Năm Thăng Long – Hà Nội tròn nghìn năm tuổi, tôi mới có dịp làm quen với ông khi tôi và ông cùng đoạt giải nhì một cuộc thi thơ do Báo văn nghệ và Đài PTTH Hà Nội tổ chức. Từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu ông qua thơ. Và tôi biết ông là người gốc xứ Đoài, từ năm 2009 đến nay, ông đã liên tục cho xuất bản các tập thơ (in chung và in riêng): “Bảy con đường bảy số phận”, “Mùa thu lứa đôi”, “Người lữ hành thời gian”, “Nơi thời gian trở về”, “Cành tục ngữ hóa đá”, “Bỏ quên trong rừng thu”, “Hoa hoàng đàn nở muộn”. Riêng trong năm 2012, ông cho xuất bản liền hai tập thơ: “Bỏ quên trong rừng thu” và “Hoa hoàng đàn nở muộn” qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Tôi còn biết ông là “dân” Tổng hợp văn, đam mê thơ từ khi còn trẻ, nhưng vì có một giai đoạn dài gắn bó với nghề khác (kiểm sát) nên chưa có thời gian và điều kiện trở về mình. Bởi vậy mãi đến sau này, ông mới cầm bút làm thơ. Có một nhà thơ nước ngoài đã ví thơ của những người khi đã có tuổi mới “phát tiết”, mới “thăng hoa” là một thứ ánh sáng chậm. Và tôi cũng coi thơ ông là một thứ ánh sáng chậm như thế.

Ông là nhà thơ Khuất Bình Nguyên.

Nhà thơ Khuất Bình Nguyên

Đọc “Hoa hoàng đàn nở muộn”, tôi không khỏi ngạc nhiên và có ấn tượng với nhiều câu thơ, nhiều bài thơ của Khuất Bình Nguyên. Tôi như gặp ở trong đó sự sẻ chia, đồng cảm, tâm đắc. Những câu thơ ấy, những bài thơ ấy  thật nặng lòng, chất chứa tâm sự, hoài niệm và không ít ám ảnh. Đây là những câu thơ đáng nhớ: “Người thương cây khúc còn không/ Phố đêm Hà Nội gánh gồng hồn quê” (“Khúc ơi”); “Mơ hồ một làn gió bấc/ Hạt mưa phùn ấm lạnh cố hương, Mái đình cũ thì thào đêm bối rối/ Bước đi nào xao xuyến của ngày xưa” (“Gió bấc lặng thinh”); “Dấu lặng đơn sẫm lại mái chùa/ Tiếng rơi nào vô tận xuống ngày xưa” (“Cung đàn thời gian”); “Hát ví lặn vào trăng/ Những miền quê xa dần trong ký ức” (“Chiều quê”); “Như thời gian chắt lại sắc hoàng đàn/ Ứơc mơ nào còn chưa viết được” (“Hoa hoàng đàn nở muộn”); “Nuôi ước mơ lớn dần trong xó bếp/ Bồ hóng treo chắc hạt giống nếp mùa” (“Măngđôlin”); “Một thế kỷ phủ đầy tuyết trắng/ lật đật lang thang trong nắng chiều vàng” (“Đời tuyết”); “Rời Hà Tĩnh đi về Kinh Bắc/ Cầm đũa thì đũa rơi/ Cầm đọi thì đọi rớt/ 3254 câu Kiều chẳng rớt, gió bấc ơi” (“Ngày gió bấc thổi, về Hà Tĩnh viếng Nguyễn Du”); “Thời đại bão giông thổi ào ào trên cánh đồng chữ viết/ Mỗi con thuyền ra khơi như chiếc lá nhỏ trở về nguồn” (“Internet”); “Đến ngọn nến cũng phải xấu hổ tự mình tắt lịm/ Kẻ giả danh sống lẫn với người/ Những con gián đêm bò khắp nơi ăn hết niềm tin của họ” (“Kẻ giả danh”); “Vải trăng thu gửi trời vuông lụa/ Trái mỏng làn trăng đợi gió lùa” (“Người trăng”); “Ai thầm trách ai tiếng rao bán muối/ Cũng một kiếp người sống nhạt quanh năm” (“Gánh muối đi tìm”)…Còn đây là những bài thơ có tứ và đáng nhớ: “Vị lai trên đỉnh Ba Vì”, “Mùa thu phương Nam”, “Bản thánh kinh trên tường giáo đường ở Qeensland”, “Nhắn gửi mùa thu”, “Hoa hoàng đàn nở muộn”, “Bao nhiêu ngày xưa”, “Chó đá xứ Đoài”, “Ở cuối đường mòn”, “Bài học làm tổng thống”, “Internet””Chợ chữ nho ở tường ngoài phía đông Văn Miếu”…trong đó có bài đắm đuối như “Khách tang bồng”, say cháy như “Nhắn gửi mùa thu”, xa xót như “Chó đá xứ Đoàn”, đớn đau như “Viết thư cho bạn đồng liêu sau phiên tòa ở Bắc Giang”, thế sự như “Ở cuối đường mòn”, sâu sắc như “Bài học làm tổng thống”, cập nhật như “Internet”, thông minh mà vẫn nhân bản như “Khung trời hiến pháp”…

Đây là một phát hiện, khám phá độc đáo của ông về Ba Vì khi lên đến đỉnh Ba Vì qua “Vị lai trên đỉnh Ba Vì”: “Quá khứ vị lai vần vũ bao đời/ Ba Đình núi tìm Thiền trong hiện tại/ Dựng tam thế giữa trời huyền thoại/ Ba Vì xanh mây trắng đã ngàn xưa”.

Đây là hai câu thơ giàu trải nghiệm trong “Dòng trăng”: “Tỉnh mê giác ngộ giang hồ/ Phận người phiêu bạt bên bờ gió trăng”.

Đây là những câu thơ đọc lên đã thấy xa xót và muốn ứa nước mắt cùng tác giả qua “Chó đá xứ Đoài: “Ơi con chó đá sao mà hóa đá/ Canh giữ đồng quê ngủ yên/ Canh giữ hoàng hôn/ Đánh thức đêm tối lặng thinh xóm làng có động/ Đứng ngẩn ngơ trên bờ không sủa được/ Người ra đi ngoảnh lại giữa dòng sông/ Làm bạn với người khi người với người chẳng còn trông đợi/ Bóng tối một mình liếm vợi nỗi đơn côi…/ Không ở đâu nhiều xa vắng như xứ Đoài mây trắng của tôi/ Chó ăn đá thôi để hóa đá vì người/ Khắp mọi làng quê đều nuôi/ Đặt lên bệ thờ tôn sùng báu vật/ Lòng trung thành giữa người với người không để mất/ Bản tính với mộng ước ngàn đời của xứ sở tôi”.

Và đây nữa là những câu thơ mang phẩm chất thi sĩ rất cao qua “Nhắn gửi mùa thu”: “Tôi sợ chiều thu rơi hết lá/ Còn đâu vàng nữa để bâng khuâng/ Tôi sợ dòng thu tha thiết quá/ Còn đâu thuyền nữa để chờ trăng.”

Bìa tập thơ “Hoa hoàng đàn nở muộn

Trong “Hoa hoàng đàn nở muộn” còn có một bài thơ đáng nhớ nữa viết về Lúcxămbua và Anh Quốc mang tên “Khung trời hiến pháp”. Bài là có tứ độc đáo, không dễ tìm ra và không phải ai cũng viết được, bên ngoài thì giản dị nhưng bên trong thật sâu sắc, được viết ra như thể vừa bắt được:

“Đất nước mênh mông mặt trời không lặn được

Sau trăm năm đỏ mắt thức rồi

Một buổi chiều nắng tắt vào hiến pháp

Tìm màn đêm ru giấc phật cho người

Vương quốc nhỏ

Chẳng đủ rộng một tầm đại bác

Đất nước dựng khung trời hiến pháp

Viên đạn không rơi làm mẫu vật bảo tàng.

Quyền con người tự nhiên như lúa gieo trên đất

Bao nhiêu bông chưa chín kịp vì người

Người là người điều giản đơn bậc nhất

Đi khắp thế gian này chỉ mong gặp người thôi”.

Có thế nói, đến “Hoa hoàng đàn nở muộn”, Khuất Bình Nguyên đã tạo ra được một bước bứt phá, một sự vượt mình. Dường như ông đã ngộ ra một lẽ gì đấy về thơ. Có cảm giác “Hoa hoàng đàn nở muộn” đã tạo nên một khoảng sáng khiêm nhường trong lòng người yêu thơ

 

Nguồn: Vanvn.net