SGTT- Lts. Xuyên suốt những thăng trầm của Tự lực văn đoàn (*), có một nhân chứng đặc biệt, người đã sống cả thời hoa niên ngay trong toà soạn báo Phong Hoá và Ngày Nay. Ông là con trai cả nhà văn Trần Tiêu: NSND Trần Bảng. Năm nay đã 87 tuổi, nhưng những hồi ức dưới đây cho thấy ký ức về người bác ruột – nhà văn Khái Hưng trong ông vẫn sắc nét.

Bác Khái Hưng trong mắt tôi

SGTT.VN – Ngày đó, tôi còn nhỏ, được cha mẹ gửi lên Hà Nội ăn học. Có lúc ở nhờ nhà ông chú trong Hà Đông, lắm khi lại đến ở với bác Khái Hưng. Tới giai đoạn tờ Phong Hoá bị đóng cửa, nhóm Tự lực văn đoàn dồn sức cho tờ Ngày Nay thì tôi về ở hẳn với vợ chồng bác. Nhóm Tự lực văn đoàn, ai cũng nhà cửa tươm tất, riêng bác tôi lấy toà soạn làm nhà. Cơ ngơi của báo Ngày Nay là một căn nhà hai tầng nằm ở số 80 phố Quán Thánh. Toàn bộ tầng dưới là nhà in. Tầng trên có ba phòng. Một phòng tiếp khách kiêm thư viện, lưu trữ rất nhiều sách quý. Phòng rộng hơn cả là nơi bác tôi làm việc như một tổng biên tập. Cứ đến cuối tuần, thì căn phòng này lại trở thành điểm hẹn của giới văn nghệ sĩ. Họ đến đông lắm, người hát, người ngâm thơ, người chơi đàn. Thi thoảng, lại có những đêm ca trù. Còn một phòng nữa dành cho hai vợ chồng bác.

NSND Trần Bảng. Ảnh: Hi Lam

Không khí của một toà soạn báo, khỏi phải nói ai cũng biết, lúc nào cũng tấp nập. Nhất là mỗi bận ra báo, cả nhà in chạy rầm rập, đến nỗi sàn gỗ tầng trên rung bần bật. Tôi đang ở tuổi ăn, tuổi ngủ cũng không thể ngủ được. Ấy vậy mà bác tôi thì cứ viết văn, viết báo, biên tập, dịch sách đều đều, quên ngày, quên đêm. Thấy ông vắt kiệt sức như thế, tôi cứ tưởng bác mình… bất hạnh lắm. Sau mới nhận ra, kỳ thực, ông đang rất thoả nguyện. Phải chứng kiến những khi ông háo hức giở từng trang báo vừa in xong, còn nguyên mùi mực, mới cảm nhận hết niềm hạnh phúc của ông. Thế nhưng, bác gái tôi mới là một người vô cùng đặc biệt. Rất kiệm lời và luôn nhỏ nhẹ, khoan thai, bà như một hình bóng lặng thầm, nhưng rất đỗi dịu mát giữa toà soạn báo ồn ã, náo nhiệt ấy. Cuộc sống khó khăn, bữa cơm nhiều khi chỉ có canh với rau muống luộc. Nhưng từng ngọn rau muống vẫn được bà tỉ mẩn bày gọn ghẽ, đều tăm tắp trên đĩa. Sự chăm sóc giản đơn mà tinh tế ấy đã thổi vào cái tổ ấm tạm bợ của ông bà chút hơi hướng gia đình thực sự. Không có con, bà gắn bó toàn vẹn với chồng. Bởi thế, khi nghe tin ông mất, cuộc sống với bà không còn ý nghĩa. Bác gái tôi cũng ra đi ngay sau đó.

Nhà văn Khái Hưng, ảnh chụp thời trẻ tại Sa Pa Ảnh: ảnh do gia đình cung cấp

Những năm tháng sống bên bác Khái Hưng, tôi có cơ hội thường xuyên gặp gỡ các thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn. Tuy đồng chí hướng, nhưng mỗi người một tính cách. Nhà văn Nhất Linh là người có sức ảnh hưởng rất lớn đến đồng nghiệp, và là một nhà chính trị thực thụ. Nhờ tài tổ chức, quản lý và những ý tưởng mạnh bạo, tiên tiến của ông nên tờ Phong Hoá và Ngày Nay mới phát triển rực rỡ như thế. Tôi vẫn nhớ, hồi đó, mỗi lần ra báo là bạn đọc háo hức đón đợi trước cả tuần. Cánh sinh viên, học sinh mê mệt các cây bút chủ lực của báo, nhất là Khái Hưng, đến nỗi đứng chờ hàng giờ trước cửa toà soạn để mong gặp mặt. Nhà văn Trần Tiêu, cha tôi, thì lại là một người vui tính, hóm hỉnh. Năm 1933, bà nội tôi tuổi cao sức yếu, bác Khái Hưng không thể rời toà soạn nên cha tôi thay anh về Hải Phòng chăm sóc mẹ già. Vì thế, ông được giao viết mảng nông thôn. Hầu hết những nhân vật của ông đều có nguyên mẫu là người làng, nên khi đọc, thấy rất thân thuộc, gần gũi. Cha tôi quan sát rất tinh và truyền tải những cảm nhận của mình vào tiểu thuyết bằng giọng điệu hài hước. Cho dù là khen ngợi hay phê phán thì cũng dễ nhận ra ông có một tình yêu thực sự với nông thôn.

Trong mắt tôi, Khái Hưng là một con người tuyệt vời, một tâm hồn nghệ sĩ tràn đầy mộng mơ, hồn nhiên, trong trẻo và ngây thơ đến kỳ lạ. Ông nhìn cái gì cũng thấy tươi mới, thậm chí nhìn cái cũ cũng vẫn thấy mới. Ông rất yêu động vật, thường dành cả tiếng chơi đùa với con mèo cưng. Ông cũng rất yêu cây cối. Lúc đầu, tôi cứ tưởng bác tôi thơ thẩn bên hoa cỏ là để lấy cảm hứng viết văn. Nhưng, hoá ra, ông yêu thiên nhiên thật. Có khi bác gọi giật tôi lại, chỉ để chỉ cho tôi thấy một con cánh cam óng ả, một con chuồn chuồn ớt đỏ rực trong nắng. Hoặc có khi tôi bắt gặp ông cầm cái que nhỏ, thích thú đấu kiếm với… con bọ ngựa đậu trên cây. Sự hồn nhiên quá đỗi ấy, cộng thêm sự ngây thơ hiếm thấy trên đời, đã khiến bác tôi gặp nạn. Ông bước vào chính trị theo kiểu… a dua, chủ yếu vì trọng tình bạn keo sơn với nhà văn Nhất Linh. Không ít lần ông tính theo cách mạng, vì một tình cảm cũng rất hồn nhiên, nhưng lại nể bạn mà thôi. Trong thời điểm Nhất Linh và những nhân vật chủ chốt khác bỏ chạy ra nước ngoài thì ông bình thản ở lại toà soạn, hồn nhiên thông báo: “Mình sẽ đi theo kháng chiến”. Hôm đó, sốt ruột không biết bác mình ra sao, tôi tìm đến toà soạn báo Ngày Nay. Đúng lúc ông chạy ra đón tôi thì xe điện xình xịch lao qua. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ, bác tôi vẫy tay chào và hét to: “Mai bác đi kháng chiến!” Đó là lần cuối cùng tôi được gặp bác Khái Hưng.

NSND TRẦN BẢNG (HƯƠNG LAN GHI)

Ngay từ nhỏ, NSND Trần Bảng đã được cha và bác hướng theo con đường văn chương. Bài học đầu tiên cậu bé Trần Bảng tiếp thu là: nếu đã mê cuốn sách dịch nào thì phải tìm cách đọc bằng được bản gốc, tức phải biết thật nhiều ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, Pháp, Trung. Thấy ông bắt đầu với các tập truyện ngắn hiện đại, các cụ liền giáo huấn: “Đã đọc văn học nước ngoài, phải đọc từ cổ điển”. Và thế là, Bồ Tùng Linh, Goethe, Shakespeare… và không ít kịch bản kinh điển của sân khấu thế giới trở thành sách gối đầu giường của Trần Bảng. Sau này, khi tham gia kháng chiến, không có cơ hội viết văn, nhưng cơ duyên lại đưa ông đến với nghệ thuật chèo. Và chính nền tảng văn học năm xưa đã góp phần đưa Trần Bảng trở thành một tên tuổi lớn, ông “trùm” của sân khấu chèo Việt Nam.