Đang ở cái giữa hè oi nồng, nhà văn tuổi đầu 7x – Đỗ Bích Thúy – tung ra một lúc hai cuốn sách, mỗi cuốn hơn 200 trang. Sách do Nhà xuất bản Văn học liên kết với Nhà sách tư nhân Liên Việt ấn hành tháng Năm, 2013.
ĐAU ĐÁU VÙNG ĐẤT XƯA
Đàn bà đẹp gồm 11 truyện ngắn, những phụ bản mầu rất đẹp của họa sĩ Thành Chương, Lê Thiết Cương vẽ bìa, làm thành cuốn sách văn học nghiêm túc và đẹp. Đàn bà đẹp – tập truyện ngắn thứ sáu của nhà văn Đỗ Bích Thúy- vẫn phát huy toàn bộ sở trường sở đoản của một cây bút nay đã dày dạn kinh nghiệm, sử dụng chi tiết cô đọng, khai thác tâm lí nhân vật và tạo dựng không khí rất nhuần nhuyễn. Truyện ngắn ĐBT thường là những mảnh kí ức đan nhập với cả thế giới hiện đại hôm nay, nhiều khúc không có chuyện, khó có thể kể lại, nhưng ẩn tàng nỗi niềm và thân phận… Được VNQĐ chắp cánh ngay từ những tác phẩm đầu tiên, năm 1999, giải Nhất Cuộc thi truyện ngắn VNQĐ khi viết về con người và vùng đất Hà Giang, một vùng văn hóa nhiều sắc tộc, Đàn bà đẹp chín ngấu về thi pháp, tổ chức và cấu trúc truyện ngắn, sâu sắc ở cách nhìn đời, nhìn người. Ở tập này, cái nhìn có điểm khốc liệt hơn, song vẫn chan chứa cái tình. Nhân hậu – bao dung vẫn là chủ đạo xuyên suốt tập. Những truyện như Lặng yên dưới vực sâu như một tiểu thuyết cô đặc mà vẫn được người đọc chấp nhận, có lẽ bởi sự chuyện được cắt dán với nhau khéo léo và bằng một giọng kể hợp lí. Những truyện ngắn như Mẹ kế, Cạnh bếp có cái muôi gỗ hay Mèo đen hoặc Con dê bốn mắt v.v…đều rõ ra tấm lòng của tác giả còn đau đáu với một vùng đất xưa. Nó không hấp dẫn ở lối hành văn tài tử, thời thượng, nhẩn nháy quanh cái tôi, không tìm sự lạ chủ nghĩa hình thức phương Tây, mỗi câu chuyện hấp dẫn ở sự khai thác văn hóa và tâm lí với sự dựng không khí, tạo cảnh huống hợp lí, chi tiết ấn tượng. Khác với những tập sách trước đây, với hơn chục năm sống ở Hà Nội, di chuyển ngay trong lòng các khu dân cư thủ đô, Đỗ Bích Thúy mạnh dạn khai thác thêm vùng Người và văn hóa Hà Nội. Những truyện ngắn ở sự khoanh vùng mới này, buộc tác giả đi sâu vào ngõ ngách đời sống đô thị, thành phố. Nó có trồi sụt khác nhau, nhưng cũng có những mảnh truyện khá đẹp như Chiếc hộp khảm trai hay Sương khói mịt mờ. Nói là đẹp – sự thành công ở một thể loại ngắn của văn học- bởi việc thâm nhập và dựng lên nhiều khía cạnh hồn cốt của Hà Nội thông qua từ những sự kiện hay nhân vật trong kí ức vốn không phải của tác giả, sẽ không hề giản đơn, nếu tác giả không đào sâu vào những địa tầng của vùng sống qua suy luận và quan sát tinh tế, lắng nghe hơi thở của nơi phức tạp, đô hội này, một cách nghiêm túc và thấu đáo. Nhất là nơi đây, chưa khi nào và bao giờ tự trong máu thịt của chị để chiết suất nên những thiên truyện như Hà Giang xưa kia.
ĐA THANH VÀ ĐA MÀU
Đến độ hoa vàng được đặt tên là Tập tản văn, gồm 33 câu chuyện mà trong đó bao gồm nhiều cảm xúc, mở biên độ khá rộng. Nó gồm cả những tác phẩm tựa như tùy bút hay bút kí khá kĩ lưỡng, lại có cái phơn phớt đúng là tản văn, thậm chí là một note trên FB, nên tên gọi của tập là tạp văn hay tạp bút hợp lí hơn. Vẫn với giọng kể nhẹ nhàng, những vấn đề đời thường cũng rất nhẹ nhàng, song lại đào xới để hàm chứa nhiều điều phức tạp, thậm chí xa xót của đời sống hiện thực quanh nhà văn. Sống ở Hà Nội, Đỗ Bích Thúy vẫn đôi khi quay trở lại với nỗi nhớ Hà Giang, nơi sinh ra, trưởng thành, cho chị cơ hội trở thành nhà văn nổi tiếng và, chính tấm lòng ấy tạo nên nhiều câu văn có sức nặng. Rồi, có thể chính điều ấy làm thành sợi dây khá bền vững giữa nhà văn với bạn đọc. Đến độ hoa vàng có nhiều mảng được xây dựng khá công phu, thú vị; nó không chỉ là quan sát rất kĩ lưỡng những điều gì đã đi qua, chạm phải của Đỗ Bích Thúy trong đời sống, nó đôi khi tựa một đoạn của tiểu thuyết hay truyện dài, những motip gần như hình tượng văn học – Một dãy phố, Một dạng người miền núi hay thành phố, tạo sự đa thanh và đa màu, dầu đôi khi vẫn u buồn.
Văn xuôi Đỗ Bích Thúy không ồn ào. Kĩ thuật kể, câu chữ khá dung dị. Nó đòi hỏi đọc hết sức chậm rãi sẽ nhận biết hết điều tác giả kín đáo sâu sắc gửi gấm.
Sự viết hôm nay có tài vẫn cần nặng chữ tình để làm nên cái tài tình của một tác giả. Đỗ Bích Thúy đã làm được điều cốt lõi ấy của một cây bút còn sung sức.
Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần