Ảnh minh họa. (Nguồn: canthotourist.vn)

Chiếc nón lá từ bao đời nay đã trở nên gần gũi, thân thuộc đối với người dân Nam Bộ. Qua bao thăng trầm của cuộc sống, chiếc nón lá không chỉ đơn thuần dùng để che nắng, che mưa mà hơn thế nữa, đó là nét riêng, cái “duyên” của dân tộc. Và đâu đó vẫn còn những xóm nghề, những con người vẫn đang âm thầm giữ hồn nón Việt.

Vang danh một thời

Tìm về con xóm nhỏ nằm ven kênh Xẻo Xào (ấp Thới Thuận A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ) để gặp những người phụ nữ khéo tay, đảm đang làm nên những chiếc nón lá vang danh khắp miền Tây sông nước một thời.

Bà Hồ Thị Diện có hơn 50 năm gắn bó với nghề chia sẻ, người dân ở xóm này không ai biết cái nghề này có từ khi nào, cứ đời trước truyền cho đời sau, nghề chằm nón duy trì cho đến tận bây giờ. “Năm 10 tuổi là tôi đã biết chằm nón (khâu nón) giúp mẹ kiếm thêm thu nhập. Nghề này không nặng nhọc nhưng để có được chiếc nón đẹp đòi hỏi người làm phải khéo tay, tỉ mỉ”, bà Diện nói. Sản phẩm làm ra lúc đó có tiếng khắp cả vùng, cung cấp cho nhiều nơi từ Sa Đéc, Tân An, cho đến vùng Cà Mau… với cái danh vang lừng “nón lá Cần Thơ”.

Lúc đầu, nghề làm nón chỉ được xem như nghề phụ để kiếm thêm thu nhập cho chị em phụ nữ những lúc nông nhàn. Nhưng về sau, những khi mất mùa, chiếc nón lá đã lo cho người dân đủ “cơm no, áo mặc”, và dần trở thành nghề chính của xóm nhỏ. Không chỉ chị em phụ nữ chằm nón mà lớp thanh niên trai tráng khỏe mạnh, trẻ em cũng tập tành làm nón những lúc nông nhàn. Bà Diện chia sẻ: “Nón lá Xẻo Xào Cần Thơ khi ấy đắt đến nỗi người làm nón chúng tôi còn được ứng trước tiền để lo cho sinh hoạt gia đình, đến mùa thì chằm nón trả lại”.

Những bàn tay khéo léo làm nên chiếc nón lá Xẻo Xào – Cần Thơ

Một trong những đặc điểm khiến nón lá Cần Thơ được ưa chuộng là vì chiếc nón lá mượt mà và bền bỉ chắc chắn. Bà Diện cho biết, nón lá có hai loại, nón đi ruộng và nón đi chợ. Nón đi ruộng được làm dày dặn, chắc chắn hơn, vành rộng hơn. Còn nón đi chợ thì cọng lá được lựa chọn tỉ mỉ, đẹp, trau chuốt hơn rất nhiều. Giá một chiếc nón đi chợ đắt gấp ba lần chiếc nón đi ruộng. Chính vì thế, những người thợ giỏi nghề ở khu vực này thường chọn nón đi chợ để làm.

Làm ra một chiếc nón là cả một quá trình dài với nhiều khâu khác nhau từ làm mô (khung), chuốt vành, đan lá, chằm nón… tất cả đều cần sự khéo léo và tỉ mỉ. Nón thường được làm bằng lá buông hoặc lá trắng, vành nón bằng trúc được vót tỉ mỉ. Ban đầu nón lá Cần Thơ được làm với khuôn 15 vành. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nón lá miền trung nên về sau thay đổi làm 16 vành như hiện nay. Vành được kiềng lên mô nón, sau đó tiến hành lợp lá với hai lớp đều nhau.

Người thợ vừa khâu, vừa giữ cho kết lá đều. Chỉ may được lựa chọn tỉ mỉ trên cơ sở bền, mảnh và trong. Nón lá sau khi được hoàn thành sẽ được quét một lớp dầu bóng pha với xăng nhằm chống thấm nước, tăng độ bóng, độ bền cho sản phẩm. Tùy theo khoảng cách của từng mũi kim mà người ta phân biệt ra nón thưa và nón dày. Người ta chọn mua một chiếc nón đẹp trên cở sở chiếc nón ấy có bền hay không, đan dày hay thưa, vành vót vừa hay nhỏ.

Bà Diện cho biết thêm, một chiếc nón do người thợ giỏi nghề làm được bán với giá gấp ba đến năm lần nón thường (khoảng 60.000 – 70.000 đồng/cái).

Giữ hồn nón lá Việt Nam

Gia đình các chị Hồ Thị Dung (em bà Diện), Phạm Thị Trắng được xem là những người chằm nón đẹp nhất xóm này. Nhìn những chiếc nón họ làm, dù là những người khó tính nhất cũng phải xuýt xoa “như vầy mới là nón lá Cần Thơ” và sẵn sàng bỏ giá cao để mua chúng. Chị Dung chia sẻ, những lần quảng bá nghề chằm nón lá ở Cần Thơ chị thường xuyên được mời đi biểu diễn. Đó là những khi mà chị Dung, chị Trắng cảm thấy tự hào và hạnh phúc nhất.

Nhưng cái nghiệp giỏi giang, nổi tiếng của họ chỉ dừng lại ở giới hạn của một người làm ra sản phẩm. Làm được chiếc nón lá đã khó thì nay việc tiêu thụ lại càng khó hơn, nhu cầu sử dụng chiếc nón lá không còn nhiều như trước. Chính vì thế giá thành của mỗi chiếc nón cũng giảm đi rất nhiều. Tâm sự với chúng tôi, chị Dung cho biết: “Ở cái xóm này người chằm nón thì rất nhiều nhưng không ai khá lên được với cái nghề này, lo đủ cơm no áo mặc là mừng lắm rồi”. Bởi lẽ, đến những người chằm nón giỏi như chị Trắng, chị Dung mỗi ngày cũng chỉ làm được hai chiếc nón, sau khi trừ hết tất cả các chi phí chỉ lời được vài chục ngàn đồng.

Ấp Thới Thuận A có khoảng 150 hộ dân làm nón chiếm 50% tổng số hộ dân. Để giải quyết lao động nhàn rỗi và lưu giữ làng nghề truyền thống, các cấp hội phương, hội phụ nữ thường xuyên mở các lớp dạy chằm nón cho những lao động chưa lành nghề phần cũng vì muốn khơi gợi cho chị em lòng đam mê, yêu nghề như trước đây. Những chương trình hỗ trợ vốn, tặng đồ nghề cho người dân cốt để giữ nghề nón lá không bị mai một. Bởi lẽ, mức thu nhập còm cõi của nghề đã khiến không ít người bất đắc dĩ phải tìm nghề khác để mưu sinh.

Câu nói của bà Diện khiến chúng tôi không thể nào quên được hình ảnh chiếc nón lá Cần Thơ và cái xóm nghề cần mẫn này: “Các con tôi, dù ăn học, có nghề nghiệp ổn định nhưng đứa nào tôi cũng dạy làm nón để giữ lấy cái nghề gia truyền, cái nghề đã nuôi tụi nó khôn lớn”. Dù không còn là nghề được ưu tiên lựa chọn nhưng may mắn thay vẫn còn những người như bà Diện, chị Trắng, chị Dung vẫn đang âm thầm tỉ mỉ, khéo léo vì nhiệt huyết với nghề và vì muốn níu giữ cái nghề làm nên nét đặc sắc của người dân Nam Bộ.

Theo Kim Thoa – Nhân dân online