Xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu) có những rừng hồi bạt ngàn rộng hàng nghìn ha. Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp, rừng hồi đã “sát cánh” cùng người dân Đồng Văn đánh giặc bảo vệ xóm làng. Ngày nay, cây hồi lại là cây kinh tế mũi nhọn không chỉ của xã mà của cả huyện Bình Liêu…
Chuyện già Hoóng…
Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân Đồng Văn đã kiên cường anh dũng đứng lên đánh đuổi quân xâm lược. Năm 1949, Đồng Văn từng là khu căn cứ cách mạng của Tỉnh uỷ Hải Ninh. Tháng 7-1949, tiểu đội du kích Đồng Văn được thành lập với 23 người. Con số này đã nhanh chóng được nhân lên và trở thành nỗi khiếp sợ của quân Pháp và bè lũ tay sai phản động mỗi khi chúng đặt chân đến nơi đây nhằm càn quét phá cơ sở cách mạng của ta.
Người chiến sĩ du kích duy nhất của tiểu đội du kích Đồng Văn năm xưa giờ vẫn còn sống, đó là già làng Phùn Cắm Hoóng. Già Hoóng năm nay đã 91 tuổi. Theo chân anh cán bộ xã, tôi đến thăm ngôi nhà của già Hoóng ở trên ngọn đồi cao thuộc bản Sông Moóc (xã Đồng Văn). Trước đây, già Hoóng từng là Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Bình Liêu. Khi ông về nghỉ chế độ, huyện Bình Liêu muốn xây cho ông một ngôi nhà khang trang ở dưới thấp để ông khỏi phải leo trèo vất vả. Nhưng già Hoóng kiên quyết chối từ, ông ngược dốc trở về bản Sông Moóc, sống trong ngôi nhà lưng đỉnh đồi cao, nơi ông đã sinh ra và lớn lên với biết bao kỷ niệm vui buồn. Đó cũng là nơi ngọn gió thổi vào nhiều nhất và tia nắng mặt trời cũng chiếu xuống sớm nhất.
Mãi đến năm 2011 ông mới đồng ý để các cơ quan chức năng của huyện và xã dựng lại ngôi nhà khác, thay thế ngôi nhà cũ đã quá ọp ẹp. Thật ra, ngôi nhà cũ đó đã bị thực dân Pháp đốt đi, rồi lại được bà con dân bản dựng lại mấy lần. Cũng tại ngôi nhà này, có một hồi ức đau thương ông không bao giờ quên. Đó là vào tháng 1-1949, quân giặc kéo quân lên càn quét bản Sông Moóc, chúng đốt ngôi nhà và giết chết nhiều dân bản, trong đó có anh trai của ông. Cuộc càn quét đó hòng làm nhụt ý chí của những người dân Đồng Văn, để họ không che giấu và nuôi dưỡng cán bộ Việt Minh. Nhưng thực dân Pháp đã nhầm, sự dã man của chúng càng làm tăng thêm ý chí đánh giặc của họ. Già Hoóng tham gia tiểu đội du kích xã, ông làm liên lạc đưa đón cán bộ đi về Đồng Văn xây dựng cơ sở an toàn…
Giờ già Hoóng đã yếu nhiều do tuổi cao, ông không còn đi chăn trâu, vác củi như mấy năm trước nữa. Khi chúng tôi muốn ông kể lại chuyện đánh Pháp năm xưa, đôi mắt của ông thoáng vẻ trầm ngâm: “Hồi ấy tôi còn trẻ lắm, chỉ mới hơn 20 tuổi thôi. Tôi sống từ bé ở bản Sông Moóc nên thông thạo đường như con sóc rừng…”. Vậy là câu chuyện của người cán bộ lão thành cách mạng đưa chúng tôi trở về lịch sử của hơn nửa thế kỷ trước, với những năm tháng hào hùng và lòng kiên cường dũng cảm của các chiến sĩ tiểu đội du kích xã Đồng Văn. Ngày 23-12-1949, tiểu đội du kích xã đã phối hợp với Vệ quốc đoàn tấn công bọn phản động ở bản Co Hón (thôn Đồng Thắng ngày nay), khiến bọn chúng phải co cụm lại, không dám hung hăng như trước nữa. Tháng 8-1950, tiểu đội du kích xã Đồng Văn lại chiến đấu dũng cảm, đẩy lùi cuộc tấn công của hơn 400 quân Pháp vào xã. Cuộc chiến diễn ra trong rừng hồi, bên dòng sông Moóc. Xác giặc vắt ngang ghềnh đá, máu đỏ ngầu dòng nước cuốn trôi đi. Từ những trận thắng này, người dân Đồng Văn càng tin theo Đảng, theo du kích quyết một lòng bảo vệ cán bộ, diệt Tây, tiễu phỉ, trừ gian…
Sắc màu văn hoá Đồng Văn
Con đường quanh co dẫn tôi lên bản Phật Chỉ, một bản người Dao nằm cao nhất của xã Đồng Văn. Phật Chỉ gần như quanh năm chìm trong sương, lại thêm mấy ngày mưa, con đường sương dày đặc khiến chúng tôi như bị nuốt trong sương. Chưa vào đến bản đã thấy như trước các hiên nhà hay cả bên đống củi, vạt cỏ rìa đường, các chị em phụ nữ Dao đang ngồi cặm cụi thêu thùa. Trưởng thôn Dường A Tài bảo: “Ở Phật Chỉ, không có người phụ nữ nào mà không biết thêu may những bộ quần áo rực rỡ, đậm bản sắc của dân tộc mình”. Chị Dường Mùi Thu, người phụ nữ mà chúng tôi bắt gặp đang thêu trước cửa nhà, tiếp chuyện chúng tôi: “Chị em chúng tôi thêu để có quần áo đón tết, công việc có khi bắt đầu từ hàng năm trước. Cứ rảnh rỗi là chúng tôi thêu, nếu không biết thêu thùa thì không phải là phụ nữ Dao rồi. Người Phật Chỉ tuy nghèo nhưng cố giữ cái gốc, trang phục của chị em không lẫn vào đâu được. Sau Tết Nguyên đán cổ truyền của cả nước, vào dịp mùng 4 tháng 4 âm lịch sẽ là ngày hội Kiêng gió của người Dao, bà con các dân tộc sẽ kéo đến Đồng Văn, chị em lại có dịp diện những bộ quần áo mới, vui lắm”.
Trên những khu đất trống trước bản Phật Chỉ, chị em phụ nữ Dao ngồi cặm cụi thêu thùa… |
Đồng Văn có ngày hội Kiêng gió rất độc đáo. Vào ngày này mọi công việc ruộng nương đều gác lại để vui chơi. “- Nếu có làm bất cứ việc gì vào ngày Kiêng gió thì cũng gặp trắc trở không may thôi!” – Chị Dường Mùi Thu nói. Tôi hỏi sao lại thế, Mùi Thu cười, bảo chẳng biết, chỉ nghe người già truyền lại thế!
Ngày hội Kiêng gió ở Đồng Văn có nhiều nét giống như chợ tình Khâu Vai (Hà Giang) hay chợ tình Sa Pa (Lào Cai), là ngày các đôi nam nữ tìm đến nhau, yêu nhau rồi thành vợ, thành chồng. Và cũng có cả những đôi tình nhân mà vì lý do gì đó đã không lấy được nhau thì đến ngày hội Kiêng gió họ tìm đến nhau để ôn lại chuyện xưa… Những ngày này, mọi sự ghen tuông bị gạt sang một bên để nhường chỗ cho sự bao dung. Người ta đến đây gặp nhau tâm sự, cùng uống với nhau đến say, rồi kéo nhau lên rừng hò hát đến đêm khuya. Khi ấy, mọi con đường kéo về “điểm hẹn” là chợ Đồng Văn đều rực rỡ sắc áo của người Dao đủ mọi lứa tuổi. Từ năm 2007, Bình Liêu đã tổ chức ngày hội Kiêng gió trở thành ngày hội chung của bà con các dân tộc, không chỉ người Dao mà cả người Tày, Sán Chỉ… thậm chí cả người Kinh nữa. Nhưng đông nhất vẫn là người Dao, họ đến từ hầu khắp các vùng trên địa bàn huyện Bình Liêu và các địa phương khác như Đầm Hà, Hải Hà, Hoành Bồ v.v.. Ở đây, bà con còn được tham gia các trò vui rất được yêu thích như đẩy gậy, kéo co, chơi cầu chinh…
Đánh thức tiềm năng
Tuy là xã nằm xa trung tâm nhưng Đồng Văn giờ không phải là xã nghèo của huyện nhờ phát huy thế mạnh từ việc phát triển các rừng hồi, quế. Ngoài những rừng hồi tự nhiên còn lại ở xã, bà con còn trồng thêm hàng ngàn ha, đưa diện tích trồng hồi của Đồng Văn ngày nay lên tới 2.000ha, hàng năm cho thu hoạch ước tính khoảng 3.000 tấn hồi tươi. Mùa thu là mùa hồi ra nhiều hoa nhất, về buổi chiều các con đường của Đồng Văn đều thơm ngát mùi hồi.
Xã Đồng Văn hôm nay đã có nhiều đổi mới. |
Con đường tỉnh lộ 18C nối liền với QL18A đã thi công xong qua xã Hoành Mô, giờ đang thi công tiếp sang Đồng Văn. Đây chính là con đường huyết mạch giao thông quan trọng nối liền Đồng Văn với các địa phương khác trong tỉnh và các tỉnh, thành khác trong cả nước. Ngày 30-6-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch Khu kinh tế Cửa khẩu Hoành Mô – Đồng Văn đến năm 2030 trên tổng diện tích khoảng 14.236ha. Trong tương lai, Đồng Văn cùng với sự phát triển chung của Khu kinh tế, sẽ trở thành nơi giao lưu hợp tác quốc tế quan trọng vùng biên giới huyện Bình Liêu nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung. Nơi đây sẽ phát triển kinh tế, văn hoá, du lịch, dịch vụ vùng biên giới phía Bắc và là cửa ngõ giao lưu hoạt động trung chuyển thương mại quốc tế, đầu mối giao thông quan trọng của vành đai kinh tế vùng Bắc Bộ…
Xa xa ầm ì tiếng nước chảy của thác Sông Moóc. Đang là cuối mùa mưa nhưng dòng thác vẫn chảy mạnh lắm. Chủ tịch UBND xã Giáp Văn Ngôn hỉ hả khoe với tôi: “Đồng Văn có 2 ngọn thác, đó là thác Sông Moóc và thác Khe Tiền. Mai đây khi Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô – Đồng Văn phát triển, du lịch sẽ được đưa vào xã. Lúc ấy nơi đây chắc chắn là sẽ rất sầm uất. Ngày hội Kiêng gió sẽ còn đông vui hơn, náo nhiệt và hấp dẫn khách phương xa tới nhiều hơn nữa…”.
Nghe anh nói, tôi chợt nhận thấy trong đôi mắt người lãnh đạo xã ánh lên niềm tin và hy vọng thật tràn trề…
Nguồn: QNCT