Trước nay đã có nhiều lần tôi đặt ra câu hỏi: Một nhà thơ khi viết văn xuôi sẽ thế nào, và một nhà văn chuyển sang làm thơ sẽ thế nào nhỉ? Khi mà thơ thì kiệm lời đằm ý, còn văn lại rườm rà hơn, nhà văn được phép nhẩn nha để tán về chuyện mình đang kể. Chính vì thế nên khi đọc tác phẩm của Nguyễn Trọng Văn không chỉ tôi mà độc giả đều khá thú vị, đối với một tác giả có thể vừa viết thơ mà lại viết truyện ngắn, tiểu thuyết chắc chắn và ấn tượng đến như vậy. Riêng đối với cái tên Nguyễn Trọng Văn có lẽ thời gian qua vẫn chưa nhiều người biết đến, bởi lẽ anh sử dụng nhiều bút danh đối với các thể loại tác phẩm của mình. Đấy có lẽ cũng là điểm trùng hợp bất ngờ khi ta đọc toàn bộ tác phẩm của anh thì thấy quả thật đây là một tác giả đa phong cách, nói vui là ngòi bút đa năng. Nếu như bắt gặp ở thể loại thơ ca, người ta phải đằm mình lại với giai điệu trầm hùng của Tổ quốc – đường chân trời, tập Trường ca – tùy bút thơ dày dặn với những tìm tòi đổi mới trong thơ, tiểu thuyết Linh ứng lại cho thấy một Nguyễn Trọng Văn chắc chắn trong câu chữ, thâm trầm giữa lớp lớp triết lý sâu cay của cuộc đời thông qua tiểu thuyết ngụ ngôn. Truyện ngắn lại cho thấy một Nguyễn Trọng Văn vừa bảng lảng trên ngôn từ lại khúc chiết, có nghề trong cách tổ chức truyện.


Nguyễn Trọng Văn (ảnh Tienphong.vn)

Gần đây anh mới xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình với tên Áo sương do Công ty Truyền thông Hà Thế liên kết với NXB Thời đại ấn hành, là một cuốn tiểu thuyết viết về hiện thực cuộc sống với nhiều góc cạnh, chiều sâu. Có lẽ ở thể loại tiểu thuyết cái thế mạnh của một cây bút đa năng đã phát huy tác dụng của nó ở nhiều mặt. Nguyễn Trọng Văn biết cách vận dụng, đan xen những yếu tố lạ, riêng biệt vào trong cuốn tiểu thuyết của mình. Ngôn ngữ trong tiểu thuyết Áo sương sóng sánh một chất thơ, chất trữ tình đậm nét. Việc đưa thơ vào tiểu thuyết nó làm dịu nhẹ đi rất nhiều những khoảng trúc trắc, cuốn người đọc theo luồng cảm xúc của nhân vật, lời văn mượt mà thanh thoát cứ như nhân vật chính thủ thỉ tâm tình với độc giả về câu chuyện đời éo le của mình. Sự đồng cảm sẽ được nhân lên rất nhiều và tính chuyện của nó cũng vô hình trở nên thật hơn.

Đối với cốt truyện của Áo sương thì không phải là một cốt truyện mới. Truyện kể về cuộc đời người con gái xinh đẹp có ý chí vươn lên thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ vùng đồng nước Nam Bộ. Hình ảnh cô gái tên Bảy Hoàn là hình tượng cho một thế hệ trẻ thời hiện đại, có khát khao, hoài bão nhưng bị cuộc đời sóng gió vùi dập. Giữa khoảng cách sướng khổ về vật chất, để bước qua ranh giới ấy vừa dễ mà cũng vừa khó bởi chính nó cũng là vực sâu khôn cùng, là ngõ chết của một tâm hồn sống. Bảy Hoàn quyết định xa gia đình ra Hà Nội làm nghề mát xa, nhưng vẫn cố giữ thân mình trong trắng. Những biến cố tiếp tục xảy ra, xô đẩy cô gái đến bước đường làm bồ nhí cho ông chủ một cơ sở doanh nghiệp, để cuối cùng nhận lại cho mình là vết xăm hình con rết trên mặt.

Cái được đối với tác phẩm này là tác giả đã tỏ ra là một cây bút có nghề, linh hoạt và khéo léo trong cách kể chuyện. Tác giả đan xen giữa hiện thực và quá khứ, cái nhìn đau đáu xót thương, thân phận lạc loài bơ vơ của nhân vật. Sự đan cài ấy chập chờn hư thực, làm cho độc giả không thể dứt khỏi được mê cung của cảm xúc, và phải đi mãi với nhân vật trong một giấc mơ dài. Trong toàn bộ tiểu thuyết cũng như từng chương tác giả đã sử dụng đậm đặc ba yếu tố: Hiện thực, quá khứ và tương lai. Cách thức này tạo cho nội dung hiện thực nhưng lại tải được quá khứ và nói được mong muốn của nhân vật. Bên cạnh đó, tiểu thuyết không chỉ là câu chuyện mà ở đó thấp thoáng ý tưởng lồng ghép “du lịch” thông qua những điển tích, cổ tích và những điển tích này có khác với hiện tại, điểm khác ấy có được là nhờ vào trí tưởng tượng của nhân vật. Cách này tạo cho nội dung không cứng mà lại mềm nên tạo cảm giác thích thú cho người đọc.

Áo sương như một bức tranh thu nhỏ một lớp người trong xã hội, một thế giới chìm đầy đau xót đáng thương. Một Bảy Hoàn với nỗi đau dằn vặt, nỗi mặc cảm thân phận, càng cố vươn lên lại càng bị cuộc đời phũ phàng vùi xuống, đã rất nhiều lần cô nhắc nhở mình: Mình chỉ là một con ca ve, ngôi nhà Hà Nội không có chỗ cho một đứa như mình. Tình yêu của Bảy Hoàn xuất phát rất tự nhiên và không nhuốm màu tiền bạc, nhân vật là một cô gái tinh tế trong tình yêu, có những suy nghĩ trong sáng thơ ngây nhưng cuối cùng cũng không thể nắm giữ được hạnh phúc của mình. Lão Cọm chui rúc tạm bợ qua ngày, nhìn đời hằn học hận thù, một nguyên mẫu người thừa trong xã hội hiện đại. Một chị Chín bán thân để kiếm tiền sống qua ngày, chị Thinh là một đốm sáng lóe lên trong cái đêm đen tận cùng sâu thẳm ấy, mang đến sự ấm áp, tình người, tình thân nhưng lại để để cho người ta quá nhiều cái nợ, cuộc sống của chị cũng khốn khó vô cùng. Những cô gái trong nhà chứa bị bán sang biên giới Trung Quốc nằm vật vờ như những hồn ma, không phân biệt màu tóc dáng hình, ngủ chập chờn trong cơn hoảng loạn…

 

Bìa sách

Giấc mơ trong tiểu thuyết Áo sương xuất hiện với tần suất dày đặc, độ bao phủ gần như toàn bộ tác phẩm tạo nên một sự mơ hồ, giữa hiện thực và quá khứ đan cài lẫn lộn, mà nhân vật chính khó có thể bứt ra được. Nàng cùng đàn bướm đã bay khá xa, xa hẳn nơi nàng đang ở. Xa hẳn những gì ngày ngày nàng chứng kiến. Không có con người, chỉ có những tia nắng đủ màu sắc lung linh chiếu làm rạng rỡ thêm những đôi cánh mỏng. Chỉ có gió mát rượi, gió thổi mơn man nhưng lại chan hòa vuốt ve thân thể nàng. Nàng bay giữa khoảng không bao la đến vô tận. Không có ồn ào tiếng người cãi nhau, không có tiếng gọi cợt nhả như níu kéo. Đó là một sự dẫn dụ độc giả bước vào thế giới tâm trạng phức tạp đầy ám ảnh của nhân vật để cảm thông và chia sẻ. Ở đây vấn đề hiện tại được mượn chuyện tư của nhân vật nên nó tạo ra sự nhẹ nhàng, cuốn hút.

Dưới góc độ nào đi nữa thì Nguyễn Trọng Văn vẫn luôn nhìn nhân vật của mình bằng cái nhìn nhân đạo, xót thương cho thân phận người nổi trôi. Nhân vật Bảy Hoàn trải qua bảy chìm ba nổi giữa cuộc đời sương gió vẫn giữ cho mình tính thiện, tính lạc quan về cuộc đời. Vết xăm hình con rết trên má không còn là vết thương trên da thịt mà là vết cứa cuộc đời để cô luôn nhớ rằng, vạn vật trên đời đều có nhân quả, gieo quả nào sẽ gặt quả ấy. Bảy Hoàn không oán trách mà thầm chấp nhận. Cô nhìn về phía ngôi làng mình, đường về nhà qua ánh nắng chói chang, những cảnh vật quen thuộc lại hiện lên, miền ký ức êm dịu thời thơ ấu. Bỗng dưng tâm hồn cô trở nên dịu xuống sau tất cả những chát chúa của cuộc đời. Từ đây nhìn ra bốn phía nàng chỉ thấy nó mênh mang, chỉ thấy hào phóng những cơn gió thổi lồng lộng, thổi làm gợn sóng trên cánh đồng. Nàng thấy không cần phải cố tìm cách để giấu vết thẹo trên má mình nữa. Giấu cũng vô ích mà thôi. Vết thẹo cuộc đời mới là cái nàng đang muốn xóa. Nàng vung cả hai tay hướng lên trời như để đón nhận ánh nắng găn gắt đang dọi tới. Thứ nắng giữa trưa làm đôi bàn tay của nàng nóng rực lên. Thứ nắng như soi hồng đỏ vết thẹo. Nhưng cơn gió ào qua cánh đồng, thổi ngang tàng làm mái tóc của nàng bay rối lên.

Quay trở lại bàn thêm về yếu tố thơ trong cuốn tiểu thuyết này, ta thấy bên cạnh việc sử dụng câu văn mềm mại Nguyễn Trọng Văn còn đưa vào tác phẩm những đoạn thơ, những câu hò. Nếu để ý sẽ thấy, tác giả cài cắm vào Áo sương ba đoạn hò có sự tương ứng và ý nghĩa gợi mở lớn. Tiết tấu của tác phẩm lúc nổi trôi, khi thít lại theo những dòng xúc cảm. Một cái gì đó gợi mở, buồn thương cho thân phận người từ những câu đầu tiên của tác phẩm: Hò… ơ… ơ/ Buồn thương chiếc áo phong sương/ Đò ai không bến/ Hò… ơ…. đò ai không bến vấn vương câu hò… như một dự báo ngầm định. Sau bao sự trúc trắc trái ngang của cuộc đời, thăm thẳm trong tâm tưởng cô vẫn là nỗi đau lưu lạc xa quê, tiếng hò lại vang lên thiết tha ai oán: … Ngoài kia gió lớn biết chiều nay nước trôi về đâu/ Đò ai không bến, câu hò buồn biết trôi về đâu… ơ… hò…/ Nhung nhớ cũng đành ru lại câu hò thủy chung… hò… ơ…/ Nhung nhớ cũng đành một con đò nhỏ nhoi… Kết thúc cuốn tiểu thuyết là những câu hò đong đầy nước mắt, sự xót thương và cái nhìn bao dung của tác giả đối với nhân vật của mình. Bao năm xa quê, bươn chải giữa cuộc đời sóng gió người ta trở về với quê hương với vòng tay ấm áp của người thân. Đây cũng là một dụng ý ngầm của tác giả, khi cài cắm rất có duyên những đoạn thơ vào tác phẩm làm tăng tính chất vùng miền mở ra không gian sông nước bao la, vời vợi nhớ thương và làm tâm hồn người đọc dịu xuống để trải lòng cùng nhân vật … Hò… ơ… Một hôm bão tố mưa dầm ướt con đò xưa/ Lòng nghe buốt giá con đò bỗng quay về đây/ Thấy người xưa kia gặp không may/ Thương lòng chị Hai trào nước mắt… ơ… hò…/ Giận lắm cũng đành ru lại câu hò thủy chung/ Hò… ơ… ơ… ơ… hò… ơ… hò…

Tiểu thuyết Áo sương của tác giả Nguyễn Trọng Văn như một khúc nhạc trầm buồn của một thời biến động. Nơi ấy có những con người nghèo khó vẫn ăm ắp tình thương, tình người. Dù trải qua mưa dập, gió vùi trước cuộc đời họ vẫn hướng con mắt lạc quan về tương lai, nơi có những vùng sáng yên hòa le lói. Câu chuyện khép lại nhưng lại gợi mở ra cánh cửa mới cho cuộc đời nhân vật, sự trở đi và trở về ấy giúp người ta có khoảng lặng để soi chiếu về kỷ niệm và thực tại, để trân quý và yêu thương nhau hơn.

Hà Nguyên

Nguồn: Toquoc