Ông Alvin Toffler – tác giả của những cuốn sách ảnh hưởng sâu sắc tới các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Hoa Kỳ và nhiều ông trùm tư bản vừa qua đời.

Alvin Toffler - tác giả của Cú sốc tương lai qua đời

Tác giả Alvin Toffler – Ảnh: Reuters

Theo Washington Post, học giả với tầm nhìn sâu sắc về các biến đổi xã hội, đặc biệt nổi tiếng với hai tác phẩm Cú sốc tương lai (Future shock) Đợt sóng thứ ba (The third wave) trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 87 vào ngày 27-6 tại nhà ông ở Los Angeles, Mỹ.

Ông Toffler viết hơn một chục cuốn sách cho thấy những hình dung về thay đổi văn hóa trong thế kỷ 20 khi các nền kinh tế dựa trên sản xuất chuyển sang những nền kinh tế dựa trên tri thức và công nghệ.

Hợp tác cùng vợ mình – bà Heidi Toffler trong các công trình, ông tiên đoán và mở ra khái niệm mà ông gọi là “kỷ nguyên thông tin” và trở thành bậc thầy trong nhiều lĩnh vực với các chính khách thế giới.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Nhân dân nhật báo năm 2006, ông nói: “Không ai biết chắc được tương lai. Tuy nhiên chúng ta có thể nhận diện các mô hình thay đổi đang diễn ra”.

Những năm 1980 và 1990, trong giai đoạn các nền kinh tế mới nổi của châu Á nâng dần vị thế, các nhà lãnh đạo châu Á như cố thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương, cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và cố tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung đều đã học hỏi từ những chia sẻ về tầm nhìn của ông Toffler.

Năm 1994, chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich từng kêu gọi các nghị sĩ hãy đọc cuốn sách mới nhất của ông Toffler là cuốn Tạo dựng một nền văn minh mới (Creating a new civilzation).

Tác phẩm của ông Toffler cũng ảnh hưởng nhiều tới tỉ phú người Mexico – Carlos Slim, người trở thành người giàu nhất thế giới trong một thời gian dài.

Theo trang web của ông bà Tofflers, tới nay hơn 15 triệu bản Cú sốc tương lai được bán ra.

Ảnh hưởng của ông Toffler có thể nói nổi bật hơn cả tại Trung Quốc. Năm 2006, Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa tên ông vào danh sách 50 người nước ngoài có ảnh hưởng quan trọng tới quốc gia này trong những thế kỷ gần đây.

Đợt sóng thứ ba – cuốn sách xuất bản năm 1980, cũng là sách bán chạy tại Trung Quốc. Một phiên bản sách bằng video do bà Heidi Toffler sản xuất, được phát hành tới các trường học trên toàn Trung Quốc.

Tuy nhiên ông bà Toffler cho biết do nạn vi phạm bản quyền, họ không được hưởng bất cứ đồng nhuận bút nào.

Những cuốn sách được nhắc tới trong bản tin này đều được dịch và xuất bản tại Việt Nam.

Theo D.Kim Thoa – Tuổi trẻ

Exit mobile version