Nhà văn Etgar Keret – người được mệnh danh là “bậc thầy truyện ngắn của Israel” – vừa có cuộc giao lưu ngắn với bạn đọc TP.HCM chiều 6-5.

Từ trái qua: nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh (dẫn chuyện), bà Meirav Eilon Shahar – đại sứ Israel tại Việt Nam và nhà văn Etgar Keret tại buổi giao lưu – Ảnh: L.Điền

Cuộc giao lưu được tổ chức nhân dịp ra mắt bản tiếng Việt quyển truyện thứ sáu của ông: Ðột nhiên có tiếng gõ cửa (Lê Ðình Chi dịch, Alpha Books và NXB Lao Ðộng ấn hành).

Nhiều sinh viên đã đến, thẳng thắn chia sẻ và lắng nghe nhà văn Israel trao đổi xoay quanh quan niệm sáng tác cùng ý tưởng cho những hoàn cảnh ra đời tác phẩm.

Có một chút gần gũi với độc giả Việt Nam khi Etgar Keret mở đầu cuộc giao lưu bằng cách giới thiệu mình xuất thân là một nhà văn mặc áo lính. Và chính môi trường quân ngũ đã giúp ông nảy ra ý định viết tác phẩm đầu tay của mình.

Tại sao ư? Câu trả lời của Keret là trong quân ngũ người ta bị đánh mất cái tôi, mọi người biết nhau thông qua số quân và cấp hàm, cho nên để đồng cảm với người xung quanh là rất khó. Ấy vậy mà trong chính môi trường ấy, trong sự chán ngắt của những ca trực kéo dài 48 tiếng đồng hồ, Etgar Keret lại phát hiện chính văn chương là cách để ta hiểu tâm hồn người khác.

Bằng cách nói sôi nổi, Etgar Keret nhấn mạnh rằng nếu chúng ta tập tạ để phát triển cơ bắp thì đọc sách chính là để phát triển sự đồng điệu trong tâm hồn. Chúng ta vẫn nhìn cuộc đời bằng con mắt của mình, nhưng khi đọc văn chương chính là nhìn cuộc sống qua con mắt người khác. Khán phòng dậy lên tiếng vỗ tay bởi khái niệm văn chương được chuyển tải nhẹ nhàng mà thuyết phục như vậy.

Lúc 17g30 hôm nay 7-5, Etgar Keret sẽ có buổi giao lưu với bạn đọc Hà Nội trong khuôn khổ Những ngày văn học châu Âu tại Viện Goethe Hà Nội.

Etgar Keret bắt đầu viết từ năm 1991 và gửi đăng trên một số tạp chí ở Israel. Năm 1992, ông xuất bản tập truyện đầu tiên Tzinorot (Những cái ống), và trong thập niên đó ông tung ra nhiều tập truyện khác, với bút pháp độc đáo, nổi tiếng nhanh chóng và gây ảnh hưởng đến nhiều nhà văn cùng thế hệ.

Đến nay, tên tuổi Etgar Keret đã ở vị trí hàng đầu của giới văn nghệ Israel. Tại buổi giao lưu, Etgar Keret tâm sự rằng khi viết văn, ông viết với tất cả cái tôi cá nhân của mình, rằng ông hi vọng những câu chuyện viết ra không chỉ tồn tại trên giấy, trên sách, mà còn nằm trong tâm trí người đọc. Ở góc độ người lính, Etgar Keret có cách diễn đạt về “tính vũ khí của văn chương” là một khi văn chương đem tình yêu thương, lòng trắc ẩn đến với con người thì không một thứ vũ khí nào có thể hủy diệt được.

Tập Đột nhiên có tiếng gõ cửa gồm 37 truyện ngắn được ông hoàn thành trong bảy năm. Ông giải thích về nhan đề truyện Đột nhiên có tiếng gõ cửa (được dùng làm tên cho cả tập): Người ta thường làm việc hằng ngày theo một thói quen, và thời khắc quan trọng với mỗi người là khi có cái gì đó đột nhiên xảy ra, “khi đó lòng mình vừa tò mò, chờ mong, và cả chút lo sợ, như cái thời khắc chờ mở cửa lúc có tiếng gõ ấy, là đáng sống nhất”.

Và mặc dù không nhận mình là nhà văn chuyên nghiệp theo nghĩa chỉ có sống bằng nghề viết, Etgar Keret đã chia sẻ những quan niệm rất bổ ích về thao tác của một nhà văn chuyên nghiệp. Đó là thông điệp: “Đừng bận tâm tới việc lục tung khắp chốn tìm đề tài để viết nữa, thay vào đó hãy để cuộc sống tự gõ cửa nhà anh, gí súng vào đầu bắt anh phải kể bằng được một câu chuyện – nhưng không phải là thứ chuyện anh thích kể sao thì kể, mà phải là thứ chuyện đúng theo yêu cầu của cuộc sống kia. Biết đâu, lúc đó, kiệt tác của anh sẽ ra đời”.

Theo Tuổi trẻ online

Exit mobile version