Hoàng Ngọc Điệp

Chúng mình sắp chết. Thật đấy. Chẳng phải ta đã già khú đế sao. Người đàn ông nói rồi cười, tiếng cười lạnh buốt, như thoát ra từ huyệt mộ. Mà này. Lâu nay em vẫn gặp thằng Hiển đấy chứ? Cái thằng khốn nạn… Anh hận nó… Thôi đi. Người đàn bà gần như hét lên. Vớ vẩn. Đang sống sờ sờ mà cứ bảo sắp chết. Bộ anh thích chết lắm hả? Và điện thoại cắt cái rụp.

Kiểu nói chuyện với những lời lẽ kỳ quặc, nhấm nhẳn, chua chát… như vậy thường lặp đi lặp lại từ hơn tháng nay. Đó là những cuộc điện thoại giữa Nhiên và Toàn. Thật sự Nhiên đã chán ngấy những cuộc trò chuyện vô bổ, khiến chị mất ngủ vào lúc một, hai giờ sáng. Nhưng, giống như món nợ tiền kiếp đến hồi phải trả, Nhiên không thể khước từ Toàn. Anh là bạn học và là mối tình đầu của Nhiên. Nhiều năm trước vợ chồng Toàn ly hôn, đứa con trai được tòa “chia” cho Toàn chết trong tù vì sốc “ hàng trắng”. Nhưng chị vẫn không nghĩ anh bạc nhược đến vậy. Sức chịu đựng về mặt tinh thần của Toàn thật kém.

Không ngờ Toàn chết thật. Vì quá suy nhược.

Buổi trưa Nhiên ra đại lý mua vé máy bay về Hà Nội, đến thẳng nhà nghỉ ven sông hồng. Sáng mai Hưng, một bạn học cũ sẽ đưa chị đi thắp hương cho Toàn.

Hà Nội cuối thu. Heo may se sắt. Suốt đêm Nhiên chập chờn dở thức dở ngủ. Mơ hồ đâu đó tiếng sông Hồng rì rầm, tiếng lao xao ở bến xe khách và khu chợ đêm. Những hồi ức dịu ngọt và cay đắng của mối tình đầu khuấy đảo Nhiên. Trong đầu chị khi là cái dáng loắt choắt của cậu bé con mắt một mí, láu lỉnh như mắt chuột, khi là gương mặt đàn ông nhợt nhạt, tóc dài cợp xuống gáy, cặp môi mỏng mím chặt, lúc lại là gương mặt trẻ măng của anh trung sĩ với nụ cười ngượng ngập. Thật khó tin đó chỉ là phiên bản của một con người. Nhiên thở dài, lắc đầu xua đi những ý nghĩ u ám.

Giữa khuya, Nhiên trở dậy, đến bên cửa sổ. Không gian bên ngoài phủ một lớp sương bàng bạc. Phía sau những cành ngọc lan đen sẫm dưới sân, vầng trăng vàng ươm như miếng xoài chín. Vẻ đẹp của vầng trăng vàng rượi và hương ngọc lan nồng nàn làm lòng dạ Nhiên thêm rối bời.

Lâu lắm rồi Nhiên chỉ gặp Toàn qua điện thoại. Hình bóng anh trong Nhiên đã mờ nhòa như nét phấn cũ trên tấm bảng đen lâu ngày. Lúc này, mái tóc rã rượi, cặp mắt mí lót và nụ cười héo úa cùng cái nhếch mép chua chát của Toàn trong lần gặp cuối cùng cách đây đã lâu bỗng sừng sững trước mắt chị. Liền đó, một gương mặt vui vẻ, mãn nguyện chợt trồi lên, chồng lấn hình ảnh Toàn. Hiển. Lúc này Hiển đang ở đâu? Anh đã biết tin Toàn mất chưa?

Tháng tám năm ngoái Hiển mời Nhiên dự một cuộc hội thảo khoa học về rừng. Giờ giải lao, Hiển rời ghế chủ tịch đoàn, bước tới, bắt tay Nhiên. Chào bà lão. Bà vẫn đẹp chết người. Chẳng trách thằng Toàn nó điên đảo vì bà. Hiển nói nhỏ vào tai Nhiên và xiết tay chị làm Nhiên nhăn mặt. Hiển nháy mắt và cười. Nụ cười rộng phô hàm răng trắng khiến anh trẻ hẳn ra. Nhiên lườm Hiển. Nếu hắn điên đảo vì tôi thì đã chẳng cưới người khác, chẳng làm cho đời tôi tan nát. Bà thù nó lắm hả. Đáng đời. Ai bảo bắc bậc kiêu kỳ. Cái thằng tôi hồi ấy cũng chạy theo bà mướt mồ hôi mà bà có thèm ngó đến đâu. Hiển nói và lại cười vui vẻ. Cặp mắt nhỏ, sắc của anh có những tia nhìn ấm áp và hơi giễu cợt. Hiển khoe, mới đây, nhóm của anh phát hiện một loài thảo mộc mới toanh, tên khoa học là Casovo, nghĩa là cây sợ vợ. Nghe Hiền nửa đùa nửa thật giải thích, Nhiên thoáng chạnh lòng. Cả đời Hiển mê mải với những kiếm tìm, công bố và tranh cãi. Kiếm tìm cái mới. Công bố kết quả. Tranh cãi với những ý kiến phản biện. Dĩ nhiên là của những nhà khoa học ngồi phòng máy lạnh. Suốt năm Hiển cùng thuộc cấp chui rúc trong những cánh rừng nguyên sinh vắt nhiều như lá. Anh xuống các điểm nóng, lật tẩy những cuộc xả thải lén lút của những cơ sở sản xuất đình đám, làm người ta sốt xình xịch với những bài báo mổ xẻ về môi sinh… Tên tuổi anh ngời ngời trên các tạp chí khoa học, cả báo giấy lẫn báo mạng. Hiển nói tiếng Anh và tiếng Nga như tiếng Việt, đi nước ngoài như đi chợ. Anh là con người sống chết vì khoa học.

Trong khi đó, Toàn như người bơi qua sông bị chuột rút. Có lần Nhiên gắt, anh làm ơn bỏ rượu đi. Nốc như nước lã thế thì chết. Toàn cười sằng sặc. Cô nàng dở hơi của tôi. Từ lâu rồi, với anh, rượu là cha, mẹ, vợ, con, người tình, lẽ sống, lý tưởng, tất tần tật. Em muốn anh bỏ rượu nghĩa là muốn anh chết đấy. Anh sẽ bỏ rượu với một điều kiện. Sao hả. Là em vứt hết mọi thứ trong đó. Vứt tuốt. Ra Hà Nội. Quên gấp bọn khốn bám lấy em dai như đỉa. Quên cả cái thằng Hiển phản phúc chết tiệt. Rồi Toàn nức lên. Sùi sụt, kể lể. Giọng anh nghẹn lại như có cái gì đó chẹn ngang cổ. Nhiên khó chịu và bối rối. Cố nói vài câu vô nghĩa, đại loại phải vui lên, phải thế này, thế nọ… rồi không cần biết Toàn có bị tác động bởi những lời “lên gân cốt” của mình hay không, chị vội vàng tắt điện thoại, chạy trốn cơn trầm cảm bất chợt của Toàn…

Khi Hưng đưa Nhiên đi qua những đường phố nửa quen nửa lạ, chị thấy xốn xang. Tuổi thơ của Nhiên rơi rụng đâu đó dưới những tán bàng mùa thu rực lên sắc đỏ, những gốc sấu u nần mốc thếch và những hồ nước long lanh dưới nắng. Có lần chở chị bằng chiếc mobyllet trên con đường này, Toàn đã hất hàm về phía những ngôi nhà khấp khểnh chen chúc, cười khì “Mắt bão đấy em ạ”. Nhiên hiểu, Toàn ám chỉ nhà mình. Vợ Toàn ghen như lửa cháy. Ngay cả khi đã ly hôn chồng, cô ta vẫn xoắn lấy Nhiên để… ghen. Nhớ lại kỷ niệm buồn ấy, chị bất giác thở dài…

Thuở nhỏ, ba người học cùng lớp. Toàn mắt một mí, hay cười, học giỏi và lanh lợi, khéo léo, hay bày trò nghịch phá, xứng với biệt danh “Tôn Ngộ Không”. Trèo me, trèo sấu, bắt ve, nhảy tàu điện, chẳng trò gì Toàn không thạo. Những ngày động trời, cậu rủ Nhiên dùng vợt chao xuống hồ nước dày đặc tảo, tóm những chú tôm tươi rói cong mình búng tanh tách. Hiển có biệt danh “công chúa” vì nói năng điệu đà, mái tóc xoăn, lực học trung bình, chỉ giỏi môn sinh. Chiều nào Hiển cũng cưỡi chiếc xe đạp cũ mèm mất hết màu sơn, xích líp kêu rong róc, sục sạo khắp Hà Nội, tìm côn trùng, hoa lá, cây cỏ, mang về ép khô. Nhiên nhỏ tuổi hơn các bạn, hát hay, học giỏi văn và có khiếu hội họa, là chủ bút tờ báo tường của lớp. Trong khi con gái trong lớp đã phổng phao thì cô bé vẫn chưa có ngực, mặt hãy còn phủ lớp lông măng như trẻ con. Cô hay đến nhà Hiển, ngồi dưới giàn nho có những chùm trái như trứng ếch, xem Hiển cho chim ăn. Trong cái bể xi măng, Hiển thả rong đuôi ngựa, nuôi cá, rùa và ba ba. Tất cả đều phục vụ cho niềm đam mê nghiên cứu sinh vật của cậu.

Hết cấp hai, Nhiên theo bố mẹ rời Hà Nội về một thị trấn trung du, nơi bố cô nhận nhiệm vụ mới. Nhiên gặp lại Hiển khi cả hai vào đại học, Toàn đã nhập ngũ, đóng quân ở miền Tây xứ Nghệ. Tuổi mười tám, “cô bé lọ lem” ngày nào đã lột xác hoàn toàn khiến hai người bạn trai như bị cây đũa thần chạm vào người. Hiển lặng thầm mê cô nhưng không hé môi. Nhiên tham gia đội văn nghệ sinh viên, mỗi lần đi biểu diễn, Hiển lại “trộm” áo dài của chị gái cho Nhiên mượn. Nhìn đôi má ửng hồng, cặp mắt sáng long lanh của cô bạn, Hiển thở dài “Cậu xinh quá. Giá mà tớ được nhìn thấy cậu biểu diễn nhỉ”. Nhiên không biết, Toàn đã khoe với Hiển về “mối tình sét đánh” của mình, khiến Hiển đành câm nín, giấu trong tim tình yêu vừa chớm hé, anh vùi đầu sâu hơn nữa vào đống sách vở. Một thời gian dài, anh gần như bị đôi tình nhân quên lãng.

*

Nghĩa trang buổi trưa vắng đến rợn người. Nhà để tro cốt nhiều tầng có mái vòm nhô ra, từng ngăn chữ nhật đánh số. Mắt Nhiên lướt qua những tấm ảnh. Chị thấy ruột gan nhộn nhạo như người say sóng. Hưng tìm đâu được chiếc thang bằng inox, leo lên, khấn vái rì rầm trước bài vị của Toàn rồi leo xuống. Nhiên thận trọng bước lên những bậc thang rung rinh, lên tới nơi, chị sắp đồ cúng và nhìn như thôi miên vào di ảnh Toàn. Trông anh hốc hác, gương mặt chỗ hõm sâu, chỗ góc cạnh, cặp mắt thất thần. Vẻ đau đớn, tuyệt vọng in dấu trên mọi đường nét. Có lẽ tấm ảnh này được chụp khi Toàn đang bệnh nặng. Nhiên từng nghĩ rằng kỷ niệm giữa chị và Toàn đã hóa đá, chẳng còn làm chị xúc động. Nhưng bây giờ một cái gì đó vừa xộc lên mũi, lan tận óc khiến chị trào nước mắt. Thật đau lòng và khủng khiếp khi nghĩ rằng bên trong cái ngăn rỗng như cái hộc tủ này là Toàn, con người luôn là ẩn số đối với Nhiên. Dù thế nào anh cũng là một phần tuổi trẻ của chị, trái tim của chị. Mới chưa lâu, người ấy vẫn còn đau khổ, trách hờn, yêu thương, hy vọng. Vậy mà… Nhiên sùi sụt, mặc cho nước mắt tuôn chảy…

Hai người trở về khách sạn. Ghé căng tin, Nhiên gọi cà phê đá cho Hưng, phần chị một ly sinh tố. Lúc này nhìn Hưng, Nhiên chợt thấy mặt anh tối và khó đoán định. Nhiều năm qua, không chỉ trợ giúp Toàn tiền bạc, Hưng còn chịu khó ngồi nghe anh than thân trách phận, ôn nghèo kể khổ.

– Toàn sống dật dờ như cái bóng, Nhiên ạ. Lắm lúc tôi giật mình vì cậu ấy chẳng khác cái xác chưa chôn- Hưng thở dài, cất giọng trầm trầm rời rạc- Say triền miên. Nhất là sau khi cô nhân tình bỏ đi và thằng con sốc thuốc chết. Hồi Toàn mới ốm, có lần Hiển gửi tiền ra. Nhưng Toàn nhờ tôi mang gửi trả lại…

Hưng im bặt. Anh thong thả khuấy ly cà phê làm những viên đá nhỏ kêu lanh canh. Cảm nhận những lời trách cứ không thanh âm của Hưng, Nhiên cúi mặt xuống, hai tai nóng bừng. Chị thấy mình như kẻ tội đồ. Quả là từ lâu Nhiên đã bứt khỏi Toàn như bứt sợi dây trói. Những lời nỉ non, khẩn cầu, oán trách số phận, cả những giọt nước mắt đàn ông của anh cũng không làm lòng chị lay động. Thậm chí nó còn làm chị chán ghét. Nhiên biện minh rằng giữa chị và Toàn chẳng ai nợ ai…

Hưng đột ngột hỏi, cắt ngang luồng ký ức đau xót của Nhiên.

– Bao giờ bạn bay vào?

– Ngày mai anh Hưng ạ- Nhiên nói. Chị vẫn chưa ra khỏi mặc cảm. Cuộc đời Toàn nhiều góc khuất, và Nhiên luôn cho rằng chị can dự vào những góc khuất ấy.

Hưng ra về. Nhiên tắm rửa rồi đi nằm. Chị ngủ một giấc ngắn. Khi tỉnh dậy, qua lớp cửa kính, Nhiên nhận ra đã xẩm chiều. Chị định ra khỏi khách sạn, thả bộ dọc con đường có những hàng me, sấu cổ thụ để ngắm vẻ đẹp trầm mặc của mùa thu Hà Nội. Nhưng chị đổi ý. ánh mắt thất thần của Toàn vẫn như đang bám đuổi theo Nhiên. Chị bấm máy, gọi Hiển. Chỉ có tiếng tu tu kéo dài. Chắc Hiển đang đi nước ngoài, hoặc đang ở rất sâu trong rừng. Nhiên đứng trân trân giữa phòng khách sạn, không biết nên làm gì. Chị cảm thấy khó thở và bất giác đưa tay mở khuy cổ áo, hít mạnh bầu không khí như đông đặc trong căn phòng rì rào máy điều hòa đang chạy.

Ngày hôm sau, Nhiên ra sân bay sớm, mua vé bay vào. Chị thấy lòng ấm lên khi mở cửa ngôi nhà nép dưới lùm hoa hoàng anh rực vàng của hai mẹ con. Nhã đã đi du học, gần năm nay, chị dần quen với việc thiếu vắng thằng bé. Bước vào căn phòng ngủ dưới tầng trệt, Nhiên mở toang cửa sổ. Sau cơn mưa, mảnh vườn ướt át sau nhà xông lên mùi hương đăng đắng của cúc tần, mùi hoa hồng tường vi dìu dịu và mùi thơm ngây ngất của hương nhu. Nhiên đứng nhìn khu vườn một lát, hít thở sâu rồi quay vào.

Buổi chiều, Nhiên giam mình trong phòng vẽ. Đây là cách nhanh nhất để chị tìm lại niềm vui và sự cân bằng. Phòng bày nhiều tranh của Nhiên. Hai bức sơn dầu toàn một sắc xanh vẽ cảnh rừng ngập mặn. Vài bức chân dung thiếu nữ và chân dung thằng Nhã mắt tròn xoe hồi học tiểu học. Rất nhiều tranh hoa, tĩnh vật kích cỡ vừa và nhỏ. Nhiên thích nhất bức sơn dầu vẽ những đứa trẻ chạy tránh mưa. Hôm ấy, Nhiên đi dã ngoại vẽ thiên nhiên cù lao, lũ nhóc đã bám theo, năn nỉ chị vẽ chúng. Nhiên hứa sẽ thực hiện, nhưng khi chị đang vẽ phác thảo thì trời chuyển mưa, và bọn nhỏ đã hối hả chạy về, quên cả bức tranh chúng là nhân vật chính. Bạn bè đồng nghiệp thừa nhận, tranh của Nhiên rất đẹp. Dù là phong cảnh làng quê, những người nông dân trên cánh đồng hay chân dung phụ nữ, trẻ em… tác phẩm nào của chị màu sắc cũng tinh tế, đầy nữ tính, lại phảng phất nỗi buồn dịu dàng. Số phận rủi ro, tâm hồn đa cảm và nỗi u uẩn cô đơn của người đàn bà không tìm được điểm tựa tình cảm đã mang tới cho tranh của chị vẻ đẹp khiến người ta xúc động.

Nhiên đi lại góc phòng, nơi có hộc tường hõm sâu kê một chiếc tủ gỗ nhỏ. Nhiên mở tủ, lấy ra chiếc hộp sắt tây đã tróc sơn. Trong hộp là những lá thư được xếp lớp, một chiếc lá khô và cuốn album ảnh, tất cả đều cũ kỹ, tỏa ra một mùi xa vắng. Chị ngồi bệt trên sàn, lần giở từng thứ, mặt thần ra vì xúc động. Đây là thư của Toàn. Anh báo tin đang điều trị sốt rét ở trạm xá đơn vị. Lần ấy Nhiên đã đáp tàu ngay trong đêm đi thăm người yêu. Túi tiền sinh viên còm chỉ cho phép chị mua một túi nhãn, chẳng hề để ý nhãn còn non, cùi mỏng và nhạt không ăn được. Toàn đã đón chị với nụ cười ngượng ngập, cái đầu rụng hết tóc trọc lóc. Trong ánh sáng trong veo của buổi sớm mai, sắc mặt anh xanh xao, thân hình lút trong bộ đồ bệnh viện rộng thùng thình. “Chúng tôi phải cố định anh ấy vào giường bằng nẹp tre. Vì đêm qua anh ấy sốt cao, giãy suýt nữa thì sập giường”. Một bệnh nhân nói với chị kèm nụ cười tinh quái. Vậy mà Nhiên tưởng thật. Chị ngồi bên mép giường, chẳng biết làm gì. Hai người bẽn lẽn nhìn nhau, mặt đỏ lên vì xấu hổ, cặp mắt mí lót của Toàn khi cười díp lại như hai sợi chỉ đen lóng lánh. Chỉ có vậy. Rồi Nhiên lại hấp tấp ra bến tàu quay về Hà Nội.

Nhiên cầm lên chiếc lá khô, bùi ngùi. Thời gian đã làm cho nó quăn lại, mỏng và giòn. Đây là chiếc lá Toàn tặng chị, cái lần Nhiên lên đơn vị thăm anh. Hồi đó Toàn vừa chuyển về nơi đóng quân mới, cách nhà Nhiên hơn chục cây số. Đang thời điểm Nhiên nghỉ hè. Chị đã liều lĩnh mang theo con dao rựa phòng vệ, đạp xe dọc con đường núi vắng ngắt lên tận nơi Toàn đóng quân. Họ ngồi bên nhau trong rừng bạch đàn lao xao gió, mùi thơm tinh dầu bạch đàn từ những chiếc lá xanh bị vò nát phảng phất trên tóc, trên đôi má mịn màng của Nhiên. Toàn cầm cây guitare vừa đàn vừa hát, giọng anh êm ru và như có mật ngọt. Bài Tình ca du mục với giai điệu trập trùng của núi đồi và thảo nguyên vang lên trong trưa vắng, những đốm nắng đu đưa trên tóc, trên vai áo hai người. Nhìn gương mặt tươi cười, những ngón tay gầy và mái tóc đen mướt rủ trước trán người yêu, Nhiên muốn ngạt thở vì xúc động, chị thấy mình là cô gái hạnh phúc nhất…

Nhiên bỏ lại chiếc lá khô vào hộp, lần giở những tấm ảnh đen trắng. Đây là ảnh chụp Toàn ngồi gói bánh chưng dịp tết năm nào đó ở nhà Nhiên, những ngón tay khéo léo như múa, chồng bánh chưng đều tắp như đổ khuôn. Còn đây là ảnh chụp chị và Toàn ngồi trong quán nhỏ bên hồ Tây. ồ đúng rồi. Buổi chiều hôm ấy hai người đã xuống một con thiên nga trên hồ Trúc Bạch. Làn nước hồ xanh sóng sánh. Khi ra giữa hồ, họ hôn nhau. Nụ hôn dài đắm đuối đến nỗi khi cả hai rời nhau ra, con thiên nga đã trôi xa một đoạn…

Trong xấp thư, chỉ có vài lá của Hiển. Lá thư Hiển viết khi đang ở Nga mở đầu bằng một câu lấp lửng “Nhiên của ai ạ…”. Khi đã vào Tây Nguyên dạy đại học, Hiển viết thư khoe, chùm hoa lụa phớt tím Nhiên tặng anh nhân ngày sinh nhật đã được anh đổi tên “Xin đừng quên em” thành “Không thể quên em”. Riêng gói kẹo mềm thì anh bảo, chỉ dám ăn một chiếc, còn thì đem chia cho tất cả bạn bè, như gieo mầm vào đất tốt. Thời điểm ấy, Hiển biết rõ, tình yêu của Toàn và Nhiên đã tan vỡ, anh dường như đang ý tứ thăm dò cảm xúc của chị….

Nhiên cất những kỷ vật vào hộp, nặng nề đứng lên. Hoàng hôn đã thả một làn sương tím mong manh mơ hồ lên căn phòng tranh tối tranh sáng. Không. Đến giờ Nhiên vẫn không lý giải được lý do khiến mối tình đầu vỡ toang như chiếc bình đất nung bị đánh rơi chỉ ít lâu sau khi Toàn ra quân, về Hà Nội và thi đỗ đại học. Anh đột ngột cặp kè với một nữ sinh viên cùng lớp, một cô gái thấp nhỏ, mặt đầy mụn bọc và cặp môi dày. Nhiên hoang mang, bối rối, cuối cùng là giận dữ vì lòng kiêu hãnh bị tổn thương. Điều gì khiến anh đánh đổi Nhiên để lấy cô gái xấu xí, chưa từng chia sẻ với anh quá khứ tươi đẹp? Câu hỏi không lời đáp và những kỷ niệm mãi hành hạ tâm hồn đa cảm bất hạnh của chị.

Sau ngày ra trường, Nhiên vào Nam lập nghiệp. Chị dần yêu thành phố công nghiệp bụi bặm, yêu dòng sông đầy ắp nước chảy giữa đôi bờ cây xanh, yêu những buổi chiều lang thang đi vẽ phong cảnh ngoài trời, yêu cả đám bạn nghệ sĩ tuần nào cũng phải gặp gỡ bù khú để “ tiếp thêm năng lượng” sống. Rồi chị lập gia đình và bận rộn với vai trò làm vợ, làm mẹ. Sợi dây tình cảm giữa chị và Toàn gần như đứt hẳn. Hình ảnh anh lu mờ dần. Niềm vui, hạnh phúc, thất bại, đau khổ, thậm chí cả những lúc trống rỗng vô tận Nhiên cũng không chia sẻ với Toàn. Chị đã nhét tất cả những gì liên quan đến anh vào cái túi quên lãng. Tuy vậy, qua Hiển, Nhiên cũng biết tin về người yêu xưa. Toàn đã kết hôn với cô gái môi dày có ông cậu là “cốm” của văn phòng Bộ. Nhờ vốn ngoại ngữ, anh được ông lo lót một chỗ làm tốt. Đường thăng tiến đang rộng mở thì Toàn mắc sai phạm và bị kỷ luật. Biến cố lớn đã hất văng người đàn ông giàu tham vọng ra lề đường. Nhưng Toàn không cam chịu. Sẵn trí thông minh, sự khôn khéo và tính liều, Toàn lao vào làm giàu. Buôn lậu. Chế tạo hàng giả, hàng kém chất lượng. Chẳng điều gì ra tiền mà Toàn không dám. Cuộc sống hào nhoáng thời thượng của tầng lớp nhà giàu Hà Nội hút anh như hàng trắng hút con nghiện. “Con đê chắn sóng” khiến những vụ làm ăn phi pháp của anh luôn an toàn chính là ông cậu vợ. Tiền của chảy vào nhà anh như nước. Vợ chồng Toàn trôi bồng bềnh trên mây…

Trong một dịp hiếm hoi ra Hà Nội công tác, Nhiên được Toàn hẹn ra quán cà phê. Buổi tối hôm ấy thật nóng bức. Thành phố oi nồng như trước cơn giông. Nhiên ngồi trong quán, chờ Toàn nói chuyện với một gã đàn ông dáng bặm trợn, cúc áo phanh ra lộ những hình xăm loằng ngoằng trên ngực. Nhìn từ xa đã thấy cả hai không thân thiện, cặp mắt mí lót của Toàn long lên, trong khi gã đàn ông cằm bạnh ra như rắn hổ. Một hồi rất lâu, gã đàn ông bỏ đi, Toàn vội vàng đến bên Nhiên, xin lỗi đã để chị phải chờ lâu. Nhiên cảm thấy anh đang sa đà vào một chuyện gì đó đáng sợ và không bình thường. Nhưng đó là chuyện gì thì Nhiên không biết, cũng không tiện hỏi.

Người ta vẫn bảo, đi đêm lắm có ngày gặp ma. Công an bất ngờ khám xét nhà Toàn. Những lô hàng giả đang dán nhãn không kịp tẩu tán. Đám thợ hốt hoảng chạy tán loạn. Toàn bị bắt. Sau đó là cuộc marathon các cửa để thoát án tù. Nhiên cứ tưởng sau cú ấy, Toàn biết sợ và sẽ dừng lại. Nhưng anh như con nghiện khát thuốc, vẫn lao theo ánh sáng ma mị của tiền, vàng. Lại bị bắt. Phá sản. Khi Toàn trắng tay thì cô vợ đâm đơn ly dị.

Sau này, Toàn dạy tiếng Anh để sống. Nhưng lớp học phập phù bữa có bữa không vì ông thầy luôn say khướt. Những mất mát đớn đau không giúp Toàn tỉnh ngộ mà lại làm anh chìm nghỉm trong vũng lầy của sự cay cú tiếc hận, anh oán ghét cả những ai từng thân thiết với mình.

Thời gian ấy, Hiển đi nước ngoài. Anh trở về cùng cô bạn gái tóc vàng mắt xanh, có đôi má hồng như búp bê. Gặp Nhiên, Hiển tỏ ra vui mừng. Nhưng trong mắt anh không còn câu hỏi khắc khoải dành cho Nhiên nữa. Dường như cuối cùng anh đã hiểu ra, tính cẩn trọng, chỉn chu của nhà khoa học không phù hợp với tâm hồn lãng mạn, bay bổng của cô họa sĩ vẽ tranh sơn dầu.

– Đây là Natasa… Hiển giới thiệu bạn gái một cách tự hào. Cô gái Nga mỉm cười nhìn Nhiên thân thiện. Nhưng rồi Hiển lại chia tay cô gái xứ sở bạch dương, lập gia đình với một cô công nhân mà sau này Hiển lý giải, anh cần có người săn sóc bà cô già không chồng, nuôi anh từ bé. Đó là sai lầm không thể cứu vãn của Hiển. Lấy nhau vài năm, cuộc hôn nhân của anh lâm vào ngõ cụt. Tuy vậy do lập gia đình trễ, Hiển vẫn níu giữ cuộc sống chung gượng ép vì hai đứa con.

Thật ra, sau ngày chồng mất vì tai nạn giao thông, có thời điểm Nhiên và Hiển đã ráp thành một cặp. Họ gắn kết với nhau bằng ký ức tuổi thơ, bằng cả hy vọng người kia sẽ bù đắp khoảng trống mênh mông trong lòng mình. Nhưng rồi cả hai nhanh chóng nhận ra, họ không dành cho nhau. Chính xác hơn là Hiển nhận ra, với Nhiên, anh chỉ là “nhân vật đóng thế”. Những cuộc giao hoan gượng gạo, luôn có cái gì đó bẽ bàng khó nói khiến sau đó, họ không dám nhìn sâu vào mắt nhau. Điều khó nói ấy chính là sự hiện diện vô hình vô ảnh của Toàn.

Căn phòng làm việc của Hiển nhỏ nhưng gọn gàng, trên tường là tấm bản đồ đầy những điểm khoanh bằng mực xanh, đỏ, những bình đựng chất lỏng nhiều màu, phiên bản hoa, lá, côn trùng… ngâm trong lớp dung dịch trong suốt được để trong tủ kính áp sát tường. Hiển mặc blu trắng, mặt đầy râu ria và hơi mệt mỏi, dấu vết của những đêm trắng.

– Nhiên ngồi đi. Hiển nói, giọng khô khan.

Nhiên ngồi xuống chiếc ghế xoay, nhìn quanh với cặp mắt buồn bã. Cái dáng hao gầy trong bộ đồ tối màu và đôi tay trắng xanh chắp lại trên bàn của chị có cái gì đó thật lẻ loi, u sầu trong căn phòng phảng phất mùi cồn làm Hiển chợt nhói trong tim. Những ngày qua, anh không đi nước ngoài, cũng chẳng vào rừng. Anh biết tin Toàn mất nhưng không muốn ra dự đám tang bạn nên đã cắt liên lạc. Trong lòng Hiển nỗi xót xa xen lẫn sự nhẹ nhõm, bởi cuối cùng, anh đã được giải thoát khỏi ám ảnh của lỗi lầm. Bây giờ sẽ không còn những lời xỉ vả của Toàn vào giữa khuya, không còn những dằn vặt nội tâm khiến ngay cả công việc cũng không làm Hiển nguôi quên. Anh đã tìm cách tước đoạt tình yêu của bạn. Đã góp phần đẩy bạn tuột dốc. Nhưng cuối cùng, Nhiên vẫn không thuộc về anh. Mãi mãi, chị thuộc về một xứ sở nào đó mà Hiển không tới được, cho dù anh là một nhà khoa học danh tiếng. Anh đã thất bại trong hạnh phúc riêng và còn làm mất đi những giá trị tinh thần không thể vớt lại. Điều đó khiến cuộc sống của Hiển đôi khi phủ đầy một màu sắc uể oải, chán chường.

– Mình không ra Hà Nội được. Nhiên ạ- Hiển phân trần. Trong anh cảm xúc đang hỗn loạn.

– Anh không cần ra đâu. Xong cả rồi- Nhiên nói nhỏ, giọng như vọng lại từ rất xa. Tối qua, Hưng gọi điện cho chị, và Nhiên đã hiểu những gì xảy ra giữa Hiển và Toàn.

– Mình… Hiển bỏ lửng câu nói. Anh muốn thú nhận anh đã cố ý lôi Nhiên ra khỏi tay Toàn, thay vào đó là cô em họ kém nhan sắc. Nhưng anh im lặng. Có cái gì đó làm lưỡi anh cứng lại. Xét cho cùng, Toàn bất hạnh đâu phải chỉ do lỗi của anh.

– Mình… xin lỗi Nhiên… Hiển buột miệng. Anh cảm thấy bứt rứt vì không thể thoát ra khỏi tình trạng của mình.

– Nhiên có trách anh đâu.

Người phụ nữ đứng lên, lại gần người bạn tóc đã hoa râm, hai vai hơi rũ xuống. Mắt chị nhòa lệ. Gương mặt Toàn chập chờn ẩn hiện với đôi mắt buồn. Hai người đứng bên nhau im lặng. Rồi Hiển cầm lấy tay Nhiên và chị thở dài giấu mặt vào lồng ngực ấm áp của anh. Những giọt nước mắt nóng hổi rơi xuống…

Nguồn Văn nghệ số 33/2017

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài