Tôi làm dự án trồng rừng, với công việc này tôi thường hay có mặt ở những nơi xa xôi hẻo lánh nhất. Vùng đất tôi đến lần này thuộc một xã vùng ba của huyện Bắc Mê, nơi cách xa quê tôi gần trăm cây số. Vậy mà không ngờ tôi lại được gặp những người đồng hương ở đây, trong một bản người Dao.

Những năm chiến tranh biên giới nổ ra, quê tôi nằm gọn trong tầm đạn pháo địch bởi vậy tất cả đều phải bỏ đất, bỏ nhà đi sơ tán. Tôi chỉ không hiểu vì sao những người Dao này lại chạy đến tận nơi xa xôi như vậy. Khi tôi hỏi nguyên do, họ đã kể cho tôi nghe một câu chuyện về những ngày tháng xa xưa ở quê hương tôi. Câu chuyện gắn với cuộc đời kỳ lạ của một người đàn bà và những đồng bạc già đầy mê hoặc.


Người kể câu chuyện cuộc đời bà ké cho tôi là Keng. Anh ta được sinh ra ngay khi bố mẹ chạy giặc Tàu tới mảnh đất này.

Lúc bà Ẳn mới mười sáu, mười bảy. Ẳn không giống những cô gái cùng bản. Thường cô nào cô nấy bắp chân ngắn tủn đen đúa, mặt sưng mắt xếch. Ẳn thì khác, từ cặp chân dài và dáng người cân đối, dễ ưa đến nước da trắng hồng. Cô cũng chẳng hề thua ai trong việc leo núi, xuống ruộng, bốn bên vách và dưới gầm sàn chất đầy củi. Ở thôn Khuổi My này từ trước tới giờ chưa ai có được nhan sắc ấy, và sau này cũng vậy. Ấy là lời những người mê Ẳn nói với nhau. Con gái người Dao tầm tuổi Ẳn thường đã về nhà chồng cả, vậy mà Ẳn vẫn chưa đám nào rước, ấy không phải do cô. Nhà chỉ có Ẳn là con gái, lại xinh đẹp khác người, cha cô thách cưới con gái cao lắm. Tiền thách cưới đương nhiên tính bằng bạc trắng, bốn mươi đồng bạc trắng là số tiền thách cưới bất kỳ ai muốn có con gái ông phải bỏ ra. Thứ tiền to gấp đôi đồng xu Bảo Đại ấy, cái thứ trắng lạnh xoa vào nhau cứ phát ra tiếng choành choạch ấy, từ lúc Tây về gom hết bạc của dân rồi đúc ra ai cũng mê. Nhưng từng bản người Dao ở tổng này hỏi được bao người có nổi chục đồng bạc ấy. Thế nên trong những cuộc kháo nhau về món tiền thách cưới Ẳn, bọn ác miệng thường nói:

– Bảo thằng bố mê bạc của nó mang con lên mà gả bán cho người làm ra bạc ấy.

Đồng bạc trắng hoa xòe, Ẳn từ khi sinh ra mới thấy một lần chứ chưa được đụng vào. Vậy mà hôm ấy Ẳn nhìn thấy nhiều, thật nhiều. Từ trong buồng nhìn ra qua phên nứa, Ẳn thấy bố mình ngồi tiếp hai người đàn ông. Họ nói những gì cô nghe không rõ. Lúc sau, một người ước chừng bốn mươi, cao to mắt như mắt rắn, nâng túi bên cạnh lên rồi dốc ngược nó. Những mảnh bạc tròn rơi xuống giữa bố cô và người kia, bạc trắng lóa sáng cả nhà. Ẳn thấy bố luồn những ngón tay đen đúa vào đống bạc, bàn tay to bè không sao mà vốc hết được. Bạc lạnh rơi, kêu lạch xạch, hai mắt bố cô tròn xoe. Thế là Ẳn về làm dâu thôn Nà Thác dưới chân đồn Tây. Người dám bỏ ra đống bạc là lão Cùi, để cưới cô về cho thằng con. Chồng cô là thằng Dùi nó mới mười ba. Ngày đón dâu, thấy Ẳn nó đừ người ra, vì mê cô.

Đêm đầu tiên về làm dâu, thằng Dùi uống say ngất mới dám chui vào buồng với cô. Nó thấy cô ngồi thu một góc mà khóc nên chẳng biết nói gì, làm gì. Thế là nó lăn ra ngủ. Sau đám cưới, Ẳn với chồng lúc chăm lúa, khi lấy củi nhưng chẳng nói chuyện với nhau. Xong việc Dùi chỉ nói “về thôi”.

Hai tháng sau, lão Cùi bắt dâu con làm cỗ nói để thết quan Tây. Lão sai mổ trâu, mổ lợn… Hôm ấy, tiệc còn lớn hơn bữa cưới Ẳn. Đến chiều tối, lão gọi cô ra một góc, bảo cô tắm rửa thay quần áo đẹp vào. Ẳn không nghĩ gì chỉ gật đầu làm theo lời bố chồng. Gà lên chuồng thì quan Tây và tùy tùng xuống ăn cỗ. Ẳn phải ra tiếp rượu quan Tây với đám gái bản bố chồng gọi về. Cô mặc áo tự may, áo đen viền đỏ, khăn đính bạc đến là đẹp. Bố chồng bắt Ẳn ngồi cạnh quan Tây, bắt chuốc rượu cho quan. Ẳn đã trắng, đã đẹp, uống rượu vào càng đẹp. Ẳn ngồi bên quan Tây mặt mày, chân tay đầy lông lá, to kềnh thực không khác nàng tiên bên con trâu đực. Đến khi quan Tây ngà ngà say, một tay nâng chén chuốc Ẳn, mồm nói “bông hoa của núi rừng”, tay kia đặt lên đùi Ẳn thì gian dưới người ta cũng thấy lão Cùi một tay túm vai thằng con, một tay vả vào mặt nó. Lũ lính Tây say xỉn thấy cảnh ấy thì cười hô hố. Ẳn sợ quá đánh rơi cả chén rượu, đứng lên chạy vào buồng. Quan Tây ngả người với theo túm chân cô, quan say vồ trượt lăn kềnh ra cười sằng sặc. Ẳn khóc như mưa. Lão Cùi sai người nhà tống thằng con xuống dưới, xong lão xộc vào buồng con dâu bắt ra tiếp rượu quan. Bọn lính Tây đang ngả ngốn cười, thấy sếp ngã chúng hè nhau đỡ dậy rồi khiêng luôn vào buồng Ẳn. Đêm ấy sau hơn hai tháng về làm dâu, Ẳn mới trở thành đàn bà nhưng trớ trêu thay người ngủ với cô lại không phải chồng. Từ đấy Ẳn trở thành vật mua vui cho quan Tây. Ẳn không phải làm gì, cũng chẳng bị ai trông coi quản thúc. Bởi tờ mờ sáng hôm ấy Ẳn bỏ về nhà ôm chân mẹ mà khóc. Cha Ẳn ngồi gục đầu chỉ nói: “Bạc người ta tao nhận rồi, tiêu rồi, mày là ma của nhà người ta rồi.’’ Ẳn lại lủi thủi trở về. Lão Cùi bảo cô ở nhà, chỉ khi nào quan Tây xuống thì bắt nấu nướng, hầu ngủ quan. Mỗi lần, quan Tây ngủ với cô hắn lại đưa ra một nắm bạc, xoa lên bầu ngực căng tròn, làn bụng phẳng lì của cô. Quan Tây về, Ẳn cứ  mặc những đồng bạc trắng lạnh trên người mình, hai mắt nhìn lên mái nhà, trên đấy một mạng nhện có con bướm từ khi nào đang giãy giụa không sao thoát được. Cô cứ nằm vậy đến khi đứng lên mặc quần áo, những đồng bạc bám lấy da thịt cô không khác gì những con vắt không rơi.

Mấy ngày sau, lão Cùi đưa người nhà theo hai lính Tây đi gom hết thanh niên trai tráng trong các bản người Dao, người Tày rồi đưa họ mở đường lên đỉnh Khau Phạ san đất, xẻ đá, xây đồn cho Tây. Người Pháp, sau khi chiếm Hà Giang thì chia làm các tổng để cai trị, lúc bấy giờ Phương Độ là một trong các tổng ấy. Pháp chiếm đến đâu xây đồn đến đấy. Ở Phương Độ chúng cho xây một căn cứ nhỏ giữa bản Nà Thác. Bữa trước quan tổng trấn bắt lão Cùi đưa lên đỉnh núi cao nhất trên bản, đỉnh Khau Phạ. Từ đấy nhìn ra được khắp những đồn bốt xung quanh, lại mát mẻ quanh năm. Quan hài lòng lắm, quyết cho xây đồn ở đây.

Đêm nào lão Cùi cũng ôm hòm đựng bạc, mang từng đồng để trên đầu ngón tay, đưa lên sát tai rồi búng. Lão ưa nhất là nghe tiếng bạc ngân, nghe cái tiếng phát ra khi búng ngón tay vào đồng bạc. Lão biết quan Tây còn mê con dâu hờ của lão thì bạc già còn đến tay lão nhiều. Lão cũng không phải lo người Tày, người Kinh hớt tay trên. Đối với thằng con sau đêm tiệc thết quan, lão cho người đưa nó lên nương thảo quả giữa rừng già, bắt ở đấy trông, cấm về. Thằng Dùi còn nhỏ quá, nhưng nó cũng biết nghĩ, nó biết bố nó cưới Ẳn về là để cho quan Tây. Nó hận nó còn nhỏ, chưa có bắp tay bắp chân cứng như gỗ sến, gỗ lim. Cứ nghĩ cảnh quan Tây lông lá, bò vào buồng vày vò Ẳn là nó sôi máu. Hơn hết, khi gặp ánh mắt u sầu của Ẳn nó thấy người run lên uất hận. Bị bố đuổi lên ở giữa rừng già, Cùi không mang cơm gạo chỉ có con dao với cây nỏ. Đói nó săn thú rừng mà ăn, khát uống nước nguồn mát lạnh. Thi thoảng người ta vẫn bắt gặp nó xuống bản. Nó xuống trộm ngắm vợ.

Trong cả tổng Phương Độ lúc bấy giờ không có nhiều thợ làm đá. Ngoài vài người khắc bia, đục cối ra thì đám còn lại chỉ biết quai búa là khá rồi. Cả tổng, nhà cửa đều làm bằng gỗ. Tìm thợ xẻ gỗ thì dễ, giờ quan bắt tìm thợ xẻ đá, lão Cùi lo lắm, không vừa lòng quan thì nguy. Thế mà cái nguy ấy tới thật, chỉ mấy bữa sau, lão thấy lính Tây dong lên một đám người lạ hoắc. Họ ăn mặc xác xơ, mình mẩy người nào cũng hệt cây nứa tép khô, vậy mà khi nhìn vào mắt họ lão thấy lành lạnh sau gáy. Có đường lên, có đá tốt, có phu xẻ, quan Tây giục lão Cùi nhiều hơn. Đỉnh Khau Phạ tít tắp lưng trời, với người trong tổng, đó là đỉnh núi cao nhất trên đời. Từ rừng thảo quả đi lên đến đó cũng phải mấy tiếng, chỗ thì cây cối trùng điệp không thấy mặt trời, đồi nào thưa cây thì hổ, sói vô kể, quanh năm giá lạnh. Người Dao, người Tày, từ xưa đều nói lên đến đó là tới trời rồi. Vậy nên mới gọi là Khau Phạ – tức sừng trời. Việc xẻ đá làm đúng giữa đông, lúc này bao phủ khắp nơi là những cơn lạnh thấu xương. Dưới các bản trời âm u xám xịt. Trên mỏ đá từ lúc bước vào mùa đông trời cứ mưa không ngớt, lạnh càng thêm lạnh. Trời đất khắc khổ vậy, người sinh ra ở đây chịu đựng đã cực, phu xẻ từ xuôi lên cực gấp đôi. Từ mỏ đá lên tới chỗ xây đồn ước chừng một cây số, vừa dốc vừa trơn, khuân đá chỉ một người trượt chân, hòn đá từ vai người đó sẽ lăn xuống người sau. Sợ nhất là những đòn roi từ lão Cùi và tay chân của lão. Một phần, vì muốn làm hài lòng quan Tây, một phần vì lão vốn ác cảm với những người này. Vậy nên đoàn phu xẻ hơn ba mươi người sau một tháng đã có hai người phải vùi xác nơi núi rừng. Một người chịu cực không nổi đang đêm lẻn trốn đi bị thú rừng vồ chết. Người thứ hai chính tay lão Cùi làm chết.

Buổi đấy lão về nhà. Cơm rượu xong xuôi khách về hết, lão đang ngồi mân mê hòm bạc, thì Ẳn đi vào. Cô đổ bốn mươi đồng bạc trước mặt lão rồi nói: “Tôi trả tiền sính lễ cha tôi nhận của ông. Ông cho tôi về nhà!” Con gái người Dao đi lấy chồng gặp nhà tốt thì chăm chỉ làm lụng cung phụng nhà chồng, phải nhà xấu là bỏ về với bố mẹ đẻ không ai chê trách, miễn hoàn tiền thách cưới là được. Lão Cùi thấy vậy chẳng buồn nhìn Ẳn, tay vơ bạc bỏ vào hòm nói: “Bạc ai cho mày tao không cần biết nhưng mày đã là ma nhà tao, ở nhà tao thì tiền này cũng là của tao”. Ẳn nghe vậy chỉ biết câm lặng về buồng. Cô nhìn những đồng bạc còn lại trong buồng, những đồng bạc sau mỗi lần ê chề thân xác được rắc lên người cô. Bạc trắng lạnh tanh gặp cơ thể trắng hồng nóng hổi của cô cứ bám lấy không rời, vậy mà chúng chẳng giúp cô thoát được cảnh tủi nhục. Ẳn gom một nắm bạc ném ra cửa sổ, một hấp lực kỳ lạ giữ chúng không rời tay cô. Những lúc phải hầu hạ quan Tây, Ẳn thoát y, bạc vương khắp buồng tự động lăn về phía cô. Cô chẳng tâm trạng đâu để ý, chỉ quan Tây thấy kỳ dị thì vô cùng thích thú. Ẳn ném bạc, bạc không đi, cô cởi hết quần áo trên người, khi cô nằm xuống những đồng bạc cũng động đậy… Bên kia, lão Cùi đương ôm hòm bạc, dùng dằng không sao đậy nắp được, đúng lúc ấy thì lão gặp chuyện kinh hãi nhất trần đời. Những đồng bạc trên cùng rung lên rồi từng đồng lăn khỏi buồng lão vào buồng Ẳn.

Từ lúc gặp chuyện, lão Cùi mất ngủ cả đêm, trời gần sáng lão thiếp đi. Trong cơn mê lão thấy mình đứng trước cửa buồng Ẳn, bên trong Ẳn trần truồng những đồng bạc trắng bám kín người cô. Rồi Ẳn đứng dậy bước ra cửa, đi xuyên qua người lão mà không bị cản lại. Cô đi xuống cầu thang, ánh sáng bên ngoài chiếu vào cô lấp lánh. Lão hoảng hốt chạy theo, lão thấy cô cố bóc những đồng bạc trên người mà không được. Từ mắt cô hai hàng nước mắt đặc sệt, lấp lánh bạc chảy xuống. Rồi lão thấy cô đi về phía chum lớn để hứng nước từ máng, nước chảy tràn. Cô nhúng tay vào đó bạc rời ra, hóa thành nước. Lão Cùi kinh hãi, chạy lại kéo cô ra, đổ nước trong chum đi. Lão không thấy bạc ở đáy, giận dữ lão lôi Ẳn đến gần chum rồi bắt cô vào đấy. Lão vần đá đậy nắp chum, chum động đậy một lúc rồi im. Khi lão vần đá xuống, không thấy Ẳn đâu chỉ thấy bạc trắng tràn chum. Tỉnh dậy lão không dám đi làm, cứ quanh quẩn từ buồng ra gian giữa trước cửa buồng Ẳn. Lão đang bồn chồn như vậy thì một tên tay chân chạy lên báo có chuyện ở mỏ đá. Lão chỉ kịp ra lệnh cho tên này không cho bất kỳ một ai ra khỏi nhà rồi đi. Tới bãi đá, đập vào mắt lão là cảnh những người phu xẻ ngồi tụm lại với nhau bên đống đá ngổn ngang. Mấy tên gia nhân chạy lại phía lão, chỉ tay vào một phu xẻ chừng ba mươi tuổi nói: “Chính tên này xúi giục cả lũ ngừng việc”. Lão Cùi tiến về phía kẻ đó, cả khu mỏ đá im phăng phắc, chưa nhìn thấy khuôn mặt lão như lúc này. Người phu chưa kịp nói gì, một tiếng “binh” khô khốc vang lên, thân hình gầy còm của anh ta bắn văng ra xa, rơi xuống đống đá. Những người phu bật dậy, có tiếng súng chỉ thiên. Lão Cùi mặt trắng như người chết rồi, chĩa súng vào đám phu đang sục sôi gằn lên từng tiếng: “Lũ chúng mày đứa nào làm phản tao bắn, tao giết!” Lúc sau, quan Tây và lính đến, mọi sự mới dịu đi. Buổi làm việc hôm đấy chỉ những phu trong tổng đi làm, phu từ xuôi lên được gom về lều tạm. Nguyên đêm ấy, sau những ngày chịu đựng cực khổ, và sự đối xử tàn tạ của lão Cùi, một phu xẻ đá bỏ trốn bị thú vồ chết. Đám phu xin nghỉ tìm xác bạn. Lão đang uống rượu ở nhà chỉ nói “không cho thằng nào đi đâu cả”. Sáng sớm, họ lại xin, nhưng không được nên xúi cả phu trong tổng đình công. Phải ngày khác lão sẽ không tự mình xuống tay và cũng không mạnh tay như vậy. Đến chiều tối thì người phu kia chết, máu từ cơ thể gầy gò cứ chảy ra từ đầu anh ta sau cú đập vào đá sắc. Những người phu khốn khổ đề nghị với tổng trấn phải tôn trọng tính mạng của họ và chấm dứt sự đối xử tồi tệ của lão Cùi. Những yêu cầu của họ phần nào được đáp ứng. Lão Cùi bớt đánh đập họ, nhưng với bản tính đa nghi, gian xảo, lão lờ mờ thấy đám này có dấu hiệu lạ và nghĩ cách hạn chế bọn họ tiếp xúc với phu trong tổng.

Hơn một năm số đá cần để xây đồn mới được chuyển lên hết. Lúc này không một ai trong tổng dám nghĩ đến chuyện Tây bị đuổi ra khỏi vùng đất này. Người Pháp càng không tin có chuyện đó. Ẳn về làm dâu hờ cho nhà lão Cùi, ê chề làm vật mua vui cho quan Tây hơn một năm thì thấy quan Tây bớt xuống vày vò mình hơn, khi xuống cũng không còn mang bạc rắc lên người cô nữa. Cô thấy lão Cùi cũng không hay vắng nhà như trước, công nợ xưa nay lão đều cho người đi đòi về cả. Đối với Ẳn, lão cho người quản chặt hơn. Đó là những ngày tháng người Nhật với thanh kiếm của họ đã lên tới Hà Giang. Người Pháp cao to, súng ống đầy đủ không dám làm gì họ. Thóc lúa thu của dân, người Nhật đòi lấy, Pháp không dám không cho. Cả Vị Xuyên và các tổng lân cận người Nhật chiếm hết, duy còn tổng Phương Độ chúng chưa đụng đến. Tổng trấn và tay sai chưa bị o ép nhiều, nhưng dân thì đã khổ lắm, lúa gạo làm ra không kịp cho Pháp thu, Nhật cướp nói gì đến ăn. Phải vào rừng, săn thú, đào củ mài mà ăn, hết thì ăn củ nâu, ăn lõi cọ.

Thế rồi người Nhật cũng xuống tay với người Pháp. Khắp tổng truyền tai nhau rằng: “Tây ở trong lô cốt thò ra một thằng thì Nhật lấy kiếm đâm chết một thằng.” Bọn Tây như cá nằm trên thớt, chỉ còn một đường trốn sang Trung Quốc. Lão Cùi được gọi lên để thu dọn đồ đạc cho quan, quan cho lão đi trốn cùng. Nhưng ấy là ý quan, còn lão từ lúc người Nhật lên Hà Giang, rồi thấy người Pháp khúm núm với chúng, lão bỏ một buổi đi xem người Nhật là loại gì mà khiến Tây đen, Tây trắng sợ. Đến khi nhìn thấy một lũ thấp tè, vàng ủng như mình, trần truồng tắm ở sông Lô thì lão nghĩ về thằng Tây đã khác. Lão không khinh ra mặt, nhưng đã tính trước có ngày hôm nay. Lão có chủ ý riêng. Thế nhưng mọi tính toán của lão đều đổ bể. Thu dọn xong đồ cho quan, lão xin về nhà lấy đồ của mình rồi sẽ mang Ẳn chạy cùng với quan. Quan Tây đồng ý, giục lão đi sớm. Lão giắt dao đi đến gần khe xẻ đá thì bị một đám người nhảy ra đè ghì xuống.

Đó là đám phu mà bấy lâu lão hành hạ. Tây lo chạy, lão cũng bấn nên quên phéng bọn họ. Họ trói gô lão lại rồi năm người giải lão xuống bản. Đám còn lại hè nhau đuổi theo Tây, họ hẹn nhau ở nhà lão. Lúc này đang mùa thu, trời không một gợn mây, rừng núi hanh hao vàng. Bỗng nhiên mây đen từ đâu kéo về, những cánh rừng nhanh chóng chìm vào bóng tối âm u dù đang trời chiều. Bọn họ giải lão đến cánh rừng sau nhà thì trói lão vào gốc cây sồi đang ngả nghiêng trong mưa gió. Sau đó chúng chia nhau bao vây ngôi nhà. Lão Cùi sớm đã đề phòng bọn người “Việt Minh”, vậy mà chỉ chút sơ hở mà ra nông nỗi. Lúc này nghĩ tới sự trả thù của bọn phu, lão gục đầu căm hận, sợ hãi tột độ. Đúng lúc tuyệt vọng lão thấy dây trói lỏng ra, lão chúi người về phía trước. Ngẩng đầu lên qua màn mưa, lão thấy một người trẻ tuổi cao lớn đứng trước mặt mình. Không ai khác chính là thằng Dùi, nhưng giờ đã khác lúc bị lão đuổi vào rừng lắm.

Chưa kịp nói gì lão đã nghe nó nói: “Ông đi khỏi đây đi, họ không tha ông đâu! Quan Tây của ông bỏ chạy, tôi đã bắn mũi tên vào tim nó rồi.”

Lão nhìn thằng con rồi nói:

– Mày là con tao, chúng nó cũng không tha mày đâu.

– Tôi biết, những người đi đào củ mài đã nói cho tôi biết rồi, nên tôi đến đón vợ tôi đi đây.

Dùi nói xong thì chạy xuống nhà, lúc này trời mưa tầm tã, nước trút lá trôi, sấm chớp chằng chịt như xé trời. Trên nhà lửa bếp sáng rực, hai người thân cận lão Cùi đã gục. Những người phu kia đang lục tìm đồ đạc. Ẳn vẫn bị nhốt trong buồng. Khi Dùi lên nhà, đám phu không nhận ra nó, lúc sau một người Dao trong họ mới nhận ra. Lửa từ bếp sáng rực, bọn kia xúm vào vây quanh Dùi. Khi họ định bắt nó thì ván dưới chân họ rung lên rồi gẫy đôi. Chỉ trong một ánh chớp lóe lên, lão Cùi đã hạ gục nhóm phu đang choáng váng sau cú rơi xuống gầm sàn. Nền đất ngổn ngang xác người và ván. Dùi chạy lên nhà phá cửa buồng. Ánh lửa từ bếp giúp Ẳn nhận ra Dùi.

– Ẳn đi với tôi!

Dùi nói rồi không đợi cô trả lời, nó lôi cô đi. Lúc này lão Cùi cũng đã ở trên nhà, lão sục vào buồng lật tung chăn chiếu tìm bạc. Rồi như sực nhớ điều gì lão xách túi bạc đuổi theo Dùi và Ẳn. Ngoài trời mưa to hơn, nước đã chảy tràn cả nền nhà, gió mạnh tấp cả mưa và lá cây vào mặt người. Qua làn chớp giật lão thấy Ẳn và thằng con đang đi xuống đồi cọ, lão đuổi theo. Lão giằng Ẳn ra khỏi Dùi. Xong lão nhìn Ẳn rồi nói:

– Bạc trắng còn trên người mày đúng không? – Nói xong lão toan đưa tay xé áo cô ra. Ẳn gạt tay lão rồi nói:

– Ông đừng đụng vào người tôi, bấy lâu vì những đồng bạc trắng mà ông biến tôi thành trâu ngựa cho ông. Giờ tôi không nghe ông nữa, bốn mươi đồng bạc này tôi sẽ đưa ông, tôi sẽ chuộc thân, ông phải cho tôi về nhà!

Ẳn định đưa tay vào trong áo bứt bạc cho lão thì Dùi ngăn cô lại.

Nó nói: “Ẳn không phải chuộc thân gì hết, thằng quan Tây chết rồi, chính tay tôi giết nó trả thù cho Ẳn rồi. Ẳn là vợ tôi, đi với tôi, mình đi chỗ khác sống với nhau thôi.”

Trong cơn mưa gió, những thân cọ vật vã giữa nền trời đen kịt, dưới ánh chớp chúng như những người khổng lồ khua kiếm lên cố chống lại ông trời. Nước mưa từng vốc đổ xuống từ các tàu cọ, sương mù bốc lên, mọi thứ càng trở nên hư ảo. Giọng nói của ba con người nhỏ bé nhòa vào những âm thanh nguyên sơ đất trời và đêm tối. Lúc này, lão Cùi đã bị thằng con tách ra khỏi Ẳn. Lão nhìn cô trừng trừng, khiến Ẳn sợ ánh mắt quái dị của lão. Chẳng ai biết trong đầu lão nghĩ gì. Chỉ thấy lão cứ nhìn Ẳn như thế. Lúc sau, lão cười rống lên những tiếng hoang dại, cơ hồ mưa và sương mù như bị tiếng cười ấy làm cho ngưng đọng. Rồi lão Cùi bỗng vung cán dao vào gáy thằng Dùi, lão chẳng buồn nhìn nó ngã xuống. Lão kéo Ẳn đi, vừa kéo lão vừa nói: “Trời đất cho ta tiên bạc, ta chôn đi là có bạc. Bạc trắng đầy tràn, ta đi chôn tiên bạc lố.” Lão cứ lẩm nhẩm những câu vô nghĩa. Người lão tràn đầy sức lực, lão lôi Ẳn đi lên cánh rừng chỗ lão bị trói ban nãy. Lão thấy mình bắt Ẳn đào đất dưới một gốc trám, lão thấy mắt Ẳn lại có hai hàng lệ đặc sệt ánh bạc. Khi phiến đá mỏng lấp miệng hố được lật lên, lão lại ngửa cổ lên trời cười sằng sặc. Rồi lão thấy mình ấn đầu Ẳn vào miệng hố giấu của tròn như cái mâm. Chớp giật, đất trời sáng bừng lên. Giây lát lão thấy hai tay mình ghì lấy đầu Ẳn. Giây lát ánh sáng chiếu cả xuống đáy hố sâu, bạc trắng ứ ự, sáng lóa. Ánh sáng tắt, một tiếng nổ long trời kèm theo một luồng sáng xanh lét giáng xuống. Cây trám bằng hai người ôm bị phạt đứt ngọn, lão Cùi thân thể khô đét lao đầu xuống hố giấu của. Ẳn tỉnh lại, không thấy lão Cùi đâu chỉ thấy cây cối ngổn ngang, trời đất khét lẹt, mưa gió gầm rú. Ẳn xuống đồi cọ lay Dùi tỉnh dậy. Lá cọ che mưa cho họ chạy khỏi vùng đất không còn chốn dung thân…

*


Nghe xong câu chuyện, tôi tự hình dung về quãng đường còn lại đã dẫn hai người đến vùng đất này. Những vùng đất họ đi qua và không dám dừng chân, cho tới khi đến đây. Nghĩ về quê hương mình với bao thăng trầm đã đi qua, với bao con người đã sống những tháng ngày khốc liệt.

Keng cắt mạch nghĩ của tôi bằng việc kể tiếp chuyện về sau ông Dùi trở lại Phương Độ tìm xác cha và đón gia đình vợ. Chuyện sau đó con cháu của ông bà theo chân hai người đến vùng đất này khi chạy trốn khỏi đạn pháo Tàu. Trước đây tôi không hề biết cuộc đời của một người lại có thể liên quan đến sự hình thành cộng đồng nhiều đến vậy.

Bà ké chết trong lúc đi nhặt củi để nấu rượu, cả cuộc đời bà từ khi đến mảnh đất này chỉ làm một việc đấy. Những lúc khó khăn nhất bà cũng không bao giờ đụng đến số bạc đã gắn với cuộc đời bà. Bốn mươi đồng bạc trắng hoa xòe. Có người bảo bà giữ chúng chẳng được sự gì đâu, chết rồi con cháu chẳng chôn chúng theo bà đâu. Bà kệ.

Trong đám tang người ta vẫn kể lại chuyện đời bà. Bên xác bà, con cháu đặt những đồng bạc trắng tinh. Những đồng bạc ấy, chỉ lúc nữa thôi sẽ được con cháu hơ trên lửa để người chết ngửi thấy mùi.

Nguồn Văn nghệ số 3/2016