Hàng năm, cứ vào dịp tết Dolta, người dân từ khắp nơi trong cả nước lại nô nức đổ về vùng Bảy Núi – An Giang để xem hội đua bò. Đặc biệt, từ 2015 BTC đã “dẹp” băng rôn, bán vé… trả lại lễ hội đua bò truyền thống, gần gũi với người nông dân.

Có cơ hội được đi nhiều nơi, tham gia vào các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc, nhưng với tôi, không có lễ hội nào vừa gần gũi, vừa đặc sắc, hấp dẫn như lễ hội đua bò diễn ra hằng năm ở vùng Bảy Núi của tỉnh An Giang.

Những cuộc tranh tài hấp dẫn

Lễ hội đua bò của đồng bào dân tộc Khmer chẳng biết có từ bao giờ. Tương truyền, có những chiều cày ruộng xong sớm, một số chủ bò cao hứng rủ nhau bắt cặp đua chơi, từ từ trở thành lễ hội. Còn theo những người già thì lễ hội này có một nguồn gốc khác: hàng năm các đôi bò trong phum, sóc đều kéo nhau đến cày bừa thí công cho đất của chùa. Sau những buổi cày bừa, các đôi bò lại rủ nhau đua. Sư cả chùa và các à cha thấy vậy đã đứng ra tổ chức và treo giải thưởng là những sợi dây nài khớp bạc hoặc những vòng lục lạc đẹp mắt. Từ đó, đua bò trở thành tập quán của người Khmer vùng Bảy Núi vào dịp Tết Dolta hằng năm.

Mỗi lần diễn ra, lễ hội đua bò Bảy Núi - An Giang thu hút hàng nghìn người đến xem
Mỗi lần diễn ra, lễ hội đua bò Bảy Núi – An Giang thu hút hàng nghìn người đến xem

Cứ mỗi năm một lần, vào lễ Dolta của người Khmer, những người nông dân lũ lượt đổ về sân đua bò với tinh thần thể thao, lòng ham muốn chiến thắng chẳng hề thua kém bất cứ cuộc thi tài nào. Sáng sớm bà con đã có mặt đông đảo tại địa điểm đua bò, du khách thập phương cũng nô nức đổ về đông vui như trẩy hội. Từ lúc cuộc đua bắt đầu cho đến khi kết thúc, không khí lúc nào cũng tưng bừng và hào hứng bởi những tiếng vỗ tay, reo hò dành cho người điểu khiển các đôi bò giỏi hoặc những pha bứt tốc về đích diễn ra vô cùng quyết liệt.

Để chuẩn bị cho cuộc đua bò, người ta chọn một khoảnh ruộng bằng phẳng trong khuôn viên của chùa, chiều dài chừng 200 mét, ngang 100 mét có nước xăm xắp, bốn bên có bờ cao và điểm đích có khoảng trống để tài xế dừng bò cho an toàn. Nơi xuất phát được cắm hai cây cờ màu xanh, đỏ và mỗi cây cách nhau 5 mét, tại điểm đích cũng vậy. Đôi bò đứng ở vị trí cây cờ màu gì thì điểm đích cũng theo màu của cây cờ đó. Trước khi vào cuộc đua họ tổ chức bốc thăm để chọn từng cặp đấu và thỏa thuận đôi nào sẽ đi trước, đi sau. Nếu trong khi đua, đôi bò nào chạy tạt ra khỏi đường đua sẽ bị loại hoặc đôi bò sau giẫm lên giàn bừa của đôi bò trước là thắng cuộc. Còn người điều khiển phải đứng thật vững, nếu bị ngã hoặc rơi ra khỏi dàn bừa coi như thua cuộc.

Vào cuộc đua, người điều khiển bò cầm roi hoặc khúc gỗ tròn, đầu có tra cây đinh nhọn (dân địa phương gọi là cây xà-lul). Khi có lệnh xuất phát của trọng tài, người điều khiển chích mạnh cây xà-lul vào mông con bò, bò bị đau phóng nhanh về phía trước, quan trọng là phải chích cho đều cả hai con thì chúng mới chạy đều và hấp dẫn. Cuộc đua gồm hai vòng, vòng một gọi là “hô”, đây là vòng để làm nóng cho bò đi quanh trường đua. Vòng sau gọi là “thả”, khi đến điểm xuất phát, người điều khiển dùng roi chích vào mông bò và bò bắt đầu vận hết sức lực để băng về đích.

Theo quan niệm của đồng bào, đua bò có một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đôi bò giành được giải cao trong năm không những mang lại cho chủ nhân của chúng niềm kiêu hãnh mà còn mang đến cho cả phum sóc niềm vui và hứa hẹn cho việc gieo trồng được dễ dàng, đem lại một mùa bội thu, dân làng no ấm. Sau khi thắng cuộc, giá trị đôi bò thắng cuộc cũng tăng lên rất cao nhưng người Khmer không giết, cũng không bán mà gìn giữ cặp bò chiến thắng như một tài sản quý báu của gia đình và phum sóc.

Nỗ lực giữ gìn nét văn hóa truyền thống

Lễ hội đua bò ở An Giang hàng năm luôn hút hàng vạn du khách đến theo dõi và cổ vũ. Đây cũng chính là cơ hội rất tốt để quảng bá du lịch đến đông đảo người dân trong cả nước. Quan trọng hơn, lễ hội đã góp phần giữ gìn và phát huy nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer vốn có lịch sử tồn tại hàng trăm năm qua.

Tuy nhiên, sau nhiều lần tổ chức, giải đua bò truyền thống ở vùng Bảy Núi (từ dùng để chỉ hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn) đã bộc lộ không ít bất cập. Hình ảnh những chiếc áo, chiếc nón “đồng phục”, những băng rôn, biển quảng cáo treo rợp khắp sân, cùng với những hạn chế từ công tác tổ chức, cũng như khi yếu tố thương mại được đề cao đã phần nào làm giảm đi nét văn hóa truyền thống của một lễ hội vốn dĩ là “đặc sản” của những người nông dân quanh năm quen với cảnh “chân lấm tay bùn”.

Do sân đua chặt kín người nên nhiều em nhỏ phải treo mình trên cây thế này để xem đua bò
Do sân đua chặt kín người nên nhiều em nhỏ phải treo mình trên cây thế này để xem đua bò

Xuất phát từ những hạn chế đó, những người có tâm huyết với lễ hội đua bò truyền thống ở huyện Tịnh Biên đang quyết tâm “làm lại”. Ông Chau Sóc Khonl – Sãi cả chùa Rô thuộc ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang cho biết: “Năm 2015, lần đầu tiên nhà chùa đứng ra tổ chức “Lễ hội Đua bò chùa Rô” và đã thành công tốt đẹp. Năm nay chúng tôi tiếp tục được UBND huyện Tịnh Biên cho phép tổ chức, với mong muốn duy trì một lễ hội mang tính truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, đồng thời mang đến niềm vui cho những dân yêu thích môn đua bò trên khắp mọi miền đất nước”.

Dẫn chúng tôi đi thăm mảnh ruộng nằm cạnh chùa, Sãi cả cho biết nhà chùa đã đầu tư gần 60 triệu đồng để thuê bơm nước, san lấp mặt bằng làm sân đua bò. Cũng như năm trước, “Lễ hội Đua bò chùa Rô” năm nay sẽ không treo biển quảng cáo trên sân thi đấu, các trọng tài sẽ là những người dân ở địa phương, còn “tài xế” điều khiển bò sẽ không mặc áo đồng phục, đội nón của nhà tài trợ mà quấn khăn rằn của người Khmer. Những người tham gia thi đấu và cổ vũ cũng sẽ thể hiện sự vui vẻ, hết mình đúng tinh thần của người Khmer…

Các nhiếp ảnh gia tác nghiệp trong một diện tích nhỏ hẹp nên cũng rất khó khăn và nguy hiểm
Các nhiếp ảnh gia tác nghiệp trong một diện tích nhỏ hẹp nên cũng rất khó khăn và nguy hiểm

Còn nghệ sỹ nhiếp ảnh Huỳnh Phúc Hậu thì những ngày qua luôn tất tả ngược xuôi, rộn ràng với công tác chuẩn bị. Là người “say mê” với lễ hội truyền thống, hầu như anh không bỏ sót bất kỳ một giải đua bò nào ở vùng Bảy Núi. Chính anh đã bàn bạc với sãi cả của chùa, đồng thời đứng ra vận động anh em bạn bè, những khán giả có chung niềm đam mê đóng góp kinh phí để tổ chức “Lễ hội Đua bò chùa Rô”. Trao đổi với chúng tôi, anh không giấu được sự hào hứng: “Năm nay, mừng Tết Đolta của bà con dân tộc Khmer, tôi có bàn với Sãi cả chùa Rô tiếp tục tổ chức cuộc đua bò. Sãi Cả đã cho làm sân thi đấu mới ở phía trên sát chánh điện chùa rất đẹp, đường đua sẽ dài hơn, ít nguy hiểm cho các đôi bò. Đường đua vòng “Thả” lần này được làm bằng phẳng để nước ngập suốt khoãng đường từ lúc “Thả” đến khi về đích, tạo nên sự hấp dẫn cho cuộc đua. Tất cả công tác chuẩn bị đã hoàn thành, chỉ chờ đến ngày các đôi bò tham gia tranh tài”.

Không chỉ đứng ra vận động kinh phí để tổ chức “Lễ Hội đua bò chùa Rô năm 2016”, anh Hậu còn vận động các anh em nghệ sỹ nhiếp ảnh ủng hộ được hơn 20 triệu đồng để tặng quà, tổ chức Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi người Khmer ở quanh chùa, qua đó giúp cho đồng bào có được niềm vui thật sự trọn vẹn.

Ngày 18/9, “Lễ Hội đua bò chùa Rô năm 2016” chính thức diễn ra. Huyện Tịnh Biên sẽ chào đón khán giả từ khắp nơi nô nức kéo về. Hy vọng với sự nỗ lực của những người đầy tâm huyết với môn đua bò truyền thống, cùng với sự yêu mến của người dân, “Lễ hội Đua bò chùa Rô” sẽ góp phần giữ gìn và phát huy nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer ở vùng Bảy Núi – An Giang.

Vừa qua trong “Đề án phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020”, một trong những vấn đề cần được ưu tiên đầu tư phát triển được Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đưa ra, là: “Đầu tư phục hồi, phát triển các lễ hội nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch và nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội của lễ hội”, trong đó, dự kiến kinh phí đầu tư cho lễ Sen Dolta và lễ hội đua bò là 10 triệu USD, thực hiện giai đoạn 2016 – 2020. Và cần nhất hiện nay là xây dựng một trường đua hiện đại mà vẫn mang những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân gian của người Khmer và cộng đồng các dân tộc tại An Giang. Nếu dự án này sớm thực hiện sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho lễ hội đua bò vùng Bảy Núi – An Giang.

Nguyễn Hành – Đức Thắng – Dân trí