Với cánh văn nghệ sĩ, ấp Đồi Cháy còn được gọi thân quen là ấp Cầu Đen, do từ xưa ở gần đấy đã có một cây cầu sắt sơn đen sì, hoặc bằng một cái tên mới hơn, kể từ khi những cư dân mới đến lập ấp: “đồi Văn Nghệ”.
Ấp Đồi Cháy đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam từ tháng 3 năm 1948, khi trên tạp chí Văn nghệ số ra mắt đăng bài tùy bút cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng. Trong bài viết, tác giả tả về những con người “khai sơn phá thạch” đã dựng lên cái ấp trên một ngọn đồi đất sỏi vùng Yên Thế, Nhã Nam. Từ những vật liệu tranh tre, nứa lá, đất nhào, những bác Điền, bác Chỉ, bác Minh, bà cụ Giáo, vợ chồng Bằng… đã tự tay dựng khung nhà, trát vách, lợp mái cho những căn nhà đơn sơ của mình, bất chấp cái nắng nóng, cái oi nồng trên quả đồi trọc tưởng như chẳng có gì sống nổi. Lo ở thì cũng phải lo ăn, họ lại cùng nhau vỡ vạc những miếng đất khô cằn dưới chân đồi, để có ruộng trồng cấy mà tính chuyện lâu dài. Khó nhọc chẳng biết đến thế nào, vậy mà rồi cũng đến lúc họ đã có thể thắp nén hương nhập trạch, làm bữa cơm cúng tổ tiên về chứng giám, bảo học cho con em mình và cả lũ trẻ trong vùng tìm đến cái ấp mới như một địa chỉ văn hóa đầy ánh sáng. Còn với cánh văn nghệ sĩ, ấp Đồi Cháy còn được gọi thân quen là ấp Cầu Đen, do từ xưa ở gần đấy đã có một cây cầu sắt sơn đen sì, hoặc bằng một cái tên mới hơn, kể từ khi những cư dân mới đến lập ấp: “đồi Văn Nghệ”.
Đồi văn nghệ với những con người văn nghệ, bởi những nhân vật anh Văn, anh Huyên, bác cu Điền, bác Chỉ, Minh, Bằng… trong bài tùy bút chính là mấy ông văn nghệ sĩ mà người viết – nhà văn Nguyên Hồng muốn tái hiện như những con người bình thường nhất khi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Bấy giờ, các nhà văn Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Kim Lân cùng các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Tạ Thúc Bình đang làm báo Chi Lăng, Xông pha cho khu ủy Khu XII và bộ đội Khu XII. Nghe thì oai thế, nhưng hoàn cảnh các ông thì rất gay go: Đem cả gia đình đi kháng chiến, người lo mẹ già, người thì vợ con bìu díu. Bà con địa phương rất tốt, rất sẵn lòng, nhưng đã mấy nhà đủ rộng để mà chứa cả một gia đình tản cư. Tiền ăn cũng chẳng có, trước mắt trông vào mấy đồng tiền trợ cấp của “trên”, còn thì có gì đáng giá đem bán đi lấy tiền ăn độ nhật… Bí thư khu ủy khu XII khi ấy là ông Nguyễn Khang, người từng chỉ huy cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền hồi Cách mạng tháng Tám 1945 ở Hà Nội; để tạo điều kiện cho mấy ông văn nghệ sĩ kiêm nhà báo về đầu quân cho khu mình sớm ổn định cuộc sống, ông Khang đã cấp đất để họ định cư, lại cấp cho cả vật liệu để dựng nhà, lập ấp. Và thế là ấp Đồi Cháy đã mọc lên và đi vào trang sách của nhà văn Nguyên Hồng…
Cha tôi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng không phải là cư dân của ngọn đồi này, nhưng với ông, có thể nói, ấp Đồi Cháy đã là nơi gắn bó ngay từ những ngày đầu. Nhà văn Nguyên Hồng viết tuỳ bút Ấp Đồi Cháy từ tháng 7-1947 (như ông có ghi ở cuối bài), thì đến tháng 11 năm ấy, cha tôi đã thường xuyên có mặt nơi đây. Khi thì do công việc, nhưng nhiều khi vào chỉ cốt gặp bạn bè. Bấy giờ, trận Việt Bắc đang diễn ra nhưng chưa lan đến vùng này. Các ông còn có thể ở yên mà sáng tác. Ngày 7-11-1947, cha tôi viết xong một tuỳ bút và liền vào với bác Nguyên Hồng để chia sẻ niềm vui với bạn. Nhưng vốn là người dè dặt, ông đã không đọc bài mình mà ngồi nghe bác Nguyên Hồng đọc tuỳ bút Ấp Đồi Cháy của bác và truyện ngắn Làng của Kim Lân. Khi ấy việc chuẩn bị ra báo Văn nghệ đang gấp rút tiến hành. Mọi người viết được gì thường là đọc cho nhau góp ý. Một tối ở ấp Đồi Cháy, không rõ ở nhà cụ Tố hay bác Nguyên Hồng, cha tôi dự vào một buổi đọc sáng tác của anh em, trong một bầu không khí chắc là phải rất đặc biệt, nó khiến ông liên tưởng đến một thứ “cénacle” (cha tôi dùng tiếng Pháp, với ý chỉ một hội văn bút, thường họp mặt tại “xa lông” của một chủ nhân nổi tiếng nào). Xin được trích nguyên văn đoạn nhật ký của ông, ghi ngày 15-11-1947: “Anh em đọc to những sáng tác của họ. Có một sự vui thú say sưa lạ thường. Thú vui của một cénacle”.
Không chỉ lúc vui, mà cả lúc buồn, cha tôi cũng hay tìm đến ấp Đồi Cháy, hay ấp Cầu Đen, như ông vẫn quen gọi, quen ghi trong nhật ký. Buổi đầu, kháng chiến, cha tôi ra đi có một mình, mẹ tôi và các chị tôi (ba người tất cả cho đến khi ấy), còn bị kẹt lại trong thành, chưa ra ngoài kháng chiến với ông được. Mỗi lần vào ấp Cầu Đen, đến với gia đình cụ Tố, bác Nguyên Hồng, bác Kim Lân, cha tôi như được an ủi phần nào khi được hưởng thú vui đầm ấm của các nhà, đồng thời cũng lại chạnh lòng thương nhớ vợ con; sự quan tâm của bạn bè, đồng nghiệp đối với gia đình mình, những lời hỏi thăm đon đả của các bà vợ, một cử chỉ ân cần của ai đó với kẻ vò võ một mình… luôn khiến ông xúc động, và chắc chắn đã động viên ông rất nhiều cho đến khi ông đón được vợ con ra (tháng 4-1951). Có thể nói, cho đến khi ấy, gia đình mấy nhà văn ở ấp Đồi Cháy cũng chính là gia đình ông, hay ngược lại, mọi người cũng luôn coi ông là người nhà mình, như tôi vẫn thường được nghe anh Trù con bác Ngô Tất Tố, anh Giang con bác Nguyên Hồng, chị Hiền con bác Kim Lân… kể về sự gắn bó của cha tôi với gia đình các anh chị, sự chia ngọt sẻ bùi mà cha tôi luôn dành cho mọi người còn hơn cả máu mủ ruột già.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi, cũng là người hay lui tới ấp Cầu Đen, sau này có lần đến nói chuyện tại trụ sở báo Tổ quốc về thời Việt Bắc “nhúm rau nhúm muối” của các ông. Bước vào cuộc kháng chiến gian khổ, trước mắt các ông đặt ra biết bao nhiêu thứ việc. Nào lo ổn định cuộc sống cho các gia đình trong Đoàn văn nghệ kháng chiến, khi ấy đóng rải rác các nơi. Nào lo triển khai các hoạt động văn nghệ, góp phần vào cuộc kháng chiến của dân tộc. Công việc nào cũng cần kíp cả, trong đó có việc chuẩn bị ra tạp chí Văn nghệ, để quy tụ lực lượng anh em và có chỗ cho các văn nghệ sĩ đăng sáng tác của mình. Đoàn thể có cấp cho một ít kinh phí, nhưng cũng chẳng được là bao, chỉ tính riêng việc ra báo chắc gì đã đủ. Nhưng dù gì thì cũng phải trích ra một phần để lo đời sống cho anh em. Vấn đề là cấp cho ai và cấp như thế nào? Nhà nào chẳng đầy những khó khăn, nhà nào chẳng cần được giúp đỡ. Nếu chia đổ đầu thì cũng chỉ giúp được cho mỗi nhà ăn dăm ba bữa là hết. Chi bằng cấp cho một nhà nào khó khăn nhất mà cũng hữu ích nhất – cha tôi nêu ý kiến. Và nhà ấy là gia đình nhà văn Ngô Tất Tố, đông người nhất (cụ có hai bà, mỗi bà đều nhiều con), lại từng sống ở nông thôn, ai nấy đã quen với việc nhà nông. Tập trung giúp cho gia đình cụ, chắc chắn là giải quyết được về lâu về dài. Ít nhất thì cũng lo được cho một nhà! – Cha tôi kết luận. Còn nếu có ai thắc mắc? – Ông nói tiếp khi có người nêu ý kiến. Không, chẳng có ai thắc mắc đâu, ông đảm bảo. Mà nếu có, thì ông sẽ có trách nhiệm giải thích…
Việc thế là đã quyết và buổi “khai hội” kết thúc bằng một cuộc rượu – tôi vẫn đang thuật lại lời kể của nhà văn Nguyễn Đình Thi trong buổi nói chuyện hôm ấy. Ai nấy đều vui vì kết quả cuộc họp, nên uống rất hăng. (Với các văn nghệ sĩ, có thể thiếu ăn nhưng không thể thiếu rượu, dù là trong hoàn cảnh kháng chiến!) Tan cuộc thì đã khuya mà cha tôi lại say quá. Nhưng ông nhất quyết đến đưa tiền cho cụ Tố luôn. Theo như cách nói của nhà văn Nguyên Hồng, “Nguyễn Huy Tưởng làm nội vụ, vừa là thủ quỹ vừa đi giao thiệp in tạp chí”. Công việc nhiều, trách nhiệm lớn, toàn bộ số tiền đoàn thể cấp cho Đoàn văn nghệ sĩ kháng chiến, ông để cả vào một cái bao, buộc đeo trước bụng như một cái ruột tượng. Đi đâu cũng kè kè đem theo. Hôm ấy cũng vậy. Ông đeo ruột tượng băng rừng tiến về phía Đồi Cháy. Nhưng do say rượu, trời lại quá tối, ông vừa đi vừa vấp ngã. Mỗi lần ngã lại lồm cồm đứng dậy, miệng xuýt xoa, tay phủi phủi, nhưng không bao giờ quên lần lại cái ruột tượng đeo trước bụng cho yên tâm. Cứ thế mãi rồi ông cũng lên được đến nhà cụ Tố, trao tiền của đoàn thể cho cụ trước sự ngạc nhiên của cả nhà…
Các văn nghệ sĩ trong kháng chiến. Hàng ngồi: Nguyên Hồng (thứ hai từ trái qua), Nguyễn Huy Tưởng (thứ ba), Nguyễn Đình Thi (thứ tư), Kim Lân (thứ hai từ phải qua).
Nhưng không phải bao giờ trên ấp Cầu Đen cũng bao trùm một bầu không khí tốt lành. Mà có khi còn là những sự, những việc chẳng vui vẻ gì. Như chuyện sau đây xảy ra với bác Nguyên Hồng mà tôi được biết qua một lá thư bác viết cho cha tôi. (Thời gian đã đủ xa để xin phép được “xã hội hoá” thư từ của nhà văn.) Ngày 10-8-1952, thời điểm bắt đầu tiến hành chỉnh huấn, từ trên quả đồi của mình, bác Nguyên Hồng viết cho cha tôi và nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh một bức thư. Sở dĩ cho hai ông là vì cha tôi và nhà thơ Xuân Sanh khi ấy được cử sang công tác tại Tiểu ban văn nghệ của Đảng. Nghĩa là một lá thư chính thức. Cho đoàn thể.
Trong bức thư dài tới 7 trang của mình, phúc đáp một lá thư của cha tôi, có lẽ là về việc báo cáo gì gì đó, bác Nguyên Hồng lần lượt trình bày các vấn đề của mình, chắc cũng là theo yêu cầu: Sinh hoạt tổ – Học tập – Công tác – Sáng tác, trước khi chuyển sang phần cuối cùng là làm một cuộc “kiểm thảo thành khẩn ở tổ” về hai vấn đề mà chúng tôi sẽ nói tới sau. Tổ ở đây gồm ba ông nhà văn ở ấp Đồi Cháy: Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Kim Lân, do nhà văn Kim Lân, người trẻ tuổi nhất, làm tổ trưởng. Tác giả bức thư lần lượt trình bày rành rẽ từng mục một. Từ việc mình vẫn sinh hoạt tổ đều đến việc tự nghiên cứu cuốn “Kiên quyết quán triệt đường lối văn nghệ Mao Trạch Đông” của Chu Dương; từ công việc sáng tác cá nhân xem ra là không kết quả gì đến việc nói chuyện về “Thơ ca kháng chiến” tại hội nghị văn nghệ tỉnh, hay tham gia họp ban văn hoá xã hội ở xã mà theo bác là rất bổ ích. Đại loại là như thế…
Để rồi đến phần cuối cùng – phần “kiểm thảo” – bác tường trình hai việc: 1/ Việc xích mích giữa mình với một cư dân cũng của ấp Cầu Đen mà tôi xin phép không nêu tên; 2/ Việc bác xin thuốc của bộ đội.
Về việc thứ nhất, bác Nguyên Hồng vẫn giữ được thái độ điềm tĩnh, khi khẳng định sự việc đã được giải quyết bằng một cuộc kiểm thảo trước tổ, và được đồng chí Tố bảo rằng: “như thế thì đã êm thấm”. Cụ thể, chi tiết thế nào, “đồng chí Kim Lân tổ trưởng” đã có báo cáo, cũng như mọi cuộc họp tổ khác.
Nhưng đến việc thứ hai thì nhà văn Nguyên Hồng không dằn lòng được nữa. Bác cho biết hai tháng trước đó, quả là bác có viết một lá thư hỏi xin thuốc thật; thư đó bác nhờ một người (cũng là cánh văn nghệ sĩ cả mà tôi lại xin phép không nêu tên) đưa đến cho một người quen chung làm quân y sĩ. Số là khi ấy bác đang ốm quá, đi ngoài, nôn tháo, đến uống một ngụm nước vào cũng không được; mà không chỉ mình bác, cả bác gái cũng mệt nặng, sốt, ho ra máu… Nhân có người quen là quân y sĩ, bác viết thư hỏi xin thuốc, nhưng đã dặn đi dặn lại trong thư, lại cả dặn mồm người cầm thư hộ, nếu đúng nguyên tắc của Chính phủ thì hãy cấp, còn không thì đừng, mà cũng chớ đưa bức thư ra, cứ coi như không có chuyện gì cả. Ít lâu sau gặp lại, người cầm thư cho biết đã không gặp được người quân y sĩ kia, và đưa trả lại bức thư. Việc không thành, nhưng bác Nguyên Hồng lấy làm mừng là thư đã không được gửi, thôi thế là khỏi phải phiền về chuyện thuốc men…
Nào ngờ thư thì không gửi, thuốc thì không nhận, thế mà người ta đồn ầm lên rằng nhà văn Nguyên Hồng có chuyện gì đấy liên quan đến thuốc men của bộ đội. Xin nhắc lại, bấy giờ đang thời kỳ chỉnh huấn, chỉnh quân, những gì bị quy về “tác phong”, “sinh hoạt”, nhất là về “ý thức” là rất nặng. Làm sao lại có chuyện lấy thuốc của bộ đội, những người đang hi sinh xương máu cho nhân dân! Chuyện đến tai đoàn thể. Thế nên mới có chuyện yêu cầu “kiểm thảo thành khẩn” kia. Không biết cha tôi khi viết thư yêu cầu bác về việc này cảm thấy bất nhẫn thế nào; chỉ biết lá thư của bác Nguyên Hồng, với một người đọc như tôi, được trực tiếp chứng kiến từng nét dập xoá, từng vết mờ nhoà trong thư, dường như có lẫn cả những tiếng nấc nghẹn, những giọt nước mắt đắng chát của một người bị hiểu lầm oan ức đến như thế!
Sự oan ức đi đến một quyết định: nhà văn Nguyên Hồng dứt khoát xin không nhận lương của Sở Văn nghệ nữa – điều bác đã đề đạt từ trước rồi, nhưng chưa được chấp nhận. Ở bác vẫn thường trực ý nghĩ mình không đóng góp được gì mà cứ nhận lương là không phải (“trong tháng này, tôi không viết được gì”, như nhà văn tự nhận); nay trước sự việc xảy ra, bác càng quả quyết. Xin được trích nguyên văn đoạn thư của nhà văn Nguyên Hồng: “Tôi rất mong Tiểu ban và Sở cho tôi được nghỉ dài hạn và không lĩnh lương. Tôi vui lòng được chấp nhận đề nghị này, vì tôi sẵn sàng và cả gia đình tôi cũng sẵn sàng được cố gắng thêm, làm thêm việc, thêm tăng gia hay bảo học ở một trường gần nhà, để giảm bớt sự chi tiêu của Sở, và tránh cho tôi những dư luận không tốt.” (tôi nhấn mạnh – N.H.Th.).
*
Tôi thuật lại sự việc này không nhằm làm “trầm trọng hoá” về một thời đã qua. Điều tôi muốn được chia sẻ cùng bạn đọc, trong phạm vi hiểu biết của mình, là sự nhất quán ở bác Nguyễn Hồng mà tôi cảm nhận được. Chúng ta đọc Cát bụi chân ai của nhà văn Tô Hoài biết rằng, vào năm 1958, nghĩa là 6 năm sau sự việc nói trên, nhà văn Nguyên Hồng đã từ bỏ Hà Nội, đưa gia đình vợ con trở lại sống ở ấp Đồi Cháy. Không, không phải ông lập dị hay muốn làm ra vẻ khác người, mà chính là ông đòi được là chính mình. Bấy giờ, cuộc đấu tranh chống Nhân văn Giai phẩm đã đi đến hồi kết sau những cuộc hội họp, học tập kéo dài, nhiều văn nghệ sĩ đã viết tự phê bình, kiểm điểm sai lầm, khuyết điểm của mình, về tư tưởng, về hành động, về bài viết này, phát biểu nọ… Nhà văn Nguyên Hồng thì không! Ông vẫn mong tìm được một ông Bao Công nào để giãi bày trường hợp của mình, về tấm lòng ngay thẳng của ông với Đảng, với Dân, với Nước. Nhưng rồi mong muốn không thực hiện được, nhân có đợt giảm biên chế, ông làm đơn xin ra liền. Rồi đưa gia đình trở lại ấp Đồi Cháy khi xưa, sống bằng lao động của mình (cả trí óc và chân tay). Để, “khỏi phải ngửa tay nhận lương hưu, chẳng phải vờ vẫn bịa đặt báo cáo công tác, chẳng phiền ai” (dẫn theo Cát bụi chân ai, 1992).
Quả là một chuyện hi hữu chỉ có thể xảy ra với một người như nhà văn Nguyên Hồng. Nhưng suy cho cùng, chuyện này đâu có gì là bột phát. Cái quyết định chuyển về Nhã Nam năm 1958 của bác, với cái đơn xin được không ăn lương từ hồi năm 1952 kia, có thể nói, chỉ là một. Ở bác đã luôn sẵn có cái khí chất quyết liệt của một kẻ sĩ đất Yên Thế, Nhã Nam, quê hương của cụ Đề Hoàng Hoa Thám: Đã không thích là không chơi. Đã không chơi là không luỵ. Đã không luỵ thì tự mình lo lấy cho mình. Chả phải hỏi ý kiến của ai. Cũng chả phải phiền ai giúp đỡ. Từ việc bốc chuyển cả nhà đi, đến việc thu xếp nơi ăn chốn ở trong buổi đầu bỡ ngỡ, cũng đều là tự lo lấy cả! Ngay đến nhà văn Tô Hoài, thân với nhà văn Nguyên Hồng là thế, mà cũng chỉ được biết khi chuyện đã rồi, như ông đã kể lại trong cuốn Cát bụi: “Rồi một hôm nghe Kim Lân nói Nguyên Hồng đã dọn về Nhã Nam… Tôi vẫn lơ lửng không tin Nguyên Hồng lại lên Nhã Nam. Nhưng mà sự việc đã thật như thế… Lại lên Nhã Nam, ấp Cầu Đen, ấp Đồi Cháy, lại ở đồi như những năm tản cư. Trên quả đồi lưa thưa tre pheo còn lại lơ thơ mấy nhà người làng, cái trường học cấp 1, mái lợp nứa, tường trình ụp xụp, quạnh quẽ. Lại vẫn ở cái nhà như từ hồi chạy Tây mới tản cư. Nhà tường đất, bờ rào cắm xương rồng ông, vũng nước giếng đất trong khe dưới chân đồi. Xa xa, trước mặt, bắt đầu nhấp nhô những cánh rừng…”.
*
Với sự trở lại của nhà văn Nguyên Hồng, ấp Đồi Cháy đã viết tiếp trang sử của mình. Không nghi ngờ gì nữa, với Nguyên Hồng và gia đình ông, cuộc trở về đó thấm đẫm mồ hôi, và cả nước mắt nữa, để có thể tái định cư trên ngọn đồi đã bị bỏ hoang từ ngày hòa bình lập lại, khi các gia đình văn nghệ trở về Hà Nội. Người viết bài này biết lắm, các con trai, con gái của nhà văn Nguyên Hồng mãi sau này còn nhớ về quãng đời đó như một sự trớ trêu của số phận, khi đang yên đang lành cả nhà đùng đùng bỏ Hà Nội phồn hoa để theo cha lên tít vùng rừng núi Bắc Giang sinh sống. Chỉ bằng niềm tin và sự kính trọng người cha mà các anh chị không than thở đó thôi. Thời gian qua đi, mọi nỗi nhọc nhằn cũng vợi dần, giờ đây chỉ những kí ức tốt đẹp nhất còn đọng lại. Ấp Cầu Đen, hay ấp Đồi Cháy là nơi nhà văn Nguyên Hồng sống như một lão nông, cũng chân lấm tay bùn, cũng băm bèo quạt thóc, để viết nên những tác phẩm lớn của đời mình, từ cuốn tiếu thuyết Sóng gầm mở đầu bộ Cửa biển đồ sộ đến tập tiểu thuyết Núi rừng Yên Thế còn dang dở. Ấp Cầu Đen, hay ấp Đồi Cháy, cũng là nơi nhà văn Nguyên Hồng mời các bạn văn lên với mình mà sáng tác. Vâng, chính là lên ở với bác Nguyên Hồng, cha tôi đã hoàn thành được tác phẩm Bốn năm sau, sau khi ông đi thực tế Điện Biên về và viết đi viết lại mãi không xong. Cũng ở đấy, nhà văn Kim Lân, sau một thời gian dài viết không ra, nhờ lên với ông bạn chí cốt Nguyên Hồng mà đã viết được hàng loạt truyện ngắn làm nên tập sách trứ danh Con chó xấu xí…
*
Không biết với nhà văn Kim Lân, ông còn lên ấp Đồi Cháy bao nhiêu lần nữa, và có viết thêm được những gì. Nhưng với cha tôi, đó là lần cuối cùng, của ông. Gần một năm sau, ông lâm trọng bệnh. Hay tin, bác Nguyên Hồng liền từ ấp Đồi Cháy về Hà Nội, nâng đỡ tinh thần cho cha tôi gần suốt hai tháng trời ông nằm viện, và khi cha tôi mất, lại cùng các bác Nguyễn Tuân, Kim Lân… lo tang lễ cho ông. Ít ngày sau, bác viết bài Những truyện bỏ dở kể về những kỷ niệm không thể quên với cha tôi. Trong đó, tươi rói nhất là lần cha tôi lên ấp Đồi Cháy với bác để viết lại Bốn năm sau. Hôm tiễn cha tôi về, bác đưa ra đến bờ sông máng ở cầu Nhã Nam, và cứ dặn đi dặn lại cha tôi thế nào cũng lại lên với bác để viết cho xong tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô. Không phải bác không biết những khó khăn khi bạn lên với mình – bấy giờ gia đình nhà văn Nguyên Hồng mới tái định cư được một năm, ở một nơi heo hút không điện không nước, thậm chí không cả đường ô tô thì lấy đâu ra sự tiện nghi mà dành cho bạn. Nhưng bác biết một điều còn quan trọng hơn, lên với bác, có được hơi hướng của nhau, ngòi bút sẽ thông thoáng hơn, như ngày nào ở rừng Việt Bắc rét cắt da cắt thịt, các ông cùng say sưa viết số báo Văn nghệ đầu tiên; hay như chỉ vừa năm ngoái thôi, được bạn nhường cho cái bàn viết duy nhất của mình, cha tôi đã viết lại một mạch xong liền tập bản thảo dày mấy trăm trang. Giây phút chia tay, bác và cha tôi cùng nói một câu để cùng phá lên cười thú vị: Tờ rai! Tờ rai! Tờ rai!… Đó là hai chữ “tin tưởng” bằng tiếng Anh mà hai ông vẫn hay nói với nhau mỗi khi muốn ngầm dặn nhau điều gì…
Vâng, giá như cha tôi còn được sống thêm, ít nhất một mùa sáng tác nữa, để lại lên ấp Cầu Đen với bác Nguyên Hồng. Tôi tin, thế nào ông cũng thực hiện được điều hứa với bạn, là hoàn thành bộ tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô. Phải, làm sao có thể không tin cho được, khi cuộc sống luôn luôn sinh thành. Như sự sống đã nảy mầm trên mảnh đất Đồi Cháy khô cằn và ngày một thêm xanh tốt. Như bao tác phẩm đã ra đời nơi đây, trong đó có của cha tôi…
Nguồn: TCNV