BA MƯƠI NĂM ĐỔI MỚI VĂN XUÔI
Đề dẫn của Hội đồng văn xuôi khóa 9(*)
Kính thưa Hội nghị!
Tôi xin được thay mặt cho Hội đồng Văn xuôi khóa 9 nêu lên một số vấn đề cơ bản, như một gợi mở cho phần Hội thảo BA MƯƠI NĂM ĐỔI MỚI VĂN XUÔI.
1.
Chúng ta đều hiểu rằng, tầm vóc của văn học thời nào cũng vô cùng quan trọng đối với vận hội đất nước. Nếu quan sát kỹ chúng ta cần ghi nhận sức sáng tạo của các nhà văn trong ba mươi năm qua thật dồi dào. Năm nào lượng tác phẩm mới ra mắt bạn đọc cũng nhiều. Trong những tác phẩm đó, không thiếu tác phẩm hay, đi sát với đời sống xã hội, thể hiện những tìm tòi và phá cách về hình thức lẫn nội dung.
Ðể nhận định được đúng tình hình, rất cần có cách nhìn khách quan và đa chiều…
2.
Sau thành công của những tác giả đặt những viên gạch đầu cho luồng tư duy mới như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Phùng Quán, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Đỗ Chu… là những thành công về tiểu thuyết viết sâu về chiến tranh và thời kỳ hậu chiến như Chu Lai, Dương Duy Ngữ, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Khắc Trường, Trần Văn Tuấn, Khuất Quang Thụy, Dương Hướng, Văn Lê, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Trần Huy Quang, Đào Thắng, Vũ Thị Hồng, Nguyễn Quang Lập, Xuân Đức, Nguyễn Bảo, Xuân Đức, Trần Văn Tuấn,… và nhiều tác giả khác. Các tác giả Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Việt Sỹ, Nguyễn Xuân Hưng, Hà Phạm Phú… lại đi sâu về đề tài lịch sử, họ đã từng có những tập sách được dư luận chú ý.
Phải thừa nhận rằng, vài mươi năm gần đây nhờ không khí sáng tác có tự do hơn mạnh dạn hơn, có nhiều sự đột phá hơn nên tiểu thuyết được đánh giá đã tiếp nối được dòng chảy của một số tác phẩm đầy ấn tượng từ sau đổi mới của Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Bảo Ninh v.v.. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, tiểu thuyết hiện đại đang bị chững lại.
Được mùa nhất trong văn xuôi ba mươi năm qua có lẽ phải kể đến truyện ngắn của các thế hệ tác giả 4x, 5x, 6x. Nhiều tác giả nổi tiếng, sáng tác của họ nếu lựa chọn trong những tác phẩm đã ra đời sẽ có nhiều truyện ngắn có thể đặt vào hàng truyện ngắn hay của thế giới. Chúng tôi không dám liệt kê, vì nếu liệt kê sẽ là không đầy đủ. Những tác giả nổi trội trong thời kỳ đổi mới như Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh, Y Ban, Hồ Anh Thái, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Hảo, Phạm Thị Minh Thư, Ngô Tự Lập, Phạm Ngọc Tiến, Trần Thuỳ Mai, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Bão Vũ, Đức Ban, Văn Chinh, Nguyễn Trọng Tân, Nguyễn Thị Phước, Nguyễn Thị Anh Thư, Phạm Duy Nghĩa v.v… là những nhà văn thành công ở thể loại này.
Lớp tác giả nổi lên trong các kỳ giải của Hội Nhà văn Việt Nam, các cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn và các cuộc thi khác mà Hội Nhà văn phối hợp với các Bộ ngành như Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bắc Sơn, Sương Nguyệt Minh, Thái Bá Lợi, Nguyễn Hiếu, Trầm Hương, Thùy Dương, Bích Ngân, Tô Hải Vân, Phong Điệp, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy, Di Li, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Ngọc Thuần, Thiên Sơn, Đỗ Tiến Thụy…
Phía sau các cây bút nêu tên chưa thật đầy đủ này còn có khá nhiều tác giả trẻ đang cho người đọc rất nhiều hy vọng như Tống Ngọc Hân, Nguyễn Thị Kim Hoà, Chu Thị Minh Huệ, Uông Triều,… và nhiều người khác.
Giai đoạn này còn được đánh dấu bởi những bài ký đột phá rất có tiếng vang như Cái đêm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc, Vua lốp của Trần Huy Quang. Và còn rất nhiều bút ký góp phần định hướng, tôn vinh, xây dựng, phê phán… Xem ra vị trí của thể loại này có sức mạnh riêng của nó.
Ngoài ra có những tác giả đặc biệt thành công ở những thể viết tản văn, tạp văn. Thể loại này có sức hút riêng, khẳng định hơn nữa sự hài hòa của trí tuệ nhà văn, cũng như sự đòi hỏi của độc giả về thực tế sống động và chính kiến của nhà văn thông qua thể loại rất cần tư duy triết học và cách hành văn.
3.
Sự may mắn là viên ngọc trời ban cho chặng đường đi của một tác giả. Có người xuất hiện đúng thời điểm. Có tác phẩm chạm được tới yêu cầu, thị hiếu văn học của cộng đồng. Có người lại được lăng-xê quảng bá rất bài bản… Nhưng ranh giới giữa ý chí và sự háo danh đôi khi rất mỏng manh.
Sự phát triển của văn học mạng qua cổng thông tin interrnet cũng đã ít nhiều chi phối tích cực cũng như tiêu cực tới dòng chảy văn học chính thống của dân tộc.
Do nền kinh tế thị trường, do sự cải cách mở cửa trong việc cấp phép xuất bản, nhiều tác phẩm hay ra đời, nhưng cũng lọt không ít những tác phẩm rác. Nhiều giá trị đích thực bị lu mờ, bị san lấp bởi sự hào nhoáng của những giá trị ảo. Nhiều tác giả trẻ tự chạy theo phương cách quảng bá PR bản thân và tác phẩm chưa chín muồi của mình, với nhiều cách như đặt tên tác phẩm câu khách, viết sex một cách thô thiển, phơi bày sự thiếu và yếu về văn hóa đạo đức… Trong khi đó lực lượng viết trưởng thành từ chiến tranh cách mạng, kiên định với lối viết truyền thống của mình, lại chưa hoàn toàn có phương cách tiếp tục thuyết phục độc giả.
Như vậy có thể nói lực lượng viết văn hiện nay khá biến động, không đồng nhất. Nhất là trong tình hình thế giới đang khủng hoảng về kinh tế và khủng hoảng cả về đời sống tâm lý cá nhân.
Toàn bộ cái hay, cái tích cực, tiến bộ lẫn tiêu cực đều dội vào văn học, nhất là văn xuôi Việt Nam được xem như cái nhiệt kế đo lường tâm lý đời sống xã hội, văn học Việt Nam không thể không ghi nhận, không thể không có sự chuyển dịch.
Nếu nói đến sáng tác văn xuôi, cả truyện ngắn và tiểu thuyết, quan trọng nhất là ý tưởng xuyên suốt được người viết chuyển tải qua bút pháp sử dụng ngôn từ, cấu tứ, đường đi của nhân vật và sự việc…
Ý tưởng để hình thành cấu trúc tác phẩm quyết định sự thành công của tác phẩm, sự thành công này ngày nay được đánh giá thông qua nhiều lăng kính. Trong đó có lăng kính vô cùng quan trọng là sự đón nhận của cộng đồng bạn đọc.
4.
Một số vấn đề về đề tài, bút pháp, hướng tiếp cận của nhà văn, đạo đức nhà văn, mối quan hệ giữa nhà văn và độc giả… rất cần được bàn trong hội thảo này. Vấn đề thời sự xã hội đang diễn biến hàng ngày tác động trực tiếp vào nhà văn. Vấn đề bút pháp hậu hiện đại, tân hình thức. Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt hay cách tân từ ngữ. Vấn đề bình đẳng giới, sex trong văn xuôi hiện đại. Vấn đề tâm linh trong cảm thức của người viết…
5.
Cần tìm ra những GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ trong một cơ chế mở cho văn xuôi hiện đại. Nhà văn không thể cứ âm thầm sáng tạo trong sự cô độc. Nhà văn cần được nuôi dưỡng tinh thần trong một môi trường sống và sáng tác lành mạnh, đủ đầy.
Kính thưa Hội nghị!
Dẫn luận này chỉ là một liệu pháp gợi ý, đánh động, thật khó có một cái nhìn toàn diện. Không thể kể tên hết các tác phẩm và các tác giả đã cống hiến cho xã hội những giá trị tinh thần lớn. Cũng như góc nhìn nhận đánh giá văn xuôi ba mươi năm đổi mới chỉ là phần rất mảnh hẹp.
Rất mong các tham luận đề cập đến từng vấn đề để chúng ta có một bức tranh trọn vẹn về văn xuôi ba mươi năm qua./.
Thay mặt Hội đồng Văn xuôi khóa 9
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà
* Văn bản tổng hợp ý kiến nhận định của nhà văn Chu Lai – Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi, nhà văn Phạm Hoa – Phó Chủ tịch HĐVX, và các thành viên HĐVX khóa 9