất phát từ đó, với bao chi tiết hiện thực đời thường sống động, tự nhiên, gần gũi, thân thương.
Nguồn: Vanhocquenha.vn