Tôi mong muốn có một vị trí xứng đáng cho các tác giả Việt Nam trong các hiệu sách, các thư viện cũng như tất cả những nơi có mặt độc giả tiếng Pháp” – Alain Jauson đã bày tỏ như thế. Là người có rất nhiều kinh nghiệm trong ngành xuất bản, từng là Phó giám đốc NXB danh tiếng Maisonneuve et Larose ở khu Latin Paris trong vòng gần 20 năm, trước khi trở thành giám đốc NXB Riveneuve.

Một sự kiện gần đây được báo chí Việt Nam quan tâm, đó là việc ra mắt Tủ sách Văn học Việt Nam đương đại tại Pháp vào tháng 10/2012 do NXB Riveneuve đỡ đầu. Xung quanh Tủ sách này cũng như việc giới thiệu văn học Việt Nam tại Pháp, nhà văn Phong Điệp đã có cuộc trò chuyện với Alain Jauson

* Thưa ông Alain Jauson, xin ông cho biết, vì sao NXB Riveneuve đã mạnh dạn đứng ra làm “sứ mệnh đặc biệt” là đỡ đầu cho Tủ sách Văn  học Việt Nam đương đại tại Pháp?

– Có lẽ do chúng tôi dần dần ý thức được sự quan tâm ngày càng lớn của độc giả khối Pháp ngữ đến văn học Việt Nam. Cũng như chúng tôi thấy được những dấu hiệu của một nền văn chương mới của các bạn. Rõ ràng là thế hệ trẻ Việt Nam đang cần được thể hiện mình qua văn chương. Nhưng để thực hiện được “sứ mệnh” này, đương nhiên chúng tôi phải qua trung gian là các dịch giả. Không có họ, chúng tôi làm sao có thể giới thiệu được các tác phẩm viết bằng tiếng nước ngoài? Dịch giả là cầu nối của chúng tôi với bạn đọc.

Ông Alain Jauson

* Đã có ai nói với ông rằng, ông đang làm một công việc phiêu lưu và liều lĩnh?

– Người làm xuất bản thì phải biết phiêu lưu, nhưng cũng phải biết tính toán để làm thế nào cho ý đồ của mình ít phiêu lưu nhất. Việt Nam là một đất nước đang chuyển mình, giới thiệu các tác giả và các tác phẩm Việt Nam, tôi vừa phiêu lưu nhưng cũng đầy hy vọng.

Các kết quả đầu tiên đã cho thấy tôi cũng không liều lĩnh quá đâu. Và điều này, chắc chúng tôi không thể thực hiện được nếu không có một người phụ trách Tủ sách đầy năng lực, vừa quyết liệt vừa bền bỉ như Đoàn Cầm Thi.

* Điều gì khiến ông bị lôi cuốn, hấp dẫn bởi văn học Việt Nam?

– Trước đây, tôi đọc một số tác phẩm văn học Việt Nam dịch sang Pháp văn. Đất nước các bạn có một truyền thống văn chương lâu đời. Nhưng khi đọc một số tác giả trẻ mà Đoàn Cầm Thi muốn giới thiệu, tôi nhận thấy văn học Việt Nam không những phong phú mà còn hiện đại và nhiều tham vọng. Đỗ Khiêm, Thuận, Nguyễn Việt Hà, đó là những đề tài, phong cách cũng như trải nghiệm thật đa dạng và luôn làm tôi bất ngờ.

* Thực tế tại thị trường Pháp, chỉ có một vài NXB làm sách văn học châu Á, những NXB làm sách văn học Việt Nam càng ít ỏi hơn. Chưa nhiều độc giả Pháp quan tâm và tìm đọc sách văn học Việt Nam. Vậy NXB Riveneuve đã có những “bí mật” nào để lôi kéo độc giả đến với sách văn học Việt Nam?

– Chúng tôi không có bí mật gì hết. Chúng tôi chỉ mong rằng những tác phẩm văn học này lôi kéo công chúng Pháp ngữ bằng giá trị nghệ thuật của chúng. Đương nhiên, việc giới thiệu này đi liền với việc tạo sự chú ý của giới truyền thông về một khía cạnh khác của Việt Nam. Việt Nam không chỉ là một tiềm năng về kinh tế, mà đó còn là một xứ sở văn chương không thể bỏ qua. Như vậy, văn học có thể làm phong phú và thi vị hình ảnh đất nước các bạn trong con mắt người phương Tây.

* Để Tủ sách hoạt động hiệu quả, giới thiệu được nhiều tác giả, tác phẩm mới của văn học Việt Nam tới độc giả Pháp, từ góc nhìn của người làm xuất bản, theo ông, cần phải có những điều kiện gì?

– Phải làm thế nào lôi kéo sự chú ý của báo chí và các phương tiện truyền thông khác. Nhưng cũng rất quan trọng việc ủng hộ của các cơ quan quyền lực cũng như các hiệp hội thư viện, hệ thống nhà sách, các công ty phát hành. Tôi được biết năm 2014 là Năm Việt Nam tại Pháp. Hy vọng đây sẽ là một đòn bẩy quan trọng cho việc giới thiệu văn học của các bạn ở đây. Các bạn cũng như chúng tôi không nên bỏ lỡ cơ hội này.

* NXB Riveneuve có đặt ra mục tiêu một năm sẽ xuất bản bao nhiêu đầu sách văn học Việt Nam hay không?

– Chúng tôi có ý định in ít nhất 5 cuốn một năm, để có thể bảo đảm sự tồn tại của Tủ sách trên những điểm phát hành và để có được một cộng đồng độc giả trung thành với văn học Việt Nam.

* Độc giả Pháp rất đa dạng. Theo ông, có nên định hướng một “nhóm thị trường độc giả mục tiêu” để giới thiệu những tác phẩm trong Tủ sách văn học Việt Nam đương đại đạt được hiệu quả cao hơn hay không?

– Chúng tôi sẽ tiến hành điều tra về phía độc giả, và tùy theo kết quả điều tra mà ban biên tập sẽ điều chỉnh thể loại các tác phẩm in. Hiện nay, chúng tôi chỉ giới thiệu văn chương thuần túy. Nhưng rất có thể chúng tôi sẽ tiến đến việc in các tiểu luận.

* Cá nhân ông đánh giá về cơ hội và triển vọng phát triển của Tủ sách văn học Việt Nam đương đại tại Pháp?

– Tủ sách có những cơ hội phát triển trong thị trường khối Pháp ngữ. Bên cạnh đó, ngay trong những nước không thuộc cộng đồng nói tiếng Pháp, có rất nhiều người đọc văn học nước ngoài qua tiếng Pháp. Tôi được biết có những độc giả Đan Mạch, Thụy Điển, Italia… đọc văn học Việt Nam qua các bản dịch của Phan Huy Đường, Kim Lefèvre hay Đoàn Cầm Thi. Tiếng Pháp vẫn là một thứ tiếng được những người yêu văn chương trên toàn thế giới trung thành gìn giữ. Theo thống kê của UNESCO, thì nước Pháp là nước có nhiều tác phẩm Việt Nam được dịch nhất, sau đó mới đến Nga và Mỹ.

* Xin chúc ông và NXB  Riveneuve sẽ thành công với dự án Tủ sách văn học Việt Nam đương đại tại Pháp.

Phong Điệp (thực hiện)

Nguồn: TT&VH

Exit mobile version