Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Trương Anh Quốc.

Gồm các truyện ngắn sau:

– Bà lên máy bay

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15 tối thứ Hai ngày 3.7.2023

– Thẻ an toàn

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15 tối thứ Ba ngày 4.7.2023

– Mát xa Pattaya

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15 tối thứ Tư ngày 5.7.2023

– Thiên minh minh Địa minh minh

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15 tối thứ Năm ngày 6.7.2023

– Cuộc vượt biển

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15 tối thứ Sáu ngày 7.7.2023

Nhà văn Trương Anh Quốc sinh 1976 tại Quế Sơn, Quảng Nam

Tốt nghiệp ngành Kỹ sư điện trường Đại học Hàng Hải phân hiệu tại tpHCM.

Bắt đầu viết văn khi còn là sinh viên.

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Ủy viên Ban Nhà văn Trẻ

Tác phẩm đã xuất bản:

1. Tập truyện ngắn Sóng biển rì rào, nxb Trẻ 2005

2. Tập truyện ngắn Lũ đầu mùa, nxb Trẻ 2007

3. Tiểu thuyết Biển, nxb Trẻ 2010

4. Tập truyện ngắn Hợp đồng chiều thứ bảy, nxb Trẻ 2013

5. Tiểu thuyết du ký Sóng, nxb Hội Nhà văn 2019

Giải thưởng:

1. Giải Nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 do Hội nhà văn tpHCM, nxb Trẻ và báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức năm 2010 với tiểu thuyết Biển.

Từng là thủy thủ viễn dương, và làm việc trên giàn khoan dầu trong thời gian dài, hiện nhà văn Trương Anh Quốc làm việc tại công ty vận tải Xăng dầu Vitaco. Anh thích đi du lịch và đã đặt chân lên hơn 50 quốc gia khắp năm châu bốn biển. Anh viết đủ các thể loại, đề tài nhưng khi viết về biển thì đúng sở trường nhất.

Lợi thế của Trương Anh Quốc là ở khía cạnh được chiêm nghiệm suy ngẫm rất sâu về biển, khi nhiều năm tháng cứ lênh đênh trên những con tàu và ở giữa những giàn khoan.

Nhà văn Trương Anh Quốc phát huy lợi thế thực tế nghề nghiệp. Anh luôn kể những câu chuyện có thể bắt đầu ở bất cứ khúc nào, đầu cuối hay giữa chuyện. Trương Anh Quốc lênh đênh trên biển nhiều, nên những truyện viết có biển làm hình ảnh, thì đều là những hình ảnh thanh âm thực mà anh đã từng trải qua, lặn ngụp, chứng kiến.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét:

Đọc Trương Anh Quốc, cứ có cảm giác Quốc đang mủm mỉm cười, đôi mắt sáng ánh lên muôn vàn ý nghĩ khác biệt, được giấu rất ý nhị sau vẻ ngoài lành hiền của một chàng trai xứ Quảng sống ở đất Sài Gòn hoa lệ, nhưng cuộc mưu sinh lại đầy kỳ linh kỳ ảo. Đó là công việc thường xuyên lênh đênh trên sóng nước nhiều ngày nhiều tháng, khi có thể liên lạc được về đất liền, thì gọi cho người thân bạn bè, vẫn giọng nhẹ nhàng thản nhiên như đang đi trên phố.

Vì thế mà văn phong Trương Anh Quốc không hề đơn giản. Những câu chữ đã vượt thoát qua những con sóng nên chứa chất đầy suy tư, những trải nghiệm của cuộc sống không yên bình, hàm chứa chữ nhân chữ trí.

BÀ LÊN MÁY BAY

Trương Anh Quốc

Con gái gọi điện. Con không về được, ngày ngày cơm nước đưa đón tụi nhỏ đi học. Ngày thường tụi nhỏ đến trường cả ngày, hè còn phải học thêm học bớt. Mẹ vô chơi cho thuận tiện. Vé máy bay con đã đặt rồi, ngày đó giờ đó mẹ đón xe buýt ra, có bé Tí con anh Hai trọ học cũng gần đó dắt vô sân bay làm thủ tục giùm. Trong này có con đón. Ngồi máy bay chưa ấm chỗ đã tới nơi rồi. Mẹ không lo đi sớm, ít bữa cao tuổi có muốn đi máy bay họ cũng không cho mình đi đâu.

Thôi vậy cũng được, bà lẩm bẩm. Phải đi thăm con cháu chớ chờ chúng về có khi đã xuống lỗ không chừng. Bà chuẩn bị quà cáp. Gạo nếp nén tiêu tỏi, nải chuối chục chanh vài ba trái dưa leo. Bà không quên hái nhiều trái cây, loại cháu ngoại rất thích. Bà đóng thùng cạc tông, cuộn băng keo dư còn bỏ vô giỏ xách tay, giữa đường lỡ thùng đồ có bị toạc ra còn có cái để dán.

Con gái dặn đi không cho khỏe, đừng mang vác cho nặng. Trong này ra siêu thị đầy, không thiếu thứ chi chỉ thiếu tiền. Bà lại lẩm bẩm, đồ siêu thị phải tốn tiền lại không biết nguồn gốc xuất xứ còn ba thứ cây nhà lá vườn tươi rói đây bán rẻ rề, mua lại mắc. Thăm con cháu ai lại cắp nón đi không. Đi không vô duyên lắm.

Tí bỏ hai tiết giữa ra đón, dắt nội vô sân bay làm thủ tục. Sướng nhất nội đó, biết bao giờ con mới được đi máy bay như nội. Nội nhường vé cho con đi đó, chỉ với mấy con số này thôi chứ vé viếc chi. Bà mở ghim thò tay vô bị áo lấy mảnh giấy nhỏ. Thời hiện đại chứ có phải thuở tem phiếu của nội đâu. Vé chỉ những con số gọi là vé số đó nội. Thời đại số mọi thứ đều quy ra số nhưng không đúng tên trong mã vé con có đi được đâu.

Hai bà cháu thủng thẳng đẩy xe. Một chị tay xách nách ôm con mồ hôi mồ kê hớt hải chạy đến. Chị bị kẹt xe trễ chuyến, được mọi người khuyên liền liên hệ với quầy của hãng. Một nhân viên nói, máy bay đậu đầy sân, không đi kịp chuyến này thì còn chuyến khác. Hai mẹ con chị sẽ được đi chuyến kế tiếp nhưng phải bù thêm tiền vé chênh lệch. Nhân viên tra máy vi tính bấm máy tính cộng cộng trừ trừ. Chị phải đóng thêm chừng này… Giá vé mới bằng giá vé chờ nên hơi cao chị ạ.

Đóng thêm hóa ra tiền vé gần gấp đôi. Chần chừ, chị khách dắt con ra ngoài chờ đón xe ôm xuống bến đi xe đò cho rẻ. Xe ôm không được vô sân bay đón khách, chỉ toàn xe tắc xi. Xuống bến buổi chiều chưa chắc có xe. Thằng con dùng dằng khóc, không chịu đi xe cứ đòi đi máy bay. Chiều con chị miễn cưỡng quay trở lại, miệng méo xẹo: Xe vét khách chót giá còn phân nửa, máy bay vét khách giá kịch trần.

Hai bà cháu xếp hàng. Hàng dài giữa hai dải ruy băng di động hình dích dắc. Khoảng không gian chút éc đứng được bao nhiêu là người, đám đông vẫn không lộn xộn. Một cô nhân viên của hãng mặc áo dài thướt tha đứng bên ngoài hàng, cầm bộ đàm canh không cho khách chui qua dây chắn đi tắt.

Cháu nhấc thùng hàng đặt lên băng chuyền, trình giấy tờ. Cô nhân viên làm thủ tục nhập mã vé, kiểm tra xác nhận khách. Cô hết nhìn bà lại nhìn qua cháu. Cháu nhanh nhảu. Bà đi, bà mới là người đi. Người 81 tuổi sao lộn với người 18 tuổi cho được.

Cô nhân viên quay qua nhìn bà, cười vừa chữa thẹn vừa lấy lòng khách. Nụ cười cơ học bài bản, răng có nhe ra nhưng khuôn mặt không biểu lộ một chút cảm xúc: Hành lý của bà thừa cân phải đóng thêm tiền, số tiền sẽ đóng là…

Thì ra cô trông mặt để bắt hình dong. Già cả lẩm cẩm thế kia nhất định bà sẽ chấp nhận đóng thêm. Thời buổi kinh tế khó khăn, thu được đồng nào hay đồng ấy. Cô nhân viên dùng từ “sẽ đóng” một cách có chủ ý.

Tay giữ chặt bị áo, bà bước lại rất gần cô nhân viên. Tui sẽ sang đồ qua bớt túi ni lông này được không cô. Cô nhân viên khẽ liếc nhìn bà, mở to đôi mắt tròn long lanh. Nhận định ban đầu của cô có phần không đúng. Không được bà ạ, hành lý xách tay cũng chỉ được bảy ký thôi. Tui sẽ đeo nó lên vai được không cô. Không được bà ạ, tất cả hành lý mang theo người khi lên máy bay đều tính là hành lý xách tay. Tui già quắt queo có nhúm xương, cộng cả hành lý cũng đâu nặng bằng ông Tây béo ị kia. Hàng không người ta chỉ tính khối lượng hàng hóa chứ không tính trọng lượng hành khách bà ạ.

Mắt bà cụp xuống, tiu nghỉu. Các nếp gấp trên khuôn mặt thêm sâu. Bà không dễ năn nỉ được cô nhân viên đâu. Mỗi ngày cô làm công việc quen thuộc này với cả nửa ngàn hành khách. Ăn cây nào rào cây ấy. Cô giúp bà ai giúp cô. Với lại bà năn nỉ kiểu như vậy chỉ tốn hơi chứ uổng công. Khi người hỏi dùng từ “không” người trả lời sẽ đáp “không” theo quán tính, chẳng cần mảy may suy nghĩ.

Tí nói nội đừng năn nỉ tốn thời gian vô ích, để con lấy bớt đồ ra cho nhanh. Hàng hay người cuối cùng cũng chuyển lên máy bay. Cháu rút bút bi trụi phập một phát, rạch băng keo, lấy trái cây trong thùng các tông ra bỏ vô ba lô đi học của mình. Vừa đủ cân. Khỏi phải đóng thêm tiền. Một khách đứng sau ghé tai cháu thầm thì: Làm thủ tục xong chút nữa em gái bỏ hết vào xách cũng không sao.

Cô nhân viên dán tem nhãn kiểm tra lên hành lý, trả vé cho khách còn lườm theo một cái, đuôi mắt dài thượt. Băng chuyền chuyển thùng hành lý gửi, bà đứng ngây nhìn theo. Ủa, thùng hàng không đi cùng mình, rủi chuyển lên lộn máy bay hoặc máy bay đến một sân bay khác không. Người già thường sợ mất của. Của một đồng công một lượng. Ra ngoài, cháu bỏ trái cây trở lại giỏ xách của nội. Bà bốc ra một trái, con cầm lấy mà ăn khuya. Cháu còn dúi thêm chai nước suối.

 Lại xếp hàng. Xếp hàng hóa ra lại hay, vừa phân biệt thứ tự ai đến trước đứng trước vừa tránh đám người tụm năm tụm ba lộn xộn.

Nhân viên an ninh đồng phục đứng sau bàn làm việc khung kính bọc quanh kín kẽ. Chẳng nói chẳng rằng, họ lầm lì thò tay lấy vé, thẻ chứng minh hộ chiếu liếc nhìn mặt hành khách, trả vé. Chỉ có bàn tay múp míp cử động, họ giống như rô bốt.

Cháu lùi lại, bà bước lên đứng sau vạch sơn đỏ. Con chỉ đến được đây thôi, người có vé mới được vô bên trong. Kiểm tra xong, nội bỏ giỏ xách lên chỗ kia, ra phía sau lấy. Nội thấy người đi trước làm sao thì làm y theo.

Sắp đến lượt, hai chân bà va nhau cầm cập. Cháu cầm tay bà trấn an. Nội đừng có run. Có chi đâu nội phải run. Hải quan, an ninh làm nhiệm vụ thông thường của họ. Mình đi nội địa đâu có làm thủ tục xuất nhập cảnh, họ không thể làm khó dễ mình được. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ an ninh cho hành khách. Trong tiền vé bao gồm tiền phí an ninh đó nội. Họ được nhận tiền mình, họ phải bảo đảm an ninh cho mình, phải phục vụ mình tử tế. Hành khách là thượng đế đó nội.

Cháu đẩy nhẹ bà qua vạch đỏ. Quên mất mình là thượng đế, trước cán bộ hải quan, cả thân hình gầy gò rung lên bần bật như thể sắp bị khám xét tra khảo. Vé, thẻ chứng minh trên tay, bà nắm chặt cố giữ bình tĩnh thành ra cầm chặt. Nhân viên mặt non choẹt trong bộ đồ mới ủi kỹ lưỡng, chẳng vội vàng làm gì. Ánh mắt cũng lờ đờ hờ hững. Một lúc lâu mới cất lời: Đưa đây.

Thì ra cậu ta có biết nói.

Bà lập cập trình giấy tờ, không dám nhìn nhân viên an ninh. Trình xong nhìn xuống đất. Thẻ chứng minh của bà sắp hết hạn, phải làm lại không thì sẽ không được đi máy bay. Nói xong nhân viên an ninh chờ một câu cảm ơn hoặc cái gật đầu từ hành khách. Cháu dặn lúc nãy rằng mình chỉ đi trong nước nên bà bớt run hơn một chút. Bà bèn nhướng mắt. Cán bộ an ninh đáng tuổi cháu chắt. Bà đằng hắng lấy giọng: Đi tàu bay cũng giống đi xe, đi xe đâu cần chứng minh chứng miếc. Trả lại giấy tờ, nhân viên an ninh nhíu mày, hơi bực mình: Bà về mà đi xe.

Máy soi chiếu đen ngòm, hàng rèm phía trước tua tủa. Ba lô túi xách lũ lượt như đàn chuột chui vô hang tối. Các thanh tròn ngang quay rong róc khi hành lý chạy qua. Bắt chước cậu thanh niên đô con da ngăm tóc tai rậm rạp đi trước, bà để giỏ xách lên băng chuyền. Thanh niên móc bóp bỏ lên khay nhựa, tháo dây nịt… Bà cũng vén áo nhưng sực nhớ chẳng có dây nịt, lại thôi.

Cậu thanh niên bước qua khung cửa máy dò, giơ hai tay lên quá đầu như đang đầu hàng nhân viên an ninh đứng bên trong. Nhân viên cầm chiếc máy rà tay dèn dẹt lướt hai bên người khách từ vai xuống chân, trước ngực, sau lưng. Máy rà dừng lại day day phần mông. Tay kia còn móc chỗ lưng quần trước bụng xem thử vị hành khách vai u thịt bắp đã tháo dây nịt chưa. Máy vẫn còn bíp bíp. Nhân viên dí máy chỗ túi quần, nơi phát ra tiếng kêu. Cởi ra xem. Thì ra anh đô con mặc chiếc quần ngắn, túi chiếc quần ngắn có gắn phec mơ tuya kim loại.

Bà đứng trước khung máy dò, nhứ chân rồi rụt lại đến hai lần, không dám bước qua. Nhân viên an ninh bên trong cầm tay bà kéo tiếp sức, nói: Bà làm như bước qua cửa xuống địa ngục không bằng. Chẳng có tiếng bíp nào. Nếu máy hú, chắc bà té sấp rụng răng không chừng.

Bà mừng quýnh tới chiếc giỏ nằm chỏng chơ. Một nhân viên nữ ngăn lại hỏi: Trong hành lý của bà có vật nhọn. Bà lắc đầu, làm chi có. Cô mở dây kéo, lấy ra một vật nằng nặng hình thù kỳ dị, xỉn màu. Vật tròn tròn có sợi xích toòng teng treo một que nhọn. Có phải cây kim hỏa. Bán nghi cô hỏi: Gì đây. Có phát nổ không? Bà cười móm: Ống ngoáy trầu đó con. Cái này là chìa ngoáy đó con. Cô nhân viên an ninh chưa thấy vật này bao giờ. Để chữa ngượng cô bèn móc chai nước suối trong giỏ ra ngoài. Không được mang chất lỏng theo bà ạ. Cô chỉ chiếc giỏ nhựa đựng đầy các chai nước bị tịch thu bên cạnh giỏ đựng dao kéo tuốc nơ vít…

Chai nước cháu nội đưa. Người già hay tiếc của, bà giật lại. Nhân viên an ninh tròn mắt như chưa từng gặp ai giống bà già này. Nếu nước uống, tối đa chỉ một trăm mi li lít bà ạ. Bà uống bớt đi. Bà không khát nhưng mở nắp ráng uống. Vừa uống vừa canh chừng để không quá thể tích cho phép.

Bà mò mẫm đến đúng cổng cháu nội đã khoanh tròn bằng bút bi trên vé. Hai mẹ con chị trễ chuyến lúc nãy cũng vừa đến. Chị sẽ đi cùng chuyến bay với bà. Ba bà cháu ngồi một hàng ghế gần nhau cho có bạn. Mới đặt đít, thằng bé đã đòi. Mẹ ơi cho con uống nước. Nghe vậy bà tìm chai nước của mình. Mẹ thằng bé nhanh tay đã đẩy chai nước về phía con. Con tự uống đi, thanh niên rồi còn gì.

Nhìn chai nước một lít rưỡi, bà không khỏi thắc mắc. Sao con mang vô đây được hay vậy. Người mẹ sửa cổ áo lại cho con, đáp. Cháu mới mua trong cửa hàng kia đó bác. Chút nữa có mang đi được không hay phải uống hết hở cháu. Vô tư bác à.

Bà nhăn mặt gãi gãi mái đầu bạc. Cũng đều là nước uống sao lại khác nhau giữa bên trong và ngoài cái cửa. Bà ướm hỏi nhưng kịp dừng lại vì tiếng loa thông báo oang oang: Chuyến bay… khởi hành trễ vì lý do máy bay đến trễ, giờ khởi hành mới là…

Loa dứt, chị ngồi bên nhắc lại cho bà nghe và bảo thằng con nằm ngủ chứ ngồi chờ lâu lắm mới đến giờ bay. Thằng bé chạy nhảy lung tung. Nó lại tấm cửa kiếng nhìn máy bay cất cánh. Trời nhập nhoạng tối. Dưới đường băng máy bay chạy lấy trớn rời mặt đất lao vút chìm dần trong bóng đêm. Đèn xi nhan chớp liên hồi. Thằng bé chăm chú nhìn theo cho đến khi máy bay mất hút bèn chạy lại hỏi mẹ: Máy bay không bật đèn pha, trời tối sao bay được mẹ. Có ra đa. Thế máy bay có đáp lộn sân bay không mẹ. Có gi pi ét. Nếu ra đa và gi pi ét hỏng giữa đường thì sao mẹ. Thôi ngủ đi, đừng hỏi tầm bậy tầm bạ an ninh đến bắt đó.

Nghe nhắc tới an ninh, thằng bé mới hết hỏi nhưng phụng phịu. Bà lấy trái cây ra dỗ thằng bé. Mẹ bé ngăn lại. Bà để làm quà chớ. Thằng bé lí nhí cảm ơn, bỏ trái cây vô túi quần để dành. Vừa lúc loa thông báo lại vang lên, rõ mồn một từng chữ bằng hai thứ tiếng Việt, Anh: Chuyến bay… khởi hành trễ vì lý do máy bay đến trễ, giờ khởi hành mới là…

Chị giải thích cho bà rằng chuyến của họ tiếp tục bị trễ thêm gần một tiếng nữa. Chị lắc đầu cười chua chát. Chẳng công bằng chút nào, mình trễ có mấy phút đi chuyến mới bị đóng thêm tiền, máy bay trễ cả mấy tiếng khách chẳng được bồi thường xu nào.

Cuối cùng cũng đến giờ máy bay khởi hành thật nhưng cửa lên máy bay thay đổi. Khách lục tục đến cửa mới, chen chúc sắp hàng như sợ sẽ bị lùi giờ tiếp. Mấy cô nhân viên soát vé để chiếc cân bên cạnh, nghi ngờ hành lý xách tay nào dư ký sẽ yêu cầu cân. Một vài hành khách đã bị đóng phạt.

Cậu thanh niên đô con đi sau thấy bà xách nặng liền xách dùm. Đến cửa soát vé cậu ta trả lại cho bà. Nếu xách qua cửa soát vé, hành lý dư ký không phải của mình sẽ phiền phức, chưa kể bên trong có chất cấm sẽ nguy. Nhận lại giỏ xách, bà không khỏi lo lắng. Bà xách bên đối diện để cô soát vé không nhìn thấy. Bà lấy hết sức ưỡn người cho thẳng, sải bước làm ra vẻ giỏ của mình không có gì nặng cho lắm.

Hành động của bà không qua được con mắt có nghề của hai cô soát vé. Một cô ngăn bà lại bảo đặt hành lý xuống. Cô xách túi ướm ướm, thốt lên: Trời, bà khỏe quá ha. Cái gì trong này mà nặng dữ vậy.

Bà lúng ta lúng túng, nhăn mặt: Có chi đâu, chỉ mấy trái bom thôi cô à.

Cô soát vé hốt hoảng thả phịch giỏ xách xuống đất. Cô bên cạnh đưa bộ đàm định gọi. Rồi thì hiểu ngay ra bom là trái táo, các cô cười chữa ngượng.

Mấy người đứng phía sau xì xào. Bà đã nói từ cấm ở trong sân bay, coi chừng có ngày làm náo loạn rồi bị phạt. Mấy chục triệu Việt Nam đồng chứ chẳng chơi. Người thì nói sẽ bị cấm bay vĩnh viễn. Có người cãi lại, khách và hành lý đã qua máy soi chiếu rồi thì sợ gì, nói từ quái gì chẳng được…

Con gái ra sân bay đón từ chiều, chờ sốt ruột gọi mẹ. Máy ò í e. Đứa cháu gái về phòng trọ gọi cho bà, máy không liên lạc được. Thời đại số cố sống chậm, chắc máy bay cũng bay chậm để tận hưởng cuộc sống.

Exit mobile version