LÊ XUÂN ĐỨC

Ngày 19/5 năm nay, sau buổi thuyết trình Chủ tịch Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam – văn hóa nhân văn, văn hóa hòa bình tại trường Đại học Quảng Tây – Trung Quốc, tôi có buổi chuyện trò với giáo sư Hoàng Tranh, Viện Khoa học xã hội Quảng Tây, người có nhiều công trình nghiên cứu về Hồ Chí Minh và được ông cho biết: Đầu năm 2013, ông Hoàng Nghị, người phụ trách Phòng trưng bày Hồ Chí Minh với nhân dân dân tộc Choang, Quảng Tây, báo tin rằng, tại động Long Lâm, huyện Tĩnh Tây, có hai bài thơ của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh viết trên vách đá. Giáo sư Hoàng Tranh đã đến tận nơi khảo sát. Hôm sau, giáo sư Phạm Hồng Quý, người khá am hiểu về văn hóa Việt Nam, đưa tôi đến gặp cô giáo Trần Lệ Hoan, phu nhân của cố giáo sư Lâm Đại Phàm. Cô giáo cho biết, theo lời kể của giáo sư Phàm, ở động Long Lâm có thơ Bác Hồ. Đi theo một cán bộ của bảo tàng Tĩnh Tây, tôi đã đến động Long Lâm, cách thị trấn Long Lâm chừng 3km. Động này được dân trong vùng gọi là động Đức Môn. Động ở lưng chừng núi, cây rừng rậm rạp, hiểm trở, nay được mở lối mòn, tu bổ, bảo tồn và là một di tích lịch sử – văn hóa của tỉnh Quảng Tây.

Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc và những người cao tuổi ở địa phương, khoảng đầu những năm 30 của thế kỷ trước, người tìm ra động này là ông Trương Đình Duy. Đầu tháng 12 – 1940, Bác Hồ rời văn phòng Bát Lộ Quân ở Quế Lâm để về Tĩnh Tây, tìm cách bắt liên lạc với Ban Hải ngoại Đảng Cộng sản Đông Dương và tìm mối để gặp các đồng chí từ Việt Nam sang, chuẩn bị cho kế hoạch về nước. Thời gian ở Long Lâm, Bác chủ yếu sống tại nhà hai ông Trương Đình Duy và Lâm Bích Phong. Tại đây, Bác đã kết nghĩa với một số anh em người địa phương thường giúp đỡ, đùm bọc mình. Ông Trương Đình Duy nhiều tuổi nhất, được tôn là anh Cả, Bác Hồ là anh Hai. Ông Lâm Bích Phong (thân phụ của cố giáo sư Lâm Đại Phàm) là anh Ba…

Lúc bấy giờ tình hình vùng này không được yên ổn, ông Cả Trương Đình Duy, ông Ba Lâm Bích Phong và những người anh em kết nghĩa đã đưa ông Hai – Bác Hồ – vào ở trong động Long Lâm. Hàng ngày, những người anh em ấy thay nhau đem cơm nước và tin tức về tình hình bên ngoài vào cho Bác. Ông Trương Đình Duy lúc ấy có một người cháu nội tên là Trương Thuật Phong. Người cháu này thường được ông nội phân công vào động giúp đỡ ông Hai những việc cần thiết. Trương Thuật Phong cho hay, những lúc cao hứng, Bác thường làm và đọc thơ. Có lần, nghe Bác ngâm vịnh, thấy thơ hay và đúng cảnh hiện tại, Trương Thuật Phong đã viết lên vách đá trong hang hai bài thơ (1) của Bác:

Bài 1:

Tam Thai đối diện điều thanh điềm

Lưu thủy sàn sàn bạn ngã miên

Tẩu biến thiên nhai thiên lý lộ

Tàng thân thử động tối an toàn

Dịch thơ:

Chim núi Tam Thai gù trước động

Nước ru ta ngủ những canh chầy

Bôn tẩu chân trời ngàn dặm thẳm

Ẩn mình, đâu sánh được nơi đây.

Bài 2:

Thử động chân chính hảo

Thắng tỷ Thất Tinh nham

Việt nhân đáo thử xứ

Mạc bất tâm khai nhan

Dịch thơ:

Động này tốt hơn hẳn

Núi Thất Tinh ngày nào

Khách Việt về đây ẩn

Không cười mà được sao.

Ngoài hai bài thơ trên, Bác còn một bài thơ viết trong động Ba Mông. Về bài thơ này, trong chuyến đi điền dã theo dấu những địa danh Bác Hồ bị giam, bị giải qua 30 nhà tù từ Tĩnh Tây đến Nam Ninh để cảm nhận và hiểu sâu hơn giá trị Ngục trung nhật ký, khi đến thôn Ba Mông, cách huyện lỵ Tĩnh Tây 17km tôi đã được cháu nội của cụ Từ Vĩ Tam thuật lại như sau. Trong thời gian ở đây, Bác thường trú tại nhà hai ông Từ Vĩ Tam và Vương Tích Cơ. Dạo ấy bọn hương cảnh Quốc dân Đảng hay đến thôn lục soát, bắt người. Để đảm bảo an toàn cho Bác, cách thôn Ba Mông hơn 1km có núi Phong Nham, trong núi có một động đá không rộng, không sâu lắm, rất ít người biết, Từ Vĩ Tam và Vương Tích Cơ đưa Bác vào ở trong động này và cụ Hoàng Tài Phán cùng ở để chăm sóc Bác và giữ mối liên lạc với bên ngoài. Theo lời kể của cụ Hoàng Tài Phán, ngoài việc dùng vôi nước viết lên vách đá những câu chữ Hán như Kết nghĩa đệ huynh, đại gia nhất điều tâm (Kết nghĩa anh em, mọi người đồng lòng), Thực hành tân sinh hoạt, hoàn ngã cựu sơn hà (Thực hành đời sống mới, trả lại non sông cũ cho ta), Bác còn dùng than viết bài thơ Ban mai theo thể tứ tuyệt.

Nhật xuất đông phương nhất điểm hồng

Nga mi phượng nhãn tự loan cung

Mãn thiên tinh đẩu linh định điếu

Ô vân cái nguyệt ám mông lung.

Dịch thơ:

Phương đông hiện điểm mặt trời hồng

Tròn xoe mắt phượng dưới mày cong

Khắp trời, sao chỉ còn le lói

Mây phủ, trăng kia tối mịt mùng.

Theo giáo sư Hoàng Tranh, đây là “bài thơ tả buổi bình minh, khi Bác Hồ ngắm cảnh qua cửa động. Tuy là tả cảnh nhưng ẩn ý cuộc sống cách mạng của nhân dân Việt Nam nhất định sẽ xua tan đêm tối trước bình minh”. Việc viết những câu thơ hoặc câu nói chứa đựng một ý tưởng trên các vách đá hang động, vách đá núi cao bằng chữ Hán là việc các nho sĩ thời trước hay làm. Là bậc uyên nho, Bác Hồ cũng mang trong mình truyền thống quý báu đó. Qua việc tìm hiểu ba bài thơ trên, thêm một lần nữa chúng ta thấy được tinh thần lạc quan cách mạng, chất thép kiên cường trong Bác – người chiến sĩ cộng sản vĩ đại của nhân dân Việt Nam

L.X.Đ

 

 

——

(1) Những bản dịch thơ trong bài đều do nhà thơ Đỗ Trung Lai dịch.

Exit mobile version