Family Life (tạm dịch: Cuộc sống gia đình), cuốn tự truyện của nhà văn Ấn Độ nhận được Giải thưởng Văn học quốc tế Dublin trị giá 100.000 euro (tương đương 2,5 tỉ đồng).

Family life kể về cuộc di cư của một gia đình từ New Delhi đến New York. Ở đó có người anh trai lớn bị tai nạn và bị tổn thương não, cần chăm sóc 24 giờ liên tục.

Chia sẻ về chiến thắng của mình, Akhil Sharma nói: “Khi nhận được email rằng tôi đã chiến thắng, ý nghĩ đầu tiên của tôi là “Cảm ơn Chúa, con đã không phải thất vọng”. Mãi hai, ba ngày sau, tôi mới bắt đầu cảm thấy hạnh phúc. Tôi không tin được cuốn sách của tôi đã đạt giải thưởng đó, đồng nghĩa với việc nó là cuốn sách tuyệt nhất”.

“Tôi cảm thấy thật vinh dự vì đây là một giải thưởng lớn và được biết đến từ nhiều thập kỉ nay, và tôi cũng thực sự ngưỡng mộ những tác giả đã đạt được giải thưởng này như: Nobel Orhan Pamuk và Herta Müller, cũng như các tác giả người Anh như Jim Crace và Jon McGregor.”

3327
Chân dung tác giả người Ấn Độ Akhil Sharma


Tác giả đã mất 13 năm để hoàn thành cuốn tiểu thuyết. Nó được ông mô tả như “một cơn ác mộng – giống như việc tiêu hóa đá sỏi”. Và khi nhận được số tiền thưởng lớn, ông nói về dự định nhỏ của mình: “Trong suốt thời gian viết cuốn tiểu thuyết, tôi đã bắt đầu chạy như một con “quái vật”, tôi chạy 17 dặm mỗi ngày, vì vậy cỡ giày của tôi đã tăng size, nên dự định đầu tiên của tôi là mua một đôi giày”.

“Tôi cũng sẽ thành lập một khóa học bổng mang tên anh trai tôi tại Ấn Độ để giúp đỡ những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có thể đến trường học. Tôi đã dự định làm điều này từ lâu”.

Nhà văn cũng cho biết, nhà xuất bản đã rất ủng hộ trong quá trình ông hoàn thành cuốn sách. Biên tập viên người Anh đã nói với ông rằng: “Hãy gửi cho tôi bản thảo của ông và chúng ta sẽ biến cuốn sách thách thức sự chịu đựng đau đớn của độc giả thành một cuốn sách tràn đầy sức sống”.

Akhil Sharma chia sẻ: “Tôi luôn tự nhủ với bản thân rằng nó không phải là một tác phẩm hay, nó chỉ đơn thuần giống như những tác phẩm khác, và đến một thời điểm nào đó, nó cần được giải phóng. Khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết, tôi đã rất ngạc nhiên vì tôi đã học được nhiều điều trong quá trình tạo ra nó”.

Hội đồng chấm giải gồm tiểu thuyết gia Ian Sansom, Juan Pablo Villalobos và Carlo Gébler, nói rằng: “Đóng lại cuốn sách, cảm giác như ánh sáng và bóng tối lẫn lộn, bạn chỉ còn lại cảm giác khi đọc sách, cốt lõi là những trải nghiệm con người và những gì còn tồn tại. Đó là hình thức cao nhất của văn chương. Chỉ có một số ít làm được, và cuốn tiểu thuyết này là một trong số đó. Thành công, rực rỡ và cảm động”.

Cuốn sách cũng đã nhận giải Folio cho tác phẩm viết và xuất bản tại Anh. Tác giả cũng chia sẻ mình đang viết tác phẩm mới và sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Theo Bình Nguyên – Văn nghệ quân đội (dịch từ The Guardian)

Exit mobile version