Trong chuyên mục giới thiệu 100 tiểu thuyết hay nhất trên tờ The Guardian, biên tập viên Robert McCrum đã vinh danh tác phẩm An Artist of the Floating World (1986) của tiểu thuyết gia người Nhật Bản Kazuo Ishiguro.
Theo McCrum, Ishiguro là tác giả của nhiều tiểu thuyết nổi tiếng, nhưng tác phẩm hoàn hảo nhất của Ishiguro thì phải kể đến An Artist of the Floating World , một tác phẩm lột tả rõ nét sự kế thừa các giá trị của nền văn học Nhật Bản cũng như sự nắm bắt được vẻ đẹp ám ảnh cũng như tinh tế của văn xuôi tiếng Anh của tác giả.
Thoạt đầu, người ta có thể cảm thấy tiêu đề của cuốn tiểu thuyết tự sự không đáng chú ý. Tiểu thuyết lấy bối cảnh nước Nhật sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Nó kể về Masuji Ono, một nghệ sĩ đáng kính trong những năm 1930, luôn sống trong sự hoài niệm của quá khứ.
Nhưng theo McCrum, ngay khi đọc những dòng mở đầu tác phẩm, người ta có thể cảm nhận được một thông điệp then chốt xuyên suốt cả tác phẩm của tác giả. Cuộc đời của Ono là sự pha trộn của do dự và không chắc chắn trong tất cả mọi thứ. Mọi thứ Ono có được đều là sự tạm thời, rắc rối: Nghệ thuật, gia đình, cuộc sống.
Phần còn lại của cuốn tiểu thuyết là sự pha trộn giữa những hoài niệm của một nghệ sĩ danh tiếng với hậu quả của một thảm họa quốc gia. Bên ngoài căn nhà yên tĩnh của ông là thế giới với những phán xét nghiệt ngã về thảm họa ở Nagasaki và Hiroshima.
Bên trong ngôi nhà, Ono trải qua những cơn sóng ngầm của gia đình, là sự đấu tranh với bí mật trong quá khứ. Những bí mật của ông đã toát lên một chủ đề lớn của xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ là sự lão hóa dân số, sự cô độc, sự cách biệt lớn giữa thế hệ người già và người trẻ Nhật Bản.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Paris Review, Ishiguro từng nói, cảm hứng khiến ông sáng tác tiểu thuyết An Artist of the Floating World chính là tác phẩm A Pale View of Hills. Ishiguro muốn viết một cuốn tiểu thuyết về một người đàn ông khi phải suy nghĩ lại về những giá trị mà ông đã từng xây dựng nên trong cuộc đời của mình.
Khi kể đến tên tuổi của Ishiguro, không thể không nhắc tới những tác phẩm nổi bật khác đã giành được nhiều dấu ấn trong giới phê bình và độc giả như The Unconsoled (Tạm dịch: Không nguôi), Never Let Me Go (Tạm dịch: Mãi đừng xa tôi), The Remains of the Day (Tạm dịch: Tàn tích của ngày).
Cũng trong danh sách 100 cuốn tiểu thuyết hay nhất được nhắc tên còn có một số tác phẩm khác như: Song of Solomon (1977, tạm dịch: Bài hát của Hoàng tử Solomon) của Toni Morrison; A Bend in the River (1979, tạm dịch: Khúc lượn của dòng sông) của NV Naipaul; Midnight’s Children (1981 tạm dịch: Giữa đêm của trẻ con) của Salman Rushdie; Housekeeping của Marilyne Robinson (1981); Money: A suicide Note của Martin Amis (1984)…
Theo Thục Quyên (Văn nghệ quân đội)