Khi được yêu cầu tìm một trong số những tác phẩm của Charles Dickens để viết cho chương trình The Essay trên BBC Radio 3, tôi đã lập tức chọn “A Christmas Carol”, không chút chần chừ.

Bởi tôi xưa nay vẫn rất ấn tượng trước niềm say mê của Dickens đối với các kỳ Giáng sinh. Theo một thống kê, A Christmas Carol là cuốn sách được đọc nhiều nhất của ông. Còn cụm từ “Bah! Humbug!” (Tầm bậy tầm bạ) trong tác phẩm này là cụm từ nổi tiếng nhất Dickens từng viết ra.

Sự nổi tiếng của A Christmas Carol, theo tôi, dựa trên sự ám ảnh sâu sắc của Dickens đối với Giáng sinh. A Christmas Carol không chỉ là câu chuyện đơn giản về 3 con ma mà nó là cảm xúc sống động được viết ra từ trái tim nhà văn. Người ta cho rằng, khi viết tác phẩm này, Dickens đã khóc. Với ông, Giáng sinh là nơi trốn chạy khỏi ký ức tuổi thơ cực nhọc, đau đớn. Khoảng thời gian kinh hoàng khi làm việc tại Warren’s Blacking Warehouse gieo vào ông nỗi sợ hãi thường trực về sự bất an. Dickens đi đến chỗ lý tưởng hóa Giáng sinh, coi kỳ nghỉ Noel là nơi mà sự bình an và hạnh phúc không thể bị trì hoãn hay ngăn cản, là nơi trú ngụ an toàn trong thế giới khắc nghiệt.


Cảnh trong phim hoạt hình dựa trên tác phẩm A Christmas Carol.

Ông từng phác thảo ra một bối cảnh tiền công nghiệp, thậm chí còn mang hơi hướng Trung cổ – nơi ở mỗi kỳ Giáng sinh, Hạnh phúc bị biến thành nô lệ và trẻ em là đối tượng phục vụ hàng đầu của nó. Khi Dickens trở nên giàu có, ông muốn mình là kẻ chủ trò những cuộc vui Noel. Rõ ràng dịp lễ Giáng sinh là thứ thuốc giải độc cho Dickens trước nỗi ám ảnh lâu dài về một quá khứ nghèo đói và bị ruồng bỏ.

A Christmas Carol là câu chuyện xoay quanh cuộc sống của Scrooge – kẻ giàu có keo kiệt và thiếu tình yêu thương; Fred – cháu ông ta – và Bob Cratchit. Trong khi hai chàng trai trẻ háo hức chuẩn bị Giáng sinh thì lão già Scrooge luôn miệng cằn nhằn “Bah! Humbug!”, rằng ngày này chỉ tổ tiêu tốn tiền thôi.

Nhà văn người Anh đã trải qua quá khứ bị phản bội và ruồng bỏ. Mẹ ông luôn tìm cách bắt con lao động tại Warren’s Blacking Warehouse.


Phác thảo cảnh Dickens làm việc trong Warren’s Blacking Warehouse.

Vài ngày sau sinh nhật lần thứ 12, Charles phải nghỉ học và được mẹ đưa đến làm lao động chân tay tại nhà máy đóng giày Warren’s Blacking Warehouse. Nơi này, cậu bé Charles được trả 6 shilling mỗi tuần với lượng công việc nặng nhọc: 10 giờ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần. Điều kiện làm việc ở nhà máy rất kinh khủng và những đứa trẻ như Charles bị đối xử tệ bạc. Charles từng nhiều lần trốn về nhưng lại bị mẹ đưa đến đây để tiếp tục làm việc. Khoảng thời gian này đã ám ảnh nhà văn đến suốt đờn.

Dickens đã không bao giờ tha thứ cho mẹ vì điều này. Nhà văn từng viết: “Tôi viết những điều này hoàn toàn không trong trạng thái phẫn uất hay bực bội, dù tôi biết những thứ này đã kết hợp với nhau như thế nào để làm nên tôi ngày hôm nay. Nhưng tôi đã không bao giờ quên, sẽ không bao giờ quên và không bao giờ có thể quên rằng, mẹ đã vui vẻ đẩy tôi trở về chốn địa ngục đó”.

Bố của Dickens từng một lần đến đây, nhìn qua cửa kính, chứng kiến điều kiện lao động của con. Điều đó đã khiến cậu bé Charles cảm thấy vô cùng bối rối và tủi nhục. “Tôi tự hỏi, làm sao ông ta có thể chịu đựng được cảnh đó”, nhà văn viết. Đó là lý do những kỳ nghỉ Giáng sinh lại trở nên quan trọng và có ý nghĩa đến vậy với Charles Dickens.

Thanh Huyền dịch

Nguồn: eVan.

Exit mobile version