Là nữ văn sĩ Mỹ nổi tiếng, cứ đôi ba năm lại cho ra đời một tiểu thuyết, song Anne Tyler chọn cuộc sống ẩn dật, đã bốn chục năm lánh biệt công chúng và những độc giả hâm mộ…

Một lần trong bốn chục năm

Năm nay, Liên hoan văn học tại thành phố sinh viên Oxford (Anh) đã tạo nên những bất ngờ đúng như mong muốn của nhà tổ chức – báo The Sunday Times. Khá nhiều nhà văn nổi tiếng đến thuyết trình và giới thiệu tác phẩm mới của mình, ví dụ: nhà văn Australia Peter Carey, người thứ hai trong lịch sử sau đồng nghiệp Nam Phi John Maxwell Coetzee đã hai lần nhận giải Booker. Tuy nhiên, bất ngờ lớn nhất là sự xuất hiện của Anne Tyler – một nữ văn sĩ sống ẩn dật ở Mỹ, đến Anh chuyến này là lần đầu tiên, suốt bốn chục năm không tổ chức ra mắt sách, không ký tặng độc giả và hết sức tránh tiếp xúc với báo giới…

Lối sống ẩn dật kìm nén mình là thuộc tính không thể tách rời quan niệm nghệ thuật của Anne Tyler, nên bà nhiều khi không biết người biên tập sách cho mình là ai, không thích chỗ ở của gia đình mình trở thành điểm du lịch tham quan, tác phẩm của mình thành đề tài luận văn hoặc công trình nghiên cứu. Ngay sáng hôm sau đêm trao giải Pulitzer 1986, một nhà báo đã đăng ký để làm cuộc phỏng vấn vị tân khoa, song Anne Tyler đã giữ nguyên nếp sống của mình và khéo léo khước từ vì “đang mải viết một tác phẩm mới, nếu nói sẽ đứt mất mạch văn”… Có nhà báo ráo riết hơn: ông phải giả làm người cha của một đứa trẻ ốm đau để cầu cứu chồng bà – một bác sĩ tâm lý trẻ em – tìm cách đến nhà bà, kiếm cơ hội trò chuyện với bà mong làm được một bài phỏng vấn độc quyền…


Ẩn sĩ ít chịu xuất hiện trước công chúng

Sản sinh mau mắn

Anne Tyler chào đời ngày 25.10.1941 tại Minneapolis, bang Minnesota, là chị lớn của ba đứa em, 11 tuổi mới được đến trường khi đã biết quẹt que diêm vào… gót chân để lấy lửa. Lớn lên tại Raleigh, bang Bắc Carolina, được vào Đại học Tổng hợp Duke, cô sinh viên hằng mơ thành bác sĩ lại đột ngột quyết định rẽ sang một chuyên ngành khác – ngôn ngữ, lịch sử và văn học Nga, vì rất mê ba tác giả cổ điển, trong đó, một người Anh: Jane Austen, còn hai người Nga: Anton Chekhov và Lev Tolstoy.

Được kết nạp vào hội cựu sinh viên Phi Beta Kappa, nhận bằng thạc sĩ nghệ thuật học, tu nghiệp tiếp tại Đại học Tổng hợp Columbia, có hai năm sang Canada cộng tác với Đại học Tổng hợp McGill, Anne Tyler sống chủ yếu ở Baltimore với gia đình – người chồng Taghi Mohammad Modarressi (gốc Iran, chuyên gia tâm lý trẻ em kiêm tiểu thuyết gia, kết hôn năm 1963 và mất năm 1997) cùng hai cô con gái – Tezh và Mitra, đều vẽ và viết sách cho thiếu nhi. Chính Baltimore là địa bàn thường diễn ra những sự kiện trong các tiểu thuyết của Anne Tyler.

Thực ra, Anne Tyler bộc lộ khá sớm năng khiếu văn chương, bảy tuổi đã bắt đầu viết truyện, khi đang học ở Duke đã hai lần giành giải thưởng sáng tác văn học sinh viên mang tên Anne Flexner (1960 và 1962), xuất bản tiểu thuyết đầu tay Nếu có lúc ban mai sẽ đến năm 1964. Đến gặp sinh viên Oxford đầu tháng 4 năm nay, bà đã là tác giả của hơn 50 truyện ngắn và 18 tiểu thuyết, trong đó nhiều cuốn rất đáng kể… Dùng bữa ở nhà hàng Nhớ Cố Hương (Dinner at the Homesick Restaurant, 1982, về một cụ bà tuổi ngoại bát tuần nhớ lại quá khứ và quá trình lập thân của những đứa con) được độc giả nồng nhiệt đón nhận vì thực tế cuộc sống được tái hiện rất chân thực và hồn hậu. Năm đó, Dùng bữa ở nhà hàng Nhớ Cố Hương đã vào chung khảo giải Sách Quốc gia Mỹ, năm sau – vào chung khảo cả hai giải thưởng Pulitzer và PEN/ Faulkner. Cuốn Du khách bất đắc dĩ(Accidental Tourist, 1985) đã được giải Sách Quốc gia của giới phê bình văn học, đứng đầu bảng sách bán chạy nhất của New York Time và có vị trí trong danh sách đề cử giải thưởng Pulitzer năm 1986. Nhưng phải hai năm sau giải Pulitzer mới đến tay bà nhờ tiểu thuyết Những bài học hít thở (Breathing Lessons, 1988). Nội dung những tác phẩm hay nhất của Anne Tyler thường bó hẹp trong chuyện gia đình, đôi khi mới hé mở những vấn đề xã hội như cuộc chạy đua điên cuồng và cạnh tranh khốc liệt nhằm đạt được “giấc mơ Mỹ” để rồi nhận ra đó chỉ là ảo ảnh trên hoang mạc mênh mông. Đối với các nhân vật của mình, tác giả thường có thái độ cảm thông pha chút giễu cợt, nhờ đó mà có đóng góp không nhỏ vào việc bảo tồn các giá trị nhân văn truyền thống. Anne Tyler là người ghi chép tỉ mỉ những chuyện hằng ngày về những nhân vật vừa điên rồ lại vừa đáng yêu với hai mối quan tâm lớn nhất: ngôi nhà và cố hương.

Hiện Anne Tyler là viện sĩ Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật Mỹ.

Anne Tyler ở Việt Nam

Du khách bất đắc dĩ đã có bản tiếng Việt kể chuyện một người thường xuyên du hý khắp châu Âu và Bắc Mỹ để viết sách cẩm nang du lịch, tuy nhiên tất cả những gì độc giả của anh nhận được lại là thông điệp: làm thế nào để có được cảm giác như ở nhà trong mỗi chuyến đi – bởi vì thực ra, tác giả chỉ là một du khách bất đắc dĩ… Trong tiểu thuyết này, các nhân vật đều còn trẻ, rất bận bịu với công việc thường ngày nhưng biết nâng niu nguồn tư bản chủ yếu và bất biến của mình – chất người, và niềm tin vào lẽ phải của một thể chế dân chủ.

Gần đây, The Amateur Marriage (2004) đã được hai nhà xuất bản Việt Nam ấn hành với hai tên khác nhau: Hôn nhân amatơ và Cuối trời hợp tan. Một cặp tình nhân yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên, kết hôn trong hoàn cảnh thời chiến, vậy mà cuộc sống lứa đôi của họ lại liên tiếp xảy ra những mâu thuẫn, do có quá nhiều khác biệt về tính cách, sở thích, thói quen… Họ cứ sống mệt mỏi trong cái vòng luẩn quẩn đó mà không sao tìm được hạnh phúc thực sự, vì cái tôi của cả hai đều quá lớn. Sau ba mươi năm chung sống, cuối cùng họ phải chia tay nhau… Tác giả không chỉ đứng ngoài quan sát những cuộc tranh cãi mà còn như trực tiếp can dự vào câu chuyện của gia đình đầy bi kịch này.

Hiện diện

Anne Tyler đã trả lời các câu hỏi trước hơn 900 người, dưới mái vòm của nhà hát cổ kính Sheldonian, chỗ từng diễn ra lễ trao bằng sắc danh giá của Đại học Oxford cho nhiều danh nhân thế giới như nhà hóa học Nga Dmitri Mendeleev (1834-1907), những nhà văn Anh Jonathan Swift (1667-1745, tác giả Gulliver du ký), John R. R. Tolkien (1892-1973, tác giả Chúa nhẫn), nhà văn Nga Ivan Turgenev (1818-1883), nhà vật lý Anh Stephen Hawking (sinh năm 1948)…

Thông qua hình thức một cuộc trò chuyện, do nhà bình luận văn học Peter Kemp của The Sunday Times thực hiện, nữ văn sĩ Anne Tyler kể về khởi đầu sự nghiệp, những nét nổi bật trong quá trình sáng tạo, thế giới quan, ngọn nguồn cảm hứng và kế hoạch sáng tác sắp tới. Lối sống của bà tương tự của nhà văn kinh điển Mỹ Jerome Salinger (1919-2010, tác giả Bắt trẻ đồng xanh): từ chối bàn chuyện văn chương, không bao giờ trả lời phỏng vấn, và nói chung là ưa xa lánh người đời, vì bà quan niệm rằng những cuộc trò chuyện về văn chương chỉ giết chết khả năng sáng tác, tốt hơn hết phải hiện diện ở đời bằng những tác phẩm của mình.

Và trải bốn chục năm, ước mơ của nhiều người đọc mới trở thành hiện thực: họ được thấy, được nghe, được hỏi han, được nhận chữ ký của tác giả mà mình yêu thích, đặc biệt – được mua sớm hai ngày so với lịch phát hành cuốn sách mới nhất – cuốn thứ 19 – của Anne Tyler: tiểu thuyết The Beginner’s Goodbye (có thể hiểu: Lời tiễn biệt dành cho người mới).

Đăng Bẩy

Nguồn: NĐBND

 

Exit mobile version